Chiến tranh như một ngọn lửa, bùng lên, lan rộng và dần tàn lụi, kết thúc. Bây giờ, trên đất nước thân thương này, cuộc chiến đã lùi xa bằng sự chiến thắng của những người yêu nước, chính nghĩa. Bình yên đã về trong niềm vui mừng, phấn khởi trước những khởi sắc của quê hương.

Những người từ bưng biền đi ra chung tay với những người dân bám cày bám cuốc, hăng hái hòa chung vào không khí mới của thời đại khi tiếng súng đã lùi đi xa. Và, những người trẻ chưa hề biết chiến tranh như tôi đã phần nào vô tình quên đi những con người bình thường, giản dị đã làm nên lịch sử. Lịch sử những người anh hùng của quê hương anh hùng. Nhưng đằng sau niềm vui chiến thắng, sự tàn phá của chiến tranh vẫn còn có những nỗi đau âm ỉ.

Được sự chỉ dẫn của một chú thương binh gần nhà, tôi tìm đến nhà “nữ cựu tù kháng chiến”, cô Nguyễn Thị Tuyết Trinh, người được nhân dân địa phương gọi với cái tên thân mật: “Cô Út Trinh”.

Đang bắt đầu vào mùa mưa, cũng là lúc cô Út phải đối diện với những căn bệnh mà di chứng của những đòn tra tấn năm xưa để lại. Da vẻ cô hơi xanh xao, đi lại có phần chậm chạp. Có lẽ sức khỏe cô không được tốt so với những người cùng tuổi. Cô vui vẻ đón tiếp và kể tôi nghe về những tháng năm đã đi vào quá khứ. Mắt cô xa xăm, như muốn đọng lại một bể nước, nhưng không rơi được. Hình dung về những gì đã qua không khó, nhưng để nhớ đến nó bằng những ký ức đau thương còn di chứng đến hôm nay thì quả như một cơn gió xoáy cứ vờn tới vờn lui vết thương đang đau rát.

Cô tên thật là Nguyễn Thị Tuyết Trinh, khi hoạt động cách mạng cô lấy bí danh là Hoàng Kiều Oanh. Cô Út Trinh sinh năm 1947, tại xã Tấn Mỹ, huyện Chợ Mới, An Giang trong một gia đình cơ sở cách mạng. Cô là con gái út của thầy Ba Hoài, người nuôi chứa đồng chí Ung Văn Khiêm trong những ngày đầu hoạt động cách mạng. Ký ức tuổi thơ cô gắn liền với cù lao Giêng – mảnh đất cù lao trù phú xanh tươi, bên con sông Tiền thơ mộng. Đất địa cù lao bốn bề sóng nước, trên bờ cây cối um tùm bao quanh những ngôi nhà thờ, đình chùa cổ kính. Là vùng đất địa linh, nhân kiệt với nhiều thăng trầm và biến cố vẫn không tránh khỏi sự lan rộng của chiến tranh.

Cuộc chiến ngày một ác liệt hơn, tuổi thơ cô phải chứng kiến cảnh giặc lùng sục bắt quân dịch. Chúng đâm lưởi lê vào từng đống rơm, lùng sục từng bờ tre, từng lu nước. Mảnh đất cù lao thơ mộng bỗng chốc đầy những cảnh tượng ghê rợn. Cảnh tượng ấy đã để lại cho cô một sự thù hận sâu sắc. Càng lớn, cô càng ý thức chính chiến tranh đã gieo rắc nên tội ác giữa người với người. Rồi những cảnh cường quyền, ác ôn của địa phương bắt dân đen đóng thuế cao, ức hiếp bà con nghèo; Đồng thời với sự giáo dục của cha và các anh, cô Út Trinh ý thức được trách nhiệm của một người yêu nước. Cô yêu mảnh đất này, yêu những con người thân thuộc của đất cù lao này. Những con người quanh năm lam lũ và chỉ muốn sống yên bình: Ban ngày lao động, chiều chiều nhâm nhi bên ly rượu đế và những món dân dã như chuột, rắn, rùa… mà thôi. Hình ảnh ấy đã bị chiến tranh tàn phá và cướp mất, nhà nhà trong cảnh bom rơi đạn lạc bất thần. Cái chết lúc này trở nên bất trắc và mỏng manh. Nhưng từ sự bất trắc mỏng manh ấy đã rèn luyện cho con người trở nên không sợ chết. Xuất phát từ lòng yêu đất, yêu người, yêu sự bình yên thôn xóm đã hóa thành lòng yêu nước. Và chính lòng yêu nước đã thúc giục cô hành động.

