Con đường gồ ghề, chỗ thì trải nhựa, chỗ thì bụi mù, là đường biên giữa hai thế giới. Bên trái, một sự chắp vá của các làng, các trang trại và các khu vực trải dài vùng đồng bằng màu mỡ giữa sông Hằng và sông Yamuna. Bên phải lên cao là dãy đồi Shivalik lởm chởm, hoang vu. Dehradun, thủ phủ nhộn nhịp phía bắc của Uttarakhand, chỉ cách đây hai mươi dặm, nhưng cảm thấy xa, xa hơn nhiều.
Chú bé Yasin 6 tuổi, con trai của Dhumman đùa giỡn với nghé
Hồi tháng mười năm 2012, tôi cùng với người phiên dịch là Debopam Battacharjee, quá giang trên một chiếc xe tải chở các lon rỗng đi mua sữa theo con đường đó. Được khoảng một giờ xe dừng, chúng tôi tiếp tục đi bộ thêm bốn dặm. Sau đó, rẽ phải, qua một con suối đá cạn, hướng về phía những ngọn đồi và vào rừng. Tôi đang tìm kiếm một số bạn bè sống ít nhất là bán thời gian ở đó. Họ là một gia đình chăn trâu du mục. Ba năm trước, tôi đã tham gia cuộc di cư mùa xuân hàng năm của họ từ vùng thấp Shivalik nơi trú ngụ mỗi mùa đông, đến đồng cỏ cao Himalaya nơi chăn thả gia súc trong mùa hè. Bộ lạc Van Gujjar của họ đã di chuyển lên và xuống theo mùa trong khoảng 1000 năm nay. Nhưng vào năm 2009, lối sống du mục lâu đời phải đối mặt với một mối đe dọa nghiêm trọng: những đồng cỏ tổ tiên truyền lại của hàng ngàn người Van Gujjar đã được gom vào các vườn quốc gia và cơ quan quản lý sẵn sàng thực thi lệnh cấm dân du mục sử dụng. Tôi muốn tìm hiểu về dân du mục, một phần để có cái nhìn thoáng qua về cách sống truyền thống này khi nó vẫn còn tồn tại, một phần để nâng cao nhận thức về cuộc đấu tranh của họ. Và, chỉ một phần có vẻ như sẽ là một trải nghiệm tuyệt vời. Thông qua một tổ chức phi chính phủ nhỏ ở Dehradun là Hiệp hội xúc tiến các hoạt động bản địa của Himalaya, tôi được giới thiệu với một gia đình Van Gujjar và họ đã đồng ý cho tôi đi cùng.
Goku 17 tuổi, đang làm bánh mỳ tròn truyền thống
Sống và đi cùng nhau trong 44 ngày – di chuyển như một đoàn lữ hành qua những thị trấn bận rộn và các khu rừng im lặng, ngủ trên lề đường và sườn núi, băng qua sông và vượt núi cao, chia sẻ niềm vui và nỗi buồn suốt đường mòn, chúng tôi trở nên thân thiết. Tôi đã kinh ngạc vì họ hết sức chăm sóc cho vật nuôi của mình; họ nghĩ đó là niềm vui nên tôi cố gắng làm theo gần như bất cứ điều gì, dù là bú sữa trực tiếp từ bầu vú trâu hoặc thử nâng mà không nâng nổi bó thức ăn gia súc – lá hoặc cỏ – mà cô thiếu nữ con gái họ vác dễ dàng. Dù việc di chuyển đã kéo dài nhiều tuần so với dự kiến, trên đường họ quyết định không thể mạo hiểm đi đến những vùng đất cũ bên trong vườn quốc gia Govind Pashu Vihar, đành phải rẽ đến một bãi cỏ quen thuộc.
Khi trở về Mỹ, tôi nhớ họ với một cảm xúc mãnh liệt đáng ngạc nhiên và kéo dài. Tôi trở lại thăm vào năm 2010, và vui mừng khi có cơ hội để gặp họ một lần nữa trong năm nay.
