CHU VĂN SƠN
Van Son Garden, 10/8- 24/8/2017
Nguồn: Thơ hiện thời PLUS
Đăng lại từ Vanvn.net
“Luyện nên đá là lửa, tạo nên động là nước. Yêu đá, nước muốn kiến tạo diện mạo một kỳ quan cho đá. Nhưng phải theo quái ý của mình”. Chu Văn Sơn đã viết những dòng này trong bài tùy bút này, còn tôi không hiểu sao đọc đến đó lại nghĩ Chu Văn Sơn luyện chữ cũng như vậy. Yêu chữ, anh kiến tạo những “kỳ quan” chữ nghĩa theo “quái ý” của riêng mình.
Suốt mấy mươi năm như thế. Và hôm nay, là tùy bút Sơn Đoòng.
Với 5 phần nội dung, lôi cuốn đến từng chi tiết, Sơn – Đoòng – chữ của Chu Văn Sơn không chỉ dẫn ta vào hành trình thám hiểm Sơn – Đoòng – hang – động vĩ đại, mà còn đi vào tận thăm thẳm cõi khởi thủy của vũ trụ, để rồi trở lại miền sáng tối của cõi Người bằng một tâm thế Người khác, biết yêu nhiều hơn, đau nhiều hơn với cuộc đời này.
Thơ Hiện thời Plus trân trọng giới thiệu tùy bút mới nhất của Chu Văn Sơn, bản đầy đủ.
——-
1. Báu vật và huyền thoại
Là xứ sở đá vôi, nên nước Việt cũng là xứ sở hang động. Tỏ mờ trong mỗi lòng Việt hẳn đều có những bóng hình hang động được gieo cấy từ đời não đời nào. Không Từ Thức, Mắt Rồng (Thanh Hóa), thì cũng Tràng An, Tam Cốc, Bích Động (Ninh Bình), Cắc Cớ, Hương Tích (Hà Tây). Chẳng Đầu Gỗ, Thiên Cung, Sửng Sốt (Quảng Ninh), thì cũng Nhị Thanh, Tam Thanh (Lạng Sơn). Chả Pác Bó, Ngườm Ngao (Cao Bằng), Cống Nước (Lai Châu), thì cũng Phong Nha (QuảngBình), Huyền Không (Đà Nẵng)… Lắm hang nhiều động đến thế rồi, thêm một cái nữa, liệu có làm nên khác biệt gì không ?
Nghĩ cũng lạ, ở nước này, ba tỉnh được phú cho nhiều kỳ quan đá vôi nhất đều có chữ “Bình”, chữ “Ninh” : Quảng Ninh, Ninh Bình và Quảng Bình. Chả biết những đất ấy đã thật Bình thật Ninh chưa. Bởi, chỉ cần Bình thật, Ninh thật thôi, các kỳ quan đá vôi trời cho kia sẽ biến mỗi tỉnh thành một con rồng. Là tôi nghĩ thế. Cũng mong nó đang là thế. Mà ngẫm cái sự phân phát của trời cũng rõ khéo: Quảng Ninh được suất hang động ngoài biển, Ninh Bình thì phần hang động trên đồng trũng, còn Quảng Bình nhận hang động giữa rừng sâu. Riêng cái tỉnh hẹp nhất nước, mình mẩy bỏng cát rát gió Lào lại đã được trời dành cho lượng hang động nhiều nhất nước – tính đến nay, lớn nhỏ cả thảy, sắp 500 còn gì. Là một đền bù chăng? Chả biết. Chỉ biết : nhờ số lượng hậu hĩ này mà Quảng Bình đã bỏ xa hai đồng đội của mình để nghiễm nhiên trở thành “vương quốc hang động”, “thành bang hang động”. Xài hang động nhiều đến bão hòa thế, có tìm ra thêm hang mới, chắc gì còn là chuyện hot với xứ này!
Nhưng, Sơn Đoòng thì khác. Đó là một hang động vô đối.
Sơn Đoòng không chỉ là anh cả của riêng cái gia đình hang động quá đông đàn vùng Phong Nha – Kẻ Bàng. Sơn Đoòng còn đứng đầu cả cái đại tộc hang động rải khắp hành tinh. Sở hữu một hang lớn nhất thế giới với chiều dài hơn 9 km, rộng 150m, vòm trần có chỗ suýt soát 250m, còn sông ngầm thì quanh co đến cả 20km, và những hố sụt cùng thạch nhũ thì kỳ vĩ chưa từng thấy ở bất cứ đâu… khác nào sở hữu một “đỉnh Everest trong lòng đất”! Phát hiện Sơn Đoòng, do đó, đã làm lòng Quảng nức nở, lòng Việt ngây ngất, chấn động nơi nơi. Đã vậy, nó lại còn được hãng truyền hình hàng đầu của Mỹ là ABC dành hẳn một chương trình Good Morning American trực tiếp truyền đi những hình ảnh choáng ngợp từ Sơn Đoòng cho toàn thế giới nữa chứ. Đương đói những danh hiệu tầm cỡ toàn cầu để trút bớt mặc cảm nhược tiểu trường kỳ, sự kiện Sơn Đoòng khác chi một mâm ngự yến vỗ về cái dạ dày cồn cào của nước Việt !
