LGT: Với câu chữ ngắn gọn, bằng giọng điệu rất Nam Bộ, Sóng gió Ô Cấp của Trịnh Sơn đã hấp dẫn người đọc.
Những từ ngữ nóng và lạnh, hút và thả cứ liên tục bung ra khiến người đọc như lạc vào một mê cung đầy bối rối và ngờ vực. Những nhân vật của hai phe đối lập, chính nghĩa và phi nghĩa, ngay giữa lòng cuộc chiến tranh lạnh lùng đã được tác giả khắc họa sinh động, sắc nét. Rồi từ từ, cánh cửa ngôn từ cứ mở ra, mở ra để rồi những nút thắt cứ nhẹ nhàng được cởi… Là lớp trẻ sinh ra sau giải phóng nhưng với tầm nhìn bao quát suốt cả chặng đường lịch sử, Trịnh Sơn đã thành công trong việc tái hiện hình ảnh vùng đất đặc khu Vũng Tàu – Côn Đảo dưới chế độ cũ những ngày trước giải phóng. (CHÂU HOÀI THANH)
TRỊNH SƠN
Sóng gió Ô Cấp
Truyện ngắn
Bên này cầu Long Hương, trước tiệm tạp hóa có một quán cóc nhỏ với mấy cái bàn gỗ thâm thấp, vài chiếc ghế vuông vắn cộc kệch trên nền đất đỏ. Trận mưa đêm qua còn để lại trên mặt đường vài tấm gương nước lỗ chỗ đùng đục. Đây là tuyến đường chính từ Sài Gòn về Phước Tuy. Ngồi ở đây, không phải công chức nhà nước, giáo chức mấy trường công tư trong châu thành thì là mấy cô cậu học trò mê truyện kiếm hiệp. Tuần ba bữa, ba – năm – bảy, chiếc xe đò chạy than nhả khói đen kịt trên thành phố về đều ghé lại đây nửa tiếng, thể nào cũng có xấp báo khổ lớn, dành luôn hai trang giữa đăng truyện nhiều kỳ của Kim Dung, Cổ Long.
Đám học sinh trung học mỗi đứa mượn một tờ, hí hoáy nhấp nháy đọc. Đọc chớp, đứa nào đọc không kịp, cứ tới giờ xe nổ máy chuyển bánh hướng thẳng đại lộ Thành Thái ra Cấp thì tiếc hùi hụi. Cả quán cà phê bụi đường này cũng chỉ có hai người đặt mua báo – giáo sư Việt văn và bà chủ quán. Hội là con bà chủ quán, đang học năm cuối trung học, ôm ấp giấc mơ vô giảng đường văn khoa Sài Gòn, biết rằng tờ báo của má nó trước sau cũng đến tay nó nhưng chờ không nổi, mắt đuổi theo chữ để lên lớp còn huênh hoang với tụi bạn. Nào là, kỳ này Tiêu Phong đại chiến Tụ hiền trang cầu Tiết thần y cứu A Châu cô nương, chiêu Hàng long thập bát chưởng của chàng vù vù uy mãnh. Nhìn nó múa may tay chân, thể nào tụi con gái cũng xoe xoe mắt ngưỡng mộ. Đám con trai thì im thin thít trổ hết ngạc nhiên này đến sửng sốt nọ.
|
Minh họa: Thành Chương |
Sáng nay cũng vậy, thằng Hội đang đắm đuối theo chiêu Nhất dương chỉ của Đoàn Dự thì bất chợt ngẩng đầu lên, trợn tròn mắt:
– Ê, Quang củ mì! Mày đi đâu qua đây?
– Tao không qua đây được sao? – Cậu trai chừng mười bảy, mười tám đen trùi trũi trên chiếc xe đạp trụi lơ, chân mang dép lê đang rà xuống đường để thắng – Con Linh bị bắn tối qua ở cầu Cỏ May, mày biết chưa?
– Trời. Linh chị hay Linh em? – Hội hoảng hồn – Lại tụi du kích đánh lén phải hông?
Không chỉ Hội ngẩn người ra vì tin cô bạn hoa khôi của trường bị bắn, mà cả cái quán mười mấy cặp mắt chăm chăm vào vẻ mặt Quang.
– Trò Linh có sao không? – Ông giáo Việt văn run run hỏi.
– Dạ, thưa thầy. Con chỉ nghe nói con Linh chị bị bắn. Má nó đưa đi bác sĩ tuốt trên Sài Gòn rồi, chưa biết sao nữa.
