Chuyên mục TRUYỆN HAY trong tuần đầu năm mới 2023, Cầm Kỳ Official xin được giới thiệu tiếp truyện ngắn Sao đổi ngôi của nhà văn Đỗ Xuân Thu

Nhà văn Đỗ Xuân Thu sinh năm 1957, quê quán xã Phương Đình, huyện Đan Phượng, thành phố Hà Nội; trú quán tại xã Chí Đám, huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ.

Anh nguyên là Phó Chủ tịch Thường trực Hội Liên hiệp VHNT Phú Thọ, nguyên Tổng biên tập tạp chí Văn nghệ Đất Tổ.

Hội viên Hội Nhà văn VN, hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Phú Thọ.

Với hơn 20 năm hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, văn học nghệ thuật, đến nay anh đã có 32 đầu sách gồm 8 tiểu thuyết, 9 tập truyện ngắn, 12 tập thơ và 3 tập các thể loại khác, trong đó đã tái bản 9 cuốn (7 tiểu thuyết, 2 tập truyện ngắn, tản văn). Cùng với đó là nhiều truyện ngắn được in trong các tập tuyển chọn qua các cuộc thi sáng tác ở trung ương, trong Tuyển truyện ngắn hay qua các năm của các nhà xuất bản.

Bằng sự nỗ lực cố gắng của mình, đến nay Đỗ Xuân Thu đã giành được 36 giải thưởng sáng tác văn học các loại.

Giải B tập thơ “KHÚC ĐỒNG DAO” (2009); Giải C tập truyện ngắn “INTERNET VỀ LÀNG” (2015) của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam.

Giải C tiểu thuyết “ĐỈNH PHÙ VÂN” Cuộc thi Vì An ninh Tổ quốc và Bình yên cuộc sống 2017-2020 – Bộ Công an và Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp tổ chức.

Giải Khuyến khích truyện ngắn các cuộc thi 2004, 2009 của Bộ Giáo dục Đào tạo và Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp tổ chức.

Giải Khuyến khích cuộc thi viết bút ký năm 2005 của Đài Tiếng nói Việt Nam.

4 giải của UBND tỉnh Phú Thọ: Giải Hùng Vương (2010), 2 giải A “5 năm” (2005-2020), (2010-2015), 1 giải B “5 năm” (2015-2020) v.v…

Mời quý vị lắng nghe truyện ngắn “Sao đổi ngôi” của nhà văn Đỗ Xuân Thu vừa mới sáng tác. Qua sự thể hiện của nhà văn Võ Thị Xuân Hà.

SAO ĐỔI NGÔI

          1. Tôi vừa cắt đôi bao xi măng, chuẩn bị đổ từng nửa bao một vào máy trộn thì chiếc điện thoại trong túi quần rung lên. Quăng dao, hai tay tôi phủi vội vào vạt áo. Bụi cát, bụi xi măng bay mù mịt. Chiếc máy trộn ì ạch quay đều đều như nhẫn nại chờ đợi. Cát sỏi trong thùng va vào nhau, va vào thành sắt kêu lạo xạo. Chúng bị hất tung lên cuốn vào nhau, trộn đều. Tất cả đang chờ xi, chờ nước để làm nên mẻ bê tông đầu ngày. Cánh phu hồ, phụ vữa ai nấy đều tất bật. Thợ chính đã lên dàn giáo. Cột đang chờ bê tông.

          Ai gọi vào giờ này nhỉ? Không biết người ta đang vội ư? Cởi khẩu trang, thò tay vào túi quần tôi lấy chiếc điện thoại ra, ngó vào màn hình. Mẹ gọi. Có việc gì gấp mà mẹ gọi sớm thế nhỉ? Ấn phím nghe, áp chiếc điện thoại vào tai, tôi nói: “A lô! Mẹ à?”. Tiếng mẹ tôi hớt hải vọng lên: “Ừ. Mẹ đây. Con về ngay nhé. Làng mình có chuyện rồi”. Tôi giật mình hốt hoảng: “Sao? Mẹ bảo sao? Làng mình có chuyện? Chuyện gì hả mẹ? Sao lại liên quan đến con?”. Ý tôi nói là một thằng thanh niên thất nghiệp như tôi thì có là gì với làng đâu? Chuyện làng là chuyện của người lớn. Còn tôi, mới hơn hai chục tuổi đầu, cầm tấm bằng đại học, gõ cửa khắp nơi không đâu người ta nhận, nhiều người làng còn chẳng biết tôi là ai nữa thì liên quan gì đến làng? Ngay cả bố mẹ người yêu còn cấm cửa tôi nữa thì… Đã cất tấm bằng đại học, bỏ làng lên phố làm phu hồ thì làng quê với tôi còn tha thiết gì nữa? Hay họ hàng nhà mình có ai bị sao?

“Làng mình bị… bị đắm đò – Mẹ tôi nói đứt quãng – Ông Hảo… ông ấy… bơi ra cứu… nhưng chỉ cứu… cứu được mấy người thôi”. “Rồi sao?- Tôi sốt ruột cắt ngang – Có ai bị chết đuối không?”. “Không biết – Mẹ run run nói tiếp – Có khi… hình như chính ông ấy lại bị… bị rồi con ạ”. “Bị là bị thế nào?”, tôi hấp tấp hỏi lại. “Ông ấy bị… bị nước cuốn trôi đi mất rồi. Mọi người vẫn đang tìm kiếm mà… mà chưa thấy”. “Giời ạ! Thế có ai điện cho Lan chưa?”. Tự nhiên, tôi buột mồm nhắc tới Lan. “Mẹ cũng không biết. Con điện cho nó đi!”. Nói đoạn, mẹ tôi tắt máy. Tiếng tút tút kéo dài xoáy vào tai tôi. Tôi vội bấm số gọi lại. Giọng nói vô hồn vọng lên: “Số máy này tạm thời không liên lạc được. Xin quý khách vui lòng gọi lại sau”. Thế có bực không cơ chứ? Đang lúc nước sôi lửa bỏng, cháy nhà chết người thì lại “không liên lạc được”! Điện với chả thoại! Có khác gì cục gạch?