Nhại lối hàm hồ của Khổng Tử, có thể chém : nhất Sơn Đoòng viết hữu, vạn hang động viết vô chăng ?!!!
Phát hiện hang động thường do tình cờ. Nhưng những tình cờ của Hồ Khanh thì đâu chỉ tình cờ. Có vẻ hang động chốn ấy đã chọn đích danh cái anh chàng lận đận này làm sứ giả của mình chứ không phải ai khác. Chả thế, sao lại là anh, kẻ từng bị coi là lâm tặc do vật lộn mưu sinh đã phải theo nghề ngậm ngải tìm trầm mà sục sạo khắp các xó rừng, trong khi kiểm lâm chuyên nghiệp ở Quảng Bình có cả một rừng quân ? Và, tìm ra nào hang Én, nào động Thiên Đường, động Thái Hòa cùng nhiều hang động khác nữa đều do những tình cờ của một Hồ Khanh ?
Cái hôm tìm ra cửa hang này chả thế sao! Ấy là hồi đầu những năm 90 thế kỷ trước, đang lần mò giữa rừng xa, mạn Sơn Trạch của Bố Trạch, thì mưa lớn. Loay hoay tìm chỗ trú, thế nào lại trèo phứa về phía một vách núi lạ. Đến gần thì thấy từng màn sương đục từ dưới khe núi bay lên cùng những luồng gió lớn mát lạnh. Gần hơn chút nữa, thì nghe tiếng nước gầm réo, vọng tít từ trong ra. Kinh nghiệm đi rừng liền mách ngay với anh rằng: đó là sông ngầm! đây là một hang động lớn ! Tất nhiên, lúc ấy đâu đã biết nó là Sơn Đoòng.
Xem thế, mưa kia đâu có vô tình ! Chưa chừng, chính hang đó đã đặt hàng cơn mưa dẫn dụ Hồ Khanh tới tận nơi để được giao mình tận tay, cũng nên! Người vô thần, tất nhiên, khó tin. Còn người ưa huyền bí thì dại gì mà nghi ngờ. Tuy nhiên, vị sứ giả ngoại ngạch kiêm nhà thám hiểm ngoại chuẩn này đâu biết mình vừa khám phá được điều gì. Cảm xúc lúc ấy, rất có thể chỉ là nỗi cáu kỉnh: Rõ khỉ! Trầm đâu chả thấy, lại thấy… hang ! Hèn gì, anh đã hờ hững rất lâu. Phải mười tám năm, sau cái trận mưa hên sui nọ, nhờ những chuyên gia hang động học của Hoàng gia Anh, Hồ Khanh mới biết cái mình gặp bữa đó là hang động lớn nhất hành tinh – một thứ mà cả lúc hão huyền nhất, anh cũng không hề nghĩ tới.
Tuy thế, anh vừa trao cho quê hương Quảng Bình báu vật cỡ nào, làm cho toàn dân Việt được hoan hỉ mức nào, thì hẳn Hồ Khanh cũng chả lường đến. Ban đầu, tôi nghĩ, tấm huân chương lao động hạng ba dành cho anh chả xứng. Nó quá nhàm. Từng nhận nó, có cả lô cả lốc, mà anh, chỉ có một. Quảng Bình nên phong vị “ma xó” này là “công dân ưu tú” của mình ! Nhưng, đến giờ, cả điều đó nữa, nếu có, cũng chả thấm tháp gì. Hồ Khanh đã thành huyền thoại. Tên anh được truyền tụng trong lòng dân mê hang động và trên mọi bài báo viết về Sơn Đoòng khắp toàn cầu rồi. Vinh danh hão sao bằng vinh quang thật! Mà để ý làm quái gì chuyện vinh với chả danh Hồ Khanh nhỉ!
2. Kỳ quan của Đá và Nước
Cuộc đi của chúng tôi rơi vào đầu tháng Tám, chớm mùa mưa. Nhưng là quãng cực nhất của tour Sơn Đoòng. Bởi chỉ cuối tháng, lũ về, nước ngập trần hang, muốn đi cũng không nổi, tour sẽ đóng. Cả đoàn, từ khách Tây đến khách Ta ai nấy đều hăm hở dấn thân vào những trải nghiệm hiếm hoi sắp sửa. Ngày đầu, điểm dừng là hang Én, cảnh quan hãy còn nhiều êm đềm, đường đi chưa quá kinh hãi. Nhưng đến ngày thứ hai, thì biết tay nhau. Đã đi không ít hang động, nhưng tôi chưa từng thấy hang nào dữ đến thế.