Sau một vài dặm, tôi và Debopam gặp một túp lều bằng cây, bùn và cỏ. Nó nằm trong bãi đất trống bao quanh bởi cây cối, gần một con lạch khe khẽ chảy, vượt xa tầm các đường dây điện, dịch vụ điện thoại di động và trường học. Một gian của nó, với một phần bức vách dành làm nhà bếp có lò sưởi bằng bùn, che chở cho gia đình của Dhumman, một lãnh đạo bộ lạc để râu, gầy và cao lêu nghêu, nổi tiếng với tính toàn vẹn và công bằng. Vợ ông – Jamila, là người quản lý gia đình theo ý nghĩa hài hước nhất vì bà phân công nhiệm vụ cho bảy đứa con từ 6 đến 23 tuổi.
Giống như các thành viên khác của bộ lạc, thế giới của gia đình này xoay quanh việc chăm sóc và nuôi dưỡng trâu – không chỉ là nguồn sinh kế cần thiết để ăn thịt và bán sữa – mà còn xem trâu như thành viên gia đình. Gần đây, khi bầy trâu yêu quý của họ mắc bệnh, một số người trong gia đình lo lắng đến nỗi ăn ngủ không yên.
Chúng tôi đến khi hoàng hôn xuống. Chỉ có vài đứa trẻ loanh quanh cùng với một bầy nghé. Mọi người đang ở trong rừng, leo những cây chai cao và hái lá cho trâu ăn. Khi cả gia đình có mặt tại lều, trời đã tối. Những lời chào hỏi ấm áp trong một không gian chập chờn dưới ngọn đèn lồng phát sáng bằng pin là ánh sáng duy nhất, tôi có thể nghe thấy những giọng nói đã quá quen thuộc, nhưng hầu như không thể nhìn thấy khuôn mặt họ.
Lúc hai cô con gái nấu ăn tối, chúng tôi bắt chuyện. Cô gái lớn, người đã có một cuộc hôn nhân sắp đặt không vừa ý ngay trước cuộc di cư năm 2009, vẫn chưa thể hoàn tất ly hôn do gia đình chồng đòi một khoản tiền vô lý mới chịu chính thức kết thúc hôn nhân, trả tự do cho cô cưới người khác. Tôi cũng biết được rằng mùa hè năm trước, Jamila đã bị đột quỵ khi gia đình ở vùng núi. Toàn bộ bên phải người bà bị tê liệt. Dhumman đưa bà đi nhiều nơi và tìm được một phòng khám nông thôn. May mắn thay, điều trị có hiệu quả, và bây giờ bà đã hoàn toàn bình phục.
Trong khi chúng tôi ngồi trên sàn nhà, ăn bánh mỳ tròn với cà ri nóng và tráng miệng bằng sữa trâu, Dhumman kể rằng mùa xuân vừa qua, họ không gặp vấn đề gì khi di cư đến các bãi cỏ của tổ tiên bên trong vườn quốc gia. Các nhà chức trách, có vẻ như đã bắt đầu chấp nhận sự thật rằng đạo luật sử dụng rừng Ấn Độ cho phép các bộ lạc như Van Gujjar sử dụng đất truyền thống ngay cả ở trong một công viên. Tuy nhiên, ông phải đối mặt với một vấn đề mới ở Shivalik. Một số dân làng sống cạnh rừng (đất công) đã đòi tiền cỏ, gây sức ép với người Van Gujjar khi dựng nhà vào mùa đông ở đây, buộc phải rời đi hoặc trả tiền thuê cắt cổ. Một vài tuần trước đó, dân làng dựng rào chắn ngay con suối để cố ngăn những người du mục trở về sau mùa hè từ vùng núi. Khi điều đó không ngăn được người Van Gujjar, dân làng dọa đốt những túp lều và sử dụng vũ lực nếu cần, để đuổi dân du mục ra ngoài. Dhumman cho biết đến nay chưa có ai bị thương và chưa có nhà cửa nào bị phá hủy. Nhưng bộ lạc Van Gujjar rất lo lắng. Mọi thứ vẫn còn ở tình trạng lấp lửng.