Ông giáo Việt văn rệu rã đứng dậy, chẳng buồn kêu tính tiền. Bà chủ quán cũng chẳng buồn gọi lại. Tặc lưỡi, tay nhón cái ly cà phê đen còn lưng nửa đem ra phía sau. Ông giáo Việt văn xách cặp lững thững đi về phía bên kia cầu. Qua khu chợ lồng, ngoặt ở bùng binh Nhà Tròn, thêm mấy phút cuốc bộ là tới trường trung học Ô Cấp. Ông mới về đây ba năm. Nghe đâu, trước đó, ông xuống đường biểu tình phản chiến ở Sài Gòn bị lính gô cổ vào quận mấy ngày, tưởng bị đày biệt xứ ra Côn Đảo hay Phú Quốc là xong đời, may có bà chị thương em, chạy chọt luật sư bảo lãnh ra rồi đẩy về Long Khánh. Ở xứ sở chôm chôm, ông giáo trẻ có bằng ưu tú ở Pháp về hẳn hoi, bị tố cáo thân Cộng, chịu không nổi, chạy về đây. Cái thời buổi ly loạn, lý lịch chỉ là tấm giẻ rách. Sở học chánh họp, nhất trí: thân ai thì thân, miễn là có tài, đồng nghiệp tin tưởng, học trò yêu mến là được. Mới ba tháng về trường, ông đàng hoàng nhậm chức giám học. Ở luôn trong khu tập thể thuộc khuôn viên trường, cuối tuần nào hứng chí hoặc nhớ nhà thì nhảy xe đò về Sài Gòn.
– Mày lấy cặp táp đi, tao cho quá giang tới trường – Quang hếch mặt kêu Hội.
– Thôi, không dám. Tao luyện xong chiêu Lục mạch thần kiếm của Đại Lý Đoàn thị đã.
Quang bĩu môi, quay đầu xe, chạy lấy đà rồi nhảy phóc lên yên. Nó ở tuốt Long Phước, cách trường cả chục cây số. Tấm áo sơ mi nhuộm màu đất đỏ quạch.
– Sao mày không đi với nó luôn? Tiếc rẻ gì ba cái phù phiếm đẩu đâu bên Tàu cho mệt? Học hành không ra gì, tới lúc người ta bắt đi lính thì đừng có khóc lóc than trời với tao – Bà chủ quán hắng giọng. Chồng chết đận bảy hai, bà còn ba đứa con trai, hai thằng lớn thằng thì du côn du đãng bỏ nhà đi mất biệt, thằng kế đang học trường thiếu sinh quân lâu lâu ghé về hoạnh họe, nã tiền mẹ ăn nhậu gái gú. Còn thằng út này, ba bảy hăm mốt, thôi thì khôn nhờ dại chịu.
Hội bà bà tui tui với má nó trỏng không:
– Tui ngu sao đi với thằng đó cho chết hả?
– Sao vậy? – Gã tài xế vừa rửa ráy đằng sau bước lên, ngồi chưa ấm chỗ đã kiếm chuyện.
– Hôm bữa, đám học trò tụi tui đang nói chuyện về Cộng sản với Quốc gia, coi bên nào hiền dữ hơn. Tự dưng thằng Quang nhảy vô, cãi: Tụi bay cứ nói Việt Cộng ác ôn, dã man, cũng chỉ nghe người ta nói chứ có đứa nào gặp Việt Cộng chưa? Tao thấy mấy ổng bả hiền khô như người thường mà – Thằng Hội vênh cằm – Trời! May mà tui thông minh, tui biết thừa thằng này là Vi Xi, có khi đảng điếc gì rồi cũng nên.
– Khôn dữ ha? Làm sao mày chắc như đinh đóng cột vậy? – Gã tài xế xé bao thuốc Khánh Hội, phà khói.
– Chỉ có Việt Cộng mới gặp Việt Cộng chớ ai mà gặp được? Với lại, nó ở Hòa Long, không phải có cái địa đạo bí mật đám cảnh sát mò hoài hổng ra đó sao?
Chưa đã, Hội nổi hứng bồi thêm:
– Không theo Việt Cộng sao trang cuối quyển tập Việt văn của nó ghi mấy câu: Đồng chí là gì em ơi? Là không quen biết mà ngồi với nhau…
Bà chủ quán nhắc:
– Thôi, lo học hành đi. Bỏ ba cái chuyện chính trị chính em qua một bên cho khỏe.
Gã tài xế xe đò phụ họa:
– Ừ, biết nó là Cộng sản nằm vùng thì né ra, đừng xích mích có ngày ăn đạn. Không nghe tin Xuân Lộc tan nát rồi hả. Biết còn yên ắng làm ăn được mấy hôm nữa. Lính tráng, cu li đổ mồ hôi chết lần chết mòn. Tướng tá núp trong dinh thự, xe bọc thép với máy bay chống đạn bàn chuyện tranh hùng. Chán đời.