Lúc nãy, tôi buột mồm nhắc tới Lan vì Lan là người yêu của tôi. Lan là con ông Hảo. Tôi hơn em bảy tuổi nhưng thân thiết với em từ khi em còn bé. Ngày đó, tôi thường bế cõng dỗ dành Lan. Nhà tôi ở trong làng, nhà em ở ngoài bãi, ngay bên mom sông. Thuở chăn trâu cắt cỏ, lũ trẻ cứ gán ghép tôi với Lan. Lan rất xinh nhưng phải cái hay nhõng nhẽo. Em thường bị bọn lớn tuổi hơn bắt nạt. Thương em, tôi thường đứng ra chở che, bảo vệ. Quả thực, nhìn Lan “baby” xinh xắn, dễ thương lắm. Tóc đuôi gà, thắt đáy lưng ong. Đôi mắt Lan luôn mở to, nhìn thẳng. Ánh mắt vời vợi xa xăm. Tôi cảm mến, coi em như em gái. Chúng tôi ríu rít bên nhau. Bố mẹ Lan thấy vậy thích lắm. Họ coi tôi như con. Có miếng ngon, của lạ nào dành cho Lan thì họ cũng nhớ để phần dành cho cả tôi nữa.

Theo thời gian, hai đứa chúng tôi lớn dần lên. Rồi cũng biết ngượng ngùng, e thẹn giữa những người khác giới. Khi tôi học đại học năm cuối thì Lan cũng học năm cuối phổ thông. Nàng rực rỡ như đóa hoa rừng nổi bật trong đám nữ sinh trường huyện. Chúng tôi liên lạc với nhau qua điện thoại, zalo, qua facebook rồi yêu nhau tự lúc nào không biết. Tình yêu của cái tuổi mới lớn mơ mộng và lạ lắm.

Trượt đại học, Lan tạm thời ở nhà. Tôi càng có dịp gặp em mỗi lúc tôi về quê. Mặc dù đã biết ý tứ, e thẹn, song nhiều lúc Lan hồn nhiên bột phát vẫn vồ vập tôi như thời thơ bé. Em líu ríu khoe hết chuyện này đến chuyện khác. Càng vô tư, em càng xinh một cách dễ sợ. Cao ráo, trắng trẻo, những đường cong khêu gợi trên cơ thể Lan hút hồn bao người khác giới không kể tuổi tác. Khuôn ngực Lan vồng lên như muốn bứt tung hàng cúc áo. Đàn ông háo sắc cứ dán mắt vào thóp ngực trắng ngần, phập phồng thở giữa hai bờ núi đôi của Lan, để rồi sau đó cứ nghệt mặt ra, đờ đẫn mặc cho ánh mắt của mình hun hút vào trong đó. “Không biết con cái nhà ai mà đẹp đến vậy?”. “Con nhà Hảo Huệ chứ con ai nữa?”. “Tưởng cha già con cọc thế mà được con bé cứ như búp bê”. “Xinh quá”. “Nó mà thi người đẹp chắc chắn không hoa hậu thì cũng phải á hậu”… Chẳng biết Lan có nghe thấy những điều đó không mà em cứ vô tư, nhí nhảnh lắm. Em long lanh liếc nhìn tôi khiến tôi cứ ngây ra đờ đẫn. Càng xinh đẹp, hồn nhiên bao nhiêu thì Lan càng làm cho tôi sợ mất nàng bấy nhiêu.  

Xong đại học, tôi tức tốc đặt vấn đề chính thức, xin phép bố mẹ Lan cho tôi được tìm hiểu em. Nào ngờ, bố mẹ Lan phản đối kịch liệt. Rồi họ tách chúng tôi ra. Lan được bố mẹ cho đến ở nhà một người họ hàng tít mãi tận trong Nam thì phải? Họ bắn tin bảo “để Lan vào đó vừa làm vừa ôn thi. Trong đó thi cử dễ dàng hơn”. Tôi đến nhà Lan thì cả bố và mẹ Lan đều lạnh lùng không tiếp. “Xin anh để cho em nó yên. Đừng tìm nó nữa. Vô ích thôi. Lan đã có nơi có chốn khác rồi”. Ông Hảo nói với tôi như vậy. Mẹ của Lan, bà Huệ cũng cố tình tránh gặp tôi. Cả Lan nữa? Nàng cũng cắt đứt mọi liên lạc với tôi. Hay họ coi tôi là nhà không bố? Chả là bố mẹ tôi ly dị từ khi tôi vào học cấp ba cơ. Thế nên, không môn đăng hộ đối với nhà họ chăng? Đăng đối gì? Nhà tôi một mẹ một con. Nhà họ cũng chỉ có Lan là duy nhất. Hai nhà cùng xóm cùng làng, thông gia với nhau tốt quá rồi còn gì?  “Có con mà gả chồng gần/ Có bát canh cần nó cũng đem cho”. Các cụ chả dạy thế rồi ư? Hay họ coi thường tôi không nghề nghiệp? Thì tôi cũng đang xin việc đây. Chí ít tôi cũng đã tốt nghiệp đại học. Kỹ sư nông nghiệp có phải thường đâu? Làng này mấy người được như thế?

