Nhiều người phàn nàn, văn học Việt Nam vẫn còn thiếu những tác phẩm xứng tầm viết về cuộc chiến tranh bảo vệ tổ quốc. Trong bối cảnh ấy, tiểu thuyết Sào huyệt cuối cùng của Bùi Thanh Minh (NXB Quân đội Nhân dân, 2012) xuất hiện đã bù đắp một phần còn bị coi là thiếu hụt của văn học nước nhà.


Gây bất ngờ cho độc giả, Bùi Thanh Minh không khai thác về hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và chống đế quốc Mỹ của dân tộc mà nhà văn hướng ngòi bút của mình vào cuộc chiến của Quân đội Nhân dân Việt Nam giúp nhân dân Campuchia tiêu diệt bọn diệt chủng Pônpốt khát máu.

Bùi Thanh Minh lấy bối cảnh hiện tại để dẫn dắt câu chuyện về quá khứ, thoạt đọc có thể độc giả sẽ cảm thấy hơi khó hiểu nhưng chỉ sang chương hai, mạch nguồn đã được khơi thông và bắt đầu bị cuốn hút bởi trận chiến với cảm xúc hồi hộp, lo lắng đến nghẹt thở…

Cuộc chiến truy quét tàn quân của bọn diệt chủng Pônpốt diễn ra nơi rừng thiêng nước độc của Campuchia, một chiến trường khắc nghiệt và xa lạ gây nhiều bất lợi cho đội quân Việt Nam. Đây là cuộc đấu súng và đấu trí cam go giữa những tướng lĩnh, một bên là Tướng Lê Đức Anh, bên cạnh là Thiếu tá trung đoàn trưởng trung đoàn 7 Trần Bá Luân, những người đại diện cho chính nghĩa, cho cái thiện, đang ngày đêm nghĩ cách cứu người dân Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng, còn bên kia là Thủ tướng tạm thất trận Pônpốt và Tà Khốc, trung đoàn trưởng trung đoàn 61 khét tiếng tàn bạo, đại diện cho sự ác độc, thâm hiểm với tham vọng xây dựng chế độ xã hội chủ nghĩa cực đoan bằng con đường đầy máu và nước mắt.

Đây là cuốn tiểu thuyết viết về một chiến dịch có thật diễn ra đầu năm 1979 tại chiến trường Campuchia với hai tuyến nhân vật chính về phía ta và phía địch. Câu chuyện được cuốn hút bởi cuộc đấu trí và đấu súng vô cùng ngoạn mục giữa những người chỉ huy của quân đội Việt Nam và chỉ huy quân đội Pôn pốt. Thông qua cuộc đọ sức ấy bạn đọc tìm thấy tài đức và lòng hy sinh quả cảm, hết lòng vì nhiệm vụ quốc tế của những người lính tình nguyện Việt Nam. Đồng thời cũng lý giải được phần nào nguyên nhân, sự tàn bạo, nham hiểm của chế độ diệt chủng Pôn pốt -Yêng sa ry; cũng qua đó một đất nước Chùa tháp với một nền văn hóa lâu đời, độc đáo được hiện lên khá hấp dẫn.

Phải chăng Bùi Thanh Minh đã biến lối viết về chiến tranh thường có thành cách viết tiểu thuyết trinh thám nên hấp dẫn người đọc? Đó là một lý do, nhưng có lẽ còn một lý do nữa đó là cuốn tiểu thuyết đã phanh phui khá đậm nét một chế độ diệt chủng có một không hai trên thế giới mà bấy lâu nay không hiểu vì lý do gì chưa mấy ai đề cập đến, mặc dù các thế hệ rất muốn tìm hiểu về một chế độ quái thai, mà nhân dân Việt Nam cũng như nhân dân Campuchia đã hy sinh biết bao xương máu. Còn điều thứ ba đó là không khí cuốn tiểu thuyết – tràn ngập một không khí đất nước chùa tháp. Ta biết, những yếu tố để tạo nên không khí một cuốn tiểu thuyết, đó là: Thiên nhiên, phong tục, ngôn ngữ và lịch sử vùng đất. Bùi Thanh Minh đã chọn lọc những nét điển hình độc đáo những yếu tố trên của đất nước, con người Khơme để thổi vào vào câu chuyện. Do đó, những người đã từng chiến đấu trên đất nước Campuchia khi đọc nó, không khỏi bồi hồi xúc động như trở lại đất nước Ăng co huy hoàng và được nghe lại tiếng trống của điệu múa lăm thôn những chiều hành quân ở một phum sóc; Những ngày lễ Cholsơnăm-thmây tưng bừng náo nhiệt v.v…

Tiểu thuyết viết có độ lùi. Mặt khác nhà văn chính là người trong cuộc, nên cái nhìn của Bùi Thanh Minh về cuộc chiến nhân văn và táo bạo hơn. Nhà văn đã đi vào khai thác tài năng cá nhân của Tướng Lê Đức Anh và đặc biệt là của Thiếu tá Trần Bá Luân- nhân vật chính trong cuốn tiểu thuyết. Có thể nói đây cũng xem như là sự phá cách của Bùi Thanh Minh khi viết về chiến tranh, bởi những tác phẩm của Việt Nam viết về chiến tranh ít khi đi sâu vào ca ngợi tài đức cá nhân, mà cái gì cũng được coi là chiến công “của tập thể”.