Và có một điều ám ảnh tất cả mọi người: những con voi rừng được chuyển đến ở gần đó là khá nguy hiểm. Họ phải xích chó lại, bởi vì nếu nhìn thấy voi, chó sẽ lập tức tấn công, sau đó bị thương và cố chạy về lều, dẫn theo một con vật khổng lồ tức giận đuổi sát.
Trong vài ngày kế tiếp, tôi giúp lùa đàn trâu trong rừng, thúc giục chúng tiến lên một hẻm núi với tiếng hò “ách… ách…” và vút liên tục bằng một cây gậy. Tôi ngồi xem chúng được vắt sữa, và tham gia cùng các cô gái đi sâu vào rừng để hái lá, vác từng bó nặng trên địa hình nguy hiểm về nuôi nghé. Tôi dự một cuộc họp trong lòng suối đá cạn của một nhóm đàn ông quấn xà rông, áo sơ mi cứng và áo khoác – bàn bạc cách xử lý các mối đe dọa từ dân làng. Rồi tôi trèo ra ngoài gặp phụ nữ và trẻ em, trò chuyện và cười thoải mái trong không khí gia đình khi Dhumman vắng mặt.
Có nhiều thay đổi so với những năm trước đó. Xung quanh nhà, tôi nhận thấy có hai giường đan cho trẻ em, trước đây không hề có đồ nội thất nào. Những đứa trẻ, tất nhiên, đã lớn hơn: Salma – 8 tuổi, làm việc vặt như quét dọn và rửa bát đĩa, Bashi – 15 tuổi, đã rành rẽ việc chăm sóc nghé, vắt sữa và leo cây, Goku – 17 tuổi, là một đầu bếp thông thạo và đã chuyển từ người cắt lá cẩn thận thành người tuốt lúa.
Một điều yêu thích khi dành thời gian với bạn bè ở rừng là tôi được cảm thấy mình đã bước vào một vũ trụ cách biệt mà ti vi, máy tính và trung tâm mua sắm chỉ là giấc mộng xa xôi. Theo nhà nhân chủng học Pernille Gooch, dân Van Gujjar từ lâu nói rằng họ sống “sau tấm màn rừng”, giữ họ cách ly với phần còn lại của thế giới. Tuy nhiên, tấm màn này ngày càng mỏng hơn khi đất nước Ấn Độ thay đổi xung quanh và cuộc sống truyền thống của họ dần dần thay đổi theo.
Thật vậy, rừng đang rộn ràng hơn những gì tôi chứng kiến trước kia: thêm nhiều người Van Gujjar chạy xe máy để đi xa hơn vào rừng rậm, và dân làng cưa gỗ nhiều hơn – sự hiện diện của họ là đáng sợ đối với dân du mục. Năm 2009, Dhumman sở hữu chiếc điện thoại di động duy nhất của gia đình, bây giờ, tất cả thanh thiếu niên đều có (mặc dù hạn chế kết nối và sạc); thậm chí như Sharafat – 19 tuổi, đã có một số đoạn video tải lên mạng. Đây là sự xâm nhập hoàn toàn mới từ thế giới hiện đại, và nó dội vào tôi như là một người cực đoan, bằng một lỗ thủng trên tấm màn vô hình ngăn cách thế giới của họ với chúng ta.
Tôi tự hỏi điều gì đã xảy ra với dân Van Gujjar trong mấy năm qua, sau thời gian quá lâu muốn giữ nguyên cuộc sống trong rừng, liệu họ đã lựa chọn hay bị bắt buộc hoặc dụ dỗ để từ bỏ nó. Khi bộ lạc Van Gujjar đang ngày càng bị ảnh hưởng bởi sức mạnh hiện đại – thích ứng hoặc không – tôi chỉ hy vọng họ được hưởng lợi nhiều hơn thay vì số phận họ bị định đoạt. Chỉ có ba đêm với gia đình Dhumman trong chuyến đi này, nhưng đủ để tôi nếm được một hương vị khác của cuộc sống, nhận ra những đổi thay và quan trọng nhất là được đích thân kết nối với những người mình quan tâm. Chúng tôi nói lời tạm biệt chân thành “Hẹn gặp lại nhé”, vì biết chắc chắn sẽ như thế.
Nguồn: Michael Benanav