Năm 1960, cha cô đột ngột qua đời. Trong nỗi mất mát lớn lao đó, cô phải nén lại niềm đau để ở nhà lo tang cho cha. Sau đó, cô bắt đầu tham gia hoạt động bí mật. Cô liên hệ với tổ chức cách mạng ở các cơ sở gần nhà để xin tham gia và nhận nhiệm vụ. Ban đầu, cô đi vận động gia đình các binh sĩ nguỵ khuyên con em bỏ ngũ trở về. Trong những năm tháng đó, đã có không ít quân nhân của chế độ Sài Gòn ở địa phương, nghe lời vận động của cô, buông súng trở về quê nhà, có người còn tham gia giúp đỡ cách mạng. Đây cũng là thời gian cô giả làm thợ may, ban ngày thăm dò tình hình địch, ban đêm cô tham gia du kích, đi rải truyền đơn.

Đêm tháng 10 năm 1965, bầu trời không trăng sao, con đường đất ven bờ sông Tiền tối đen, im đềm như ngủ. Đầu vàm sông, đám cưới tưng bừng đèn măng – sông sáng rực cả một đoạn đường. Đó là ngày đám cưới của cô Út Trinh, kỷ niệm mà suốt cuộc đời cô không thể nào quên được. Nhưng kỷ niệm ấy có phần không hạnh phúc như ta tưởng vì khi gia đình đang tổ chức đám cưới cho cô thì giặc ập đến. Chúng cho rằng cô Út Trinh hoạt động bí mật, chúng bắt trói cô. Mặc cho mọi người van xin chúng vẫn không nhân nhượng, giải cô về trụ sở của huyện để khai thác.

Từ sáng đến tối chúng dùng nhiều biện pháp hết sức tàn độc để tra tấn cô. Người con gái 19 tuổi đã bị bọn ác ôn dùng điện châm vào những chỗ hiểm, dùng xà phòng trộn nước mắm đổ vào họng, dùng dây buộc treo lên trần nhà, kéo lên hạ xuống nhiều lần… Liên tiếp trong 10 ngày với nhiều hình thức tra tấn làm cho cô chết đi sống lại nhưng vẫn không khai thác được cô một lời nào. Thấy vậy, chúng chuyển cô về tỉnh rồi đưa vào khám Lớn Long Xuyên. Ở tại khám Lớn, dù bị đưa tới đưa lui nhiều nơi để khai thác nhưng cô vẫn chỉ nói một câu: “Tôi không biết gì cả”. Thấy vậy, chúng nhốt cô với hình thức an trí. Trong thời gian này, cô suy nghĩ rất nhiều. Cô thấy con đường cách mạng trước mắt của mình lắm chông gai và hiểm trở. Nhưng lòng cô vẫn một chí hướng vượt qua những khó khăn gian khổ ấy. Khó khăn chỉ là thử thách mà thôi. Cô vẫn trung kiên với lý tưởng của mình, một lòng một dạ với cách mạng. Trong thời gian an trí đó, cô thêu khăn, thêu gối gửi về cho người thân. Trong đó có một chiếc gối cô thêu chữ “Chung thủy” để nhắc nhở mình phải một lòng với cơ sở, với Đảng và một chiếc gối thêu nhân dịp sinh nhật Bác Hồ. Cô xem hai chiếc gối ấy như kỷ vật quý báu của mình và hết sức cẩn trọng, giữ gìn cho đến ngày nay. Vậy mà phải đến tháng 3 năm 1967, khi biết không thể khai thác được gì ở người con gái ngoan cường này, chúng mới thả cô ra tù…