Trong tiểu thuyết, Lê Đức Anh, với cương vị Tư lệnh chiến trường là một vị tướng đức tài, dạn dày kinh nghiệm trong chiến đấu. Ông đã phán đoán khả năng lực lượng của Pôn Pốt sẽ co cụm ở khu dãy núi Đậu Khấu và dãy núi Con Voi, giáp biên giới Thái Lan. Để rồi, ông đưa ra nhận định, nếu không tiêu diệt tận gốc sào huyệt của bọn Pônpốt thì cách mạng Campuchia chưa thể thành công trọn vẹn được. Từ đó, ông đã chỉ đạo Quân khu 9 mở tiếp chiến dịch cuối cùng đánh vào sào huyệt Pôn Pốt và không thể để một sơ suất nào trong bước quyết định này; một Thiếu tá Trần Bá Luân có tài chỉ huy và thiết kế những trận đánh bất ngờ không có trong sách vở khiến địch khó lòng đối phó… Bên cạnh đó, mỗi cái bẫy tưởng như không có lối thoát cho đối phương mà Tà Khốc giăng ra luôn là một bài toán khó, nhưng dù khó đến đâu Trần Bá Luân cũng hóa giải được.

Bên cạnh ca ngợi những thiên tài, nhân cách Lê Đức Anh, Trần Bá Luân thì nhà văn cũng chĩa ngòi bút sắc nhọn của mình lên án sự tàn bạo, man rợ của chế độ diệt chủng Pônpốt. Bằng giọng văn tưng tửng, hóm hỉnh đầy tính khách quan, nhà văn đã tả lại những cảnh tượng đau lòng do chế độ của Pônpốt gây ra. Chúng tàn sát đẫm máu dân lành, cướp, giết, hiếp người dân một cách man rợ như thời trung cổ. Bùi Thanh Minh tả lại những cảnh mà người đọc dù cách xa cái thời ấy hàng mấy chục năm vẫn cảm thấy hãi hùng, ghê rợn. Đó là cảnh lính Pôn pốt dùng cán cuốc đập đầu những người chúng cho là “có tội” rồi hất xuống hố chôn tập thể, cảnh chúng tung một đứa trẻ hai tuổi lên không trung rồi hứng mũi lê phía dưới, hay khi đối phương đã chết rồi nhưng chúng vẫn bắn cho khuôn mặt họ nát bét không còn hình hài mới thôi, hoặc hiếp tập thể 12 cô giáo ở xã Tân Lập – Tây Ninh rồi lột trần truồng, cắt vú họ xếp hàng đặt nằm trước sân trường… Nhân vật điển hình cho sự man rợ của bọn diệt chủng Pônpốt là Tà Khốc. Tà Khốc hiện lên là kẻ nhục dục, tàn ác và đầy mưu mô xảo quyệt; một kẻ vô ơn đã từng được cách mạng Việt Nam cưu mang. Hắn không chỉ cùng lúc cần nhiều đàn bà vây quanh để thỏa mãn dục vọng mà cách thỏa mãn của hắn cũng thật quái đản. Trong cuộc chiến đấu sinh tử với bộ đội Việt Nam, Tà Khốc đã giở tất cả các chiêu bài hiểm ác như đổ thuốc độc xuống sông, nhử cho quân Việt Nam đánh sang biên giới Thái Lan để chúng có cơ hội tố cáo trước thế giới…

Viết về chiến tranh tàn khốc nhưng tiểu thuyết không chỉ đơn thuần là hô khẩu hiệu, khô khan, mà ngược lại, hơn 400 trang tiểu thuyết đã được Bùi Thanh Minh viết nên mang nặng chữ “tình” và đầy tính nhân bản. Những điều các cây bút thường né tránh khi viết về chiến tranh là khai thác nỗi buồn, nỗi cô đơn, đau khổ của người cầm súng bởi họ chỉ dám viết những suy nghĩ tích cực đôi khi trở thành khẩu hiệu, công thức, hoặc khai thác triệt để mặt trái cuộc chiến (nhưng rốt cuộc chỉ là một nửa) của người lính nơi chiến tuyến. Bùi Thanh Minh thì khác, do chính anh là người trong cuộc, lại có độ lùi về thời gian nên anh không ngần ngại nói về những nỗi niềm, góc khuất cũng như chất anh hùng ca của người ra trận một cách thành thật và công bằng. Những thèm khát đời thường của những người lính ngoài mặt trận, hay sự khát khao được làm đàn bà, được dâng hiến cho người mình yêu của nhân vật Si Thon, những suy nghĩ của người lính về tiêu cực hậu phương phía sau mình… Đan xen vào những trang viết khốc liệt của trận chiến là những trang văn đầy lãng mạn và sâu lặng tình người.

Làm nền cho người lính ngoài mặt trận, tiểu thuyết còn mô tả những người mẹ, người chị, người yêu ở hậu phương xa xôi. Một hậu phương trong chiến tranh biên giới tây nam khác hoàn toàn với hậu phương trong chống Mỹ cứu nước. Đó là một hậu phương đã bắt đầu xuất hiện tiêu cực lạc hậu và cơ hội. Một hậu phương có một bộ phận có người thân đang cầm súng hy sinh ngoài mặt trận thì đau đáu lo nghĩ, nhớ thương và bên cạnh họ là những người ngày đêm chỉ lo làm giàu và chụp giật. Chính vì vậy mà phẩm chất người lính cụ Hồ cầm súng làm nhiệm vụ quốc tế được phản chiếu qua lăng kính đối lập nên càng cao đẹp.

Táo bạo, lôi cuốn và hấp dẫn là những gì cây bút Bùi Thanh Minh đã làm được trong Sào huyệt cuối cùng khiến cho độc giả không thể dứt ra khỏi bất cứ trang nào trong hơn 400 trang tiểu thuyết mang đầy chất nhân văn này.

LAM NGỌC

Nguồn tin: TCNV 07-2012