Cách đây 39 năm, ở bãi tràm ngập nước thuộc ấp Ðá Biên ngày nay, đã diễn ra một trận đánh bi hùng của hai tiểu đoàn thuộc Trung đoàn 207, mà nhiều người trong số họ quê ở Hưng Yên,Vĩnh phú, Quảng Ninh… là sinh viên của các trường đại học Xây dựng, Bách khoa, Thủy lợi, Sư phạm… vừa từ miền bắc lên đường nhập ngũ. Bị địch vây kín trong bãi tràm vào mùa nước nổi, chung quanh là trời nước mênh mông, bên ngoài thì pháo bầy dập vào, trên trời thì trực thăng quần đảo nhả đạn xối xả, sau đó xe lội nước M113 đổ quân chà đi xát lại nhiều đợt, các chiến sĩ ta đã chiến đấu dũng cảm, tiêu diệt và làm bị thương hàng trăm tên địch, bắn cháy một máy bay lên thẳng, nhưng rất nhiều cán bộ, chiến sĩ của trung đoàn đã ngã xuống và mãi mãi yên nghỉ tại vùng đất phương nam thân thương của Tổ quốc… Ðiều kiện chiến trường khi đó không cho phép đơn vị và du kích địa phương tiến hành tìm kiếm và chôn cất đầy đủ các liệt sĩ. Thi thể những người lính trẻ từ quê hương miền bắc đã hòa tan trong sông nước và vùng đất bồi bãi tràm…

Sau ngày chiến thắng năm 1975, những người dân ấp Ðá Biên khẩn hoang bãi tràm làm ruộng và lấy đất làm nhà vẫn thường tìm thấy nhiều hiện vật đồ dùng sinh hoạt, mũ cối và cả vũ khí cùng hài cốt các liệt sĩ. Tưởng nhớ anh linh những người lính trẻ bỏ mình vì nước, cách đây hơn 20 năm, những người dân nghèo nơi đây đã cùng nhau góp công sức lập nên ngôi miếu thờ để chăm sóc hương hồn các liệt sĩ. Miếu lúc đầu khá nhỏ bé bằng gỗ tràm, lợp gianh và lá cỏ trên mảnh đất 20 m2, sau này, nhân dân trong vùng đã đắp thêm đất, mở rộng khuôn viên và cất lại ngôi miếu tuy vẫn đơn sơ, song rộng rãi, chắc chắn hơn để làm nơi thờ cúng các liệt sĩ. Tuy không chính thức nhưng lâu nay, trong tâm tưởng các thế hệ dân ấp Ðá Biên đều suy tôn và thờ cúng các liệt sĩ như những thành hoàng độ trì, phù hộ cho cộng đồng nơi đây.

Ðược biết nguyện vọng tha thiết của nhân dân ấp Ðá Biên, cũng như của thân nhân các liệt sĩ và tập thể cựu chiến binh Trung đoàn 207 muốn xây một ngôi miếu thờ đàng hoàng và khang trang  để làm nơi thờ cúng và tưởng nhớ anh linh các liệt sĩ, xứng đáng với sự hy sinh của các anh… Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank) đã đóng góp tài trợ năm tỷ đồng, và cùng với sự  ủng hộ, đóng góp của nhân dân, chính quyền địa phương và Ban liên lạc cựu chiến binh Trung đoàn 207, công trình đã chính thức khởi công ngày 19-5-2012 trên diện tích gần 5.000 m2 với tổng số tiền gần chín tỷ đồng gồm các hạng mục: nhà văn bia, nhà thờ và khu phụ trợ phía sau nhà thờ…

*

Ngày khánh thành khu tưởng niệm liệt sỹ trung đoàn 207 được chọn là ngày giỗ lần thứ 39 của các chiến sỹ trung đoàn 207, ngày 6 tháng 9 âm,nhằm ngày dương lịch là 22 tháng 10. Đây vô tình lại trùng với ngày khai mạc kỳ họp thứ 4 quốc hôi khóa 13, nên một số đồng chí là đại biểu quốc hội đã không thể về tham dự. Dù vậy, vẫn có một đại biểu quốc hội, với sự chấp thuận của chủ tịch đoàn Quốc hội, đã vượt gần 2000 km về tham dự như một trọng trách, một sứ mệnh cao cả của trái tim mình. Đó là Tiến sỹ Phạm Huy Hùng,đại biểu quốc hôi Hà Nội, Bí thư đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng thương mại cổ phần công thương VN.

Ngay khi ngồi trên ca nô lướt trên dòng kênh 79, nhìn những rừng tràm, rừng đước hai bên bờ, tôi thấy gương măt anh đã nhiều xúc động. Anh hiểu rằng trong rừng tràm rừng đước kia, không chỉ là cỏ cây, là thiên nhiên của  Nam Bộ mến yêu, mà ở đó còn là nơi  lưu giữ bao xương máu của các chiến sỹ ta trong những năm kháng chiến,trong đó có máu xương của những người lính trung đoàn 207… Càng xúc động hơn khi lên bờ, anh cùng anh Dương Đức Quảng -Trưởng ban thông tin truyền thông vietinbank đi ngay tới chiếc miễu nhỏ thờ vong linh các chiến sỹ thắp hương cho những người ngã xuống. Anh dâng hương và nói với  họ những điều gì đó hết sức thiêng liêng và thắm thiết…