Lan trở thành bóng chim tăm cá. Xóa số điện thoại, đóng cửa facebook. Tin nhắn cuối cùng trên zalo chỉ vẻn vẹn đôi dòng: “Đừng tìm em anh nhé. Chúng mình có duyên mà không có phận. Chúc anh hạnh phúc. Mãi mãi kính thương anh”. Tôi hụt hẫng, bơ vơ, thấu hiểu thế nào là thất tình, là bội bạc. Thế mà còn nói “mãi mãi kính thương anh”? “Kính thương” mà thế à? Chung quy lại chắc chỉ có ông Hảo? Vì vậy, lúc mẹ tôi nói ông Hảo bị nước cuốn trôi, trong đầu tôi vụt hiện lên một ý nghĩ quái ác. Cho chết. Ai bảo ông chia uyên, rẽ thúy chúng tôi? Và người tôi nghĩ tới đầu tiên chính là Lan là vì thế. Dứt khoát, vụ này Lan phải về. Và tôi cũng sẽ về. Về để gặp em hỏi cho rõ ngọn ngành. Thời này là thời nào rồi mà chuyện yêu đương, cưới hỏi lại để “bố mẹ đặt đâu con ngồi đấy” như thế? Biết đâu, ông Hảo đi rồi sẽ là điều may cho tôi? Còn bà Huệ, đàn bà con gái chắc sẽ dễ thuyết phục thôi.

Phải điện cho Lan ngay. Mẹ tôi nói đúng. Tôi lần danh bạ tìm em. Đây rồi! “My darling”. Ơ! Nhưng mà… Điện thế nào được nữa? Em đã thay số điện thoại cắt đứt mọi liên hệ với tôi từ lâu rồi cơ mà? Làm sao bây giờ? Thôi! Về rồi sẽ gặp! Nghĩ vậy, tôi tức tốc báo cáo xin phép cai Ngọc cho tôi nghỉ mấy ngày. Hắn tròn mắt ngạc nhiên. Sau khi nghe tôi trình bày về vụ đắm đò, Ngọc đồng ý. Tôi nghĩ, nếu hắn không cho mình nghỉ thì mình cũng cứ tếch. Việc quan trọng cấp bách thế cơ mà. Cháy nhà chết người chứ có phải bỡn đâu? Về! Bỏ! Bỏ hết mà về! Về để gặp Lan. Về để tiễn đưa ông Hảo nếu chẳng may ông ấy ra đi. Nghĩa tử là nghĩa tận. Dù sao, ông ấy cũng đã có quá nhiều kỷ niệm với mình.

2. Cuộc đời ông Hảo khá lận đận. Sinh 1960, tuổi Canh Tý. Bố tôi bảo tuổi ông ấy là “canh biến vi cô”. Tôi chả hiểu canh cô biến hóa là gì. Chỉ biết rằng chú Hảo đi bộ đội đánh nhau cả chục trận trên biên giới phía Bắc, trong đó có trận chiến lò vôi thế kỷ ở Vị Xuyên năm 1984. Chú thoát chết trong gang tấc. Bọn trẻ trâu chúng tôi rất khoái nghe chú Hảo kể chuyện đánh quân bành trướng. Lúc đó, nhìn chú khí thế lắm. Chú diễn tả lăn lê, bò toài, chú bùm đoàng, tả xung hữu đột… cứ như phim chưởng vậy. Trong mắt chúng tôi, chú là một anh hùng hảo hán. Tôi phục chú lắm.

Miên man biên cương, chú Hảo đánh hết trận nọ đến trận kia, từ đơn vị này qua đơn vị khác. Mãi đến năm 1992, chú mới ra quân. Về quê, ruộng đất lúc này hợp tác xã đã chia hết cho các hộ. Khoán 10 rồi khoán hộ. Nhà chú chỉ còn mẹ già. Cụ ở tuổi tám mươi đang được hưởng trợ cấp xã hội nên không được chia ruộng. Chỉ còn mấy thước “đất phần trăm” là người ta vẫn để cho cụ. Chú về sau không có tấc ruộng nào. Tuy nhiên, là thương binh, chú được xã ưu tiên cho cái chân lái đò ngang ở bến Mom thay cho ông Giá tuổi cao sức yếu. Vậy là tốt lắm rồi. Chỗ ấy, chân ấy ối kẻ đang dòm ngó. Nhiều người đi đêm với chủ tịch xã để mong được chân lái đò. Thế nhưng, thực hiện chính sách xã hội, ủy ban người ta vẫn quyết giao việc ấy cho chú Hảo.

Bề ngoài nhìn chú Hảo nguyên lành, phong độ. Người chú to cao, vâm váp. Thế nhưng, khi cởi trần thì cơ thể chú ấy nhì nhằng vết sẹo. Những chỗ sẹo săn siu trông rất sợ. Sau này, khi quen rồi, tôi mon men lại gần chú, mạnh dạn sờ nắn mân mê những vết sẹo đó. Chú ngồi yên cho tôi nghịch, có vẻ thích thú lắm. Thi thoảng, chú giật nảy người, cười ré lên rồi tóm lấy tay tôi bóp chặt. Chú cù lại tôi. Hai chú cháu ôm nhau cùng cười lên như nắc nẻ.

Hồi còn hợp tác xã, mẹ tôi kể chú Hảo luôn dẫn đầu về công điểm. Gánh phân, cày bừa thì thôi rồi. Chú ấy làm bằng mấy người khác làm. Vì thế, chú toàn được xếp hạng lao động loại A, xã viên tiên tiến. Gái làng mê chú lắm. Tuy nhiên, chú chẳng để ý đến ai. Xinh đến mấy chú cũng kệ. Chú cứ vô tư ào ào. Mẹ chú giục chú lấy vợ từ khi chú còn trong quân ngũ. Đến khi ra quân về làng, cụ càng giục chú mạnh hơn. Mặc, chú chỉ ậm ừ, khất lần khất lữa. Tháng này qua tháng nọ, năm này qua năm khác, chú vẫn một chèo một lái đưa khách qua sông. Thế rồi, mẹ chú chẳng chờ được đã bỏ chú mà đi trong một đêm đông giá rét.

