“Có tiếng người trong gió” là đầu sách thứ mười, cuốn tiểu thuyết thứ tư của nhà văn Nguyễn Xuân Thủy (hiện đang công tác tại Tạp chí Văn nghệ quân đội).


Sau thành công của tiểu thuyết “Sát thủ Online” viết về tội phạm internet trước đây, “Có tiếng người trong gió” lần này là sự trở lại của tác giả với đề tài “tâm lý-hình sự” bằng việc thám hiểm, tiểu thuyết hóa một mảng hiện thực nhức bỏng tính thời sự nhưng đang là miền hoang của văn học: Tội phạm mua bán người, kinh doanh nội tạng xuyên quốc gia.

“Tiểu thuyết là một cuộc thăm dò cuộc sống con người trong cái thế giới đã trở thành cạm bẫy”; “con người là một sinh vật có thể đẩy kẻ đồng loại của mình đến chỗ chết trong bất cứ tình huống nào”…-nhà văn Pháp gốc CH Séc Mi-lan Kun-đê-ra từng đưa ra những định nghĩa như thế. Con người và thế giới gắn liền với nhau như con sâu với cái vỏ của nó: Thế giới thuộc về con người, nó là kích cỡ của con người và mỗi khi thế giới biến đổi, cái sinh tồn cũng biến đổi. Cuốn sách của Nguyễn Xuân Thủy đã phác dựng tấm bản đồ hiện sinh của thời đại chúng ta, trên đó tội danh mới cứ liên tục bổ sung, hàm lượng tội ác và mức độ tinh vi cứ không ngừng gia tăng nơi chủ thể tội phạm. Không chỉ là hệ quả hồn nhiên của những vô minh bản năng, cái ác ngày càng là chủ đích lựa chọn rồi được trình diễn bài bản đến hoàn hảo bởi những trí-thức-giang-hồ, và trong đại lễ hội hóa trang là cái thế giới này, cái ác thường khi lại mang gương mặt đạo đức. Siêu công nghệ, vô hình trung, trở thành trợ thủ đắc lực của cái ác. Không lẽ loài người càng đi gần về phía văn minh thì càng đánh mất nhân tính? Với những khơi vẫy, dẫn dụ này, cuốn sách đã đưa người đọc vào trường đối thoại.

Đi vào “Có tiếng người trong gió”, người đọc hồi hộp, phấp phỏng dõi theo cuộc hành trình người mẹ ra nước ngoài để dò tìm đứa con lưu lạc của mình, cùng hành trình cảnh sát hình sự phá kỳ án tội phạm xuyên quốc gia, để rùng mình kinh hãi bởi quy mô, mức độ của cái ác, bởi “công nghệ phục vụ cho cái ác”, để thắt nghẹn trắc ẩn bởi những thân phận khổ đau, nạn nhân của thứ mà các nhà hoạt động nhân quyền gọi là “tội ác chống lại nhân loại”. Theo chân người đàn bà bất hạnh cùng các chiến sĩ cảnh sát, người đọc lại được trải nghiệm cuộc phượt đường rừng thú vị khi lạc vào một thế giới thiên nhiên xa ngái, kỳ vĩ, hoang lạnh, bí hiểm. Có nghĩa là, Nguyễn Xuân Thủy đã rất tinh vi khi cấu trúc cuốn tiểu thuyết của mình bằng cách đặt cạnh nhau những không gian xúc cảm khác nhau, mang đến những hiệu ứng thẩm mỹ khác nhau.

Mặc dù vùng hiện thực mà cuốn sách chiếm lĩnh có thừa mứa những câu chuyện, những số phận, những cảnh ngộ ở ngoài đời, rải trên mặt báo mỗi ngày, nhưng Nguyễn Xuân Thủy đã không bê vào tác phẩm, bởi anh đã có một câu chuyện, một vụ án của riêng mình cho một cuốn tiểu thuyết không… nệ thực. Hay nói cách khác, cái gọi là đề tài chỉ là vạch sơn để nhà văn này xuất phát, là đường băng để nhà văn này cất cánh bay vào thế giới của tưởng tượng, của sáng tạo mà kiến dệt nên câu chuyện của thân phận giàu sức lay động và thức tỉnh. Càng rút ngắn cự ly tiếp cận, dấn thân, nhập cuộc với bề bộn, ngổn ngang đời thì biên độ trí tưởng tượng càng được nới giãn, lô-gích nghệ thuật càng tương thích với lô-gích cuộc sống, và hoạt lực, sự tự nhiên của ngòi bút trở nên vô bờ bến.

Rõ ràng, sự bành trướng của các sự kiện xã hội trong trường ý thức của văn chương làm hiển lộ ngày một nhiều những nhà văn dấn thân, nhập cuộc. Viết, với họ là hành động cất tiếng của lương tri. Họ tự gắn mình vào công cuộc thực thi quyền lực của văn chương trong việc giảm trừ cái ác, soi sáng thế giới sự sống và bảo vệ chúng ta chống lại sự lãng quên con người. Qua đây, nhà văn ghi tên mình lên tấm bản đồ tinh thần của thời đại.

Tạo thành công hiệu ứng rùng mình kinh hãi, sau cuối, Nguyễn Xuân Thủy vẫn tin và muốn người đọc cùng tin vào tính bản thiện sơ nguyên ẩn tàng trong những tên trùm tội phạm. Phải kiến tạo môi sinh hoàn cảnh thế nào để khơi thông nhân tính, để cái ác ít có cơ bộc phát, hoành hành, lây lan. “Có tiếng người trong gió” có cảm năng về thiện hảo, dẫu khởi hứng từ cái ác.

Nhân vật trong cuốn sách của Nguyễn Xuân Thủy phát biểu: “Quả thực ngày nay một cảnh sát cần được trang bị quá nhiều thứ. Những thứ chúng ta biết luôn luôn thiếu…”. Hoàn toàn có thể nói như thế, về những thứ cần được trang bị đối với một nhà văn, trong thời đại của tri thức, của siêu công nghệ ngày nay.

 

HOÀNG SÔNG GIANH

————————————————–

(Đọc “Có tiếng người trong gió”, tiểu thuyết của Nguyễn Xuân Thủy, NXB Trẻ, 2016)

Nguồn QĐND