Mấy chục hành khách lủi hủi chui lên xe. Ai nấy tóc tai đầu cổ bụi than nhếch nhác. Có ni cô trước khi bước lên cửa, chắp tay nam mô. Theo sau là vị linh mục, Hội nhận ra ông bởi vành cổ áo màu trắng, nhân danh cha và con và thánh thần, amen. Gã tài xế nháy mắt như nói với Hội: Thấy chưa, giờ, không ai quyết định vận mệnh của mình được nữa. Chiếc xe đò xình xịch lắc lư qua cầu. Khói xì sụp nhả xám nắng. Bụi đường dan díu con đường ươn ướt, không chịu bay theo như mọi khi.
Hội không đem cặp, cuộn tròn mấy cuốn vở nhét túi quần, thứ quần ống loe moden hippi rộng thênh thang mặc lại của thằng anh bụi đời. Tới thành cầu, cậu ghé mắt nhìn xuống. Nước đang lên, đỏ sền sệt. Pháo bay đạn lạc, chị em con Linh dại gì mà ra cầu Cỏ May đêm hôm vậy chớ? Cậu lẩm nhẩm:
– May mà con Linh chị bị, chớ con Linh em có bề gì chắc mình sống hổng nổi.
Hai chị em con Linh cùng tuổi, xinh xắn, dễ thương, hát hay, học giỏi, có ai mà không mến. Thằng Quang “củ mì” yêu chị, thằng Hội “kiếm hiệp” yêu em. Vì cái nghĩa chắp vá “có khi mai mốt thành cột chèo một nhà” mà hai thằng trai tuổi bẻ gãy sừng trâu, gan mật hơn người mới thỏa thuận “chung sống” một trường gần ba năm trung học rồi.
Linh chị trúng đạn, lẽ nào Linh em bình an vô sự được? Hội đâm lo. Bất chợt cậu nghĩ tới một tối nửa tháng trước, cũng bờ sông Long Hương đang con nước lên này, Linh em tựa đầu vào ngực cậu khiến cậu tê rần người, xuôi xị. Chị em con Linh thuộc nòi tiểu thư đài các, con cưng của thiếu tá cảnh sát dã chiến Bảy Lửa nổi tiếng khắp Trại 1, Trại 2, Bà Rịa, Long Khánh, Lagi, Phan Thiết. Sinh trưởng trong gia đình ấy nên chị em Linh già dặn hơn đám bạn cùng học, cứ tưởng trong sáng nhưng trong chuyện yêu thì nó dẫn dắt Hội một cây. Hội vẫn vênh váo ra vẻ đàn anh trong trường chỉ vì dựa hơi anh hai bụi đời bạt mạng và anh ba thiếu sinh quân, chứ biết gì chuyện trai gái. Đúng lúc hai đứa gắn bờ môi vào nhau thì tiếng pháo dội từ phía Núi Dinh xuống Xóm Lưới. Tàn lửa vung vãi trời đêm. Thằng Quang với con Linh chị chạy lại. Về. Về nhanh. Chết cả đám bây giờ. Ừ, về thì về. Đưa chị em con Linh về khu dinh thự to đùng của sĩ quan ở Phước Lễ xong, Quang bật đèn pin chở Hội về. Già cây số mà dài như nửa vòng trái đất. Đã thế đang đi lại bị toán lính chặn lại.
– A, hai thằng rể tương lai của thiếu tá Bảy Lửa hả? Giấy tờ đâu?
Căn cước, tờ lược giải cá nhân, giấy nhân dân tự vệ. Bất cứ thằng con trai nào trên mười lăm tuổi cũng phải có ba thứ giấy tờ tùy thân này.
– Giấy hoãn dịch đâu? – Một gã cò trắng hất hàm.
– Tụi tui mới mười tám tuổi thiếu, dịch đâu ra mà hoãn? – Thằng Hội men mét.
– Thằng kia mặt mũi non choẹt, chưa đến mười tám, tin được – Gã cò trắng chỉ Quang, rồi quay qua Hội vặn – Còn mày, ria mép tua tủa rồi, khai gian hả? Khám.
Có hai chỗ để khám. Trên răng dưới dái. Toán lính bóp cằm cho thằng Hội quác miệng ra, chà chà, chưa mọc răng khôn. Tuột quần xuống. Ây da, chim cò mở mắt rồi. Con gái ông thiếu tá biết chưa mậy? Mười mấy gã lính liên ngành cười hô hố. Thằng Hội ức muốn khóc. Thôi, đi đi, ghẹo mày chút cho vui. Đừng méc cha nội Bảy Lửa nghe chưa.
