Tập thơ với đề tài chủ yếu xoay quanh tình yêu nam nữ có tên: “Anh ngủ thêm đi anh, em phải dậy lấy chồng” của tác giả Nồng Nàn Phố (tên thật Phạm Thiên Ý) vừa xuất bản đã tạo nên cơn sốt trong giới trẻ và ngay lập tức gây tranh luận về sự bạo dạn có phần trần trụi trong lối biểu đạt cảm xúc, ngôn ngữ.

Nhà thơ Nồng Nàn Phố và bìa tập thơ đang tạo ra cơn sốt.

Thơ “thương vay khóc mướn”?

“Anh ngủ thêm đi anh, em phải dậy lấy chồng” thu hút lượng độc giả khá đông, đa phần thuộc thế hệ 9x với ấn tượng chung cho tập thơ là đậm chất “đàn bà”. Trước hết, ngay từ tên của tập thơ đã gây ra sự tò mò khi hàm chứa hai vấn đề: Chuyện “chăn gối” và mối quan hệ với người đàn ông khác.

Về chuyện “chăn gối”, nàng thơ 8x này tỏ ra khá bạo dạn khi miêu tả các tình tiết: “Đừng luồn tay trong ngực em và mân mê”, “Đã đến lúc tình yêu chín muồi/Anh toang hoác mồm rống lên rằng – thằng đàn ông hừng hực trong anh đang muốn ngấu nghiến em”, “Em muốn đủ thứ trên đời… nhưng muốn nhất về đêm…” (*).

Không chỉ dừng lại ở sự bạo dạn khi miêu tả mối quan hệ tình dục đàn ông – đàn bà, tác giả còn bày biện lên trang giấy cả những dục tính của các giống loài khác: “Con mèo cái tới kỳ sinh nở không liếm háng cho ướt nhẹp đòi được ái ân/Con mèo đực vẫn biết cào xước mái nhà thúc bạn tình trèo lên tụt xuống/Một đêm rạo rực gào kêu ngửa mồm há uống/Tinh sương…”.

Thậm chí, ngay đến các biểu tượng vốn được quy ước đẹp đẽ từ trong dân gian, cổ tích, tác giả cũng lôi vào cuộc để thỏa sức “sáng tạo”, “cách tân”: “Chị Hằng nằm liệt giường/Rên ư ử báo lịch đã đến ngày động dục…”.

Viết về mối quan hệ ngoài hôn nhân, Nồng Nàn Phố đặc biệt “ưu ái” những từ ngữ mà cô và độc giả của cô cho là chân thực, thẳng thắn như: “Mở mồm”, “đã không”, “thích không nào”, “đi mà ấy”…

Trả lời trong buổi ra mắt sách ngày 16/7 tại Hà Nội, nữ tác giả khẳng định: “Rất nhiều bài thơ tôi làm từ những câu chuyện của người khác. Mọi người thường tìm đến tôi để tâm sự chuyện riêng tư. Khi làm thơ, tôi thường đề tặng người này, người kia chính vì nguồn cảm hứng mà họ gợi nên trong tôi”. Phải chăng có thể gọi thể loại này là thơ “thương vay khóc mướn”, hay như tác giả dùng từ thời thượng hơn: Mang thai hộ”?

Điều gì làm nên cơn sốt?

Cách đây chưa lâu, Nồng Nàn Phố còn là cái tên xa lạ và hành trình từ thơ đến độc giả của cô khá đơn giản: Viết xong một bài thơ thì đưa lên trang cá nhân, đợi phản hồi, đợi độc giả lấy lại, chia sẻ đến với nhóm độc giả mới. Cứ như vậy tốc độ lan truyền của tác phẩm rất nhanh. Đây cũng chính là lý do vì sao ngay đến bản thân cô cũng bất ngờ khi tổ chức ra mắt tập thơ mà lượng độc giả của mình lại đông đảo đến thế, đặc biệt là giới trẻ.

Mang “hiện tượng” thơ này để tiếp cận với các chuyên gia ngôn ngữ, các nhà lý luận – phê bình và giới sáng tác… chúng tôi hầu như không nhận được gì ngoài sự thờ ơ. Đa phần họ cho rằng không cần bàn luận nhiều về kiểu thơ thô, “sến”, giãi bày dài dòng, chỉ tác động vào sự hiếu kỳ nhất thời chứ không có dấu ấn nào của dụng công sáng tạo.

Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên cho rằng: “Thơ Nồng Nàn Phố hơi đơn điệu. Tác giả có phần “một màu” về mặt cảm xúc và thể hiện tâm trạng. Đặc biệt, khi viết về sự ngoại tình, cần nhiều hình ảnh liên tưởng, so sánh hơn”.

Nhà thơ, nhà báo Lê Anh Hoài chia sẻ khá cụ thể: “Thơ cô ấy có cái mạnh là sự bản năng và bột phát cảm xúc, nhưng giản đơn cả về đời sống, về nghề. Nhiều ý được phát biểu ra (bằng thơ) nghe ngồ ngộ, là lạ nhưng đa phần là nông nổi. Tuy nhiên, đặt trong bối cảnh mạng xã hội đang bùng nổ, nơi người ta không cần lắm sự sâu sắc, dài hơi thì nông nổi đôi khi lại hấp dẫn được số đông. Họ chỉ cần thỏa mãn nhu cầu giải trí thông thường thôi. Chính vì vậy, tôi thấy gần đây các tác giả kiểu giải – trí – mạng – xã – hội này đang được tung ra nhiều đến chóng cả mặt. Có tiền nhanh, có danh nhanh, tất cả các bên tham gia vào guồng quay này đều có lợi mà”.

Giả thiết tạm, nếu cái tên Nồng Nàn Phố chưa từng xuất hiện trên mạng thì chắc rằng khi xuất bản, tập thơ đang gây tranh cãi, tò mò kia cũng sẽ chịu chung số phận ế ẩm như thường. Vậy câu hỏi đặt ra: Trào lưu thơ kiểu “Anh ngủ thêm đi anh, em phải dậy lấy chồng” có đáng bị lên án hay “tẩy chay” không? Có lẽ là không! Vì ít ra nó thuộc về nhu cầu lựa chọn của đại chúng. Giống như có người thì khóc lóc vì thần tượng, người thì bi lụy vì tiểu thuyết ngôn tình.

Cách đây vài năm, khi văn chương mạng bùng nổ, giới chuyên môn dự đoán rằng sẽ có một bộ phận tác giả chuyển được tác phẩm từ mạng xuống nhà in. Tuy nhiên hiện nay, nhiều tác giả văn chương mạng đã quay về với lối viết truyền thống, họ chỉ dựa vào Internet như một công cụ PR… Nhìn vào sự thoái trào từ chất lượng đến số lượng ấy sẽ thấy sự ồn ào của “Anh ngủ thêm đi anh, em phải dậy lấy chồng” chỉ là cơn sốt nhất thời. Đặc biệt với văn chương, thời gian gần như là thước đo duy nhất. Mọi lạc quan, ồn ào hãy cứ “để gió cuốn đi” cho đến cuối con đường, điều gì làm nên giá trị đích thực sẽ được gọi thành tên.

(*): Phần trích dẫn trong bài viết được rút ra từ tập thơ “Anh ngủ thêm đi anh, em phải dậy lấy chồng” và thơ trên trang cá nhân của tác giả Nồng Nàn Phố.

 

Lữ Mai

Nguồn: GiadinhNet

Exit mobile version