Mẹ chú mất, chú cũng bỏ ngôi nhà trong làng, ra làm một cái lán bên bến sông và ở luôn ngoài đó. “Như thế tiện cho bà con hơn. Sớm khuya, mưa gió, bất kể lúc nào, cứ “đò ơi!” là tôi có mặt phục vụ các thượng đế”. Chú cười nói với mọi người như vậy. Khách qua sông nhìn chú với ánh mắt trìu mến. Ai cũng có ý như cảm ơn ngầm. Người ta “qua sông thì phải lụy đò”, đằng này đò chú Hảo luôn sẵn sàng phục vụ khách. Lũ học sinh cấp ba, cánh các bà đi chợ, số người làng ra bãi giữa làm, hơn ai hết họ rất hiểu điều này. Chú cứ sống thui thủi một mình như thế. “Canh biến vi cô” là vậy chăng?

Thế rồi, cuối cùng, đúng năm 2000, ở cái tuổi bốn mươi chú Hảo cũng có vợ. Vợ chú là cô Huệ bây giờ. Duyên số trời cho. Không ăn hỏi, cưới xin, không rước sách đình đám. Thì hai người có quen biết nhau đâu, họ hàng thân thích chẳng còn ai nữa thì rềnh rang lễ lạt làm gì? Đùng một cái, ông giời mang họ đến cho nhau đấy chứ. Ngày đó, dân Cổ Cò râm ran bàn tán mãi. Sáu tuổi rồi nên tôi cũng đã võ vẽ hóng hớt được.

Đó là vào một đêm đông giá rét, chú Hảo bơi chuyến đò cuối cùng sang sông. Lúc đó đã gần nửa đêm. Trả khách xong, quay về bến cũ. Vừa cập bờ, đang loay hoay buộc chão vào cọc thì đột nhiên chú Hảo nghe thấy “ùm” một tiếng rất to ở chân cầu. Sóng nước lan tới xô chiếc thuyền chòng chành. Sững sờ, chú căng mắt đứng nhìn. Dưới ánh trăng, vùng xoáy hiện ra lấp lóa. Những lớp sóng vỗ vào mạn thuyền ì oạp. Chẳng có lẽ lại có ai đó nhảy cầu? Thôi! Đúng rồi! Chập tối có một người con gái cứ đi đi lại lại mãi ở đầu cầu đó thôi. Vừa lúc nãy, khi con đò ngang qua vẫn thấy bóng cô ta đứng ở giữa cầu. Đúng là cô ấy rồi! Chắc có gì u uẩn đây? Ai lại ra đứng đó một mình trong đêm đông gió rét này cơ chứ? Nếu thế thì chỉ có nhảy sông tự vẫn thôi. Nghĩ vậy, để nguyên quần áo, chú Hảo vội vàng lao ra vùng xoáy.

Y như rằng, ngụp lặn mấy lượt thì chú túm được tóc cô gái. Lựa thế bơi, chú dìu cô ta vào bờ. Việc này với chú Hảo rất đơn giản. Thì chú chả đã từng cứu vớt được bao nhiêu người suýt chết đuối ở ngã ba sông này rồi ư? Lũ trẻ tắm sông, người làng ra bãi giữa làm chẳng may sóng to, gió lớn, hụt chân, lật thuyền, ngấp ngoải đuối nước đều đã được chú cứu vớt. Chẳng những thế, chú còn vớt được mấy cái xác từ trên nguồn trôi về, báo xã rồi chôn cất tử tế cho họ. Thường làm nghề sông nước người ta kiêng việc này. Thế nhưng, với chú Hảo thì lại khác. Chú bảo đấy là làm phúc, là tích đức cho mình. Kiêng kỵ thế sao đúng lương tâm con người được? Thấy đồng loại sắp chết mà không cứu, chết rồi mà không chôn là có tội với họ. Chú Hảo đã nói với mọi người như vậy. 

Người nhảy cầu tự tử được chú Hảo cứu sống đêm đó là cô Huệ. Chú ôm cô lên bờ. Sau đó, chú dốc ngược cô ấy, vác trên vai chạy một mạch về lán. Nước trong bụng cô òng ọc chảy ra ướt đẫm lưng chú. Gió sông hun hút, vù vù thổi. Bình thường chắc lạnh thấu xương. Thế nhưng lúc đó chú Hảo không biết gì nữa cả. Tới lán, chú đặt cô Huệ nằm xuống, tiến hành hô hấp nhân tạo. Việc này trong quân ngũ chú đã được học. Hơn nữa, những năm bơi đò, chú cũng đã thực hành mấy ca rồi. Thế nên, chú thành thạo lắm. Một mình chú thao tác. Một mình chú loay hoay trong đêm. Một lúc sau thì cô gái tỉnh. Cô ta ngơ ngác nhìn chú Hảo. Lúc này, chú Hảo mới cảm thấy rét. Người chú run cầm cập. Vội lấy quần áo của mình, chú đưa cho cô gái bảo thay. Cô gái rón rén, sợ sệt. Chú lảng đi thay đồ.

Xong đâu đó, chú Hảo trở ra bếp nhóm lửa. Cô gái rúm ró ngồi nép vào thành giường. Củi bén lửa cháy, chú lại dìu cô gái đến ngồi cạnh bếp. Người cô run nhong nhóc. Chắc do sợ và rét. Ngoan ngoãn, cô gái tựa vào vai chú bước đi. Họ ngồi đối diện với nhau qua bếp lửa. Ngọn lửa bùng lên soi rõ khuôn mặt hai người. Lúc này cả hai mới nhìn kỹ nhau. Cô gái nhẹ nhàng, dễ thương. Chú Hảo lầm lũi ngồi im như con gấu. Sau đó, họ nói chuyện làm quen. Cô gái sụt sùi ngắt quãng. “Em dại lắm. Cái quý nhất của con người là đời sống. Bố mẹ, trời đất đã sinh ra ta. Không việc gì mà ta phải chết. Dù thế nào đi chăng nữa thì vẫn cứ phải sống. Hãy nhìn về phía trước, hướng tới tương lai mà sống em ạ. Giờ thì ngủ đi, lấy lại sức, mai tính tiếp”. Chú Hảo thủ thỉ nói. Rồi chú nhường giường, sắp chăn màn cho cô Huệ. Chốt cửa, chú lại nằm trên ổ rơm bên bếp lửa, ngay cạnh cửa đi. Đêm mom sông lại bình yên như bao đêm khác như chưa hề có chuyện gì xảy ra.