Hội nín thinh trên đường về. Thằng Quang hỏi gặn:
– Mày thấy nhục không?
– Ai cũng vậy chớ riêng mình đâu mà nhục – Hội yếu ớt chống chế.
Sắp đến giờ giới nghiêm. Trước mắt hai cậu trai lúc này lính tráng từng tốp dọc đường, phần ăn nhậu chơi bời ở xóm Củi về, phần đi lùng sục gác chốt.
– Nhục là nhục, phân biệt gì bản thân mình hay cả nước này – Quang nói như người lớn – Tao không xúi mày ném lựu đạn vô đồn lính, cũng không xui mày vô mật khu theo cách mạng. Sống sao cho đáng sống. Vậy thôi!
Hội tự dưng thấy ghét thằng Quang từ đêm hôm đó. Trước quán nhà, nó nhảy tọt khỏi chiếc xe cà tàng của thằng “cột chèo tương lai”:
– Ba tao chết vì đạn Việt Cộng. Tiền tử cũng lãnh hết rồi. Đừng bao giờ nói chuyện bắn giết với tao nữa. Ngán lắm rồi!
Sau bữa đó, Linh chị theo đường chị, Linh em theo đường em. Hai thằng con trai sức dài vai rộng nổi đình nổi đám trong trường lánh mặt nhau. Có gặp, trong buổi chào cờ đầu tuần, Hội để ý thấy Quang chẳng bao giờ mở miệng hát quốc ca. Quang vốn điềm tĩnh, ít nói, lâu lâu đưa mắt nhìn Hội, cái nhìn ít nhiều thương hại. Càng làm cho thằng con có cha là tử sĩ sôi máu hơn.
Lan man nghĩ ngợi, Hội ôm cua Nhà Tròn lúc nào không hay. Dưới chân nó, giấy to giấy nhỏ xanh xanh đỏ đỏ vàng vàng ê hề. Bọn lính tráng đang cắm cúi lượm từng tờ. Có thằng đeo lon thiếu úy, mặt mày bặm trợn, hất hàm hỏi:
– Ê nhóc. Mày con bà chủ quán cà phê bên kia cầu? Đêm qua có thấy đứa nào rải mớ truyền đơn này không?
– Tui đâu có rảnh mà làm ăng ten cho mấy cha nội – Hội tỉnh bơ – Có mấy đứa tuyên truyền không làm gì nổi thì mai mốt đánh đấm làm sao với cả đại quân súng ống tinh nhuệ Bắc kỳ tràn tới đây?
– Chết mẹ bây giờ nghe mậy – Thằng thiếu úy tay rờ súng, tay giơ nắm đấm – Tao biết đứa nào che giấu đám phản động là cho rục xương trong khám hết.
Hội cười hơ hơ. Ba nó ít gì cũng là sĩ quan biệt động dù chớ tưởng bở hả? Anh Hai nó, giang hồ tứ chiếng, không kể. Anh ba nó, thiếu sinh quân hạng ưu, nay mai qua Mỹ học hành lên sĩ quan cao cấp như chơi.
Chưa đầy cây số từ Nhà Tròn tới trường mà Hội đếm được cơ man vàng trắng rằn ri đủ loại lính tráng, cảnh sát với súng ống. Ở cổng trường trung học Ô Cấp, nhiều học sinh bị giữ lại, tra hỏi đủ điều. Thấy mấy đứa quen, Hội hất hàm ra vẻ đại ca:
– Gì mà ồn ào vậy?
– Nhìn thì biết chứ hỏi gì.
Hội len qua cổng. Cây phượng già sớm bông, chớm đỏ. Trước văn phòng hiệu trưởng, Hội thấy Quang đang bị còng ngược ra sau, hai thằng lính giữ thúc vai. “Ông già vợ tương lai” Bảy Lửa đứng đôi co với thầy hiệu trưởng.
– Thiếu tá không được bắt giữ học trò trong trường học. Làm gì cũng phải theo luật lệ đàng hoàng.
– Muốn luật hả? Đem nó về ty, lòi luật ra liền – Bảy Lửa chỉ tay vào mặt thằng Quang – Nó là Cộng Sản nòi thì ông cũng liên đới chớ đừng giỡn chơi. Còn đứa nào rải truyền đơn chống chính phủ nữa?
Gã thiếu tá xốc tới, đá uỵch vào ngực thằng Quang. Cái thằng lì đòn, máu ứa bên mép mà ánh mắt vẫn long lanh sáng thẳng.
