Cau mày, sư bác nghĩ hồi lâu. Sau cùng run rẩy khẽ thưa:
– Bạch cụ, hay là…hay là Ngài…nếm một miếng?
Sư cụ bình tĩnh phán:
– Mô Phật!Người đã có cơ tu thành chánh quả, người đã biết nghĩa lý sự tu. Tu là hiểu rõ nghĩa lý mọi sự ở đời.
Sư cụ vẫn thản nhiên nên sư bác tái mặt, sợ…Song lẽ, sư cụ là người từ bi. Ngài đã hết hỉ, nộ, ai, lạc. Ngài chỉ ung dung, ôn tồn. Ngài không sầm mặt không lắc đầu, chỉ khoan thai, bình tĩnh thò tay…nhót.
Cảnh chùa vắng vẻ.
Lá với hoa lung linh trước gió, hai gốc đại chốc chốc lại ném một vài bông cho bãi cỏ sân nhà trai. Gặp hơi đất ẩm, mùi thơm bốc lên, thơm vô cùng.
Muốn điều hòa thời gian, con chim gáy thỉnh thoảng lại cất giọng gù gù bình tĩnh tựa hồ chẳng hề bị thôi thúc vì luật âm dương.
Kinh kệ xong, sư cụ Tăng Sương thơ thẩn dưới hiên muốn suy nghĩ về vẻ tĩnh mịch của nhà chùa trước khi vào phòng riêng tĩnh tọa.
Ngài triết lý: khách thập phương ít lâu nay không năng lui tới cửa thiền, tuy phần lý tài của nhà chùa có bề hao hụt, song đã có chí tu đến thành Phật, ai nỡ đâu quan tâm đến chuyện tiền. Nghĩa đến chuyện tiền, chẳng còn là từ bi.
Ngài lý luận thế này để tự an ủi:
“Ở trên thế gian này vật nào cũng có một nghĩa, sự nào cũng có một lý. Cuộc đời là bể khổ thì sinh ra loài người chẳng lẽ đấng Thượng đế lại làm một việc vô nghĩa lý sao? Không! Sinh ra loài người để bắt họ trầm luân phải chịu thì bọn tăng ni sống mới có nghĩa, cái nghĩa cứu vớt họ.
Cảnh chùa vắng vẻ, dân gian thưa đến, nhà chùa sẽ quẫn bách, cơ nguy rồi đến hết. Vực đạo, vậy đó há cũng lại là một sự vô nghĩa lý hay sao? Không, sự tĩnh mịch khiến kẻ đi tu xa tục lụy, hồn phách phiêu phiêu, gần cõi Niết Bàn. Cây gỗ đương mọc xanh tươi trong rừng mà có người bổ gốc đốn về, dễ đó cũng là sự vô nghĩa lý hay sao? Không! Có đốn về thì mới có tạc tượng, thì kẻ tu hành mới có được quỳ trước bệ để cúi đầu kinh kệ mà vọng tưởng đến Đức Thích-Già-Mâu-Ni – Thượng đế không vô nghĩa lý bao giờ. Trên thế gian cũng như trong vũ trụ, vật nào cũng có một nghĩa, sự nào cũng có một lý…”
Nghĩ xong, sư cụ ung dung dạo gót ra đến cái sân sau chùa. Ngài muốn hiểu…nghĩa lý cái bãi cỏ hoang ở đấy. Chợt thấy sư bác đương lúi húi làm gì vậy?…Sư cụ rón rén đến gần thì, mô Phật! – sư bác đương tu hành để chóng thành sư hổ mang. Cái gói lá sen mới lôi dưới hố lên ấy, bên trong đựng thịt cầy.
Đã muốn từ bi tất không được nộ. Bình tĩnh và khoan hòa, sư cụ chỉ ra lệnh cho sư bác đem tang chứng ấy đến chịu tội trước bệ Phật mà thôi.
– Vậy trước sự này, người nghĩ làm sao?
– Bạch cụ, chúng tăng còn yếu linh hồn nên dễ sa ngã.
Mấy pho tượng trông bệ vệ uy linh…khói nhang nghi ngút tỏa bay, tôn nghiêm vô cùng…Quái, mùi thịt cầy sao thơm thế?
Sư cụ Tăng Sương phán truyền:
– Đã sa ngã thì nên tự tìm cách chịu tội để chuộc lỗi.
Ứa nước mắt hai hàng, sư bác thê thảm:
– Bạch cụ, chúng tăng tưởng chỉ có cái hình phạt xứng đáng nhất là bị đuổi khỏi nhà chùa. Song lẽ, nếu thế…thì, sáu bảy năm kinh kệ…
Sư cụ vẫn ôn tồn:
– Đấng Như Lai là chí thiện chí nhân: đánh kẻ chạy đi, không ai đánh kẻ tìm đến.
Sư bác, đôi mắt lấp lánh những ánh sáng hy vọng:
– Nếu được tha thứ, chúng tăng xin ăn năn. Để vứt ngay gói này…
Nhưng mà sư cụ lại giơ tay ngăn. Ngài vẫn ung dung phán truyền:
– Đấng thượng đế là bậc chí công. Cái cây trên rừng bị kẻ tiều phu đốn xuống, đó là sự ác. Nhưng đốn xuống làm củi nấu nướng cho sống loài người thì lại là sự thiện. Mà ta thuê thợ tạc gỗ thành tượng thì lại là sự thiêng liêng. Ở đời này, vật nào cũng có một nghĩa, sự nào cũng có một lý.
Sư bác còn ngơ ngác thì sư cụ đã nghiêm nét mặt ra ý giận:
– Ta muốn biết người chịu cái hình phạt: hiểu cho ra nghĩa lý mọi sự ở đời! Cố nghĩ cho ra xem!
Cau mày, sư bác nghĩ hồi lâu. Sau cùng run rẩy khẽ thưa:
– Bạch cụ, hay là…hay là Ngài…nếm một miếng?
Sư cụ bình tĩnh phán:
– Mô Phật!Người đã có cơ tu thành chánh quả, người đã biết nghĩa lý sự tu. Tu là hiểu rõ nghĩa lý mọi sự ở đời.
Sư cụ vẫn thản nhiên nên sư bác tái mặt, sợ…Song lẽ, sư cụ là người từ bi. Ngài đã hết hỉ, nộ, ai, lạc. Ngài chỉ ung dung, ôn tồn. Ngài không sầm mặt không lắc đầu, chỉ khoan thai, bình tĩnh thò tay…nhót.
1935 – Vũ Trọng Phụng