Svetlana Alexievich (Belarus)
Thái Lương theo Lithub.com

“Tôi không viết về chiến tranh. Tôi viết về con người trong chiến tranh. Tôi không viết về lịch sử chiến tranh. Tôi viết về lịch sử cảm xúc”, Svetlana Alexievich, nhà văn Belarus, chủ nhân Nobel Văn học năm 2015 khẳng định. Hai năm sau khi đoạt giải thưởng văn học danh giá nhất, bà trở lại làng văn, hứa hẹn sự ra đời của tiểu thuyết lịch sử tiếp theo.

Dưới đây là tự thuật của tác giả về mục tiêu sáng tác một tác phẩm như “bản gốc” nguyên thủy của sự thật.

 

1. Lịch sử của phụ nữ

Suốt hai năm, tôi không có nhiều cuộc gặp gỡ và viết lách như mình tưởng. Trăn trở. Cuốn sách tiếp theo của tôi sẽ là về cái gì? Một tác phẩm nữa về chiến tranh ư? Để làm gì? Có đến hàng nghìn những cuộc chiến lớn và nhỏ, nổi tiếng và chưa được biết đến. Cũng có vô số chủ đề về nó đã được viết. Nhưng… đó là chiến tranh trong mắt đàn ông, do đàn ông viết. Nói cách khác, tất cả những gì chúng ta biết về chiến tranh là “tiếng nói của đàn ông”. Không ai trong chúng ta thoát khỏi việc bị giam cầm bởi khái niệm “đàn ông” và “chiến binh” của nhân loại. Chỉ “đàn ông”. Phụ nữ im hơi lặng tiếng. Tôi từng hỏi bà, hỏi mẹ, cả những phụ nữ khác. Giả như có nhớ lại, họ cũng không nói về cuộc chiến dưới góc nhìn của mình mà luôn nói về nó dưới quan điểm của đàn ông. Điều chỉnh cho phù hợp với kinh điển, đó là những gì họ quen làm. Chỉ khi ở nhà hay tỉ tê với các chị em, họ mới nói về cuộc chiến của họ, mảnh chiến tranh mà tôi chưa hề hay biết. Không riêng gì tôi, tất cả chúng ta đều chưa biết. Hơn một lần trong những chuyến đi lấy tin, tôi chứng kiến, trở thành người duy nhất nghe được câu chuyện độc nhất.

Khi phụ nữ kể, không có gì giống hoặc gần giống với thường thức, cái chúng ta từng nghe hay đọc về chiến tranh như vô số người đã hy sinh anh dũng và giành chiến thắng hoặc thất bại, vật dụng gì của tướng lĩnh nào. Câu chuyện các mẹ, chị tường thuật rất khác, ngay cả chủ đề cũng khác. Cuộc chiến dưới mắt đàn bà có màu sắc, mùi vị, ánh sáng và phạm vi cảm xúc riêng. Nó là những lời hoàn toàn mới lạ. Không có anh hùng hay những kỳ tích đáng kinh ngạc. Cũng không chỉ con người mà cả chim chóc, cỏ cây, mặt đất đều đau đớn. Họ quằn quại trong câm lặng nên lại càng đau đớn hơn.

Tại sao thế? Hơn một lần, tôi tự hỏi. Tại sao, khi cất lên tiếng nói, ở địa vị của mình trong thế giới nam quyền, phụ nữ không nói bằng tiếng nói và cảm xúc của bản thân? Họ không tin chính mình ư? Hay vẫn còn một thế giới bị che giấu? Dù thế nào, chiến tranh qua mắt nhìn của phụ nữ vẫn chưa được khai phá. Tôi muốn viết lịch sử theo cách nhìn ấy: lịch sử dưới góc nhìn của phụ nữ.

2. Tìm gặp nhân chứng

Trong chiến tranh, phụ nữ tham gia mọi đơn vị, kỹ năng quân sự, bao gồm cả trợ lý y tế, trợ thủ, xạ thủ, công binh, chỉ huy… Bây giờ, họ là kế toán, kỹ thuật viên phòng thí nghiệm, hướng dẫn viên viện bảo tàng, giáo viên… Những ký ức của họ không chỉ về bản thân mà còn có cả kỷ niệm của các chị em đồng đội khác.

Có những trang trong cuộc đời chiến chinh của phụ nữ sánh ngang với những trang hay nhất của kinh điển viết về chiến tranh. Họ nhìn rõ ràng cả phía trên lẫn phía dưới, cảm nhận sắc nét toàn bộ quá trình đổi thay từ thiên thần thành ác quỷ. Nhớ lại với họ không phải đắm chìm trong lý tưởng một thời hay hận thù, nó giống sự ra đời của một quá khứ mới, quá khứ được tái định hình khi thời gian trôi qua. Trên tất cả, đó là sự sáng tạo. Lúc kể chuyện, họ đồng thời sáng tạo, “viết” về cuộc đời họ. Đôi khi họ cũng “viết lên” hoặc “viết lại”. Bạn phải cảnh giác.

