(Tham luận Hội nghị Lý luận Phê bình văn học lần thứ III tại Tam Đảo, ngày 4-5/6/2013)
Trong phê bình văn học của Việt Nam ta có thể thấy có hai xu hướng: Một là đánh giá tác phẩm và hiện tượng dựa vào khả năng cảm thụ nhạy bén của người phê bình; hai là dựa vào các lý thuyết mỹ học để phán xét giá trị và nhận thức tác phẩm và hiện tượng. Ở đây tôi xin bàn về xu hướng thứ hai.
Từ những năm 1930, trong không khí tiếp xúc với văn hoá phương Tây, giới văn học Việt Nam bắt đầu thực hiện công cuộc hiện đại hoá nghiên cứu văn học. Các nhà nghiên cứu bắt đầu vận dụng các lý thuyết mỹ học của phương Tây để khảo cứu và thẩm định văn chương. Hai trong số những người đầu tiên theo xu hướng này là Trần Thanh Mại và Trương Tửu.
Trần Thanh Mại là người đã áp dụng phương pháp tiểu sử một cách triệt để và tự giác. Năm 1935 ông viết công trình Trông dòng sông Vị (phê bình văn chương và thân thế Trần Tế Xương). Đến 1941 ông viết Hàn Mạc Tử, thân thế và thi văn. Trong các công trình của mình, Trần Thanh Mại tiếp thu phương pháp tiểu sử của phương Tây để khảo cứu và phê bình văn học Việt Nam. Mặc dù phương pháp này không phải là mới ở Việt Nam, nhưng Trần Thanh Mại là người thực hiện một cách có ý thức nhất.
Trương Tửu thì lại càng triệt để hơn trong việc áp dụng các lý thuyết và phương pháp nghiên cứu của phương Tây vào phê bình văn học Việt Nam. Năm 1936, trong bài viết Cái ám ảnh của Hồ Xuân Hương, ông đã dùng tâm phân học Freud để lý giải thơ của nữ sĩ. Đặc biệt, Trương Tửu rất tâm đắc với phương pháp xã hội học mà ông gọi là “phương pháp duy vật biện chứng”. Trong công trình Tâm lý và tư tưởng Nguyễn Công Trứ dưới bút danh Nguyễn Bách Khoa, xuất bản 1944, ông đã tiếp thu lý thuyết nhân học – xã hội học của Hippolyte Taine, lý thuyết tâm lý học của Jean Piaget, lý thuyết xã hội học – lịch sử của Gheorghi Plekhanov, để rút ra cái mà ông gọi là “phương pháp duy vật biện chứng”. Ông tuyên bố: “Khảo cứu văn học […] là khảo cứu theo phương pháp duy vật biện chứng, là cái phương pháp khoa học cao nhất, hiệu nghiệm nhất…”[i]
Thế nhưng, chính những người đi tiên phong trong việc áp dụng các phương pháp khoa học này đôi khi cũng bộc lộ sự lệ thuộc vào lý thuyết mà chưa căn cứ xác đáng vào thực tiễn sáng tác, từ đó ít nhiều đã để định kiến chi phối các nhận định của mình, dẫn đến những kết quả thiếu chính xác, làm giảm chất lượng và hiệu quả của phê bình.
Năm 1961, khi viết lại cùng Trần Tuấn Lộ công trình khảo cứu mới Tú Xương, con người và nhà thơ, chính Trần Thanh Mại đã vạch ra một số nguyên nhân đã dẫn ông đi đến những cách hiểu lệch lạc về Tú Xương trong công trình trước. Ông tự nhận rằng trong những cách hiểu lệch lạc có hai quan niệm sai lầm chính là: 1. Cho rằng Tú Xương chỉ vì hỏng thi mà bất mãn, làm thơ để chửi đổng cho hả mối căm tức; 2. Cho rằng Tú Xương chỉ là một thứ triết gia hành lạc, một kẻ ăn chơi liều lĩnh, sinh sống bê tha, chẳng có tâm tư gì thanh cao, chẳng có tư tưởng gì đáng trọng.