Ngay lập tức, có người chen vào giữa, lấy lưng che cho thằng Quang. Thì ra, thầy giám học kiêm giáo sư Việt văn.
– Mấy người mang danh chính quyền mà hành xử côn đồ vậy hả? Không được tra tấn học trò ở đây. Tôi…
– A, thầy muốn gì? – Bảy Lửa gầm lên – Cái bản mặt thầy không lạ gì đâu, có đầy đủ trong hồ sơ cảnh sát rồi. Bắt luôn.
– Bắt thì bắt. Nhưng không được đánh đập học trò của tôi.
Hội ngạc nhiên quá đỗi. Giáo sư Việt văn dáng vẻ thư sinh, mặt mày sáng láng, dáng công chức cạo bàn giấy mà giờ phút này trông hiên ngang dữ dội. Nhiều thầy cô và học trò tụm lại gần, hô vang: Không được bắt học trò. Tôn sư trọng đạo. Trong đám đông có cả con Linh em. Nó không đứng về phía ba mình, mà đứng theo phe nhà trường. Hội trờ tới sát vai con nhỏ, cũng giơ tay đầy khí phách: Tôn sư trọng đạo. Không được bắt học trò…
Thường thì thiếu tá Bảy Lửa mười phần cũng phải nể nang nhà trường ba phần, nhưng nóng máu con gái mới bị bắn đêm qua, lại thêm tin tức thất trận dồn về, điên cuồng như con chó dữ. Xe bít bùng, xe cảnh sát hụ còi inh ỏi. Ba người bị đưa đi là ông giáo Việt văn, thằng Quang và con Linh em. Dùi cui và hơi cay cũng có lúc thắng lý lẽ sách vở. Kẻng gọi học sinh vào lớp, nhưng coi bộ bài vở đã trôi tuột theo sự im lặng lạnh người bao trùm ngôi trường. Hội nhảy cửa sổ lẻn ra cánh đồng phía sau, men theo bờ cỏ ngó trộm qua trại tạm giam. Không biết con nhỏ người yêu nó bị đưa đi đâu. Hổ dữ không ăn thịt con. Chắc lão thiếu tá chỉ muốn bắt con Linh em về nhà.
Không sai, ông giáo Việt văn với thằng Quang bị tách ra đưa vào hai phòng hỏi cung riêng, còn con Linh em ngồi uống trà tới trưa, bị ba nó giáng cho một bạt tai nảy đom đóm đuổi về. Con nhỏ không về. Trường và ty cảnh sát đấu lưng nhau, cách một cánh đồng rộng. Đêm qua, hai chị em nó đi từ đó ra, cái giỏ xách căng phồng giấy với hồ dán. Ai dám xét hỏi nhị vị tiểu thư của thiếu tá chỉ huy trưởng cảnh sát dã chiến Bảy Lửa? Vòng vèo từ Long Hương xuống Phước Lễ tới Thủ Lựu, băng ngược Vạn Kiếp, Long Kiên, Xóm Cát về Phước Tân… Những bóng đèn vàng liu riu mờ tỏ. Tháng Tư nóng ran ran. Hai chị em hưng hửng sáng lên cầu Cỏ May, dựng xe vespa, ném cái giỏ không xuống sông, hóng gió. Ai mà biết đạn từ đâu tới? Chỉ nghe một tiếng cắc cụp giòn tan, con Linh chị ôm ngực. Con Linh em hụp người xuống. Thêm một tiếng cắc cụp nữa. Tức tốc, lính tráng bu lại như kiến. Ba nó lạnh tanh, đ. mẹ, nửa đêm rửng mỡ tìm trai hay sao mà ra đường cho Cộng sản bắn. Giống con mẹ bây. Chết cha cả lũ. Chửi bới đã, ba nó cũng cho xe jeep chở má nó với Linh chị đi rồi quầy quẫy kéo lính ùn ùn bắn chỉ thiên, nẹt máy xe quần khắp hang cùng ngõ hẻm.
– Cúp cua hả mậy?
Hội lôi Linh em đi, vạch đám cỏ lác chui vào bóng râm cây me keo mé trái cánh đồng. Chỗ này xế đồn lính, ít đứa học trò nào dám tới, chỉ có chị em Linh với Quang, Hội hay bén mảng mỗi khi trốn học mà túi cạn tiền. Nệm rơm, kín bưng, mát mẻ. Nằm ngửa nhìn lên thấy bầu trời lỗ chỗ soi xuống.
– Đêm qua mậy với con Linh chị rải truyền đơn chớ gì. Tao biết tỏng. Đã dặn đừng theo thằng Quang rước họa vào thân mà không nghe.