Thú thực, trước khi đi, cô xã luôn kích tôi về sự khủng khiếp của Sơn Đoòng, cứ thúc phải tập này tập nọ, không thì sẽ thế này thế kia. Tôi toàn phớt. Chỉ đến sát ngày đi, tự dưng lo lo, thì cũng tập tành chút. Vào Sơn Đoòng, mới thấy mình chủ quan vô lối. Sơn Đoòng luôn dạy cho kẻ khinh xuất những bài học đáng đời. Và tôi đã tơi tả, tướt bơ. Chặng nào cũng chiến, cũng bải hoải muốn rụng cả chân tay, cũng bê bết như con ma bùn. Những cú lủng lẳng miệng vực, thì sống lưng lạnh toát đá tai mèo, bạt hết cả hồn lẫn vía. Nên mỗi lúc đã thoát hiểm, ngồi tựa lưng vách động, phì phò thở để đợi hoàn hồn, cũng không ít lần tự đắc kiểu Mao, quả là : bất đáo Sơn Đoòng phi phượt thủ !
Tuy vậy, chả hiểu sao, suốt hành trình, điều tôi thực sự bận mải không phải là lo chiến đấu với nỗi sợ hãi quá đà của chính mình trước mỗi vực sâu, vách trơn, đá sắc, nước xiết, để mà chiến thắng bản thân. Có lẽ, thách thức của Sơn Đoòng không cuốn hút tôi bằng cái đẹp của nó. Trên bất cứ chặng nào, tôi đều không cưỡng nổi sức mê dụ của cái đẹp Sơn Đoòng. Cái đẹp nguyên sơ, dữ dội và man dại. Nhờ nó, tôi đã vô cảm được với nhọc nhằn của mình chăng ?
Khi bặm môi, gò mình, ghì vách đá trơn nhẫy, tua tủa những đá đầu nhọn cạnh sắc như mavia phoi tiện, lần bò theo từng nút dây, giòng từ miệng hang xuống vực thứ nhất, chúng tôi lập tức bị nuốt chửng bởi bóng tối và tiếng gầm réo man dại vọng lên từ đáy vực, dội khắp các vách động, trần hang. Ai có bảo dưới kia có khủng long đang vật lộn gầm gào thì tôi cũng tin ngay. Vậy mà, không hiểu sao, dậy lên trong tôi lại là một phấn hứng. Tôi không thấy đó là nỗi gầm ghè hăm dọa. Thói liên tưởng li kỳ cứ khiến tôi nghe như là âm vang của một cuộc tình Đá Nước trong chốn hang động sơ nguyên.
Đá Nước Sơn Đoòng thực là mối kỳ duyên. Không giống một ái tình bay bổng. Mà như một cuộc yêu dữ dằn. Thứ dữ dằn của một ái ân thống khổ mà thống khoái. Ai bảo sơn thủy hữu tình chỉ có mỗi chiều êm ái ? Còn cả chiều điên đảo nữa chứ. Ai muốn sơn thủy giao hòa thì đến miền suối dịu núi hiền, nước êm non tĩnh, những cảnh quan non bộ. Còn muốn gặp thuỷ sơn quần thảo, thì đến cảnh quan hang động, thì đến Sơn Đoòng.
Thực ra, luyện nên đá là lửa, tạo nên động là nước. Yêu đá, nước muốn kiến tạo diện mạo một kỳ quan cho đá. Nhưng phải theo quái ý của mình. Và bằng một cách yêu cứ phải bạo hành. Yêu mà hành hung. Yêu bằng ăn mòn, bằng gây xói lở và làm tan tành. Nên, kết hôn từ hàng triệu năm trước, và suốt hàng triệu năm nay, đá với nước vẫn cứ phiêu trong một tình trường kỳ bí. Nước vận hết tình lực lại thành suối kín, sông ngầm để liên tục ra những đòn yêu với đá. Ve vuốt, liếm láp rồi va xiết, khoan xuyên. Lùa mình vào những thớ, những khe nhạy cảm nhất của đá. Lột từng thớt đá, từng vỉa đá. Khiến mình mẩy đá cương mòng, đau đớn mà hoan lạc. Hàng vạn khối đá vốn liền thịt, liền cơ bên trong thân thể khổng lồ của núi cứ giật nẩy lên vô hồi, rúng động vô biên, đòi được xả, được trút. Cứ thế, qua hàng thiên kỷ tình tự miệt mài và cuồng bạo, sau một cú rùng mình tột đỉnh, tất cả những gì dồn tích bỗng òa vỡ, đá rùng rùng sụp xuống, thành muôn gò đống ngổn ngang trong tiếng nước rên, nước rền, hào hển. Thế là núi rỗng lòng, trống hoác, thành những vòm hang vòi vọi mà nham nhở, những vách hang sừng sững mà lởm chởm. Nhưng, nước vẫn không ngừng mơn man, cọ mài. Khiến cho đá muốn lỏng hết mình ra, tan chảy thành muôn khối thạch nhũ lộng lẫy cùng những cồn sa thổ nhầy nhuội miên man. Nước không thôi chạm khắc, tỉa tót. Khiến gương mặt đá thành muôn hình thù kì thú cùng muôn bộ dạng kì quái. Trước cách yêu oái oăm ấy, chỉ thấy đá cố rướn những mỏm nhọn, cố gồng những cạnh sắc, chẳng biết đó là hậm hực chịu trận, hay âm ỉ khoái lạc suốt cả triệu triệu năm nữa. Cứ thế, từ thế kỷ này qua thế kỷ khác, nước đã biến đá thành kỳ quan bằng những đòn yêu quái đản. Và, lúc chảnh lên tột độ, nước có thể cho đá ra cám. Cuộc đi Sơn Đoòng này, bao lần vốc cát lên, trông cát nước ròng ròng qua kẽ tay, thì tôi hiểu : cát chẳng qua chỉ là đá do nước bạo hành thành cám mà thôi!