Còn Trương Tửu, bên cạnh những đóng góp to lớn không thể phủ nhận cho công cuộc hiện đại hoá nghiên cứu văn học, ông cũng có lúc quá lệ thuộc vào lý thuyết. Ông rất nhấn mạnh đến tính khoa học của phương pháp, và ông đả phá kịch liệt những người nào chỉ ưa cái thói bình văn, tán văn theo lối tụng ca mà không đưa ra được bất cứ một luận cứ nào cho sự tụng ca đó. Lối phê bình đó được ông gọi là “phương pháp phê bình phù phiếm”. Từ đó ông đã áp dụng cái mà ông gọi là “phương pháp duy vật biện chứng” để nghiên cứu thơ Hồ Xuân Hương và Truyện Kiều của Nguyễn Du.
Trong công trình Văn chương Truyện Kiều, Nguyễn Bách Khoa cho rằng cái mà từ trước đến nay người ta vẫn khen nhất ở Truyện Kiều là thể thơ lục bát (tức hình thức nghệ thuật), thì cũng “chỉ là sản phẩm của một trạng thái nô lệ của dân tộc trong một giai đoạn lịch sử (thời Bắc thuộc).”[ii] Còn về nội dung Truyện Kiều thì theo ông nó chỉ là sự phản ánh cái ý thức hệ ốm yếu của đẳng cấp Nguyễn Du mà thôi. Ông đã nhắc lại cái kết luận mà ông đã rút ra trong cuốn sách Nguyễn Du và Truyện Kiều đã xuất bản trước (1943): “Truyện Kiều chỉ là cái kết tinh của những cái suy nhược trong cốt tinh Việt Nam.” Và: “Một xã hội ốm, một đẳng cấp ốm, một cá nhân ốm: Tất cả Truyện Kiều là ở đó.”[iii] Đó là kết luận về nội dung, còn lần này (1944), khi nghiên cứu hình thức của Truyện Kiều, ông vẫn rút ra cái kết luận ấy và tuyên bố rằng “Ý thức của nghệ sĩ quy định hình thức của tác phẩm thật là chặt chịa. Tôi thành thực hiến câu kết luận này cho sự suy nghĩ của những ai đã tưởng nhầm rằng giá trị một tác phẩm chỉ là một giá trị kỹ thuật, một giá trị về hình thức.”[iv] Cuối cùng ông kết luận bằng một câu phủ nhận giá trị Truyện Kiều như sau: “Truyện Kiều là một thứ văn chương đã ở một vị trí phản tiến hoá lúc đương thời của Nguyễn Du. Nó chứa chan một chất tàn héo, tiêu ma (chất thơ). Nó là kết tinh phẩm của một chặng đường suy đồi nhất trên tràng kỳ tiến hoá của cá tính Việt Nam. Cái đẹp của Truyện Kiều ngày nay chỉ những tâm hồn muốn thụt lùi mới có thể thưởng ngoạn được.”[v]
Ngày nay, chúng ta thấy là phương pháp xã hội học của Nguyễn Bách Khoa đã bộc lộ những khiếm khuyết đáng tiếc. Ông đã có xuất phát điểm đúng khi phê phán “phương pháp phê bình phù phiếm”, nhưng ông lại sa vào một cực đoan khác: phê bình máy móc. Mặc dù ông tuyên bố phương pháp của ông là “phương pháp duy vật biện chứng”, mang tính khoa học chặt chẽ, nhưng việc thực hành của ông lại thiếu biện chứng và thiếu chặt chẽ. Áp dụng quan điểm phân chia giai cấp của chủ nghĩa Mác, ông đã lược quy sự tác động của hoàn cảnh xã hội để suy diễn máy móc, không thấy được mâu thuẫn trong con người Nguyễn Du khi đánh giá nội dung Truyện Kiều, và không thấy được vị trí độc lập của nghệ thuật so với ý thức giai cấp – xã hội khi ông đánh giá giá trị của thể thơ lục bát. Việc này đã làm cho cái “phương pháp duy vật biện chứng” của ông biến thành “phương pháp duy vật máy móc”, và nó đã bị nhiều người phê phán, như Nguyễn Văn Trung chẳng hạn.