Hội không ngồi dậy, chỉ hơi nhích người kéo tay con Linh em nằm xuống bên cạnh. Tụi nó mang tiếng cặp bồ với nhau mà vẫn mậy mậy tui tui.
– Chắc gì Việt Cộng bắn. Trai tráng thứ gì mà thua đàn bà. Không biết hai ông anh lì lợm ngang ngược sao lại có thằng em nhát cáy vậy. Uổng công tui chơi bời với Hội lâu nay. Thấy thằng Quang không?
– Thằng Cộng sản nòi đó hả? Hay hớm gì. Vì nó mà đêm qua chị em bây sém chết, chưa sáng mắt ra à. Nó ga lăng bằng tui không?
Nói rồi, thằng Hội vục mặt vào ngực con Linh em, hừng hực từ trên xuống dưới. Mọi bữa, con nhỏ đã đẩy ra. Hôm nay lại không, người cứng đờ, hai tay xuôi xị cho tới khi hai đứa trằn trẹo quấn riết lấy nhau như hai con rắn mùa động tình. Sống còn cách một dây tơ, cho được thì cứ cho, nhận được thì cứ nhận. Đêm qua nếu nó bị trúng đạn thì phí mười mấy năm má phấn môi hồng rồi còn gì. Sướng lúc nào hay lúc đó. Chớ như con Linh chị với thằng Quang hun hít cũng chưa dám, nay đứa bệnh viện kẻ nhà đá chưa biết sống chết ra sao. Trước nhịp đập miên man của ngưỡng cửa ái tình, thằng Hội không nghĩ ngợi gì, lại nhớ chàng Tiêu Phong bị người Trung Nguyên bạc đãi, gọi là chó Khiết Đan mà một mực không chịu nhậm chức Bình Nam đại nguyên soái thống lĩnh quân Liêu đánh Đại Tống. Khám phá nhau xong, hai đứa cứ trùi trũi nằm xụi lơ.
– Cho tui điếu thuốc!
Con Linh em lên tiếng. Má nó vẫn cấm con gái phì phèo thuốc lá, nhưng nay nó đã thành đàn bà rồi. Mà má nó cũng hút đó thôi.
– Hỏi thiệt, chị em bây gan cóc tía sao mà dám theo cách mạng? – Hội bập bập cho đỏ lửa điếu Captain rồi chuyền qua Linh em.
– Cách mạng cách mung gì ai mà biết. Tui ghét súng đạn bắn giết. Nghe con Linh chị rủ phản chiến thì làm theo thôi – Con nhỏ ho khụ khụ, khói ngăn ngắt lem nhem.
– Giờ tính sao? – Hội hỏi dồn – Sáng nay nghe phong thanh tụi lính nói Núi Đất, Bình Ba tiêu tán rồi. Hay là, theo tui qua Vũng Tàu, biết đâu có tàu đón. Theo người ta di tản mẹ nó cho yên.
– Đi thì đi. Chỗ nào không có bắn nhau là được. Mà, bỏ hết trường lớp gia đình hả? – Con nhỏ sực nhớ ra nó có một mái nhà.
Hỏi cho có hỏi, chứ đứa nào trả lời trả vốn cho đứa nào được. Hội cài lại nút áo cho con Linh em. Bây giờ nó mới nhìn kỹ, hai vú con nhỏ sòng sọc lằn rơm mới. Lùm cây này có giống như chốn hồng hoang Mộng Cô gặp Hư Trúc mà nó từng mê mẩn trong Thiên long bát bộ không? Con Linh em hai má au au đỏ, bỏ quên vẻ thẹn thùng vừa mất đời con gái trên mảnh ruộng khô ngăn giữa trường học với đồn lính. Tiếng pháo ì đùng vọng từ phía Núi Dinh lên, trung tâm huấn luyện Vạn Kiếp xuống. Qua ngã ba Lê Thành Sơn, hai đứa không dám theo đường chính, đi bộ vòng vèo qua cánh đồng muối Thủ Lựu, ra tỉnh lộ trời đã ưng ửng sáng. Muối vừa thu xong, từng đống cao ngất đắp rơm vàng giữa nền trắng lấp lánh. Trên đường, xe jeep, xe ca ùn ùn đổ về Vũng Tàu. Vậy là Bà Rịa thất thủ rồi. Hai đứa nhảy quá giang một chiếc xe ca, không còn chỗ ngồi chỗ đứng, đu lắt lẻo phía sau. Mùi sông mằn mặn xộc lên trong gió, con Linh phải hét lên thằng Hội mới nghe được:
– Không biết thầy Việt văn với thằng Quang ra sao rồi.