Sau đêm đó, cô Huệ ở lại hẳn nhà chú Hảo. Đúng như chú Hảo nói, chú không hỏi gì về quá khứ của cô Huệ, vì sao mà cô phải tự tử. Hàng ngày, chú vẫn bơi đò đưa khách qua sông. Cảm thông cuộc sống đơn côi của chú Hảo, thấy chú Hảo đại lượng, vị tha, cô Huệ đã hồi tâm tĩnh trí. Ơn cứu mạng của chú ấy quá sâu nặng. Cô như được sinh ra một lần nữa. Vì thế, cô đã tình nguyện ở lại cơm nước, phụ việc cho chú. Thời gian sau, họ lên ủy ban đăng ký thành vợ thành chồng. Dân làng ai cũng mừng. Đúng là duyên số trời cho. Ít tháng sau, bé Lan ra đời.

Cô Huệ mở quán bán hàng phục vụ khách đợi đò. Túp lều chú Hảo bây giờ vui lắm. Rộn rã tiếng cười người lớn, oe oe tiếng khóc trẻ con. Rất đầm ấm hạnh phúc. Chẳng còn lạnh lẽo như xưa nữa. Đúng là túp lều lý tưởng, một mái nhà tranh hai trái tim vàng. Bọn trẻ trâu chúng tôi thường lấy nhà chú làm nơi tụ tập. Bày đủ trò. Hết chia quân chơi trận giả ngoài bãi lại trốn tìm trong soi ngô. Đói bụng chúng tôi còn lục lọi tìm cái ăn ở bếp nhà chú. Biết ý, cô Huệ thường chuẩn bị sẵn rổ khoai, nải chuối, bánh kẹo cho chúng tôi. Vừa nhồm nhoàm ăn chúng tôi vừa chơi đùa với bé Lan. Tôi luôn giành bế, cưng nựng em. Chiều chiều, trâu tắm người tắm. Cả một đoạn sông nhộn nhịp bì bõm. Chú Hảo vừa bơi đò vừa trông chừng chúng tôi. Lúc vãn khách, chú cũng ùa xuống sông. Vừa tắm, chú vừa dạy chúng tôi các kiểu bơi lặn. Thật không có gì vui bằng.

Nghỉ hè, không phải học tối, tôi thường một mình lỉnh ra bến Mom. Đêm bờ sông thích lắm. Mát vô cùng. Chú Hảo kê cái chõng tre ở sân. Tôi và chú khểnh trên đó ngắm sao trời. “Một ngôi sao sáng, hai ngôi sao sáng, ba ngôi sáng sao”. Trò đếm sao này đêm nào chú cháu tôi cũng chơi, thế mà không chán. Chỉ tay lên trời, chú giới thiệu cho tôi các vì sao. Sao Hôm, Bắc đẩu, Đại hùng tinh, Tiểu hùng tinh. Kia là chòm sao Con Vịt, sao Tua Rua. Kia nữa là sông Ngân Hà… Chú còn giảng giải tại sao lại “tua rua đi rắc mạ mùa”, “tua rua quặp lại thì thôi cấy mùa”? Rồi “chớp đông nhay nháy, gà gáy thì mưa”? Rồi thì “mùa hơn đêm, chiêm hơn xướng”? Lại cả hình dáng ông sao Thần Nông thay đổi thế nào theo thời vụ. Cả hiện tượng sao đổi ngôi nữa… Tôi thấy cũng lạ. Chỉ là người lái đò thôi mà mối liên hệ giữa sao trời với công việc nhà nông chú Hảo lại am tường đến thế. Cứ như một lão nông đích thực vậy. 

Hai chú cháu đang mải trò chuyện ngắm sao trời thì có khách gọi đò. Lập tức chú xuống bến. Tôi chạy theo xin được đi cùng chú. Chú Hảo đồng ý liền. Khách khuya thường vắng, tha hồ chỗ trên thuyền cho tôi ngồi. Thế là tôi được thưởng thức cảnh bồng bềnh sông nước. Lượt về, trên đò chỉ còn hai chú cháu. Chú để máy số nhỏ cho thuyền chạy chầm chậm. Tôi mê mải ngắm trời, ngắm sông. Gió hạ mơn man. Sóng nước vỗ mạn thuyền ì oạp. Trên trời sao, dưới sông sao. Những ngôi sao xoay tròn trên đầu, dưới chân tôi. Cả Thần Nông, Con Vịt, cả Tua Rua, Vệ Nữ… rồi cả Trăng đầu tháng nữa, cũng như nhảy múa quay quanh tôi. Tôi có cảm tưởng như đang lạc trôi vào một thế giới khác, một thiên cung dát vàng dát bạc, chẳng còn nhận ra đâu là sông Ngân Hà, đâu là dòng Lô Giang thân yêu của tôi nữa. 

Vì bố mẹ tôi đã ly dị nên tôi ngầm coi chú Hảo như cha. Tuổi thơ tôi, ngoài mẹ ra, tôi gắn chặt với dòng sông và chú Hảo. Chính chú đem lại cho tôi niềm cảm hứng hồn nhiên, ngây thơ về thế giới. Cứ rảnh rỗi là tôi lại ra bến Mom. Ra để ngắm sông, để phụ giúp chú Hảo. Tôi giúp chú hoàn toàn tự nguyện, cốt để được bên chú nghe chú kể chuyện, ngắm chú lái đò. Khi bé Lan lớn lên, hai đứa tôi quấn quýt với nhau. Tôi bảo Lan học bài, bày các trò chơi để hai anh em chơi với nhau. Nhiều hôm, tối mịt, mẹ tôi ra gọi tôi mới chịu về. Khi Lan cấp ba, tôi đại học. Tình cảm hai đứa tôi lớn dần lên rồi yêu nhau lúc nào cũng không hay.