Nhưng đá đâu phải dạng vừa. Dọc lòng hang, chỗ nào cũng có thể thấy một tình yêu cuồng điên của đá. Chiều ngày thứ hai, khi chớm đến hố sụt thứ nhất, hạ trại tại nơi thật lơ lửng : nhìn lên là hàng vài trăm mét trần hang, đủ để từng bầy trực thăng bay vào quần thảo, nhìn xuống thì hàng trăm mét đá thăm thẳm lòng vực, rướn hết cả nhãn lực cũng chỉ nghe tiếng nước réo như thác xối, mà tịnh không thấy sông đâu. Cả đoàn phải leo qua mê man, lởm chởm, chông chênh những đá là đá, xuống tận lòng vực để tìm nước tắm cuối ngày, tôi mới thấy thứ tình yêu độc đoán của đá là thế nào. Đá dựng những bức tường kín bưng để ôm ghì nước. Khiến nước ngạt thở, lả mình trong lòng tay và ngực trần của đá. Cứ thế, nước chung tình theo cách chung thân trong tình yêu đầy bóng tối của đá. Đá xô vách lại, ép nghẹt cả dòng chảy, khiến nước rãy rụa quằn quại hả hê năm này qua năm khác mà thành dòng xoáy, luồng xiết. Đá bày đặt những gò ngăn, đống cản, hoặc bất đồ tạo vực, khiến dòng nước chốc chốc phải nổi xung lên, trào văng tung tóe mà thành ghềnh, đổ nhào xuống mình đá mà thành thác. Lại có những chỗ trong hang, đá nguyên khối khổng lồ nằm lạnh toàn thân, nằm ì thần xác. Nước như bị chặn dòng, cụt hứng, buộc phải khựng lại. Y như bị phụ phàng. Nước đương cơn thèm muốn mà đành uất ức dằn dỗi rẽ hướng khác. Thậm chí, nước lủi thủi chui sâu xuống lòng đất, bỏ đi đâu mất tăm mất dạng… Đến giờ các chuyên gia vẫn chưa tìm ra hướng chảy tiếp của sông ngầm Sơn Đoòng.
Thật không có cuộc yêu nào bạo liệt hơn thế. Đến giờ chúng vẫn tình tự không rời, vật lộn không ngớt. Hằng đêm cuộc lâm chiến ầm ĩ với những đòn yêu bất tận của đá và nước luôn ầm ào khua động chốn hang sâu.
Một ái tình của những gây hấn, những bạo hành bất tận thế lại là hoạt động sống âm thầm, lại tạo sinh cảnh quan chốn này. Nó là vẻ cuốn hút đặc thù của hang động Sơn Đoòng chăng ?
Có lẽ, chỉ về cuối, ở nhịp kết Sơn Đoòng, sau những bạo hành cuồng ái, nước và đá mới thỏa thê. Ấy là cảnh tượng một hồ nước lớn im lìm, nằm lịm mình, mê mết dưới chân bức tường thạch nhũ hùng vĩ uy nghi, có tên là Bức tường Việt Nam. Bức tường thành cao tới 95m, chất ngất trong bóng tối này chính là thử thách sinh tử nhất trong cuộc chinh phục Sơn Đoòng của chúng tôi.
3. Quý tử của mối kỳ duyên
Quái lạ thay, cuộc hôn nhân hục hặc với những tình tự bạo cuồng lại sinh ra những đứa con quý tử ! Con đẻ của cuộc hôn nhân gay cấn giữa Đá và Nước kia lại chính là hai kì quan xanh hiếm hoi giữa bao gập ghềnh khúc khuỷu của Sơn Đoòng.
