Sáu bài thơ trong “Hoàng Sơn nhật ký” của Bác Hồ đăng trên tạp chí ASEAN, do các nhà nghiên cứu Trung Quốc gửi cho tác giả Lê Xuân Đức.

Từ đầu năm 1965, sức khỏe của Bác giảm sút, Bộ Chính trị quyết định, cứ mùa hè hằng năm, Bác cần đi nghỉ dưỡng ở nước bạn để phục hồi sức khỏe. Mùa hè năm 1965, Bác đi nghỉ ở Hoàng Sơn (Trung Quốc), một trong những khu du lịch sinh thái và điều dưỡng nổi tiếng thuộc địa phận tỉnh An Huy. Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc và Chính phủ nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa bố trí Phó Chủ tịch nước Đổng Tất Vũ cùng phu nhân, dành thời gian cùng nghỉ với Bác ở Hoàng Sơn. Những ngày ở đây, Bác đã cảm tác viết sáu bài tứ tuyệt ca ngợi cảnh đẹp thiên nhiên kỳ thú, những nét đặc sắc văn hóa và tình người Hoàng Sơn đối với Bác.

Hoàng Sơn nằm ở phía nam tỉnh An Huy, trải dài trên một diện tích 150 km2. Tương truyền, Hoàng Sơn đột ngột nổi lên sau một cơn vặn mình của vỏ trái đất từ hàng trăm triệu năm trước và được gọt rũa, bào mòn từ kỷ Băng hà xa xưa. Hoàng Sơn nổi tiếng là nơi hội tụ mọi danh lam thắng cảnh của đất nước Trung Hoa. Có câu: “Ngũ Nhạc quy lai bất khán sơn/ Hoàng Sơn quy lai bất khán Nhạc” (Xem Ngũ Nhạc về thì không muốn đi xem cảnh núi nào nữa/ Thăm Hoàng Sơn về thì cả Ngũ Nhạc cũng không muốn xem nữa). Quả đúng như vậy, nếu ai đã đến đây, thì không thể không ngắm cảnh núi non trùng điệp với 72 ngọn ngất trời được đặt tên theo hình dáng của chúng, trong đó có các đỉnh Quang Minh cao 1.841 m, đỉnh Yên Hoa – 1.973 m và nhiều đỉnh khác như Thủy Tín, Thiên Đô, Phi Lai… Những ngọn núi này trông như những cột chống trời sừng sững giữa biển mây mờ ảo, hư hư thực thực. Khi trời quang mây tạnh, cả Hoàng Sơn phơi mình dưới ánh nắng, phô bày những đường nét kỳ vĩ, trữ tình cùng với bạt ngàn cỏ cây, sông suối, hang động.

Thắng cảnh Hoàng Sơn đã xuất hiện trong nhiều kiệt tác thi ca, hội họa, điêu khắc. Lý Bạch (701-762), Giả Đảo (779-843) đã để đời những bài thơ về Hoàng Sơn. Bút tích văn chương của người xưa cũng đã khắc trên các bia đá, vách núi. Phong cảnh tuyệt vời của Hoàng Sơn cũng đã được thể hiện trong nghệ thuật vẽ trên đồ sứ An Huy, cái nôi sinh ra nghề chế tác đồ sứ Minh, Thanh nổi tiếng. Hai ngôi làng sản xuất đồ sứ nổi tiếng ở đây là Tây Dịch và Hồng Thôn đã được UNESCO công nhận là di tích văn hóa thế giới.

Người An Huy thường tự hào về bốn thứ tuyệt diệu của vùng núi Hoàng Sơn, mệnh danh là Hoàng Sơn tứ tuyệt: Kỳ tùng, Quái thạch, Vân hải, Ôn tuyền. Những ngày ở đây, Bác đã đi thăm các danh thắng nổi tiếng như: Quan bộc đình (Đình ngắm thác), Bách trượng tuyền (Suối trăm trượng), Đào nguyên đình (Đình nguồn đào), Nhân tự bộc (Thác chữ nhân), Từ quang các (Gác từ quang), Trịnh công điếu ngư (Ông Trịnh câu cá), Long đầu thạch (Đá đầu rồng), Đan tỉnh (Giếng luyện đan), Dược cữu (Cối giã thuốc),… Phan Văn Các trong cuốn Thơ chữ Hán Hồ Chí Minh, cho biết: Khi nhìn lên một ngọn núi có hình một tòa tháp cổ, hỏi ra chưa có tên, Bác suy nghĩ một lát rồi đặt tên là Luyện đan tháp (Tháp luyện đan), Phó Chủ tịch Đổng Tất Vũ cho lấy giấy bút, tự tay đề luôn ba chữ ấy để làm tên núi và để đề biển cho Quan bộc đình.

Cảm nhận về cảnh đẹp của Hoàng Sơn, tại nhà khách, Bác tự tay viết năm chữ đại tự Hoàng Sơn phong cảnh hảo (Hoàng Sơn phong cảnh đẹp). Cũng những ngày này, Bác đã cảm tác viết sáu bài tứ tuyệt. Dưới đây là sáu bài thơ ấy (Bản dịch của Đỗ Trung Lai):

Bài thứ nhất:

Hoàng Sơn xã viên đa chủng trà,

Trà diệp nhuận trạch hương vị đa.

Đông tây nam bắc du sơn khách,

Ẩm bôi sơn trà thích sơn ca.