Trong cuốn sách Lược khảo văn học (tập I, 1963), Nguyễn Văn Trung đã phê phán phương pháp nghiên cứu [hay phê bình] của Nguyễn Bách Khoa là nó chỉ căn cứ vào hoàn cảnh xã hội của nhà văn; và ông phê phán cả những người đi theo xu hướng của Nguyễn Bách Khoa như Hoa Bằng chẳng hạn. Ông dẫn thêm công trình của Hoa Bằng Hoàng Thúc Trâm: Hồ Xuân Hương, nhà thơ cách mạng (1949) để phê phán rằng cả cuốn sách 13 chương của Hoa Bằng mà có tới 12 chương bàn về tiểu sử, về thời đại và hoàn cảnh xã hội; trong khi đó thì sáng tác thơ của Hồ Xuân Hương chỉ được nhắc đến rất qua loa. Và ông cho rằng những người này đã quá ham mê đi sâu vào tiểu sử, vào hoàn cảnh xã hội và thời đại của nhà văn mà bỏ rơi mất tác phẩm. Rõ ràng, nếu áp dụng phương pháp xã hội học mà tách rời khỏi tác phẩm thì sẽ dẫn đến một công trình điều tra xã hội thô thiển chứ không phải là xã hội học văn học.
Đó là tình hình nghiên cứu ở nửa đầu thế kỷ XX. Những khiếm khuyết của nó có thể được biện minh bởi tình trạng non trẻ của khoa nghiên cứu văn học của Việt Nam lúc bấy giờ. Sự lệ thuộc thái quá vào lý thuyết, nhất là những lý thuyết du nhập của nước ngoài, đã làm xuất hiện lối phê bình dựa vào áp đặt định kiến mà không căn cứ vào thực tiễn sáng tác. Thế nhưng ngày nay, tình trạng phê bình lệ thuộc vào lý thuyết và theo định kiến hình như vẫn đang chi phối một bộ phận trong giới nghiên cứu ở Việt Nam. Việc áp dụng lý thuyết là rất cần thiết, nhưng không phải các lý thuyết đều có khả năng áp dụng như nhau. Khi áp dụng một lý thuyết, chúng ta nên xét xem thực tiễn văn học có phù hợp với lý thuyết đó không, và nếu phù hợp thì phù hợp đến mức nào.
Chẳng hạn gần đây ở Việt Nam đang bắt đầu nói đến nghiên cứu hậu thực dân trong văn học và có ý kiến nói đến triển vọng của nó ở Việt Nam. Song tôi cũng thấy băn khoăn là không biết khi nghiên cứu văn học hậu thực dân ở Việt Nam thì chúng ta nghiên cứu vấn đề gì? Thực tế là vấn đề văn học hậu thực dân trên thế giới đã xuất hiện ở (và đối với) những nước thuộc địa cũ của Pháp, Anh và Mỹ, đó là những nước vẫn còn giữ lại những thiết chế chính trị và văn hoá của mẫu quốc, họ có vấn đề về mâu thuẫn giữa thiết chế với bản sắc dân tộc, có vấn đề tìm lại bản sắc dân tộc sau chế độ thực dân, bởi lẽ phần lớn các nước đó sau khi độc lập vẫn nằm trong Liên hiệp Pháp hay Liên hiệp Anh. Trong khi đó Việt Nam giành độc lập bằng cuộc cách mạng dân chủ, lật đổ chế độ thực dân, thiết lập một chế độ mới với những thiết chế chính trị và văn hoá mới hoàn toàn. Vậy ở Việt Nam, trong hơn nửa thế kỷ qua, vấn đề cần giải quyết là vấn đề văn học hậu thực dân hay là vấn đề xây dựng nền văn học mới? Tại sao gần 70 năm qua chúng ta không đặt ra vấn đề nghiên cứu hậu thực dân trong văn học mà bây giờ lại đặt ra? Nghiên cứu văn học hậu thực dân ở Việt Nam hiện nay, nếu có thì có xuất phát từ yêu cầu của thực tiễn hay là một sự áp đặt của lý thuyết bên ngoài? Việc xác định vấn đề như vậy là rất quan trọng.
