Trần Quang Quý
Nếu bây giờ, ở thập niên thứ hai của thế kỷ hai mốt, có người bảo sống bằng thơ thì có ai tin được không nhỉ? Nó như chuyện cổ tích vậy. Nhưng nàng bảo thế. Nguyên văn lời nàng: “Em yêu thơ, say thơ lắm. Có thời em sống bằng thơ đấy”. Tôi ngẩn mặt nhìn nàng!
Nàng sống thế nào? Nàng kể, nàng bắt đầu “nghề thơ” của mình là thơ Facebook (FB) một cách tự phát “cây nhà lá vườn”, không ai chỉ dẫn, truyền nghề. Lúc ấy nàng làm ăn ở Đà Lạt, không khí Đà Lạt và nỗi buồn se sắt của thành phố cao nguyên vi vút thông reo, sương bay lãng đãng gợi hứng nàng bày tỏ tình yêu, nỗi niềm nhung nhớ trong những câu thơ lục bát, hoặc thơ vân vê, tỉ tê truyền thống, đại khái là thơ có vần. Như là “ân, lân, khân, cân…” hay “tồn, dồn, ồn…”. Ấy thế mà nàng đã có bốn tập thơ: Giọt sương khuya, Lá thu phai, Sóng Tình và Sóng ngầm mới vừa ra lò còn nóng hôi hổi. Nàng bảo, em chỉ cần bán mười cuốn là đủ tiền in. Thế á? Tiền in chừng hơn mười triệu cho 500 cuốn, giá bìa cuốn “Sóng ngầm” mà nàng tặng tôi chỉ 80 ngàn đồng. Tôi tròn xoe mắt khi nhẩm tính giá bán một cuốn thơ phải trên một triệu.
Vâng anh, lẽ ra cuốn này em đặt tên là “Mùa rêu phong”, nhưng có người bảo, anh ta sẽ tài trợ nửa tiền in nếu lấy tên sách là “Sóng ngầm”. Chắc anh này mê “Sóng tình” của nàng, bây giờ muốn vào bí mật hơn, “Sóng ngầm” chăng? Tôi nghĩ. Anh nhé, có một anh Việt kiều Mỹ, biết tin em mai ra Hà Nội thế là xuống sân bay Tân Sơn Nhất, anh ấy hẹn gặp ngay để mua “Sóng ngầm”, vì sợ em đi lâu ngày. Bật mí được không? 100 Đô anh ạ. Ối! Sao nàng có duyên bán thơ kỳ lạ thế, các nhà thơ “chuyên nghiệp” có lẽ chỉ há hốc miệng nếu nghe nàng kể. Nàng biết không, có nhiều “nhà” in thơ chỉ để đi tặng. Tặng mà còn không đắt. Ông nhà văn Đỗ Chu thì huỵch toẹt luôn, ông/bà mang tặng chỗ khác, tôi không có thời giờ đọc, tặng nó phí đi. Nàng cười, mua một hai triệu, một hai trăm đô là thường à. Sóng ngầm tài trợ nửa tiền in, đã là hơn 300 Đô chứ bộ.
Nàng bảo, Sóng ngầm vừa mới ra đã dư tiền in, còn trước đó bán Sóng tình “sướng lắm”. Có một anh ở Đà Nẵng mua một Sóng tình của em, em xem trong tài khoản mà không tin ở mắt mình, những 10 triệu! Hoàn toàn là những người chưa hề gặp trong đời, chỉ quen trên FB. Mười triệu một Sóng tình? Có tin được không nhỉ? Nhưng lại có anh ở Đài PTTH mãi ngoài Thành phố Cảng (xin giấu tên) còn tự làm một chương trình về nàng và thơ nàng, khi vào Thành phố tặng nàng đĩa hình ấy, còn kèm mua Sóng tình với giá ba triệu. Nàng cứ ngồi tủm tỉm hé từng tí một về chuyện làm thơ bán thơ qua FB, từ FB một cách khá lạ lùng.
Ngộ lắm nhe anh. Khi em mở quán cà phê, rất nhiều người đến uống cà phê nhưng chỉ là cái cớ, lúc về họ đưa cả mấy trăm ngàn để có một cuốn thơ. Mà có cả những ông Tây hẳn hoi, có biết gì về tiếng Việt đâu. Vậy thì họ mua cái gì nhỉ? Tôi nhìn kỹ nàng, đến mức nàng ngạc nhiên, sao anh cứ nhìn em cười thế? Nàng xinh, không phủ nhận. Nét mặt nàng dịu dàng hiền hậu, nụ cười tỏa sáng và hai lúm đồng tiền thật duyên. Nhưng điều đó đã đến mức “xiêu quán đổ đình” chưa mà các môn đệ của thơ phải “chết” như thiêu thân không nhỉ? Nàng bỗng khoe một số ảnh FB của nàng, ảnh trong bộ sưu tập, cả ảnh đã dán ở đầu trang những cuốn sách in trước. Ôi, quả nhiên nàng lộng lẫy hơn hẳn đời thực, nhưng gương mặt lại hiền như ma-xơ. Nói như dân gian, nàng thật “ăn ảnh”. Ảnh tôn nàng lên nhiều cấp độ đẹp. Dường như đoán được ý nghĩ của tôi, nàng chợt hỏi: “FB của anh like nhiều nhất là bao nhiêu?”. Tôi bảo, FB tôi nhiều chỉ hơn 700 like, bình thường 300 like. Tất nhiên, tính chất và “chất lượng” bạn FB mỗi người là khác nhau.