Khi được trả tự do, cô Út Trinh về lại quê nhà ở cù lao Giêng. Cô đăng ký vào dạy học trong “Ấp Tân Sinh”. Vừa dạy cô vừa tuyên truyền lòng yêu nước và đấu tranh cách mạng cho các em học sinh và người dân địa phương. Hoạt động ở địa phương được một thời gian, địch theo dõi gắt gao và biết được cô vẫn còn hoạt động cách mạng. Chúng cho lính xuống tận nơi bắt cô đem về trụ sở quận tra tấn lần thứ hai. Lần này chúng tra hỏi cô liên tục mấy giờ liền nhưng không khai thác được gì. Chúng chuyển sang tra tấn bằng cách dùng dây điện thoại, kẹp vào hai ngón tay và hai ngón chân, châm điện cho giật cô chết đi sống lại mấy lần. Chúng còn dùng ba trắc đánh cô bung xương vai nhưng vẫn không khai thác được gì. Bí thế và không bằng chứng kết tội, chúng đành thả cô về. Sau khi được thả, tuy những vết thương do bị tra tấn hành hạ nhưng cô vẫn cố gắng gượng vượt qua. Khi sức khỏe có phần giảm sút, cô trở sang Long Xuyên, xin vào học ở trường Bồ Đề và trọ ở chùa Quảng Đức để móc nối với cơ sở hoạt động. Cô tiếp tục vừa học vừa hoạt động bí mật cho đến ngày 30 tháng 4 năm 1975. Với những thành tích đó, cô Út Trinh đã được nhà nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến chống Mỹ, cứu nước hạng Nhất và nhiều huân, huy chương khác.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, cô được sự phân công của Huyện ủy về công tác tại Hội Phụ nữ huyện Chợ Mới. Sau đó ít năm, cô được phân công nhận chức Phó trưởng phòng Giáo dục và đào tạo. Ở cương vị là người làm công tác giáo dục, cô đã nêu cao được tình thương, kỷ cương và trách nhiệm. Năm 1984, cô Út Trinh được chuyển về làm Phó Ban Dân dận huyện uỷ, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Chợ Mới cho đến lúc nghỉ hưu, năm 1993.

Cứ nghĩ, chiến tranh qua đi, nỗi đau sẽ được xoa dịu dần. Nhưng với cô Út Trinh, cuộc đời có lẽ có chỗ còn gập ghềnh và bất trắc. Mười mấy năm ở tập thể, cô vẫn chưa cất nổi cho mình một căn nhà. Mãi đến khi sắp về hưu, cô mới xin ứng trước tiền lương hưu theo chế độ hưởng một lần duy nhất để mua cây xẻ gỗ làm nhà. Cô xin được một mảnh đất nhỏ của chùa Bửu Long, để cất nhà. Sau đó ít năm, do nhà cô nằm trong diện huy hoạch nên cô phải dỡ nhà đi nơi khác. Không lâu sau, nhà cô nằm trong phạm vi huy hoạch chợ nên cô phải dỡ nhà lần thứ hai. Đến lần này, cô vay tiền chính sách, vừa đủ để mua đất và cất một ngôi nhà tương đối ổn định, làm nơi nương náu lúc tuổi già.

Cứ nghĩ về hưu là sẽ an nhàn, nghỉ ngơi. Nhưng sau khi nghỉ hưu, cô Út Trinh lại tiếp tục về tham gia công tác ở Hội bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi. Hội Khuyến học, Hội Cựu giáo chức… Cô lặn lội đi đến từng ấp để tìm hiểu những hoàn cảnh tàn tật và trẻ em nghèo cần giúp đỡ. Sau đó cô lên danh sách và tự đi vận động các mạnh thường quân, các tổ chức từ thiện giúp đở cho những hoàn cảnh ấy. Hàng năm, khi mùa tựu trường sắp đến, cô đi vận động, lo sắm sửa sách vở, quần áo cho các em có hoàn cảnh khó khăn được cắp sách đến trường.

*

Ngày tôi đến gặp cô cũng là lúc cơn mưa vừa đến, cô rùng mình mấy lần sau những đợt sấm sét. Tôi thấy xót xa cho cô. Chiến tranh đã gây ra những di chứng, bệnh tật mà cô phải mang theo suốt đời. Cô cho biết, hễ mỗi lần vào mùa mưa là cơn bệnh nhức ở vết thương cũ lại hành hạ, những cơn sốt nóng lạnh xảy ra khá  thường xuyên… Đó là nỗi đau mà tôi thấy được. Còn một nỗi đau nữa, tôi đã gạt nước mắt khi nghe cô nhẹ nhàng nhắc đến mà sao xa xót… Những trận đòn roi, những cơn điện giật chỗ hiểm đã làm cho cô không còn khả năng sinh con. Hạnh phúc đầu đời tan vỡ, và những hạnh phúc sau đó cũng vỡ tan vì những di chứng trên người. Cô cũng như biết bao người khác, cũng cần có một mái nhà, một người để thương, để yêu, một đứa con để an ủi lúc tuổi già. Nhưng chiến tranh, cụ thể là những đòn tra tấn đã cướp đi của cô hạnh phúc được làm mẹ của một người phụ nữ. Nỗi đau nào rồi cũng dần phai mờ theo năm tháng. Nhưng nỗi đau của cô Út Trinh cứ đeo đẳng cô suốt cả cuộc đời.