Thằng Hội cũng hét từng chữ:
Phương trời này khói lửa
nỗi chết ấy không rời
quay lưng không thể được
xin lên tiếng với tôi(*)
Giờ này mà còn thi với sĩ. Đúng là tiếu ngạo giang hồ. Thơ của thầy Việt văn hả?
Hai đứa cười hơ hớ trên chiếc xe khắc khổ lắc lư.
Chốt chặn bên kia cầu. Hành khách dắt díu nhau đi bộ. Qua cầu Cỏ May một chặng thì nghe nhiều tiếng nổ lớn sau lưng. Cầu bị giựt sập. Xe cộ chen chúc inh ỏi đôi bờ. Có chiếc bốc cháy ngùn ngụt. Mạnh ai nấy chạy. Tay xách nách mang giỏ xách bao bị. Trên đầu, trực thăng gầm rú nhả đạn ngăn dòng người đổ qua sông.
Rồi cũng tới Vũng Tàu. Kiêu binh hằm hè súng ống. Dân thường nháo nhác tán loạn. Đi đâu?
Thấy người ta kéo nhau đi đâu thì theo. Chắc là ra Bãi Trước để xuống tàu.
Kiếm cái gì ăn đã. Đói muốn lả rồi.
Gõ cửa mấy chỗ, nhà nào cũng đóng chặt cửa thủ thân, he hé cửa sổ ra nhìn rồi lắc tay quầy quậy. May mà ở cái chợ xổm tan hoang, Hội cùng mấy người đàn ông đập cửa một gian hàng, bên trong còn ít bánh trái, rau củ héo, chắc chủ quán đã nghỉ bán từ mấy bữa trước. Nhìn nhau mà ăn. Dụ dỗ cái bao tử rỗng không đang biểu tình sùng sục. An ủi mớ tâm hồn leo lét hy vọng tìm được chỗ dung thân. Bãi biển đông nghịt. Lính thủy quân lục chiến dàn hàng nghiêm ngặt đón sĩ quan, công chức cấp cao với gia đình họ, không có thường dân nào lọt xuống khu Cầu Cảng được. Một đám thiếu sinh quân mặt mũi non choẹt di tản từ trường ra hòng thoát thân, cũng không được xuống. Hội dáo dác tìm anh trai. Cho tới khi một gã đại úy thủy quân lục chiến bắc loa truyền lệnh cho thầy trò thiếu sinh quân trở về trường đợi lệnh thì thằng Hội mới thấy anh nó, nhưng gọi không nghe. Mọi người rệu rã ngồi bệt trước Cầu Cảng. Sự sống và cái chết giằng co, căng cứng như ánh trời đứng ngọ. Hội nắm chặt tay con Linh em. Bàn tay nhỏ nhắn này mới đêm trước còn dám rải truyền đơn chống đối Quốc gia, mới chiều qua mềm mại ve vuốt, bây giờ mềm oặt rã rời. Trên tóc con nhỏ còn vướng mấy đọt rơm vàng. Bất chợt con Linh em la lên:
– Ba tui kìa – Rồi nó nhảy phắt dậy, hét toáng – Ba, ba ơi…
Đúng là thiếu tá Bảy Lửa đang một thân một mình tự lái chiếc jeep lùn, miệng trễ xuống như mo cau héo. Thấy con gái, lão mừng quýnh, thắng xe cái két. Mẹ mày. Đi đâu mất biệt vậy hả? Muốn bỏ mạng sao?
– Ba cho thằng Hội xuống tàu với – Con Linh em khẩn thiết. Hội đứng như trời trồng, vẫn nắm chặt tay bạn gái.
– Bao đồng. Chết tới nơi còn tình với địch, hội với hè gì – Lão Bảy Lửa quắc mắt rồi kéo xềnh xệch đứa con đi qua hàng rào xuống tàu nhỏ đợi sẵn.
Chuyến tàu cuối cùng đang nhồi nhét quan quân bại trận bỏ của chạy lấy người để ra Hạm đội 7 đợi ngoài xa. Hội ngơ ngác nhìn theo. Hai tay nó không còn gì để nắm nữa. Tiếng í ới hoảng loạn dồn tới. Giải phóng chiếm Thắng Tam rồi. Trường thiếu sinh bị pháo dập, chết gần hết. Trung tá chỉ huy trưởng cố thủ, đã tự sát trong khách sạn Palace. Trốn đi, đừng để chính quyền mới bắt. Còn nước còn tát.