3. Mãi cuối buổi chiều tôi mới về tới nhà. Cửa nhà tôi đóng im ỉm. Chắc mẹ tôi ra bến sông? Nghĩ vậy, tôi quay đầu xe phóng ra đó. Từ xa, tôi đã thấy lố nhố người ở nhà ông Hảo. Tiếng gọi nhau í ới. Tiếng khóc râm ran rền rĩ. Thế là chuyện chẳng lành rồi. Dựng vội chiếc xe máy ngoài ngõ, tôi rẽ đám đông chạy vào rồi đứng khựng lại, mắt trố ra nhìn chiếc quan tài sơn đỏ đang nằm chình ình ở giữa nhà. Đầu quan tài, bà Huệ tóc tai rũ rượi vật vã khóc. Lướt mắt tìm Lan vẫn không thấy em đâu. Chắc em chưa về kịp. Tận Sài Gòn cơ mà? Rõ khổ! Nhanh nhanh lên Lan ơi! Bố Hảo mất rồi!

Chạy lại ôm bà Huệ, ôm chiếc quan tài, tôi cũng khóc rống lên. Sao lại thế này hả cô? Sao chú lại vội bỏ cô và em Lan, bỏ cháu mà đi thế? Mẹ tôi đến bên vực tôi dậy. Nước mắt mẹ ướt đầm. Tôi không biết trời đất xung quanh là gì nữa. Hai tay tôi bấu víu thành quan tài nức nở gọi chú Hảo. Đám đông xung quanh lặng lẽ cảm thông nhìn. Một số người quay mặt đi gạt nước mắt. Tiếng kèn the thé rống lên xé ruột xé gan. Mãi đến nửa đêm thì Lan về. Lan ôm mẹ, ôm tôi, ôm quan tài bố khóc ngất. Đau đớn tột cùng.

Thì ra là sáng nay, người làng Cổ Cò ra bãi giữa để thu hoạch ngô. Lúc về, ai cũng cố chất những tải ngô nặng lên thuyền. Có người còn xếp cả những bó cây ngô nữa. Ai cũng muốn tranh thủ chuyến đò chở cho hết. Đò nhà Hoạch do cu Nhỡ cầm lái. Do không có kinh nghiệm, lại hăng máu sĩ diện, nó kéo hết ga để con thuyền rẽ nước lao đi. Bất ngờ gặp con thuyền khác, nó bẻ gập lái. Thuyền chòng chành. Mấy mẹ con nhà nó hốt hoảng, nhốn nháo. Nước tràn vào, thuyền lật úp. Tiếng kêu cứu náo loạn cả đoạn sông.

Đang chuẩn bị cho đò rời bến, nghe tiếng kêu, ông Hảo vội lao ra. Nhằm vào mấy cái đầu đang chấp chới, ông bơi tới. Túm lấy tóc, lựa thế, ông dìu từng người vào bờ. Trên bờ, mọi người thay nhau hô hấp nhân tạo. Mẹ con nhà Hoạch đã uống khá nhiều nước. Họ tỉnh dần. Khi ổn ổn, mọi người ngoảnh đi ngoảnh lại không thấy ông Hảo đâu. Cánh thuyền chài lúc đó mới ớ ra. Họ chia nhau đi tìm. Gần trưa thì vớt được ông ấy trong tư thế co quắp nằm ở đáy sông cách đó gần cây số. Ông đã bị chết đuối do chuột rút. Rõ khổ. Giỏi bơi lội như ông mà cũng bị đuối nước. Thì bơi ra bơi vào liên tục như thế, cứu được mấy người như thế, tuổi lại cao rồi, ông ấy còn hơi sức đâu nữa mà chả bị chuột rút?

Khi khâm liệm cho ông Hảo, mọi người bàng hoàng không tin nổi ở mắt mình. Của quý của ông, hai viên ngọc không còn. Chỉ còn lại đúng một mẩu ngắn tũn, cỡ một đốt ngón tay làm nhiệm vụ tiểu tiện. Xung quanh nó sẹo nhăn nhúm, chằng chịt. Mọi người xi xao bàn tán. Nhiều người, có cả đàn bà nữa, cố chen vào ngó xem. Ai cũng tròn mắt lắc đầu. Thì ra ông ấy bị thương mất đúng chỗ hiểm. Thảo nào, ngày trước giục mãi mà ông ấy không chịu lấy vợ. Vậy thì cái Lan? Có phải con ông ấy không? Chim cò thế sao mà có con được? Thôi đúng rồi! Tò vò lại nuôi con nhện mất rồi! Dạo ấy, dân làng chả xì xào mãi là bà Huệ đẻ non, con thiếu tháng là gì. Cứ bảo “mạ già ruộng ngấu”, giờ thì rõ nha. Thiếu gần tháng mà con bé lại khỏe mạnh, phổng phao, lớn nhanh, xinh đẹp thế ư? Dưng mà, khuyết tật thế bỗng dưng có vợ có con tốt quá rồi còn gì. Con gái cũng tốt. Có còn hơn không. Sau này, chả nó là chỗ dựa thì dựa vào ai. Vậy thì bà Huệ cũng ghê thật đấy. Họ chuyển hướng sang bàn tán, bình phẩm về mẹ Lan. Chẳng biết trời đất là gì nữa, bà Huệ lăn lộn kêu khóc. Bà vật vã chới với. Hai chục năm chung sống hạnh phúc đang ngọt ngào bình yên như thế, ông ấy hy sinh tất cả vì mẹ con bà, bây giờ ông bỏ bà đi bảo sao bà không đau xót? 

