Xuất hiện tại Việt Nam hơn một thế kỷ và từng được độc giả yêu thích, vậy nhưng phải tới giữa năm 2019 này, tiểu thuyết lịch sử Tây Hán diễn nghĩa (thường được biết đến với cái tên Hán Sở tranh hùng) mới được chuyển ngữ một cách trọn vẹn và đầy đủ.

1. Tây Hán diễn nghĩa được Chung Sơn cư sỹ Chân Vĩ (Trung Hoa) viết vào đầu thế kỷ XVII. Và đến thời điểm này, trong kho tàng văn học cổ Trung Hoa, đây vẫn được coi là cuốn tiểu thuyết mô tả trọn vẹn và đầy đủ nhất về cuộc chiến tranh Hán – Sở giữa Lưu Bang và Hạng Vũ từ hơn 2200 năm trước.

Tại Việt Nam, trong phong trào dịch tiểu thuyết chương hồi Minh – Thanh đầu thế kỷ XX, Tây Hán diễn nghĩa từng được dịch giả Nguyễn Chánh Sắt chuyển ngữ vào năm 1908. Gần một thế kỷ sau đó, cuốn sách tiếp tục được dịch và xuất bản thêm một số lần, bởi các dịch giả La Thần ( lấy tên là Tây Hán chí), Thanh Phong (Tây Hớn diễn nghĩa) và Mộng Bình Sơn (Hán Sở tranh hùng). Trong số này, do xuất hiện muộn nhất và được tái bản nhiều lần, bản Hán Sở tranh hùng của Mộng Bình Sơn là phổ biến hơn cả.
Tuy nhiên, do các quan điểm về dịch thuật, cũng như sự chi phối từ đời sống xuất bản khi đó, cả 3 bản dịch này đều không tuyệt đối bám sát nguyên tác, có sự thay đổi về kết cấu và lược bỏ một số chi tiết khi in ra. Điển hình, so với bản gốc, bản Hán Sở tranh hùng của Mộng Bình Sơn đã cắt bỏ hoàn toàn 7 hồi đầu của nguyên gốc, chia 104 hồi còn lại thành 48 hồi và thêm bớt khá nhiều đoạn.

Cuộc chiến Lưu Bang – Hạng Vũ được độc giả yêu thích từ nhiều năm

Dù vậy, trong gần một thế kỷ xuất hiện tại Việt Nam, câu chuyện về cuộc chiến tranh khốc liệt và bi tráng giữa Lưu Bang – Hạng Vũ vẫn luôn thu hút sự quan tâm của rất nhiều độc giả. Ở đó, bên cạnh 2 nhân vật chính, người ta còn luôn nhớ về một thế giới nhân vật vô cùng đa dạng và độc đáo với những Tiêu Hà, Hàn Tín, Phàn Khoái, Trần Bình, những câu chuyện đã trở thành điển tích như Hồng Môn yến,Bá vương biệt Cơ – và đặc biệt, những trận đánh và chiến thuật đã trở thành kinh điển trong lịch sử quân sự thế giới như chiến dịch công hạ Tam Tần với kế Minh tu sạn đạo – ám độ Trần Thương, trận Tỉnh Hình với điển tích Bối Thủy nhất chiến (bày trận tựa sông) hay trận Cai Hạ tiêu diệt bá nghiệp của Sở Bá vương Hạng Vũ…

2. Từ thực tế ấy, bản Tây Hán diễn nghĩa (lấy tên Hán Sở diễn nghĩa) vừa phát hành của NXB Văn học và Công ty Đông A Books đã được thực hiện khá công phu: gần 700 trang từ nguyên tác đều được dịch lại toàn bộ bởi dịch giả Châu Hải Đường, với đầy đủ 101 hồi, kèm thêm lời đề từ của chính Chung Sơn cư sỹ Chân Vĩ.

Bản “Hán Sở diễn nghĩa” của Đông A Books có in kèm phụ lục bản đồ

Sinh năm 1974, là một dịch giả có vốn hiểu biết sâu sắc về Hán văn, Châu Hải Đường thực từng hiện nhiều dịch phẩm được đánh giá cao như Đường Tống truyền kỳ, An Nam Truyện, Đông Chu liệt quốc liên hoàn họa… cùng với các bản dịch tùy bút đương đại Trung Quốc.
Theo đánh giá của anh, Hán Sở diễn nghĩa là một cuốn sách hấp dẫn, với những câu chuyện về cái tài của người làm tướng quyết thắng ngoài nghìn dặm, cái trung của kẻ làm tôi hy sinh cứu chúa, cái dũng của tướng sỹ công thành hạ địch, cái mưu của kẻ sĩ quy phục chư hầu. Ở đó, cuộc tranh hùng trục lộc giữa Hán và Sở – hai thế lực mạnh nhất sau khi nhà Tần sụp đổ – không chỉ đơn thuần là việc kể lại lịch sử. Dưới ngòi bút của Chung Sơn cư sỹ Chân Vĩ, tác phẩm đã đạt đến “trong văn có sử”, văn và sử tương hỗ nhau một cách nhuần nhuyễn; các nhân vật cũng được đắp thịt thổi hồn với những nét tính cách riêng hết sức sống động và tạo nên sức hút với các độc giả yêu thích dòng văn “diễn nghĩa” ở Việt Nam.

Bộ sách “Hán Sở liên hòa họa”

“Tôi không dám bình luận về cách tiếp cận nguyên tác của các dịch giả đi trước. Những khác biệt, nếu có, phần nhiều phụ thuộc vào sự thay đổi trong quan niệm về dịch thuật theo thời gian” – anh nói – “Có lẽ trước đây, các dịch giả thường thiên về hướng dịch tác phẩm một cách ngắn gọn, dễ hiểu, dễ đọc…cho phù hợp với thói quen của người đọc. Còn bây giờ, độc giả lại có nhu cầu được tiếp cận với tác phẩm một cách toàn vẹn, chuẩn xác, với đầy đủ những ưu nhược điểm trong ngòi bút của tác giả. Hán Sở diễn nghĩa được tôi thực hiện theo hướng này.”

Song song với Hán Sở diễn nghĩa, Đông A Books và NXB Văn học cũng phát hành bộ Hán Sở diễn nghĩa liên hoàn họa. Với lời văn ngắn gọn, đúc kết những tinh túy từ nguyên tác cùng những nét vẽ tỉ mỉ, sinh động trong 875 bức tranh của các họa sỹ danh tiếng Trung Quốc, ấn bản này là một phong vị khác của Hán Sở diễn nghĩa, với sự chi phối của ngôn ngữ hội họa.

https://thethaovanhoa.vn