TRUYỆN NGẮN CỦA HOÀNG KHÁNH DUY

Minh họa: Nguyễn Bá Kiên

Ba kéo xong một bản thì dừng tay, kéo cái cổ áo lên cho ấm rồi vân vê cây đờn cò bóng nước. Tôi không biết ba tôi có cây đờn này từ bao giờ, chỉ nhớ rằng thuở tôi nằm nôi đã được nghe giọng đờn của ba, giọng đờn ngọt lịm, giọng đờn u buồn, giọng đờn vỗ tôi giấc ngủ thanh yên để rồi tôi lớn lên trong những buồn vui năm tháng.

Tôi đã quen rồi với điệu đờn của ba, giọng ca sền sệt mà nức lòng của má. Tôi hay thắc mắc: “Trời ơi, biết bao nhiêu bài hay má không hát, hát chi mấy bài buồn rười rượi. Nhiều lúc nghe má hát mà con chảy cả nước mắt”. Má tôi cười xuề xuề rồi bảo: “Chắc tại má già, hát riết rồi má quen. Bọn trẻ bây giờ nghe toàn nhạc vỗ xình xịch đinh tai nhức óc, đâu như má…”. Má vén sợi tóc vương trên trán rồi đon đả đi trong nắng chiều. Tôi nhìn theo, bóng má chập chờn trong hoàng hôn có cánh dơi nhỏ nhoi bất giác vụt ngang qua nền trời rực đỏ…

Hình như má tôi thích nhất bài hát có giai điệu thương tràn nước mắt. Má cứ hát hoài, hát mãi, hát đến sụt sùi rồi lẳng lặng kéo ống tay áo lên mà chùi đôi mắt đỏ hoe như má đang ngẩn ngơ nhìn về phương trời xa xôi đầy gió:

… Khi chiều buông em đứng bên dòng sông

Đò sang bến mới mà nhớ anh xót xa trong lòng…

Tôi cứ mãi ám ảnh cái lần ba nhậu say, nghe má hát bài hát cũ bằng cái giọng trầm buồn trong lúc vo gạo, rửa rau, ba sấn tới tát má hai bạt tay rồi xô má ngã dúi xuống cầu ao sâu hoắm. Tôi đứng sau cái lu nước rêu phủ từng mảng bám chằng chịt dưới chân lu, khóc mướt. Ba vần vã má ngụp lặn dưới ao nước. Dì Hà bên nhà nghe tiếng má la thất thanh vội vã phóng ngang con mương đầy bèo tai chuột chạy sang đưa tay kéo má lên bờ. Mình mẩy má ướt sũng, chiếc bông tai ba đeo cho má ngày ba trầu cau sang nhà ngoại hỏi cưới người con gái làng về làm vợ tuột ra chìm xuống đáy ao. Má ngồi thu lu trên bờ nhìn mặt nước mà lưng tròng nước mắt. Dì Hà xuýt xoa hỏi má đau chỗ nào để dì xoa dầu cù là cho đỡ nhức, má nói không đau, chỉ tiếc chiếc bông tai rơi mất vĩnh viễn không bao giờ tìm lại được.

Từ đó, hễ ba say rượu mà thoáng nghe má hát bài hát đó thì ba lại vung tay đánh má, tỉnh rượu ba lại thương, lại trở về làm người ba hiền từ, người chồng thương má như từng chiều ba ngồi múc từng gáo nước bưởi thơm nồng dội lên mái tóc buông dài của má. Bây giờ tóc má bạc nhiều, những lúc rảnh rỗi, ba thường kêu má ra tấm phản dưới gốc mít tố nữ sau nhà ngồi ngó mông lung để ba nhổ đi mấy sợi tóc bạc, nhổ rồi thì ba đếm rồi tặc lưỡi: “Già rồi má nó ạ! Thôi tui không rượu chè gì nữa hết, tui nhậu vào chỉ làm má nó nhọc nhằn thêm…”.