Chiều hôm sau, cả làng chài trên sông và làng Cổ Cò trong đồng đã đau buồn tiễn đưa ông Hảo về nơi chín suối. Ông đã thảnh thơi yên nghỉ dưới tầng sâu ba thước đất, trọn vẹn một kiếp người. Đêm đó, tôi cùng mẹ con Lan ngồi thừ ra. Cả ba lặng phắc. Không ai nói với ai câu nào. Tôi cũng chẳng biết động viên an ủi họ sao nữa, nhất là Lan. Trên ban thờ, di ảnh ông Hảo hiện lên nhập nhòa sau làn hương khói. Hai bên ban thờ dựng những tấm chướng đỏ tím đủ màu. Đôi mắt ông Hảo nhìn chúng tôi xa xăm. Mới đó thôi mà nay ông đã thành người thiên cổ. Chẳng thể nào tin được.

Tam nhật ông Hảo xong, tối đó, mẹ con tôi cùng nán lại thu dọn nốt mấy thứ giúp mẹ con Lan. Được ít phút thì bà Huệ mời mẹ tôi và tôi, gọi cả Lan nữa. Bà bảo chúng tôi cùng ngồi quây quần quanh bàn uống nước, ngay cạnh ban thờ ông Hảo. Chúng tôi răm rắp làm theo ý bà. Chắc có điều gì hệ trọng đây? Tôi đoán vậy. Bà Huệ kính cẩn thắp tuần hương mới cho ông Hảo. Không khí lặng phắc linh thiêng lắm. Đôi mắt tôi hết nhìn bà Huệ lại nhìn Lan. Lan lảng tránh nhìn đi chỗ khác.

Sau đó, bà Huệ lại ngồi cạnh Lan, đối diện với mẹ con tôi. Vẻ dè dặt, thận trọng, bà mở lời: “Xin phép chị và cháu Quân, hôm nay cho em được nói lên một sự thật. Sự thật này em đã giấu mọi người gần hai chục năm qua, chỉ có nhà em và gần đây là cháu Lan nữa, mới được biết”. Dừng lại giây lát, bà nhìn mẹ con tôi thăm dò. Sau đó, bà dứt khoát: “Cháu Quân nhà chị và con Lan nhà em, chúng là hai anh em cùng cha khác mẹ, chị ạ!”.

Tôi và mẹ tôi sững sờ. Cả hai tròn xoe mắt nhìn bà Huệ, nhìn Lan. Lan gục đầu vào vai mẹ. Bà Huệ gỡ tay con gái, chạy ra gian giữa quỳ vái ông Hảo trên ban thờ rồi giữ nguyên tư thế như thế quay sang vái mẹ tôi: “Xin chị tha lỗi cho em! Em có tội với chị”. Mẹ tôi vội chạy lại dìu bà Huệ đứng dậy. “Bình tĩnh! Cô hãy bình tĩnh! Có gì từ từ kể tôi nghe”. Bà Huệ nức nở gọi tên ông Hảo. Một lúc sau, bà Huệ mới bình tâm tiếp tục câu chuyện. Tai tôi ù lên, hết ngạc nhiên này lại đến ngạc nhiên khác.

Thì ra, câu chuyện bà nhảy cầu tự tử năm xưa là vì bố tôi. Ngày đó, bà Huệ làm tạp vụ ở ủy ban huyện. Toàn những việc không tên. Quét dọn, nước nôi, phục vụ lãnh đạo, phục vụ khách khứa. Hai lăm tuổi, đang thời con gái nên bà xinh lắm. Khi đó, bố tôi là phó chủ tịch huyện. Ông đã để mắt đến bà, tìm mọi cách tán tỉnh, đụng chạm bà. Bà Huệ biết vậy tìm cách lảng tránh. Thế rồi, việc gì đến đã đến. Đêm đầu đông năm đó, cơ quan huyện vắng tanh. Văn phòng chỉ còn lại bố tôi. Khu tập thể duy nhất có bà Huệ. Khuya, bố tôi xuống gõ cửa phòng bà. Nghĩ là có việc quan trọng lãnh đạo gọi, bà vội vàng mở cửa. Nào ngờ bố tôi lao vào ngấu nghiến bà ấy. Không chống cự được, bà Huệ đành phó mặc, buông xuôi. Và cũng không ngờ, chỉ một lần duy nhất bị cưỡng bức đó, bà mang thai. Bà báo tin này cho bố tôi. Chẳng ngờ bố tôi chối phắt. Ít ngày sau, bà có quyết định nghỉ việc đúng lúc cơ quan tinh giản biên chế. Bố tôi đã đạo diễn vụ này. Ông là cán bộ trẻ triển vọng nên phải bịt nhanh vụ hủ hóa kia để còn thăng tiến.

Đau đớn ê chề, nghĩ quẩn, bà Huệ đã tìm đến cái chết. Được ông Hảo cứu sống, động viên, thương cảnh ông ấy một thân một mình bà đã ở lại. Để hợp lý hóa cái thai, bà tìm mọi cách gần gũi ông. Nào ngờ ông Hảo toàn lẩn tránh. Hơn tháng sau, một đêm ông Hảo đã nói với bà Huệ: “Anh biết hết chuyện của em rồi. Anh chấp nhận tất cả. Hãy ở lại với anh, sinh con và cùng nuôi dạy nó. Khi nó cứng cáp thì tùy em. Ở hay đi cũng được”. Thế rồi, cái tình cái nghĩa quá sâu nặng, vừa như người anh, người cha (ông hơn bà Huệ hơn chục tuổi cơ mà), vừa như người chồng nữa, ông Hảo đã níu chân mẹ con bà Huệ. Khi tôi đặt vấn đề yêu Lan, cả hai ông bà liền vội vàng cho Lan biết điều bí mật này. Thế nên, em đã lặng lẽ vô Nam mà không nói với tôi một lời nào. Thật trớ trêu quá chừng. 

