Về cuối đời (Freud mất vào tháng 9/1939), Freud bị lên án là quá đề cao bản năng con người. Nhưng John Gray phân tích, thực tế Freud đã khẳng định điều ngược lại: vì lợi ích của đời sống văn minh hơn, bản năng phải bị kiềm chế. Chỉ những kẻ như Đức quốc xã, hay giới nghệ sĩ theo trường phái suy đồi như Dali, mới tôn thờ bản năng, trong khi Freud luôn luôn có lý do riêng khi trở thành “nhà thám hiểm” các miền vô thức.
Sigmund Freud (1856-1939).
Lý giải việc xem Sigmund Freud là người hùng, John Gray dẫn ra tác phẩm The Death of Sigmund Freud (Cái chết của Sigmund Freud, in 2007) của Mark Edmundson.
Cuốn sách này đã trưng ra nhiều khía cạnh cho thấy phẩm chất anh hùng của Freud. Ý thức rằng mình không thể sống lâu, Freud không cố công giữ hòa khí với thế giới này. Năm 1939, nhà phân tâm học đã xuất bản một trong những đầu sách gây nhiều tranh cãi nhất: Moses and Monotheism (Moses và Độc thần giáo). Trong cuốn sách, người theo thuyết vô thần đã công nhận sự đóng góp cần thiết của tôn giáo đối với văn hóa.
Không chỉ trong học thuật, mà trong đời sống hàng ngày, Freud cũng không thèm đánh đổi lạc thú của mình để mong giảm bớt nỗi đau bệnh tật. Điều này thể hiện rõ qua việc, dù bị bệnh ung thư hàm nghiêm trọng vào giai đoạn cuối, ông vẫn chiều thú vui hút xì gà của mình đến 20 điếu mỗi ngày.
Trên tất cả, Freud chưa từng thôi thách thức những ảo tưởng của nhân loại. Ông muốn tác phẩm của mình được chấp nhận, nhưng không tỏ ra ngạc nhiên khi nó bị từ chối. Đó là lý do ông trở thành hình mẫu gợi cảm hứng bất tận, đã được chứng thực qua thời gian.
“Trong khi những anh hùng khác luôn mộng tưởng việc họ có thể giải phóng nhân loại này, Freud chẳng những thấy không cần thiết làm điều đó lẫn không muốn đưa ra sự an ủi nào”, John Gray nhận xét.
Thất Sơn
Nguồn: eVan.