Tôi bình luận thêm, có những nữ FB thơ nỉ non, vần vè, khá dễ dãi tình ái, hoặc đơn giản là một cái status, nhưng vừa lên tường xong là bạn FB like rào rào như mưa, một vài giờ sau đã lên bảy, tám trăm like, hơn ngàn like… Tất nhiên, số các “nữ sĩ” ăn FB kiểu như vậy không nhiều. Và, tôi nhìn tường FB ấy thường bao giờ cũng có ảnh “thân chủ” rất “phong nhũ phì đồn” (mông to vú nở), cổ trễ lộ cả khe ngực hơi bị bạo, đứng cong mông, ưỡn ngực rất “tốn mắt” giai. Bí quyết là thế chăng? Nàng cười như thừa nhận có chuyện ấy ở thơ FB, bạn FB. Em biết, họ like dạo có đọc gì đâu, nhưng… em luôn mặc áo kín cổ đấy chứ. Thế thì thơ nàng, mắt nàng, lúm đồng tiền của nàng hay cái gì khác có sức hấp dẫn lạ kỳ thế. Tại cái “duyên” bán hàng trời cho của nàng có ma lực khác người? Mà thơ nàng, nàng cũng tự thú là nó vần vè, đọc “hiểu liền” à. Nàng cũng rất thích những bài thơ tự do mà nàng cho là hay của người khác, nhưng “bắt chước” các anh khó quá, quen kiểu kia mất rồi.
Nàng kể, sau khi ở Đà Lạt về lại Sài Gòn, nàng mở quá cà phê và in tập thơ đầu tiên “Giọt sương khuya”, bạn FB đến đông quá trời. Đến uống cà phê, mua thơ, giao lưu thơ, ca hát… Có hôm ồn ào khuya quá, công an vào lập biên bản về trật tự. Vậy mà, có những người bạn khác của nàng, cũng quảng bá thơ trên FB, hoặc những buổi ra mắt thơ tốn kém, kèm lời mời gọi “tiền bán thơ làm từ thiện” nhưng “hiệu quả” rất thấp. Đối với nàng bán thơ là bán thơ, từ thiện là từ thiện, nàng không thích mập mờ “bia kèm lạc” ấy. Nàng cũng có khả năng làm từ thiện nhưng không từ thiện bằng rao bán thơ. Làm thơ đã khổ, đã hao tâm tổn trí, tốn tiền in ấn mà không bán được, không sống được bằng thơ, kêu gọi bán thơ để từ thiện làm gì cho nó nhếch nhác, rẻ rúng cái sự làm thơ.
Tất nhiên, có những thi đàn nọ, câu lạc bộ kia vẫn có mẹo “lái thơ” ra tiền như xã hội từng biết. Thậm chí có thi đàn mượn danh các nhà thơ có uy tín, quảng bá mời gọi các môn đệ thi ca đến những buổi giao lưu, trao giải này nọ của họ, có cả ngàn người dự, mỗi người đóng 500 ngàn đồng là hầu bao khẳm. Nhà thơ Vũ Quần Phương đã từng bị “mượn” như thế cho một Thi đàn… nọ. Sau đó, cuộc này bị các thi hữu chửu bới, cho rằng bị lừa đảo (vì vài nhân vật VIP được quảng cáo tham dự mà không có mặt).
Tôi bảo, thơ “chuyên nghiệp” không có cái cơ duyên như nàng. Như đã nói, có người bỏ tiền in thơ đi tặng còn không đắt. Vậy thì nàng học làm thơ “chuyên nghiệp” làm gì, cứ thế mà kéo cưa lừa xẻ, vần vè Sóng tình, Sóng ngầm… lại ngon ăn hơn nhiều. Cứ Sóng tình, Sóng ngầm… mỗi tập lại dán một ảnh chân dung đẹp như hoa hậu đầu sách là hót rồi (nàng tự rút ra kinh nghiệm). Nước ta cứ có mác người đẹp, hoa hậu là có giá, dù là “đầu ngắn chân dài”, dù là ngồi ngủ xều dãi, há hốc miệng ngáp, ghếch chân trên ghế máy bay thì khối đại gia, Việt kiều, Tây chính cống vẫn sẵn sàng vãi hầu bao Đô-la ra “xin chết”. Thương thay các nhà thơ vừa “chuyên nghiệp” lại vừa là “giống đực” biết bao.
Nàng cười tít mắt. Nụ cười của người sống… bằng thơ. Hà Nội, 5.10.2017
Lao động cuối tuần
Phạm Thúy Quỳnh đưa bài