Có lần tôi nghe ba trầm khàn hỏi má: “Sao hồi xưa má nó không đi tìm người ta mà lại chấp nhận lấy tui làm chồng, bộ má nó không còn thương người ta nữa hay sao?”. Má thở dài mắt ngấn nước, má ngồi vừa quết chỗ bánh phồng nếp dẻo để trưa trưa mang ra phơi cho đặng nắng, vừa nói: “Người ta sao hiểu được lòng mình hả ba nó? Mà nay mình lạ quá, tự dưng đi nhắc chuyện xưa làm tui buồn muốn chết!”. Ba cười nhạt rồi khẽ nhắc má bắt con cá lóc rộng dưới ao đập đầu, hái ít rau vườn nấu nồi canh chua ăn cho ấm bụng. Má đon đả ra sau bếp nhóm lửa, ngọn khói trắng len qua mái lá bay lên bầu trời. Mắt má rơm rớm nước, tôi hỏi: “Bộ khói cay xè bay vô mắt má hay gì mà mắt má đỏ hoe như đang khóc vậy má?”. Má đáp lại câu hỏi của tôi bằng cái cười gượng gạo mà nét mặt thoang thoáng nỗi buồn, tôi khẽ liếc sang ba thấy ba cũng buồn buồn y như má. Tôi không hỏi nữa, sợ má khóc, tôi lẳng lặng xách cái rổ nan ra sau vườn quằn mấy nhánh điên điển dại mọc bên bờ ao xuống hái đầy rổ để lát nữa má trụn vào nồi canh chua.

Đò sang bến mới, mà nhớ anh xót xa trong lòng…

Bất giác má tôi lại nghĩ về người đàn ông ấy. Má không nói nhưng tôi biết rõ câu chuyện cuộc đời của má, biết cả những nỗi đau, nhớ, thương, chờ… mà má đã trải qua trong thời xuân trẻ của mình, trước khi má gặp ba và trước khi tôi tồn tại trên đời. Một hôm ba đi vắng, tôi tình cờ nhìn thấy má ngồi trong buồng kéo vạt áo chùi nước mắt. Ban đầu tôi cứ tưởng có con gì chui tọt vào mắt má. Thấy má dụi thêm một đợt nữa, tôi đoán biết má đang khóc. Tôi xô cánh cửa buồng được bện thưa bằng tre không vót, cánh cửa kêu sột soạt, tôi chạy vào hấp tấp hỏi má: “Trời, sao má khóc, ai làm gì mà má khóc, hả má?”. Má không trả lời mà ôm mặt khóc rưng rức như gặm nhấm tủi buồn từ thuở xa xưa cho đến tận bây giờ, đến khi tôi lớn. Má gạt ngang: “Con nít, biết gì mà hỏi”.

Tôi ức lắm. Hình như sự tò mò luôn tồn tại trong mỗi đứa trẻ, một khi điều mà đứa trẻ tò mò chưa được sáng tỏ thì nó cứ canh cánh trong lòng, ăn ngủ cũng không yên. Tôi chạy ùa xuống bực sông khệ nệ đi qua cây cầu khỉ bị gãy đôi một nhịp, ba phải lấy cây tre khô chắp lại rồi buộc chặt hai đầu cho chắc chắn. Nhà bà ngoại bên kia sông, mái tôn vách lá, trước nhà có cây mít tố nữ trái chín lủng lẳng, hương thơm thoang thoảng khắp xóm. Tôi sang ngay lúc bà ngoại đang lom khom tưới giồng cải ngồng sau nhà, tôi gọi “Ngoại ơi!”. Ngoại lên tiếng, tôi chạy vòng đường hè ra sau nhà ôm ngang bụng ngoại, tôi nói: “Má con kỳ quá, ngoại”. “Sao nói má bây vậy?”, ngoại tôi hỏi. Tôi chau mày: “Con thấy má khóc, con hỏi thì má không nói, ngoại coi có kỳ không?”.

