Cụ bà Toyo Shibata (có ngày sinh áng chừng 26 tháng 6, nhưng đích xác là năm 1911) sống ở tỉnh Tochigi, Nhật Bản, vốn chỉ say sưa với nghệ thuật múa, nhưng đến năm chín mươi hai tuổi, vì chứng đau lưng nên cụ đành phải từ bỏ niềm đam mê cũ. Trong lúc băn khoăn tìm thú vui mới, được người con trai sáu mươi tuổi gợi ý, cụ chuyển sang làm thơ.


Bìa tập thơ đầu tay của cụ bà Toyo Shibata

Thấy một tờ báo đăng bài thơ đầu tiên của mình, cụ Toyo Shibata vui mừng khôn xiết và lại gửi tiếp, cũng được in, nên cụ sáng tác một mạch, và năm 2009 cho ra đời tập Đừng quá nản lòng. Tác giả cho biết: cụ tìm cảm hứng thi ca ở tất cả những gì quanh mình, nhưng thường là trong ký ức, và chủ yếu viết vào ban đêm, khi chỉ có một mình trong tĩnh lặng…

Sáng tạo “bất đắc dĩ” hóa ra lại thu hút người đọc: tập thơ đầu tay của cụ bà sắp trăm tuổi đã bán được 1,5 triệu bản, trong khi tác phẩm mới của các nhà thơ xứ sở Hoa Anh Đào chỉ bán được độ 10.000 cuốn là cùng. Ở Nhật Bản, Touhan – một trong những nhà xuất bản lớn nhất – xác nhận: Đừng quá nản lòng của cụ Toyo Shibata nằm trong danh mục mười cuốn sách bán chạy nhất năm 2010.

Tập thơ Đừng quá nản lòng gồm 42 bài, chủ yếu nói về tình yêu cuộc sống và sự phấn đấu không ngừng của con người. Ngay từ nhan đề mỗi bài thơ đã tỏa ra sức vỗ về an ủi: Mỗi người đều tha hồ mơ ước, Đừng quá nản lòng, Khi tôi cô đơn…


Cụ Toyo Shibata

Cụ Toyo Shibata có được tiếng vang trong đông đảo độc giả, một phần cũng nhờ bộ phim tài liệu về cụ phát trên vô tuyến truyền hình tháng 12.2010. Từ đó, mối quan tâm đến sáng tạo của cụ lan truyền trong công chúng và Đừng quá nản lòng vừa trình làng đã đứng đầu danh sách bestseller trong mấy tuần liền.

Không thể kể hết lượng thư người hâm mộ từ khắp đảo quốc gửi đến cụ Toyo Shibata. Một độc giả ở tuổi thất thập thổ lộ: thơ cụ đã truyền cho tôi dũng khí, giúp tôi không đánh mất mục đích cuộc sống. Một độc giả khác mang mặc cảm bị đồng nghiệp xem thường đã thú nhận: sáng tác của cụ giúp tôi gỡ bỏ tâm trạng ủ dột và ẩn ức.

Hiện tượng nhà thơ trẻ trăm tuổi là do tài năng phát tiết chậm hay do thiên thời địa lợi nhân hòa? Điều này chưa thể giải thích được ngay, nhưng bản thân sự kiện này đã xóa tan một định kiến, rằng nàng thơ chỉ đến với người trẻ tuổi.

Nhớ lại, năm 2005, nhà kinh tế học Hoa Kỳ David Galenson đã quyết định kiểm tra xem định kiến đó đúng hay sai… Ông chọn 47 tuyển tập thơ xuất bản ở Hoa Kỳ trong 25 năm qua và có nhiều người đọc nhất, lọc từ đó danh mục những bài thơ được truyền tụng nhiều nhất. Đối chiếu với độ tuổi tác giả khi viết bài thơ đó, David Galenson đi đến kết luận: chẳng phải lúc nào nàng thơ và tuổi trẻ cũng tay trong tay. Ví dụ, một trong những bài thơ phổ biến nhất trong danh sách đó là Giờ của con chồn (Skunk Hour) được Robert Lowell (1917-1977) viết khi 41 tuổi. William Carlos Williams (1883-1963, gương mặt quan trọng của thơ Hoa Kỳ thế kỷ XX) viết bài thơ Vũ điệu (The Dance) khi 59 tuổi, Robert Frost (1874-1963, nhận giải thưởng Pulitzer bốn lần vào các năm 1924, 1931, 1937, 1943) viết bài Tuyết chiều buông khi dừng bước qua rừng (Stopping by Woods on a Snowy Evening) khi đã 43 tuổi, và phần nửa sự nghiệp thi ca của ông được sáng tác khi tác giả đã ngoại ngũ tuần. Tất nhiên, tài năng là thứ không thể đo đếm, nhưng công trình nghiên cứu của David Galenson cũng đưa ra một hình dung nào đó về lao động sáng tạo. Ông còn mở rộng nghiên cứu sang cả lĩnh vực nghệ thuật nữa, từ đó nảy ra một sự so sánh lý thú: danh họa Tây Ban Nha Pablo Picasso (1881-1973) 26 tuổi đã sản sinh được một số kiệt tác, nhưng Paul Cézanne (1839-1906) mãi 56 tuổi mới trình làng cuộc triển lãm cá nhân đầu tiên để rồi được mệnh danh là “cầu nối từ trường phái ấn tượng thế kỷ XIX tới trường phái lập thể thế kỷ XX”.

Còn cụ bà Toyo Shibata đón ngày sinh lần thứ 100 bằng việc hoàn tất một tập thơ mới nữa. Thông thường, nếu may mắn thọ đến độ tuổi đó, người ta chẳng đòi hỏi gì nhiều ở cuộc đời, nhưng cụ bà Toyo Shibata từng thổ lộ rằng cụ còn ấp ủ mộng mơ nhiều thứ, ví dụ – trong một bài thơ – cụ mơ được “cưỡi mây du ngoạn thiên hà”…

– Sống được đến tuổi này, tôi nhờ sự chăm sóc của gia đình, bạn bè, điều dưỡng viên và các bác sĩ… nên muốn nhờ thơ nói lên lòng biết ơn của tôi đối với họ, đây cũng là cách để cho mọi người biết tôi thực sự hạnh phúc. Cây cổ thụ trăm tuổi mới bói quả là nhờ sự ủng hộ của các bạn. Bây giờ tôi đã có cái mang theo để mà khoe với mẹ mình, khoe với chồng mình ở thế giới bên kia – cụ Toyo Shibata tâm sự.

Khó hy vọng rằng nhà thơ trẻ trăm tuổi này rồi có thể át cả thiền sư thi sĩ Matsuo Bashô (1644-1694) và đi vào các thi tuyển, nhưng ở một đất nước dân cư đang ngày một già đi như Nhật Bản, việc một cụ bà không đầu hàng sự cô đơn, không chối từ cuộc sống là điều thật đáng kể!

Một bài thơ của cụ Toyo Shibata:

Khi tôi thấy cô đơn

Hễ khi nào bỗng thấy cô đơn
tôi lại giơ lòng tay ra hứng
từng tia nắng
đang rọi qua khe cửa ra vào.
Rồi tôi ấp tay lên mặt hồi lâu
hơi ấm mặt trời dường như nhắc nhở
về hơi ấm của mẹ.
“Mẹ hãy tin con chân cứng đá mềm” –
miệng thì thào, tay chống gối, tôi đứng lên.

ĐĂNG BẨY dịch (qua bản tiếng Nga của Alexei Kadaner)

Nguồn: daibieunhandan.vn.

Exit mobile version