Miền bắc độ này đang những ngày cuối thu. Nam Bộ  với hai mùa mưa nắng sáng nay ngỡ như cũng đang rất thu với bầu trời xanh ngăn ngắt,với những tia nắng trải dịu dàng trong ban mai …

Rồi lễ khánh thành Đề Thiêng – vâng,tôi xin dùng từ Đền Thiêng cho một cách gọi khác về Khu tưởng liệt  sỹ trung đoàn 207- diễn ra.Thay mặt 19 ngàn cán bộ công nhân viên Vietinbank – cũng là 19 ngàn trái tim Vietinbank sáng nay cùng chung nhịp đập, anh Phạm Huy Hùng lên đọc diễn văn.Dáng anh cao lớn,gương mặt sáng và có thể nói là  đẹp. Nghĩ bài diễn văn của anh sẽ rất hùng hồn. Nhất là bên dưới hàng trăm đại biếu đang chăm chú dõi theo… Ấy vậy mà rồi cứ qua mỗi đoạn, anh lại nghẹn ngào khôn nói nên lời,phải hết sức kìm nén mới có thể đoc tiếp. Anh khóc và hàng trăm con tim bên dưới cùng khóc.Nước mắt trên gương mặt những cựu chiến binh. Nước mắt  trên gương măt đen đúa của những  bà con một nắng hai sương. Nước mắt trên gương mặt những đồng chí lãnh đạo, những vị tướng oai nghiêm… Nước mắt thành vệt trên gương mặt những người thiếu nữ… Tất cả đều nhớ thương với những người lính đã ngã xuống, tất cả đều một chút xót xa khi nghĩ mình đã chưa thể làm nhiều hơn cho những người chiến sỹ. Để rồi có hôm nay…

Cũng xin nói thêm rằng, đây không phải là lần đầu tiên anh bày tỏ lòng biết ơn khôn cùng của cá nhân mình và của tập thể Vietinbank với những người đã nằm xuống vì độc lập tự do của Tổ quốc. Gần như dấu chân anh và các anh đã đi tới khắp miền đất nước vì những sứ mệnh cao cả của trái tim mình. Các anh đã tới với 88 bà mẹ anh hùng trên khắp cả nước để tài trợ mỗi mẹ hàng tháng là 2 triệu đồng. Các anh đã tới thăm hỏi, trợ cấp hàng ngàn thương bệnh binh tại các Trung tâm điều dưỡng thương binh. Và đặc biệt các anh đã tới hương khói  thăm viếng, và góp phần rất lớn về kinh phí để tôn tạo, nâng cấp hơn 50 nghĩa trang liệt sỹ trong cả nước, từ  nghĩa trang quốc gia Hàng Dương (Côn Đảo), đến Thành Cổ (Quảng Trị), từ nghĩa trang Tân Biên (Tây Ninh), đến Điện Bàn (Quảng Nam), Đức Cơ (Gia Lai)…

Và bây giờ là Đá Biên…

“Đến với ấp Đá Biên bằng tình cảm và sự sẻ chia sâu sắc, chúng tôi coi đây là trách nhiệm của mình, là hành động thể hiện lòng tri ân đối với các anh hùng liệt sỹ trung đoàn 207 đã hy sinh nơi đây. Việc làm này thể hiện đúng đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta, bởi nếu không có sự hy sinh anh dũng của các anh, chúng ta không thể có được cuộc sống tự do, hạnh phúc ngày hôm nay.”.

Tiếng vỗ tay ào lên, nhưng những dòng nước mắt xúc động vẫn trào tuôn trên những gò má ..

*

Là một cựu chiến binh, tôi cũng được hòa cùng dòng người trong sáng thu này tham gia lễ truy điêu và dâng hương tại Đền Thiêng cho những đồng đội Trung đoàn 207 đã hy sinh. Ở hàng đầu dâng hương là các đồng chí Nguyễn Nam Việt, phó bí thư tỉnh ủy Long An, Đặng văn Xướng, Chủ tịch hội đồng nhân dân tỉnh, là đại biểu Quốc hội, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietinbank Phạm Huy Hùng, là Trung tướng Hữu Ước, là đại tá Nguyễn Tấn Dẫu, nguyên chính ủy trung đoàn 207, và đại diện của những người dân của ấp Đá Biên…

Tôi nhìn những tấm hình của các chiến sỹ  trên bàn thờ, những gương mặt mãi mãi tuổi 20 và thầm nói với các anh: Vâng, sáng thu này có tất cả Đất nước bên các anh – những ngừời lính trung đoàn 207 đã hy sinh anh dũng.Tất cả cùng nghiêng mình tưởng nhớ, cùng thầm hứa với  các anh. Như với đồng đội của chúng ta ở thành cổ Quảng trị, ở nghĩa trang Trường sơn, như với những cô gái nơi ngã ba Đồng lộc, Truông Bồn… hay mọi mặt trận trên khắp miền tổ quốc!

Là một cựu chiến binh, bất giác trong sáng thu này nơi ấp Đa biên, tôi càng  thấm thía hơn một điều rằng: Hơn tất cả những người lính trên trái đất này, người chiến sỹ quân đội VN luôn có cả đất nước bên mình, khi đang cầm súng  chiến  đấu hay đã ngã xuống trên chiến trường. Và đây chính là  nguồn sức mạnh, là hạnh phúc tuyệt vời của người chiến sỹ quân đội VN…

Sáng  thu này đẹp biết bao nhiêu…

Exit mobile version