Nếu hoàn toàn kín bưng, Sơn Đoòng bất quá, chỉ là một hầm đá, một cống đá khổng lồ để tàng trữ bóng tối và tiêu thoát nước nổi cùng nước ngầm thôi. Dò dẫm trong một đường hầm dài lởm chởm và thăm thẳm như thế, dù có gặp những hình thù lạ lùng đến mấy, cũng khó tránh khỏi đơn điệu và khó thoát khỏi cảm giác hãi hùng của người lần mò trong địa phủ. May thay, cuộc yêu man dại giữa Nước và Đá Sơn Đoòng đã sinh tạo ra hai hố sụt lớn làm hở trần hang, thông lòng hang với bầu trời. Đó là hai giếng trời. Tại đáy của hai giếng trời hiếm hoi ấy, qua ngàn ngàn năm, đã ra đời hai kỳ quan : hai khu vườn địa đàng. Theo hướng chảy của sông ngầm, thì hố sụt thứ nhất là chị, hố sau là em. Cả hai đều sắc nước hương trời. Nhưng chị có vẻ tơ tuốt, quyến rũ hơn chăng ? Không có hai đứa con xinh xẻo ấy, Sơn Đoòng chỉ thuần là loại kỳ quan dễ sợ.
Tôi cứ thích hình dung Sơn Đoòng như một cái ống suốt đá, nhờ hai cửa thông này, mà nó trở thành một cây sáo hai lỗ thần kỳ. Ai thổi được cây sáo ấy ? Gió chăng ? Có thể. Gió ùa vào qua hai lỗ sáo thật nhiều, thật lành. Nhưng gió cũng chỉ gây được những nét nhạc mờ. Mây chăng ? Cũng có thể. Hằng ngày mây trắng vẫn ghé qua mà đặt đôi môi dịu dàng của nó lên lỗ sáo này. Nhìn từ dưới ngắm mây bay qua miệng giếng trời, thật không gì xao xuyến bằng. Còn mây mưa thì tuôn vào lòng sáo bao nhiêu là giọt trong làm dậy lên những âm thanh ướt át. Song, nhạc công chính thổi cây sáo này vẫn phải là mặt trời. Hằng ngày, khi đôi môi thắm của mặt trời chạm vào, thì những lỗ sáo bay bổng lên từng giai điệu sống, giai điệu xanh. Nó nảy nở thành thảm rêu, thành dương xỉ, thành bụi thấp, cây cao, thành dây leo, thành tráng mộc, thành tầm gửi, thành cổ thụ, thành tiểu cảnh góc này, thành thượng uyển tầng kia…
Và, thú vị làm sao về khác biệt ! Ở hố sụt thứ nhất, địa đàng thoáng đãng. Đây đó chon von những gò thạch nhũ phong hóa tự bao đời nay đã xanh rì những rêu. Gò nào dáng cũng tròn trặn như từng cây nấm trứng khổng lồ, đứng chen chân thành từng bầy, từng nhóm. Đẹp như vườn thiền Nhật Bản. Từ lòng hang nhìn ra, qua vòm trần hun hút tối, toàn cảnh khu vườn mườn mượt như nhung, lung linh sương nắng. Người hoài cổ dễ tin rằng nó vốn là một sân khấu kì vĩ mà các nàng tiên xưa thường múa lượn, rồi bỏ lại trước khi về hẳn cõi trời. Có lẽ đây là chốn dừng chân lâu nhất của người đến Sơn Đoòng. Người ta đi quanh, ngắm, người ta bá lên, chạm. Ai cũng mê mẩn những khối thạch nhũ căng tròn, óng ướt rêu phong như những bầu vú mẩy. Ngắm từ mọi góc, mọi phía. Chưa chán chê với góc thấp, đã nôn nóng lên góc flycam. Ảnh chụp, clip quay cứ mê ly, hết pano lại selfee. Những bức ảnh được coi là Sơn Đoòng nhất mà thế giới biết đến là chụp ở nơi này.
Hố sụt thứ hai, thì địa đàng là cả một cánh rừng nguyên sinh rậm rạp. Cây cối đủ loài mọc đan xen, chen cài với cả ngàn hòn non bộ tự nhiên đủ dáng, đủ cỡ. Mà dù to hay nhỏ, mập hay mảnh, cây nào cũng gân guốc, cũng vặn mình để tự tạo nên dáng bonsai, cổ thụ. Kể cả những cây lộc vừng còn thấp vài gang tay đã đầy múi thân vè rễ, lá nào lá ấy đã dày như lá mít. Dân làm cây cảnh ngoài kia có mơ cũng không bao giờ tạo nổi. Có những dáng non bộ gợi hình hòn Chồng, hòn Trống Mái. Có những dáng đá gợi hình các tượng yêu của Rodin, Tamara. Nó gợi nhớ về chốn gặp gỡ và hò hẹn sơ nguyên của hai con người đầu tiên là Adam và Eva. Nên chốn này đã được đặt tên là vườn Êden. Giữa dằng dặc dặm dài hầm đá tối om, bỗng gặp một khu rừng nguyên sinh lọt thỏm trong lòng hang, du khách như gặp một ốc đảo giữa sa mạc, hơn thế, một rừng cây lánh mình vào đây sống đời ẩn dật giữa muôn trùng đá.