Đêm ấy, ngoại thay má kể chuyện cuộc đời cho tôi nghe. Ngoại khóc mà tôi cũng thấy mắt mình cay xè, không biết tại buồn hay tại ngọn khói bếp un giữa nhà quyện lên từng đợt trắng đục. Hồi còn con gái má tôi có quen một người. Ông ấy vẫn thường chạy ghe chở trái cây từ miệt Vĩnh Long, Hậu Giang về xóm buôn lại cho vựa nhỏ, bán rong xóm, đỗ ghe lại nghỉ ngơi ít hôm rồi nổ máy rời bến. Chỗ ông đậu ghe cũng là chỗ má tôi hay xách mẹt ra hồi vớt bèo tai chuột theo dòng trôi về. Duyên nợ thế nào mà má tôi gặp ông ấy, ông biếu má chùm nhãn, chục cam, chục quýt làm quen. Má tôi phải lòng ông từ độ ấy. Ngoại biết chuyện, ngoại la: “Mấy người thương hồ chênh vênh lắm con, lòng họ như sông, lúc vơi, lúc đầy, vô định… Không khéo mà mang khổ trọn kiếp người đó”.

Má biết vậy nhưng má vẫn lao vào. Rồi thì má yêu ông ấy, yêu đến đắm say. Những cuộc tình cứ lặng lẽ níu nhau rồi buông bỏ nhau như bến giã từ đò, như ông ấy âm thầm bỏ má đi khi tình yêu đương rộ, không nói không rằng, một lý do, một lời xin lỗi cũng không. Buổi chiều má ra bến tìm ông, nụ cười nhờn nhợt như mầu nắng phai tàn. Ông nhổ sào ra đi, má chưng hửng. Má trố mắt nhìn theo mà con tim như xát muối, câm lặng như chiều. Má gồng mình gọi ông thêm một lần sau nữa: “Anh…”. Ông không nhìn lại, chiếc máy nổ ì ạch phả khói loang loáng mặt sông, chân vịt xoáy nước đẩy chiếc ghe đi về một nơi nào đó trong mơ, xa xôi, lạ hoắc.

… Má ôm mối sầu từ đó…

Má cứ hát mãi câu hát năm xưa má vẫn hay ngồi hát ngoài bến sông, buồn thì má khóc, chuyện đời má chẳng tâm sự cùng ai…

Đò sang bến mới, mà nhớ anh thiết tha trong lòng.

Mỗi lần ba nghe má hát, thấy má buồn, ba giận, ba đánh má. Những cái tát không đau, ba nỗ lực xua đuổi bóng hình năm cũ vẫn còn lởn vởn trong đầu của má. Ba không ích kỷ vì thanh xuân má yêu người đàn ông khác, trước ba. Tỉnh rượu, ba trách: “Má nó thiệt lạ. Người ta làm má nó đau mà nhớ chi để buồn để khổ, gần trọn cuộc đời rồi còn gì?!”. Má im re, lẳng lặng ra sau bếp nấu cơm, thổi khói. Ngoài đồng trong se, khói lam chiều ngơ ngẩn bay lên nền trời biêng biếc. Tôi ngồi hứng vạt nắng đồng, tâm hồn thơ thẩn không biết thả trôi theo sông hay theo gió, theo mây hay theo một chuyện đã cũ năm nào… không có tôi tồn tại…

Non trưa, tôi bưng cái rổ đầy điên điển, rau muống, bông súng non vào bếp đưa má. Nồi canh chua sôi sùng sục, lửa bén, má lom khom nếm thử cho vừa ăn rồi trụn rau vào. Tôi lén nhìn sang ba, ba lại lén nhìn sang má…

Tôi không biết má tôi có còn nhớ người đàn ông năm cũ hay không. Chắc giờ má đã bình an. Thì má đã có một gia đình, ba con người dưới mái nhà chân rơm gốc rạ. Dẫu ba má còn lắm nhọc nhằn, lặng lẽ nhỏ giọt mồ hôi trên cánh đồng với hy vọng đời tôi no ấm mà niềm vui vẫn len lỏi trong cuộc sống hằng ngày, trong mâm cơm bình dị mà no lòng, trong tiếng cười của ba, trong giọng hò của má…

Như một quy luật, cuộc đời luôn chọn cách thay thế hoặc lấy đầy nỗi đau bằng một người khác, một hạnh phúc khác. Con đò này ra đi, con đò khác trở về với bến… để được bình yên. Và tôi thấy má cười…

Theo Báo Thời Nay

Lê Thị Hồng Nhung đăng bài

Exit mobile version