Di Li
Minh họa của Choai
Kỷ nguyên này có lẽ là thời đại sợ bánh kẹo. Người lớn ớn kẹo ngọt đã đành, trẻ em cũng thờ ơ nốt.
Nhìn bữa tiệc sinh nhật toàn bánh ga tô thượng hảo hạng và các loại sô cô la đắt tiền nhưng chẳng đứa trẻ nào thèm đụng đũa lại thấy tức anh ách.
Mới nhớ cái thời tôi dăm tuổi đã biết tự pha nước đường rồi đong vào mấy hộp nhựa đựng tăm, xong vênh váo bê tất ra ngoài ngõ ra chiều khoe khoang. Y rằng cầu được ước thấy, lập tức có người hàng xóm đố kỵ ngay, tiếng xì xào nổi lên: “Con ranh kia người thì bé mà uống một lúc tận mấy hộp nước đường”. Tất nhiên, cho bõ cái công hôm qua mình cũng thèm khát và ghen tị với nước đường của người ta.
Tại là con bé Thanh nhà chú Hồng, cậy cha mình là công chức giàu có, nhà sẵn đường kính, mới pha đẫy một chén nước đường to, nhưng nó chẳng nhường tôi mảy nào, chỉ thi thoảng thương tình cho chấm chấm mút mút cái thìa. Thứ đường trắng tinh khiết pha với nước lọc mới thơm ngon làm sao. Rõ là từ thuở ra đời tôi chưa được nếm món gì ngon đến thế.
Để nói về cái sự thèm đường thì hình như thời bao cấp cả nước giống tôi. Chẳng phải trẻ con mới háo ngọt, mà nhiều bác được suất đi nghiên cứu sinh ở Nga, vừa mới sang đã hoa mắt lên vì đường kính, ngày nào cũng pha nước đường uống lấy uống để cho bõ thèm. Sau về già bị tiểu đường, mà tiểu đường là do lúc ấy làm quan chức bị đãi ăn nhiều quá, nhìn thấy đường thấy thịt là sợ lắm rồi nhưng vẫn bị ép ăn, mới sinh ra gút, mỡ máu, cao huyết áp, tiểu đường, thì lại cứ đổ cho cái đận uống lắm nước đường ở ngoại quốc hồi 30 năm trước.
Xã luận ngày nay thì dùng từ “thời bao cấp”, còn tôi hay gọi là “thời mê đường”. Đường chế được rõ lắm thứ. Cứ vào công viên thì biết.
Ông kẹo bông có cái thùng nhôm, bên trong chứa bánh xe đỏ lửa quay tít để se đường thành kẹo. Đường kính thả vào được bánh xe đánh cho tơi lên và mỏng tang như mạng nhện, rồi chỉ cần ông hàng kẹo lùa qua chiếc que tre mảnh mai, đường bông sẽ tự quện vào nhau thành một cái kén khổng lồ. Mỗi chiếc kẹo chỉ cần một thìa đường là đủ.
Muốn kẹo bông thêm sặc sỡ thì đường kính nhuộm phẩm hồng, vàng, lơ. Chưa có khách mua thì kén được đựng trong túi nilon rồi cắm lên khung sắt tròn lấp lánh như một vườn hoa, trẻ con nhìn cứ thèm nhỏ dãi.
Chẳng qua chỉ là đường kính thôi mà se bông lên sao thơm nức. Miệng ngậm vào nhúm bông, đường tan chảy ngọt ngào rồi dính nhấp khóe môi. Những miếng bông trong cùng sát lõi que tre thường bị cô đặc lại theo hơi gió và độ ẩm, đã bắt đầu phải cắn, lại có vị ngon khác, dai, dẻo và thơm.
Chỉ riêng đứng cạnh nồi kẹo thôi ấy đã thơm lựng lên rồi. Kẹo bông là thức rẻ tiền, ngày xưa bán bằng tiền xu, tiền hào, giờ bán năm ngàn một chiếc.
Thuở thơ ấu tôi đã qua lâu rồi, “thời mê đường” cũng trôi ba thập niên, mà tôi vẫn còn mê kẹo bông. Thi thoảng vào công viên, hội chợ ngày Tết, nhìn xe kẹo vẫn thèm. Giờ bốn chục tuổi đầu mà mua chiếc kẹo bông đứng cổng viên nhấm nháp cũng ngượng, nên hay gạ con gái “Mẹ mua kẹo bông cho em ăn nhé”. Nó nhăn mặt lắc đầu. Thế là tan tành ý đồ ăn ké.
Ừ thì đã bảo bánh Tiramisu, sô cô la Thụy Sỹ, kem Ý nó còn chẳng thiết kia mà. Nó có sống ở “thời mê đường” đâu mà biết, nó đang ngự ở “thời sợ đường”. Tội nghiệp. Nó lại còn bảo máy làm kẹo bông mini bán đầy trên mạng, hơn hai trăm ngàn một chiếc, mẹ mua về tự làm kẹo tha hồ mà ăn.
Nhắc đến đường thì lại nhớ ngày xưa nhà tôi có ông khách quý. Ông khách là bạn cha tôi, người Quảng Ngãi. Mỗi lần ra Hà Nội đến nhà tôi chơi, ông đều mang theo… đường. Chao ôi là đường, toàn là những loại đường lần đầu tiên tôi được nhìn thấy và nghe thấy, đường phèn, đường phổi, và đường mạch nha. Quả là thượng khách.