Hy sinh vì hòa bình, vì tự do mà mãn nguyện với những gì mình đã dành cho cuộc sống hôm nay. Những người đi ra từ “chảo lửa” chiến tranh đã phần nào nhẹ lòng. Người nằm xuống, đất mẹ ôm vào lòng ru giấc ngủ bình yên. Người còn sống, mang trên mình những vết thương và những di chứng đến suốt đời. Và ở một góc khuất nào đó, họ đang giấu đi những nỗi đau không thể nào chia sẻ, những nỗi đau chỉ có người trong cuộc, người cùng thời mới tin nổi có những điều như mơ vẫn diễn ra ở ngoài đời thực… Nhìn cảnh quê hương đất nước đổi mới từng ngày, cô Út vui mừng biết bao nhiêu. Nhưng đằng sau đó, những nỗi đau cá nhân cô, tuy cô không nói ra, không thể hiện trước mắt chúng ta, nhưng làm sau giấu được những giọt nước mắt rơi trong ngôi nhà quạnh quẽ này…

Và hơn hết, vào những năm tháng tuổi già yếu này, cần một máí nhà, một người chồng, một đứa con để làm chỗ dựa. Nhưng bây giờ, trong căn nhà mưa dột ấy, cô sống có phần cô quạnh bên người con nuôi không có công việc ổn định. Hai mẹ con nương vào số tiền trợ cấp thương binh hàng tháng của cô để trang trải sinh hoạt hàng ngày và tiếp tục làm công tác xã hội, từ thiện ở địa phương.

Người con nuôi của cô là đứa trẻ hai mươi năm trước cô lượm được trước cổng cơ quan vào một buổi sáng. Không biết con ai, mà cũng không ai nhận mặt. Vậy là cô nhận nuôi cho đến ngày nay. Số tiền lương ít ỏi ấy và đôi vai đã gầy đi vì năm tháng chiến tranh và bệnh tật đã nuôi đứa trẻ năm nào lớn khôn. Bởi ngoài đôi vai ấy còn có một trái tim của một người cách mạng, một người mẹ bao dung…

Khi được hỏi, cô có thấy buồn vì những mất mát và khó khăn của mình không? Tôi vẫn thấy trên mặt cô một nụ cười. “Cô không buồn đâu cháu! Cô nghĩ, hồi trước đi kháng chiến với biết bao khó nhọc mình vẫn vượt qua được thì bây giờ, những khó khăn hiện tại có là bao. Cô sống và chiến đấu, hy sinh những thứ mình có thể để cho đất nước, cho quê hương. Hôm nay, nhìn nước nhà độc lập, quê hương thay da đổi thịt, vậy là cô mừng lắm rồi. Việc còn lại là cô vẫn tiếp tục giúp đỡ cho những cháu đang tàn tật khó khăn. Đó là niềm an ủi nhỏ nhoi ở cái tuổi gần ‘thất thập cổ lai hi’ này”.

Tôi thấy lòng mình nhoi nhói trước những nỗi đau đằng sau cuộc chiến của người nữ thương binh ba trên bốn, chiến tranh đã lùi xa nhưng những nỗi đau của nó vẫn hằn sâu trong ký ức mỗi người, trong đó có cô Út Trinh.

Khi từ giã cô, tôi về. Chợt điện thoại cô vang lên, có ai đó nhờ cô giúp cho đứa cháu bị tàn tật. Cô vui vẻ nhận lời và hẹn ngày mai sẽ đến nhà thăm. Cô vẫn luôn quan tâm đến những phận đời khó khăn quanh mình như vậy đó.

Bút ký của Lê Quang Trạng – Vanvn.net