Đó là chưa kể nhiều người còn hiểu sai những khái niệm chủ chốt nhất của lĩnh vực nghiên cứu này: hai thuật ngữ tiếng Anh “postcolonialism” và “Orientalism” đã được họ dịch là “chủ nghĩa hậu thực dân” và “chủ nghĩa phương Đông”. Trên thực tế không hề có “chủ nghĩa” hậu thực dân và “chủ nghĩa” phương Đông. “Postcolonialism” chỉ có nghĩa là “nghiên cứu hậu thực dân” [hay “nghiên cứu hậu thuộc địa”]; còn “Orientalism” có các nghĩa: “phong cách phương Đông”, “phương Đông học” [hay “nghiên cứu phương Đông”]. Trong các ngôn ngữ phương Tây, hậu tố “ism” trong nhiều trường hợp không có nghĩa là “chủ nghĩa”.
Rồi ta cũng thấy rộ lên câu chuyện về văn học nữ quyền. Ở phương Tây, phong trào nữ quyền thể hiện trong rất nhiều lĩnh vực, đặc biệt là trong chính trị-xã hội, như việc đòi quyền tham gia chính trị của phụ nữ mà ở nhiều nước hiện nay nó vẫn chưa được quan tâm thoả đáng. Còn trong văn học, phong trào nữ quyền ở phương Tây hiện nay chủ yếu thể hiện ở việc phát hiện, phục hồi và quan tâm đến tác phẩm của các nhà văn nữ. Vậy ở Việt Nam thì sao? Ở đây cũng lại có những băn khoăn: Chúng ta có vấn đề nữ quyền trong một số lĩnh vực xã hội, nhưng trong văn học thì sao? Chúng ta sẽ giải quyết vấn đề gì? Người phụ nữ đã xuất hiện ngay từ buổi đầu của lịch sử văn học trên cả phương diện đối tượng lẫn chủ thể sáng tác, điều này trên thế giới và ở Việt Nam thì thời nào cũng có. Nhưng có phải cứ viết về phụ nữ thì là văn học nữ quyền không? Có phải cứ nghiên cứu về phụ nữ trong văn học thì là phê bình nữ quyền không? Thực tế là phải có vấn đề liên quan đến quyền của phụ nữ thì chúng ta mới có thể nói tới nữ quyền trong văn học. Hiện nay ở nước ta mới chỉ có giới thiệu các bài viết của nước ngoài về nữ quyền mà chưa thấy nói văn học nữ quyền ở Việt Nam là gì. Phải chăng vì nó không có vấn đề nên người ta không nói ra được. Mà không có vấn đề thì không thể nghiên cứu được. Nếu không xác định được vấn đề thì việc nghiên cứu nữ quyền trong văn học cũng chỉ là gắn một cái nhãn mới cho những công việc vẫn làm lâu nay, hoặc là du nhập vấn đề nữ quyền của phương Tây vào nước ta một cách gượng ép. Cái đó trong khoa học người ta gọi là “nguỵ vấn đề”. Từ nguỵ vấn đề đến nguỵ khoa học chỉ là một bước nhỏ. Đó là điều rất cần cân nhắc kỹ lưỡng.