Hồi ấy chẳng hiểu sao ông khách lại lắm đường đến thế, chắc phải giàu có lắm, sau này tôi mới biết Quảng Ngãi mấy chục năm nay nổi tiếng với những nhà máy đường và bánh kẹo lớn nhất cả nước, sản phẩm xuất đi khắp thế giới. Đường phổi là những thỏi chữ nhật vuông vức xinh đẹp để mỗi lần pha một ly đen nóng cha tôi lại thả vào một viên. Đường phèn lóng lánh tựa đá quý, đun lên có vị thơm đặc biệt, mẹ tôi dùng để kho cá còn anh tôi pha nước làm khế dầm, tôi thì nhai rau ráu thay kẹo.
Đặc biệt, lần nào ông Quảng Ngãi cũng hào phóng tặng thêm hai hộp mạch nha, loại đóng hộp xuất khẩu. Mạch nha thì tôi rõ quá rồi, quý lắm đấy. Ở công viên cũng có một ông mạch nha, đồ nghề là một nồi to nâu óng. Khách mua vài đồng được ông véo cho một mẩu. Khách sẽ mất thời gian kéo thun kẹo ra thành dây dài, gập đôi lại, kéo thun ra. Cứ như thế cho đến khi mạch nha đổi màu trắng như sữa, ăn sẽ cực thơm ngon, đượm mùi mạch nha mà không bị dính.
Nếu cần ông lão sẽ se kẹo hộ cho nhưng thường thì khách tự làm. Tự kéo kẹo mạch nha mới khoái, lúc ăn sẽ ngon hơn, vừa được chơi lại vừa được chén, chứ người khác làm hộ thì chả bằng mua kẹo bọc giấy bóng kính về mà ngậm.
Cũng có vài gã mạch nha gian tà, gạ khách chơi trò may rủi với sợi dây thun mắc vào hai cái cọc nhỏ. Khách cầm dao cắt dây thun, làm thế nào cùng lúc đứt hai sợi một lúc thì sẽ được thưởng một thẻo mạch nha, bằng không chỉ đứt một thì mất tiền. Tôi chẳng lần nào được mạch nha cả, toàn mất tiền oan.
Mạch nha ngon và quý vì nó là mật dẻo được lên men từ gạo nếp, đại mạch và lúa mạch chứ không phải đường mía. Mạch nha, vì thế, không những thơm vị lúa nếp mà còn bổ dưỡng. Mạch nha ăn vã thì ngọt, nhưng làm thành những món khác thì tuyệt ngon.
Cho đến giờ tôi vẫn mê tít hai món mà con nít vẫn hay ăn ngoài cổng trường là bánh quế kẹp mạch nha và bò bía mạch nha. Người bán sẽ lấy hai que tre nhỏ xíu rồi xoắn một ít mạch nha đã kéo sợi thành màu trắng ngà, rắc thêm ít dừa nạo rồi kẹp hai miếng bánh quế nhỏ bên ngoài. Bánh quế giòn, thơm thơm, vị nhạt, quyện với bùi béo của dừa và ngọt dẻo của mạch nha. Món ăn chơi người ta mua một chiếc nhấm nháp. Tôi ăn đã thèm có thể tới dăm chiếc.
Còn bò bía ngọt thì công phu hơn, không tự làm được vì cần phải có bánh tráng. Món bò bía nghe đâu du nhập tận Phúc Kiến, do những người gốc Triều Châu đưa tới. Loại bánh tráng ấy tôi hay ăn cuốn với vịt quay Bắc Kinh. Mà nói chung cứ hễ thứ gì hoặc cực ngọt hoặc cực béo mà được ăn kèm với bánh tráng thì sẽ thành cực ngon vì sẽ được trung hòa, đỡ bứ.
Mấy anh bò bía ngọt thường đứng cổng trường học để “ăn dỗ con nít”. Anh ta có chiếc thùng gỗ màu trắng, mở nắp ngang ra thành một cái bàn nhỏ xíu để hành nghề. Mấy chàng bỏ bía đi rạc cả ngày chẳng bao giờ biết rửa tay, mà cũng nước đâu mà rửa, cứ thế điềm nhiên đứng cuốn bánh tráng.
Bánh tráng được sắp trên bàn – nắp hộp, rồi mạch nha hấp giòn xếp lên trên, lại rắc thêm mấy sợi dừa nạo, và vài hạt vừng đen. Anh hàng cuốn bánh nhoay nhoáy. Nhìn đôi tay bất hủ của người bán hàng rong tôi ngần ngừ, lại hình dung ra đủ mọi động tác mà tay ai cũng phải làm hàng ngày, việc gì cũng không thuận vệ sinh cả. Nhưng cũng không thể ngừng tưởng tượng ra vị nuột nà của bánh tráng quyện hòa với những ngọt bùi thơm dẻo mà… đấu tranh tư tưởng. Sau tôi nghĩ ra một cách:
– Này em ơi, chị mua riêng bánh tráng, mạch nha và dừa rồi về tự cuốn có được không em?
– Không chị ạ. Em không bán thế – gã hàng khinh khỉnh.
Quái thật. Anh ta làm như đặc sản cung đình không bằng mà phải chế tại chỗ để đảm bảo công thức bí truyền và độ ngon theo đúng tiêu chuẩn kẻo mang tiếng thương hiệu. Tôi tức anh ách, thôi thì thay vì bò bía mạch nha, lại nuốt cục tức mà về.
Về hỏi con gái xem, biết đâu trên mạng có cái máy gì tự động, có thể làm bò bía mạch nha trong vòng năm phút, giá hơn hai trăm ngàn một chiếc. Biết đâu.
Lao động cuối tuần
Phạm Thúy Quỳnh đưa bài