Lịch sử. Chúng ta đã hiểu lịch sử như thế nào? Chân lý. Chúng ta đã chạm tới những đâu? Thân phận con người có được “hiểu thêm” qua lăng kính lịch sử, được hướng dẫn tư duy phán đoán để ứng phó với cuộc sống thường nhật hay những biến thiên của thời đại.

 Nhà văn trẻ Nguyễn Thị Kim Hoà (giữa) tại buổi ra mắt

tập truyện ngắn Con chim Phụng cuối cùng

 

Khi bắt tay viết những bộ sử thông diễn về lịch đại thế giới, học giả Will Durant cũng phải do dự và biến nó thành một chương đầy trăn trở của người viết sử. Dĩ nhiên, với những khoa học gia, lịch sử được nắm bắt dù là chủ quan cá nhân hay khách quan nhất cũng chỉ là ống kính được phóng lên từ những tọa độ và cự ly khác nhau của lịch đại.

 

May mắn thay, quyền năng để lý giải lịch sử, dung truyền lịch sử còn có đường ray dành riêng cho văn chương. Hàng nghìn nhân vật, sự kiện, thời kỳ, bí mật, biến cố lịch sử đã được tạo dựng từ những hư cấu văn học và tất cả đã sống dậy từ những trang viết cạy cục, miệt mài của những nhà văn ký thác hồn mình trong miên man ký ức của nhân loại.

 

Thứ tinh thần bứt phá từ đám đông có tâm hồn hồi cố ấy được truyền thừa lại cho những người trẻ. Và nếu bạn đang cầm trên tay tập truyện ngắn “Con chim Phụng cuối cùng” của Nguyễn Thị Kim Hòa, bạn sẽ tự hỏi rằng lịch sử đằng sau mắt nhìn của nữ nhà văn trẻ này chứa đựng gì, có thật sự hấp dẫn và cần thiết cho chúng ta, những người đang sống trong hiện tại này không.

 

Hiểu biết quá khứ là sự mong cầu cần thiết, hẳn nhiên bạn không thể yên tâm mặc một chiếc áo, ăn một món ăn mà không biết nguồn gốc, xuất xứ và lỡ đọc truyện ngắn, chạm tới cái tên chúa Trịnh Giang, Vũ Thái Phi, vua Minh Mạng, Lê Văn Duyệt, nữ tướng Bùi Thị Xuân, Ngọc Khoa, Ngọc Vạn… trong tập này, liệu bạn có yên tâm để nhâm nhi tác phẩm của Nguyễn Thị Kim Hòa trong một chiều hè nắng trải.

 

Hồi mơ mộng, chúng tôi nghĩ rằng lịch sử luôn là giấc mơ của sự thật, và trong một giới hạn nào đó, văn chương có quyền năng để biến giấc mơ của “sự thật” được thả rông trên giấy. 9 truyện ngắn của Nguyễn Thị Kim Hòa đương lý giải lịch sử, tiếp diễn sự kiện quá khứ không cùng đích theo cách của văn chương. Lại nhắc lời học giả Will Durant “Phần lớn lịch sử là những điều phỏng đoán, phần còn lại là những thành kiến”, đã mở rộng được cho những lối đi hẹp của văn chương vào lịch sử hay những cảnh cửa rộng mở của lịch sử cho văn chương. Trường hợp của văn hào Henryk Sienkiewicz, tác giả của tiểu thuyết kinh điển Quo Vadis, cũng là một sử gia mê đắm nghề văn.

Tập truyện ngắn Con chim Phụng cuối cùng của Nguyễn Thị Kim Hoà

 

Và nữa, không có sự sắp đặt cho lịch sử vào những đường vạch sẵn của luận lí và chúng ta đã mất công gán đặt những quy nạp của riêng mình. Nhưng một tác phẩm văn học có thể cho ra những diễn biến, kết thúc khác nhau về một nhân vật, sự kiện lịch sử. Nói theo cách của Tạ Chí Đại Trường là “có những thỏa hợp ở mức độ nào đó đề cho “bài sử khác” vẫn là bài sử Việt Nam”. “Một bài sử Việt Nam”, điều mà những thế hệ nhà văn tiền bối như Nguyễn Huy Tưởng, Võ Thị Hảo, Nguyễn Xuân Khánh… đã dựng nên. Đó là giấc mơ của “sự thật” được tôn trọng và đã đứng vững trong dòng văn học sử.