Tiếng loa vòng vọng. Ủy ban quân quản thông báo: Bà Rịa Long Khánh đã hoàn toàn giải phóng. Yêu cầu nhân dân ổn định chỗ ở, không chạy trốn. Yêu cầu ngụy quân, ngụy quyền tập trung trình diện…
Hội nhận ra giọng kêu gọi rõ mồn một ấy là của thằng Quang, không thể nào lầm được. Hội lủi vào bóng chiều xớn xác chạng vạng, sao cho càng xa giọng điệu quen thuộc của thằng “cột chèo tương lai” càng tốt. Và Hội nghe thấy những tràng tiểu liên ré lên xung quanh cùng với sóng gió ngoài xa phũ phàng cuốn tới.
27 tháng 4, Phước Tuy ngập cờ Mặt trận. Trưa 30 tháng 4, lịch sử Việt Nam lật sang một trang mới mà đám học trò cùng trang lứa với Hội, Quang và chị em con Linh chưa bao giờ được học trong nhà trường.
*
Trường xưa đã đổi tên hai lần.
Ông giáo Việt văn sau đận bảy lăm về luôn Sài Gòn.
Một buổi trưa, tại trường Ô Cấp cũ, giáo viên môn văn tên Hội vừa ra khỏi cổng thì nghe tiếng gọi giật tên mình. Thầy Hội. Thầy Hội. Có phải Hội “kiếm hiệp” không?
Thầy Hội mới chừng năm mươi mà tóc mớm bạc, giật thót người, quay lại nhìn người gọi mình chăm chăm rồi vội quay đi. Không. Không phải. Bà nhầm rồi.
Người phụ nữ trắng trẻo, hồng hào, quý phái, ra dáng Việt kiều đi cùng một thanh niên hao hao thằng Hội ngày xưa, biết mình lầm, vội sorry. Xin lỗi. Nhưng, sao thầy lại có tên tuổi y chang người bạn cũ của tôi?
Thầy Hội rồ máy xe qua cầu Long Hương, không tấp vào nhà mà đi thẳng ra quốc lộ 51, quẹo trái ra Cống Ba.
Sáng hôm sau đến trường, thầy Hội nhận được một lá thư tay từ người bảo vệ. Cái bà hôm qua bỏ đi rồi trở lại nhờ tôi đưa thư này cho thầy. Thư viết vội: “Tôi nợ con trai câu trả lời ba đẻ nó là ai? Vì vậy tôi tìm về đây. Thầy giáo Việt văn vẫn còn sống trên thành phố nhưng đã lẫn, không còn nhớ gì nữa cả. Linh chị đã chết trong bệnh viện vào những ngày cả Sài Gòn nhốn nháo bởi phát đạn trên cầu Cỏ May. Quang nghe nói đã ra Trung ương rồi, không biết đâu mà tìm. Dân Bà Rịa ngày nay hầu như không ai còn biết đến tôi. May quá gặp được anh. Tôi không thể nhầm được. Hội, nếu anh ghi nhận công lao của tôi đã đi nửa vòng trái đất về đây tìm anh thì anh hãy đến cho con nó được gọi một tiếng: Ba! Tôi và con ở khách sạn X, đường Bãi Sau. Linh em”
Thầy Hội không vào trường nữa mà rút điện thoại ra gọi cho tổ trưởng bộ môn xin nghỉ đột xuất. Thầy lại chạy xe ra Cống Ba. Bến sông này hồi mới giải phóng là nơi tập kết vượt biên khét tiếng cả vùng. Gió sông mặn chát. Hội “kiếm hiệp” ơi, người yêu năm nào về tìm mày rồi đó, yên nghỉ đi nhé. Còn tao đây, thằng thiếu sinh quân ôm mộng tướng tá không thành vẫn sống qua ngày bằng tuổi tên cúng cơm của đứa em út. Nhờ cái trình độ đệ nhất dở dang ở bậc trung học đệ nhị cấp của mày mà tao được chế độ mới cho đi học rồi trở thành thầy giáo dạy văn như thế này. Hội ơi, em chưa đọc chương cuối cùng của Thiên Long bát bộ phải không? Ở Nhạn Môn quan, Tiêu Phong phản chiến, bẻ đôi mũi tên tự đâm vào lồng ngực mình. A Tử cô nương móc cặp mắt trả lại cho kẻ si tình, ôm xác Tiêu phong nhảy xuống vực… Anh có nên đến khách sạn gặp người yêu cũ của em không nhỉ? Mà gặp nhau rồi thì sẽ biết nói gì đây?
Ôi, Ô Cấp một thời sóng gió…
T.S
Nguồn: Vannghequandoi.com.vn