Và mới đây, dựa vào các lý thuyết mỹ học mới, có ý kiến cho rằng đang xuất hiện một xu hướng mới trong tiểu thuyết lịch sử, đó là trở về với “tiểu tự sự”, với văn hoá dân gian, với đời thường; từ bỏ diễn ngôn “đại tự sự” chính trị, để chuyển từ cấp vĩ mô của các vĩ nhân và quốc gia đại sự sang cấp vi mô của các cá nhân dân thường.
Đối chiếu với thực tiễn sáng tác của tiểu thuyết lịch sử trên thế giới cũng như ở Việt Nam, chúng tôi thấy có đôi điều muốn trao đổi. Thực tế sáng tác cho thấy rằng ngay từ thế kỷ XIX, tiểu thuyết lịch sử của các nhà văn lãng mạn thế giới đã có hai xu hướng khá rõ rệt: Một bên là loại tiểu thuyết viết về các nhân vật lịch sử, các vua chúa, hoàng hậu và chuyện quốc gia đại sự, như các cuốn tiểu thuyết Cinq-Mars (1826) của Alfred de Vigny, Hoàng hậu Margot (1845) của Alexandre Dumas Cha, Năm chín mươi ba (1874) của Victor Hugo (viết về các sự kiện và nhân vật có thật của giai đoạn xung quanh năm 1793 sau Cách mạng Pháp, đó là chưa kể một loạt vở kịch của Hugo viết về các nhân vật lịch sử có thật), Quo Vadis (1895) của Henryk Sienkiewicz kể về triều đại của hoàng đế La Mã Nero,…; Một bên là loại tiểu thuyết lịch sử viết về các giai đoạn lịch sử nhưng lại lấy những con người rất đời thường làm nhân vật trung tâm và đưa họ ra tuyến đầu của tiểu thuyết. Trong số những nhân vật đời thường này ta thấy có những anh hùng thảo khấu truyền thuyết được đưa vào tiểu thuyết lịch sử như Robin Hood trong Ivanhoe (1820) của Walter Scott, hay trong Những cuộc phiêu lưu vui vẻ của Robin Hood của Howard Pyle (1883); có những đám dân Digan, thằng gù ở Nhà thờ Đức Bà ở Paris trong tiểu thuyết Nhà thờ Đức bà ở Paris (1831) của Victor Hugo; có những kẻ trộm cắp, những trẻ em đường phố, những kẻ làm thuê, và nói chung là “những người khốn khổ” mà điển hình là Jean Valjean trong Những người khốn khổ (1862) của Hugo; rồi đến những người dân thường bị hãm hại để rồi vượt ngục, mua được chức tước và trả thù như anh chàng thương gia Dantès mà về sau là bá tước Monte-Cristo trong Bá tước Monte-Cristo (1845-1846) của Alexandre Dumas Cha, đến những anh lính ngự lâm sống cạnh vua chúa quan lại nhưng lại theo phương châm tình nghĩa dân dã “Mình vì mọi người, mọi người vì mình” chứ không theo lối sống vương giả trong Ba người lính ngự lâm (1845) cũng của Dumas Cha, v.v… Có thể nói, trong tiểu thuyết lịch sử của chủ nghĩa lãng mạn cũng đã hình thành xu hướng đề cập đến những con người bình thường chứ không phải chỉ nói về các nhân vật vĩ nhân và quốc gia đại sự.