 

***

 

Tập truyện ngắn “Con chim phụng cuối cùng” xoay quanh những vấn đề còn bỏ ngỏ trong lịch sử dân tộc, nhất là đời sống chính trị của tầng lớp trên. Những chuyện đấu đá nội cung như “Bạch yến hót”, “Hương thôn dã”, “Vết hoa”, tranh giành vương vị trong “Trăng đắm”, bi kịch thân phận nữ nhân trong quá trình Nam tiến, mở đất trong “Nam phương lạc nhạn”, “Con chim phụng cuối cùng”… Nguyễn Thị Kim Hòa vẽ nên một bức tranh sống động, chân thật của thời đại xa xăm theo cách của riêng mình. Một sự phóng tưởng xuyên thời gian dựa trên những cứ liệu thuyết phục, rằng quá khứ luôn luôn là kho báu cho mỗi bài học của chúng ta.

 

Tác giả đã đưa ra những lý giải rất thú vị, chẳng hạn về quyền lực, thành tố quan trọng của những diễn biến lịch sử đã được khái quát như “Giấc mơ quyền lực có thể giết chết không chỉ một người” (Trăng đắm) hay “Không quyền lực, kiếp con người như kiếp cỏ cây hèn mọn” (Hương thôn dã). Qua cách tiếp cận lịch sử nhẹ nhàng, sắc sảo, Nguyễn Thị Kim Hòa vẽ ra những bức tranh cung đình của riêng mình, những thước phim đời sống thấm đẫm chất thơ. Trong “Bạch yến hót”, tác giả đã chỉ rằng “Nghệ thuật một khi đã thăng hoa quả là thứ quyền năng nhất. Quyền năng bất khả xâm phạm. Quyền năng của tự do!”. Một tác phẩm văn học bất kể thể tài nào, tính nghệ thuật phải được chú trọng đúng mức. Những truyện ngắn đậm chất lịch sử của Nguyễn Thị Kim Hòa đã vin vào những thủ pháp nghệ thuật, tính tường diễn sâu sắc của ngôn ngữ để “văn chương hóa” lịch sử. Những lối kết cấu linh hoạt, những diễn biến tâm lý phức cảm, nhiều tầng bậc không gian, thời gian truyện và lối kể chuyện linh hoạt, những chiến lược tự sự, mang tính chất dòng ý thức đã thể hiện hiệu quả nhất định trong truyện ngắn của Nguyễn Thị Kim Hòa. Nghệ thuật khi ấy đã bám theo chân lí của đời sống mà cao hơn nữa là chân lí thâm cùng của vũ trụ để diễn giải lịch sử, bắt lịch sử kể chuyện theo cách của nhà văn.

 

Vấn đề của văn chương trong những câu chuyện của Nguyễn Thị Kim Hòa là việc “phẫu thuật” những thể phận của con người, đời sống chính trị qua nhiều triều đại, thời kỳ trong lịch sử Việt Nam như nhà Trần, nhà Lý, vua Lê chúa Trịnh, chúa Nguyễn, triều Nguyễn, vương quốc Champa… với hàng trăm chi tiết tỉ mẩn về sự kiện, nhân vật, ngôn ngữ. Sự thấu thị nghệ thuật của con người, nghệ thuật nhân sinh và bám theo chân lí đời sống đã được lồng ghép, ẩn mình sau những câu chuyện nổi trôi, nhiều biến cố.

 

***

 

Thời gian hữu hạn, đem cái trăm năm của con người lên thước đo thời gian thì trăm năm cũng là giây phút; đem lịch sử để đo diễn trình của loài người cũng chỉ là sự tôn trọng ảo tưởng của nhau. Những câu chuyện dưới đây của Nguyễn Thị Kim Hòa đã khoác thêm/bóc đi nhiều tấm áo đổi màu với biết bao cái lốt ngụy trang đằng sau tấm thân thật của lịch sử dân tộc. Tính trùng diễn được biểu hiện rõ nét như chính lịch sử nhân loại ở những biểu hiện cụ thể. Điều này tương đồng với việc con người phải ngưỡng vọng cao hơn, thoát khỏi những diễm ảnh của quá khứ, phù ảnh của hiện tại và hư ảnh của tương lai. Trong phút chốc nhận ra rằng tất cả chúng làm tan nát những giấc mơ của con người thành từng mảnh. Và rồi chúng ta lại bắt đầu cần mẫn thu thập các mảnh vỡ đó và tạo ra giấc mơ khác. Theo cách này, văn chương tiếp tục tồn tại để biến hiện đời sống nhân loại dù đang ở trong trạng thái nào của thời gian.

 

Huế, 5.2017

Theo: Lê Vũ Trường Giang

Nguồn: Nhà văn thành phố Hồ Chí Minh

Phạm Thuý Quỳnh đưa bài

Exit mobile version