Sống hay là không sống? Câu hỏi đó được Đỗ Phấn kiến giải bằng chính tên tiểu thuyết mới của mình: Gần như là sống. Tính một cách tương đối nó nằm ở giữa phạm trù sống và không sống. Gần như là sống.
Và đó chính là câu trả lời của nhà văn gốc họa sĩ này. Câu trả lời bằng 392 trang sách.
Như thường thấy ở gần chục tập sách đã xuất bản, Đỗ Phấn trong hành trình “Gần như là sống” của mình mang chính bản thân ra mổ xẻ bằng cái nhìn nhiều chiều về một đời sống thật sự là trải nghiệm. Nhân vật chính (Thành) – một công chức nhà nước – xuất thân trường kiến trúc, có một chỗ làm an phận ở một sở liên quan đến nhà cửa đất đai. “Tôi, một công chức nhà nước, làm chẳng ra làm chơi chẳng ra chơi” (trang 43). Nhân vật Thành trong vai trò dẫn chuyện ở ngôi thứ nhất đã bày ra toàn bộ cuộc sống của mình từ việc làm đến những quan hệ tình cảm, quan hệ công việc, tâm thế sống giữa cá nhân và cộng đồng. Ly dị vợ, sống độc thân, sẵn sàng đến với bất cứ người phụ nữ nào khi có cơ hội cho dù đấy là cô điếm, một bạn gái của người tình, thậm chí là người yêu cũ của một người bạn trai, sẵn sàng làm bất cứ việc gì không trong phạm vi chuyên môn để tồn tại. Cốt truyện khá là đơn giản. Nếu có thể kể lại thì có lẽ chỉ là những điểm nhấn các cuộc tình của Thành. Vậy có gì để nói ở Gần như là sống?
Sex để câu khách chăng? Không phải, tác giả là một ông già gần lục tuần không thể dùng chiêu trò này để cuốn hút độc giả dù cách miêu tả ở nhiều chỗ khá bạo dạn và trần tục. Đỗ Phấn chỉ mượn những cuộc tình để bày ra tâm thế của một nhân vật bị tình cảm cuốn hút và xô đẩy. Anh muốn nói đến sự bất lực về tình cảm cũng như đạo lý của con người hôm nay trong đời sống hiện đại. Đó là điều đáng nói thứ nhất.
Gì nữa? Xin thưa đó là giọng văn và cách kể. Đỗ Phấn không kể chuyện thông thường dù đọc anh rất sốt ruột bởi nhịp văn nhẩn nha chầm chậm được tả đến từng chi tiết nhỏ nhất. Anh là người am hiểu và tận trải cuộc sống phố thị, thế nên những trang văn của Gần như là sống dù chậm nhưng thấm đẫm hơi thở phố phường, tạo nên sự hấp dẫn đặc biệt. Tôi gọi kiểu viết này là sự nhập cuộc từ trong ra. Kiểu viết không “nhìn” không “tả” không “kể”, tác giả như thể đi trong lòng cuộc sống đến tận đáy của nó để bóc tách để chiêm nghiệm để đúc kết. Ở lĩnh vực này, thừa nhận Đỗ Phấn thành công. Anh có cách phân thân mình để đẩy các nhân vật vào vô vàn tình huống tréo ngoe đầy biến cố nhưng thuyết phục. Một đô thị bề bộn dù ở hiện tại hay quá vãng nhờ thế trở nên sống động, và con người phố thị cũng vậy, muôn hình muôn vẻ hiện ra tươi nguyên và chân thật. Đòi hỏi gì hơn được nữa ở điều đáng nói này.
Chưa hết, người đọc có thể bắt gặp ở bất cứ chỗ nào, trang nào những kỷ niệm như của riêng mình, những cảnh huống những trạng thái dẫn dắt hành động bất kỳ của bất cứ ai. Đây là điều đáng nói nhất trong Gần như là sống. Đó chính là sự đồng cảm, điều nhà văn nào cũng đều mong muốn có được ở tác phẩm của mình.
Họa sỹ Đỗ Phấn
Sau cùng, nếu có một điều tiếc thì đó là giá như Đỗ Phấn đừng xuất hiện ở văn đàn bằng tâm thế một họa sĩ thành danh mà chỉ là một cái tên mới toanh nào đó bắt đầu lập nghiệp văn chương thì có lẽ văn của anh sẽ được chào đón được chấp nhận một cách thực tiễn hơn. Dù sao khi đọc một mạch 392 trang tiểu thuyết (tôi tin nếu đã cầm sách lên, bạn sẽ khó lòng dừng lại ngang chừng) chúng ta đã nhận được câu trả lời của nhà văn Đỗ Phấn. Sống hay là không sống? Vâng. Gần như là sống.
Nguồn: Tuổi trẻ