Về sống với ông Hảo, đẻ Lan xong, bà Huệ mới hay quan hệ của bố tôi với mẹ con tôi, nhất là khi bố mẹ tôi làm thủ tục ly dị. Khi ở huyện, bà cũng biết bố tôi ở xã này nhưng không rõ thôn nào, làng nào. Xã lại rộng. Nhà tôi lại ở trong làng. Tự ti mặc cảm, bà Huệ chỉ ru rú ở quán, chẳng dám giao tiếp với ai. Bố tôi là người đam mê quyền lực và rất thích của nếp. Sau vụ bà Huệ, bố tôi được điều động lên tỉnh giữ chức phó giám đốc sở rồi phải lòng cô văn phòng trẻ đẹp, đầy quyến rũ. Ông ruồng rẫy bỏ mặc mẹ con tôi, chẳng thèm về quê nữa. Mẹ tôi đâm đơn ly hôn. Gia đình tôi tan nát từ đó. Tôi lớn lên trong vòng tay yêu thương của mẹ và những tình cảm ngây thơ trong trắng hồn nhiên với ông Hảo lái đò. Thế nên, vừa rồi có người gợi ý tôi nên nói với bố tôi xếp việc cho, tôi đã tự ái kiên quyết không nghe. Không bao giờ tôi quỵ lụy cầu xin người đã phụ bạc mẹ con tôi. Tôi hận bố tôi. Trong mắt tôi, bố tôi chẳng là cái gì cả. Tôi sẽ tự đi lên bằng đôi chân của mình như mẹ tôi đã kiên cường đứng vậy bao năm nay. Giờ nghe được câu chuyện của ông Hảo, tôi càng cảm phục ông ấy hơn.

“Chuyện có vậy, một lần nữa xin chị tha lỗi cho em. Xin hai con, Quân và Lan, dẫu bố con có như thế nào đi chăng nữa thì các con vẫn chung một cội. Gà cùng một mẹ, như tay với chân, thương yêu đùm bọc nhau cho mẹ yên lòng”. Bà Huệ nghẹn ngào kết thúc câu chuyện. Mẹ tôi buông tiếng thở dài. Lát sau, mẹ nói: “Dì không có lỗi gì cả. Cả tôi và dì đều là nạn nhân. Thôi thì… còn hai đứa đấy, anh em chúng nó sẽ là chỗ dựa cho chị em mình. Chúng ta phải sống sao cho xứng đáng với anh Hảo, dì ạ”.

Tôi và Lan đột nhiên cùng nhìn nhau. Lan ôm mẹ Huệ khẽ nói: “Hai mẹ yên tâm. Anh em chúng con biết rồi mà. Có phải không anh Quân?”. Tôi giật mình, lí nhí: “Ừ… Phải… phải! Cô… à không, dì… Dì hãy giữ sức khỏe. Chúng con luôn ở bên dì”. Quay sang Lan, tôi nói: “Em hãy ở nhà không phải đi đâu nữa. Tiếp tục ôn, năm tới thi tiếp. Anh cũng vậy. Tiếp tục sẽ xin việc. Nhược bằng không xin được việc thì ở nhà làm trang trại. Kỹ sư trồng trọt bằng đỏ hẳn hoi chẳng lẽ chịu bó tay sao? Chẳng nơi nào bằng quê hương đâu. Mấy tháng lên phố làm phu hồ, anh càng hiểu điều đó. Chúng ta sẽ làm giàu trên chính mảnh đất này đúng như lời bố Hảo đã từng dạy”. Tôi còn nói nhiều nữa. Không hiểu sao lúc đó tôi lại nói hay đến thế. Hình như mẹ tôi cũng ngạc nhiên về tôi. Trên ban thờ, ánh mắt ông Hảo như mỉm cười cùng tôi.

Khuya, tôi đưa mẹ về làng. Qua con đê, tới cổng nhà, mẹ bảo tôi quay lại ngủ ở nhà bà Huệ. “Bác ấy mới mất, nhà chỉ có hai mẹ con. Đàn bà con gái, trống vắng thế này dễ sợ lắm. Con ở ngoài đó vài đêm với mẹ con họ cho đỡ lạnh lẽo. Mai kia rồi tính sau. Nhớ giữ ranh giới với cái Lan. Bây giờ nó đã là em gái của con rồi đấy ”. Mẹ tôi dặn. Tôi vội đáp: “Con biết rồi. Mẹ khỏi phải nhắc”. Cũng may từ khi yêu em, tôi chưa đi quá giới hạn.

Quay xe, nhằm hướng bến sông, tôi giữ ga cho xe chạy từ từ. Đêm cuối tháng, trời sao mênh mông. Gió sông thổi vào mát rượi. Qua cánh đồng thì tới soi bãi. Hai bên ngô lúa rì rào. Đồng quê yên ả quá. Bất chợt, một vệt sáng vạch dài trên trời ngay phía trước mặt tôi. Sao băng! Đúng rồi! Sao băng! Một ai đó đã đi vào cõi vĩnh hằng. Có phải ông Hảo không? Không phải. Ông ấy mất mấy hôm nay rồi cơ mà?

Bất chợt, tôi nhớ tới những đêm mùa hạ, giữa vụ cày cấy, cùng chú Hảo nằm khểnh trên chiếc chõng tre, ngửa mặt lên trời đếm sao. Thi thoảng, chú cháu tôi cũng gặp những vệt sao băng như thế. Thế nhưng chú lại giải thích đó là hiện tượng sao đổi ngôi. Hình như chú không muốn sự kết thúc cho mọi vật? Đúng rồi! Sao đổi ngôi! Cũng như tôi và Lan bây giờ vậy. Cũng đã đổi ngôi rồi. Trời ơi! Chú Hảo! Có phải chú đang bay trên bầu trời bao la kia không? Sao bỗng dưng tôi lại nhớ ngày xưa và nhớ chú đến thế này! Xin phép chú cho con được gọi chú là bố, bố nhé. Bố ơi! Bố có nghe con nói gì không? Đúng là sao đổi ngôi rồi bố ạ. Ở vị trí mới, ngôi sao đó sẽ sáng hơn, lung linh hơn. Đó là điều chắc chắn bố nhỉ?

Đ.X.T

Exit mobile version