Cặp bố mẹ tối ngày bận lâm chiến, nhưng vẫn dành cho các con những gì là tươi thắm nhất, ấy là Sơn Đoòng. Cặp bố mẹ suốt đời không rời mối tình đường mật dữ dằn, nhưng vẫn không muốn con cái ra ở riêng, vẫn đùm bọc con bằng chế độ bao cấp, ấy là Sơn Đoòng. Nghĩ thế, tôi bỗng thấy Sơn Đoòng như một mẫu gia đình cố kết vĩnh cửu vậy.
Được dừng nghỉ và thưởng ngoạn nơi hai chiếu nghỉ thơ mộng này, khác nào như được ghé non tiên. Dân chinh phục Sơn Đoòng được thư giãn chút để xạc thêm cho mình nguồn sinh thái tươi mát dịu trong, trước khi dấn thân vào nơi cam go và bí hiểm nhất của hang sâu, chốn cư ngụ vĩnh cửu của bóng tối.
4. Bóng tối ròng
Khám phá ra điều gì cũng xem như đem được một bí mật vùi trong bóng tối ra ánh sáng. Nhưng, với hang động, ngay cả khi đã được phát hiện, thậm chí đã được đưa vào khai thác, chúng vẫn vĩnh viễn là kỳ quan nửa mình thuộc về bóng tối.
Tại xứ Phong Nha – Kẻ Bàng này, chúng tôi đã từng vào động Tú Làn, nơi vẫn được xem là “cung điện trong rừng thẳm”, cũng là nơi bóng tối bị câu lưu. Đã đến Hang Tối, chốn mà ngay cái tên của nó đã mách rằng đây là chỗ bóng tối bị biệt giam. Ở đâu cũng gặp cảnh bóng tối bị cùm giữ trong hang đá. Nhưng, phải tới Sơn Đoòng, đi suốt gần 9 km lòng hang, nghe mặt mình chạm vào bóng tối, nghe trong bóng tối hơi thở ẩm ướt của triệu năm, tôi mới vỡ lẽ hang động không hẳn là chốn bóng tối bị lưu đày. Mà bóng tối chính là linh hồn của hang động. Nếu bóng tối được giải phóng, hay bị giải tán, nghĩa là hang động bị giải thiêng, hang động mất hồn. Cứ hình dung hang động từ trong ra ngoài mà lại ngập tràn những nắng, mọi ngóc ngách đều khô rang những nắng thì sẽ ra sao ? Ấy là nó đã chết. Đó chỉ còn là thi thể của hang động thôi.
Hang động chính là loại kỳ quan ngậm đầy bóng tối, hàm dưỡng bóng tối trong lòng.
Đành rằng, bóng tối gợi bí ẩn và hung hiểm. Dò dẫm trong màn đen ẩm ướt tựa hồ bóng đêm đang hóa lỏng ra ấy, có thể luôn luôn thất đảm, bởi y như có vô vàn cái nhìn trân trối từ đôi mắt hau háu của những loài quái vật tiền sử đang náu mình, nín thở quanh đây. Có thể hoảng hồn với những vật trơn nhẫy bất đồ chạm phải. Thậm chí, yếu bóng vía hơn, có thể cảm thấy bóng tối tanh tanh như mùi nghĩa địa, nhớp nháp như thây ma. Cứ y như mình đang đi trong âm ty vậy. Nhưng, chính trong bóng tối kì bí của hang động, đang diễn ra một chu trình kiến tạo địa chất của hành tinh này. Trong tiếng tí tách nước rơi đây đó từ trần hang, muôn vàn thạch nhũ, măng đá đang hình thành. Sỏi đá đang tượng hình. Bóng đêm lòng hang đang tiết ra thứ dịch bí ẩn bao quanh từng nhân lõi vốn là những hạt cát may mắn nào đó. Rồi trong màn đen phi thời gian ấy, chúng cứ đầy dần, tròn dần, rắn dần, trong dần mà thành những viên ngọc hang. Thành cả bầy bầy ngọc, đàn đàn ngọc. Tôi luôn hình dung đêm lòng hang tựa như một mẹ rùa vô hình vô dạng đẻ cơ man là trứng. Trứng là liền liền những bãi ngọc thạch non với vô vàn những viên đều đặn tròn vo, còn mềm, còn ướt. Không khác gì ngàn muôn ổ trứng rùa bày trên ngàn ngàn những chiếc khay mà thạch nhũ cứ bồi chuốt cho mỗi vành khay ngày một rộng thêm, đông cứng thêm. Dưới ánh đèn thám hiểm chập chờn, ta được tận mắt chứng kiến cái cách bề mặt hành tinh này đang được kiến tạo ra sao. Bóng tối mang mẻ trong nó sự sống, sự sinh thành, sinh sôi. Đâu chỉ của riêng lòng hang. Mà của cả hành tinh.