Trong khi đó, tiểu thuyết lịch sử Việt Nam đã có một truyền thống được hình thành từ cuối thế kỷ XVII với cuốn gia phả lịch sử viết bằng Hán văn dưới dạng tiểu thuyết chương hồi là Hoan châu ký (không rõ tác giả), sau đó là cuốn tiểu thuyết lịch sử thực sự Nam triều công nghiệp diễn chí (1719), viết bằng Hán văn, của Nguyễn Khoa Chiêm, rồi tiếp đến là cuốn tiểu thuyết Hoàng Lê nhất thống chí (cuối thế kỷ XVIII), cũng được viết bằng Hán văn, của Ngô Gia Văn Phái. Truyền thống này có xu hướng viết về các nhân vật lịch sử, các bậc vĩ nhân. Tất nhiên nhân vật quần chúng vẫn được mô tả làm nền. Nhưng điều quan trọng nhất là các cuốn tiểu thuyết lịch sử đó đều viết về những chuyện quốc gia đại sự, những chuyện chính trị và vận mệnh của đất nước.
Đến thời hiện đại, ngay từ những năm trước Cách mạng, Nguyễn Huy Tưởng là một trong những người đầu tiên tiếp nối xu hướng lịch sử nói trên. Trong những năm 1940 ông đã cho xuất bản hai cuốn tiểu thuyết lịch sử: Đêm hội Long Trì (1942) và An Tư (1944). Ngày nay, thực tiễn sáng tác cũng cho thấy tiểu thuyết lịch sử Việt Nam đương đại vẫn tiếp nối xu hướng viết về các vĩ nhân và quốc gia đại sự. Từ các bậc vua chúa như Lý Công Uẩn và các vị vua đời Lý khác đến các vua quan tướng lĩnh đời Trần, đến dòng họ nhà Hồ, Nguyễn Trãi, Lê Lợi, Quang Trung, các vua chúa triều Nguyễn…, các nhân vật lịch sử thời hiện đại như Phan Châu Trinh, Nguyễn Ái Quốc… vẫn đang trở thành đối tượng quan tâm của các tiểu thuyết gia lịch sử như Ngô Văn Phú, Sơn Tùng, Hoàng Quốc Hải, Nguyễn Mộng Giác, Nguyễn Xuân Khánh, Lê Đình Danh, Nguyễn Quang Thân…, mà nếu chỉ tính những tác phẩm mới nhất thì cũng có thể kể ra một loạt tiểu thuyết điển hình như Sông Côn mùa lũ của Nguyễn Mộng Giác, Hồ Quý Ly của Nguyễn Xuân Khánh, Tây Sơn bi hùng truyện của Lê Đình Danh, bộ sáu tiểu thuyết Bão táp triều Trần và bộ bốn tiểu thuyết Tám triều vua Lý của Hoàng Quốc Hải, Hội thề của Nguyễn Quang Thân, và gần đây nhất là tiểu thuyết Minh sư của Thái Bá Lợi kể về chúa Nguyễn Hoàng mở cõi, Thế kỷ bị mất của Phạm Ngọc Cảnh Nam kể về phong trào Duy tân của Phan Châu Trinh… Các đối tượng đó đều là những vĩ nhân, và việc độc lập dân tộc của họ chính là chuyện quốc gia đại sự. Hiện tại các đối tượng đó cùng với các sự kiện quốc gia đại sự không chỉ là mối quan tâm của các tiểu thuyết gia lịch sử, mà còn là đối tượng quan tâm của toàn xã hội Việt Nam đương đại, vì thế mà gần đây một loạt tiểu thuyết lịch sử đã nhận được giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam và của các tổ chức xã hội khác, trong đó có tác phẩm được tặng giải thưởng cuộc thi tiểu thuyết lần thứ nhất 1998-2000 của Hội Nhà văn VN (Hồ Quý Ly, trao giải năm 2000); giải thưởng “Bùi Xuân Phái – vì tình yêu Hà Nội” lần thứ nhất (2008) của Quỹ Bùi Xuân Phái (bộ tứ tiểu thuyết Bão táp triều Trần [đến lần tái bản 2010 