Khi ta mơ quá lâu – cuốn tiểu thuyết đi sâu vào căn tính Singapore. Có mất mát, chia cắt và tổn thương, nhưng trên hết là sự ấm áp và tình người ngọt mát. Một giấc mơ dài khác thường mà thượng đế hay Goh Poh Seng mang đến và chia sẻ với chúng ta.

If We Dream Too Long tức Khi ta mơ quá lâu (Nguyễn Dương Quỳnh dịch, Nhã Nam & NXB Lao động, 2015) của tác giả Goh Poh Seng in năm 1972 và ngay lập tức gây sóng gió khi đoạt được giải thưởng văn chương của Hội đồng phát triển sách quốc gia Singapore.

Được coi là cuốn tiểu thuyết đầu tiên của văn chương Singapore, nhân vật chính là chàng thanh niên Kwang Meng với những chuyện thường ngày đi bơi và đi bar, cà phê, lái xe và làm tình trong đời sống đô thị chật ních những sở thích thời thượng.

Khi ta mơ quá lâu dâng lên một tín hiệu, một sự cựa quậy từ một quốc gia đang chuyển mình, khi công việc và xã hội đô thị cuốn người ta đi một cách nhanh chóng. Sống gấp, nghĩ gấp và làm gấp, con người dễ dàng quên đi những gì thân thuộc, ngay cả nền nếp gia đình hoặc đôi khi cũng bị lãng quên đi một cách nhẹ nhõm.

Có cái gì đó thảng thốt, khi cảnh bên bàn ăn của những bữa cơm tối, người cha vẫn cau có như thường lệ, đám em thì vô tư lự “vừa chan, vừa húp” hoặc ai cũng muốn nhanh chóng thoát khỏi bữa ăn và người mẹ thì nhói lên “nhà mình chẳng còn đợi nhau cùng ăn xong nữa”.

Sự ầm ào của đô thị, Kwang Meng bị cắt đứt khỏi “biển cả” của mình, nó xô dạt suy nghĩ, đẩy suy nghĩ của con người đến sự vô cảm, đến sự cùng cực “tránh xa cả biển”, biển của ý thức, biển của hoài niệm xưa cũ.

Thông điệp Khi ta mơ quá lâu mang đến dường như muốn con người sống cũ và chậm hơn, ngắn đi và bớt hơn trong tất cả, cả đời sống đô thị đang ngày càng vô bổ, ít thân thiện và tấp nập đến dối trá.

Một thứ gì đó thật chậm rãi như níu kéo con người về quá khứ và ở lại với những kỷ niệm. Như kiểu cách người ta nằm dài trên giường nghe mưa và mong muốn những cơn mưa thật to xâm chiếm cả thành phố.

Khi ta mơ quá lâu du dương nhưng lại không hề nhàm chán. Những chuyển động không hẳn bốc lửa gây kinh ngạc, nhưng sự giản dị trong mạch truyện ngôn ngữ tiểu thuyết làm chúng ta giật mình. Không gân guốc cảnh báo đời sống phát triển, Khi ta mơ quá lâu cứ dịu dàng xâm chiếm và tạo ra một khoảng trống, trong đó là ký ức.

“Ở miền nhiệt đới này, ánh nắng ban chiều vụt tắt nhanh như cắt khiến ta chú ý, như chú ý một người đột nhiên câm lặng rời đi. Vừa ở đấy mà đã biến mất”.

Cuốn tiểu thuyết làm không ít độc giả chạnh lòng, pha lẫn xa xót khi con người càng trưởng thành, đô thị càng phát triển, tiền bạc rung rinh, con tim dễ thay đổi, bàn tay lạnh ngắt và tình yêu đích thực là một thứ xa xỉ: “ta không thể tuyên bố người nào đó là của ta như một miếng đất hay một tòa nhà”.

Theo Khúc Linh Hương – Thể thao & Văn hóa

Exit mobile version