Bóng tối ấy, hiển nhiên, luôn kì thị, thậm chí, đố kị với ánh sáng mặt trời. Việc khám phá hang động vốn không nhờ vả gì ánh sáng mặt trời. Hàng triệu triệu năm, mặt trời vẫn chiếu thế, ánh nắng vẫn soi khắp thế, nhưng hang động vẫn ngủ vùi giữa mông lung, đâu bị lay thức. Phải nhờ nguồn sáng khác thì mới thực hiện nổi những khám phá này : nguồn sáng người. Nó được thắp bởi trí tuệ. Nó tỏa sáng qua đuốc đèn. Hang động chỉ thức bởi ánh sáng ấy, chỉ ưa chào đón nguồn sáng ấy. Và, dẫn người vào mọi kỳ thú của hang động, cũng chỉ cần thứ ánh sáng đó thôi. Với nguồn sáng vừa tò mò vừa lò dò đó, đôi khi ta ngẩn ngơ thấy trần đá nổi trên vòm hang bỗng chờn vờn như mây lượn. Đôi khi ta gặp những vũng nước im lìm như bóng tối đóng băng. Và không ít khi ta gặp những quả trứng đá đen trũi như bóng đêm hóa thạch. Ta mới thấy mỗi ngách đá là kho lưu trữ bóng tối, thấy cả chốn hang động mênh mông này là ngân hàng kì vĩ của bóng đêm. Trải nghiệm ấy khiến ta bừng ngộ : bóng tối trong hang động là bóng tối ròng. Đúng vậy, bóng tối ròng. Nó tựa như ly cà phê đen đậm đặc. Còn bóng tối bên ngoài hang ta phải đón nhận hằng đêm chỉ là những ly đen nhạt thếch.
5. Lò phân kim chất người
Là một kỳ quan hùng vĩ hiến cho người, Sơn Đoòng cũng là một thách thức kinh khủng đối với người. Chặng nào, đoạn nào, vẻ đẹp mời mọc vẫy gọi ta, thì gian nan cũng muốn chặn bước, hạ gục ta. Nên khám phá Sơn Đoòng là khám phá kép. Vừa khám phá hang, vừa khám phá chính mình. Chinh phục thiên nhiên, cũng là chinh phục bản thân. Thấy được tự nhiên đến đâu cũng thấy ra mình, thấy ra người đến đấy. Người ham mạo hiểm đến Sơn Đòng để thỏa chí. Người hiếu kỳ đến Sơn Đoòng để có trải nghiệm về cái hang lớn nhất hành tinh. Người nhờ Sơn Đoòng mà đổi đời. Kẻ đến Sơn Đoòng để ghi điểm. Kẻ mượn Sơn Đoòng chốc lát để đánh bóng tên tuổi. Người gắn bó với Sơn Đoòng đến ngỡ như tử vì đạo chỉ để giúp đời… Thì ra thế : Sơn Đoòng cũng là một cái lò phân kim về chất người.
Trước khi vào Sơn Đoòng, tôi có nghe báo chí ca tụng một vị quan chức thuộc hàng cột trụ của chính phủ, vẫn được tiếng là có tác phong trẻ trung hiện đại, đã dám khoác ba lô lội thấu Sơn Đoòng để phát biểu trước ống kính truyền hình ở chính tại lòng hang đầy hung hiểm này. Tôi ngưỡng mộ lắm. Thì ít nhất cũng phải có lấy một nhân nào đáng mặt chứ. Vào đây, thì hẫng. Chàng chỉ đến được Hang Én. Rồi trở ra. Ngộ thật ! Hang Én thuộc tour Sơn Đoòng, nhưng đâu đã phải Sơn Đoòng. Còn xơi mới tới. Và so cả về vẻ hùng vĩ lẫn sự thách thức, Hang Én chỉ thuộc hàng cháu chắt của Sơn Đoòng… Mà thôi, giờ nghe những chuyện như thế, tôi cam đoan, người Việt đã hết cả thất vọng rồi. Chỉ e số phận những Sơn Đoòng và bao điều khác nữa của nước này lại nằm trong tay những chàng ấy thôi.