được bổ sung thêm hai tập]); giải thưởng hạng A cuộc thi tiểu thuyết lần ba 2006-2009 (Hội thề, trao giải 2010); giải thưởng Hội Nhà văn VN 2011 (Minh sư, xuất bản 2010, trao giải 2011); bằng khen của Hội Nhà văn VN năm 2012 (Thế kỷ bị mất, xuất bản 2012). Trong những tác phẩm đó, chính trị luôn là chủ đề trọng tâm và hấp dẫn các nhà văn. Có thể thấy những tư duy và diễn ngôn chính trị xuất hiện dồn dập trong các cuốn tiểu thuyết của Hoàng Quốc Hải, Nguyễn Xuân Khánh hay Nguyễn Quang Thân và gần đây là Phạm Ngọc Cảnh Nam…
Như vậy, tiểu thuyết lịch sử trước đây không chỉ viết về các nhân vật lịch sử và chuyện quốc gia đại sự mà bỏ quên con người bình thường; cũng như tiểu thuyết lịch sử ngày nay cũng không từ bỏ các vĩ nhân để chỉ viết về dân thường. Trên thực tế, tiểu thuyết nói chung và tiểu thuyết lịch sử nói riêng luôn coi chính trị, các vĩ nhân và quốc gia đại sự là đề tài hấp dẫn nhất, kể cả ở Việt Nam cũng như trên thế giới. Bởi lẽ, chính trị liên quan đến vận mệnh của mỗi con người, mỗi dân tộc, mỗi quốc gia. Các nhà văn lớn trên thế giới đều là những người luôn quan tâm đến chính trị. Nhiều tác phẩm nghệ thuật trở nên nổi tiếng chính vì khai thác đề tài chính trị. Còn chuyện đời thường thì trong bất cứ tác phẩm tiểu thuyết nào và ở bất cứ thời nào cũng có, vì nó chính là một phần da phần thịt của tiểu thuyết. Cho nên, tiểu thuyết lịch sử ngày nay nếu có viết về đời thường thì cũng là chuyện rất bình thường và xưa cũ. Thực tế, chuyện đời thường trong tiểu thuyết lịch sử cũng vẫn thường là chuyện đời thường của các vĩ nhân. Vì thế có lẽ ta nên nói việc trở về với cá nhân đời thường chỉ là xu hướng bổ sung chứ không thay thế và không loại trừ diễn ngôn chính trị hay loại trừ chuyện quốc gia đại sự. Ngoài ra, cũng có nhà văn tuyên bố từ bỏ chính trị, nhưng thực tế là họ muốn nói đến chuyện từ bỏ việc minh hoạ cho chính trị chứ không bao giờ họ từ bỏ câu chuyện chính trị. Bởi lẽ, từ bỏ việc minh hoạ cho chính trị cũng là một hành vi chính trị – đó là một hành vi dân chủ, và trong nhiều trường hợp nó cũng là chuyện quốc gia đại sự, chuyện của cấp vĩ mô.
Tóm lại, để nâng cao chất lượng và hiệu quả của phê bình, việc dựa vào lý luận hay lý thuyết là rất cần thiết, nhưng lý luận phải xuất phát từ thực tiễn sáng tác văn học và trở lại lý giải và phục vụ thực tiễn, không nên gò ép và áp đặt cho thực tiễn. Xa rời thực tiễn sáng tác và áp đặt định kiến lý thuyết sẽ có nguy cơ dẫn đến kinh viện hoá hoạt động nghiên cứu văn học, biến công việc phê bình văn học thành một câu chuyện diễn ngôn thuần tuý tư biện.
[i] Nguyễn Bách Khoa, Tâm lý và tư tưởng Nguyễn Công Trứ, Nxb. Hàn Thuyên, 1944, tr. XXX.
[ii] Nguyễn Bách Khoa, Văn chương Truyện Kiều, Nxb. Thế giới, Hà Nội, 1953 (in lần thứ ba), tr. 153.
[iii] Như trên, tr. 156.
[iv] Như trên.
[v] Như trên, tr. 166.
Nguồn: Vanvn.net