(Xã viên Hoàng Sơn trồng nhiều chè/ Lá chè đượm đà nhiều hương vị/ Khách dạo chơi núi từ khắp miền đông-tây-nam-bắc/ Uống chén chè núi, lắng nghe những điệu dân ca miền núi).

Dịch thơ:

Xã viên trồng trà khắp Hoàng Sơn

Lá trùm xanh xóm, vị thời ngon

Bốn phương du khách về thăm thú

Thưởng trà, nghe hát giữa sơn thôn.

Bài thứ hai:

Hoàng Sơn tiểu hài chân quai quai,

Kiến ngã tựu vấn “Bá bá hảo”

Giáp như tần quả, chủy như hoa,

Đối ngã cảm tình chân nồng hậu.

(Các cháu bé ở Hoàng Sơn thật là ngoan/ Thấy tôi đến đều chào: “Cháu chào bác ạ!”/ Má như quả táo, miệng như hoa/ Tình cảm đối với tôi thật là nồng hậu).

Dịch thơ:

Trẻ nhỏ Hoàng Sơn rõ thật ngoan

Chào ta bằng bác suốt dọc đường

Đẹp đẽ môi hoa cùng má táo

Tình thời nồng hậu, tiếng thời thương.

Bài thứ ba:

Hoàng Sơn phong cảnh phi thường hảo,

Nhất thiên hạ vũ ngũ thiên tình.

Triêu tùy tân khách tống lão khách,

Dạ thính tuyền thanh họa điểu thanh.

(Cảnh núi ở Hoàng Sơn đẹp lạ thường/ Một ngày trời mưa, năm ngày trời tạnh/ Sáng sớm theo khách mới đi tiễn khách cũ/ Đêm nghe tiếng suối hòa cùng tiếng chim).

Dịch thơ:

Hoàng Sơn phong cảnh phi thường chưa

Năm ngày tạnh ráo, một ngày mưa

Sớm cùng khách mới đưa khách cũ

Đêm nghe suối chảy với chim gù.

Bài thứ tư:

Đổng Công tặng ngã dĩ trường thi,

Ngã dục tác thi phụng họa chi.

Khả thi kháng Mỹ cứu quốc sự,

Hoàn toàn chiếm lĩnh ngã tâm tư.

(Cụ Đổng tặng tôi bài thơ dài/ Tôi muốn làm thơ kính họa lại/ Nhưng công việc chống Mỹ cứu nước/ Đã hoàn toàn chiếm lĩnh tâm tư tôi).

Dịch thơ:

Cụ Đổng tặng tôi bài thơ dài

Tôi muốn làm thơ họa lại ngay

Hiềm mọi tâm tư dành chống Mỹ

Chưa lúc nguôi ngoai tấc dạ này!

Bài thứ năm:

An Huy tự cổ đa hào kiệt,

Thùy tỷ anh hùng Tân tứ quân.

Đảng quân đáo xứ trừ cường bạo,

Tòng thử công nhân tác chủ nhân.

(An Huy xưa nay vốn có nhiều hào kiệt/ Có ai anh hùng bằng Tân tứ quân/ Quân đội của Đảng đến đây để trừ khử cường bạo/ Từ nay công nhân thành ra chủ nhân).

Dịch thơ:

An Huy tự cổ đông hào kiệt

Hào kiệt ai bằng Tân tứ quân?

Quân đến nơi đây trừ bạo ngược

Từ đó công nhân hóa chủ nhân.

Bài thứ sáu:

Địa phương đồng chí thái khách khí,

Đối ngã môn vô vi bất chí.

Cơ hồ thiên thiên khứ tham quan,

Vãn vãn thỉnh ngã môn khán hý.

(Các đồng chí ở địa phương rất quý trọng khách/ Đối với chúng tôi chu đáo từng li từng tí/ Hầu như ngày nào cũng đi tham quan/ Tối tối lại mời chúng tôi xem văn nghệ).

Dịch thơ:

Các bạn nơi này quá chiều khách

Chu toàn đến độ kín cả lịch!

Ngày nào cũng dẫn đi tham quan

Tối đến lại mời xem ca kịch.

(Riêng Bài thứ tư có xuất xứ như sau: Sáng ngày 27-5-1965, trời nắng đẹp, những cây thông khỏe khoắn, hiên ngang vút thẳng, suối nước trong veo in bóng những tảng mây cuồn cuộn trên bầu trời, gió mát lướt nhẹ, hoa rừng đưa hương thoang thoảng, cảnh vật như chiều người, như gợi mở, đón đợi, Cụ Đổng trao tặng Cụ Hồ bài thơ dài, được viết cẩn thận trên giấy tuyên chỉ khổ to. Cụ Hồ, hai tay đỡ bài thơ, xúc động cảm ơn Cụ Đổng. Hai cụ già nắm tay nhau, lặng nhìn nhau sâu nặng nghĩa tình.

Chiều ngày 7-6-1965, lúc 15 giờ 30 phút, trước khi rời Hoàng Sơn một ngày, Bác đứng bên một chiếc bàn lớn, một tay chống trên mặt bàn, một tay cầm chiếc bút lông thoăn thoắt đưa nhẹ trên mặt giấy, thảo những vần thơ tặng Cụ Đổng. Đó chính là Bài thứ tư).

 

Theo Lê Xuân Đức – Nhân dân cuối tuần