Do tình cờ, trước khi vào Sơn Đoòng, tôi đang nghĩ về một mẫu người trong cuộc tiếp xúc Đông Tây suốt mấy trăm năm qua. Ấy là mẫu những nhà khai sáng xuyên qua những rào cản cố hữu của đời này. Họ là những trí thức có tình yêu con người vô sở cầu, vô bờ bến. Nhờ họ mà sự tăm tối ở chốn này được đẩy lùi, sự dã man ở nơi kia được giảm thiểu. Đường biên quốc gia không cản được chân họ, giới hạn quê hương không nhốt được lòng họ và đời họ. Họ thuộc về nhân loại khổ đau. Họ thuộc về nhân loại tiến bộ. Với xứ mình, tôi đang nghĩ đến những người như Alexandre de Rhodes, nhà truyền giáo Bồ Đào Nha đã có công hình thành chữ quốc ngữ Việt Nam. Nghĩ đến Victor Tardieu, nhà họa sĩ Pháp đã sáng lập nên trường Mỹ thuật Đông Dương, đào tạo và chăm chút những lứa họa sĩ đầu tiên cho nền mỹ thuật hiện đại Việt Nam. Và nhất là Yersin, nhà y học, nhà thám hiểm gốc Thụy Sĩ, người đã tìm ra vaccine phòng dịch hạch, đã lập nên viện Pasteur Nha Trang, đã khám phá ra mảnh đất Đà Lạt và được dân ta coi là một vị bồ tát. Ông đã sống phần đời cuối rồi chết ở Việt Nam, mảnh đất ông đã xem là quê hương thứ hai của mình. Tôi cứ nghĩ, không có những con người như thế, cuộc đời vốn nham nhở này sẽ ra sao ?
Thì vào Sơn Đoòng, tôi đã gặp một Yersin của thời nay. Tôi muốn nói đến Howard Limbert, chuyên gia lớn đến từ Hiệp hội hang động học Hoàng gia Anh. Nếu Hồ Khanh là sứ giả của Sơn Đoòng, thì Howard là tình nhân của Sơn Đoòng. Người này biết hang, người kia hiểu hang ; người này chỉ kết nối, người kia mới là tri kỉ tri âm. Là chuyên gia hang động tầm quốc tế, Howard đã săn tìm hang động ở khắp các châu lục với khát khao tìm được hang động lớn nhất hành tinh. Đến Việt Nam, ông đã tìm thấy. Và, Sơn Đoòng dường như thành ý nghĩa của đời ông. Những gì ông dành cho Sơn Đoòng không hẳn như một nhà khoa học dành cho đối tượng lý tưởng của mình. Mà cứ như những ân tình sâu nặng một tình nhân dành cho một tình nhân. Ông đã dốc hết tài năng và tâm huyết ra thám hiểm, thăm dò, khám phá, quảng bá để toàn thế giới biết đến giá trị của Sơn Đoòng. Ông tư vấn sao cho việc khai thác Sơn Đoòng được hiệu quả nhất, việc giữ gìn Sơn Đoòng được bền vững nhất. May mắn lớn cho cuộc đi này của chúng tôi là được ông đi cùng, hướng dẫn và giới thiệu. Tôi mới được tận mắt thấy ông chăm chút Sơn Đoòng ra sao. Ông nhắc mọi người đừng dẫm lên dù chỉ một cụm rêu, một khóm dương xỉ, đừng chạm vào những hòn cuội trứng đang tượng hình, hay từng viền thạch nhũ còn chưa kịp đông. Ông tỏ ra lo âu về dự án cáp treo nếu áp dụng thì những thứ mà Tự nhiên phải chắt chiu bồi đắp từng giọt nhỏ, từng hạt bé suốt mấy triệu năm trời tất sẽ bị phá vỡ ngay lập tức. Yêu Sơn Đoòng, ông đã trợ giúp, đã tạo cơ hội cho Hồ Khanh, cùng những người dân còn nghèo khó khu vực Phong Nha – Kẻ Bàng được đổi đời. Yêu Sơn Đoòng, ông muốn được nhập quốc tịch Việt Nam, muốn làm một ngôi nhà nhỏ bên bờ sông Son sát cạnh Phong Nha để cùng vợ sống ở đây cho đến cuối đời. Mà con người ấy lúc nào cũng bình dị và lặng lẽ. Không có những người như vậy, Sơn Đoòng có thể tỉnh thức, vùng thoát ra khỏi giấc ngủ man dại, mê mệt của mình để vùn vụt trở thành một nguồn tài nguyên đặc biệt thế không?
Trước khi ra khỏi chốn hang động, ngoái nhìn thêm lần nữa kỳ quan này, tôi cứ muốn hỏi: đốt đuốc đi tìm những người Việt Nam như thế, liệu có thấy không, Sơn Đoòng?
Phạm Thúy Quỳnh đưa bài