Tôi ngồi lặng, đôi khi thẫn thờ cả ngày. Với người thân, tôi uống trà, thử chiếc áo mới mua, tán nhảm về các kiểu tóc, công thức nấu ăn, ngắm nghía ảnh mấy đứa cháu. Sau một khoảng thời gian, bạn sẽ chẳng bao giờ biết được khi nào và tại sao, đột nhiên khoảnh khắc trông chờ ập đến. Người phụ nữ ấy thoát ra khỏi kinh điển sừng sững như tượng đài bằng thạch cao, bê tông cốt thép, trở về với chính mình. Không phải bắt đầu bằng chiến tranh, cô ấy nhớ lại tuổi thanh xuân. Tôi vội vã chụp lấy, không để lỡ tích tắc nào. Nhưng, sau một ngày dài đầy những lời kể, sự thật, nước mắt, chỉ một câu còn đọng lại: “Tôi quá nhỏ khi bước vào mặt trận, thậm chí còn lớn lên trong chiến trường”.

Điều gì đã giúp tôi ư? Chúng tôi sống cùng nhau, đều là thành viên của một cộng đồng. Với phụ nữ chúng tôi, tất cả mọi thứ đều chung, cả hạnh phúc lẫn nước mắt. Chúng tôi biết làm thế nào để chịu đựng và làm thế nào để nói về nỗi đau. Sự đau khổ giải thích cho phần khốn cùng và phi lý của cuộc sống. Đối với chúng tôi, nỗi đau cũng là một nghệ thuật. Phụ nữ là những người mạnh dạn nhất dám đi trên con đường này.

3. Lắng nghe

Họ gọi tôi là “cô bé”, “cháu gái đáng yêu”, “con gái yêu quý”. Có lẽ, nếu tôi cùng thế hệ với họ, họ sẽ đối xử với tôi theo cách khác, điềm tĩnh và bình đẳng. Không có niềm vui và sự ngạc nhiên, chỉ có cuộc gặp mặt giữa tuổi trẻ và tuổi già. Trước đó, họ còn trẻ và bây giờ, họ đã già. Cuộc đời của mình, họ thận trọng hé mở cho tôi từng chút một. “Tôi đã kết hôn ngay sau chiến tranh. Tôi trốn sau lưng chồng. Tôi trốn đằng sau sự hổ thẹn, đằng sau tã trẻ con”.

Sau nhiều năm dài, các nữ chiến sĩ hiểu rằng đã đến lúc phải từ bỏ vị trí và ra đi. Họ không muốn. Lặng lẽ rời đi như thế thật quá xấu hổ, như là trốn chạy vậy. Khi quay đầu lại, cái họ khát khao không chỉ là kể lại một quãng đời mà còn là tìm hiểu tận ngóc ngách những bí ẩn của khoảng thời gian ấy. Họ khao khát tìm ra câu trả lời cho câu hỏi tại sao chuyện như vậy lại xảy ra với mình.

Chiến tranh là một trải nghiệm quá sức gần. Khi một phụ nữ (cụ thể là nữ phi công) từ chối gặp tôi, bà giải thích qua điện thoại: “Tôi không thể… tôi không muốn nhớ. Tôi đã dành cả ba năm… Suốt trong ba năm ấy, tôi quên mất mình là phụ nữ. Cơ thể tôi đã chết. Tôi không có kinh nguyệt, hầu như không tồn tại bất cứ ham muốn nào. Tôi chỉ trở về khi chồng tương lai của tôi bước đến và cầu hôn… Chuyện này xảy ra ở Berlin… Ông ấy nói ‘Cuộc chiến đã qua rồi. Hai ta vẫn còn sống. Chúng mình thật may mắn. Em hãy đồng ý lấy anh nhé’. Tôi muốn òa khóc. Tôi muốn la hét. Nhưng tôi lại đánh ông ấy. ‘Anh nói vậy là muốn gì? Lập gia đình ư? Giữa lúc này? Giữa khói bụi và gạch vụn? Nhìn đi! Nhìn em đi! Nhìn xem em là ai. Muốn em trở lại làm phụ nữ thì phải cho em hoa, tán tỉnh em, nói những lời đẹp đẽ. Em muốn có thật nhiều. Em muốn nhiều hơn nữa’. Tôi gần như đánh chết ông ấy. Má chồng tương lai của tôi tím bầm nhưng ông ấy không tránh né. Và, tôi nhìn thấy, trên gương mặt người đàn ông này, dòng lệ chảy dài. Dòng lệ chảy dài trên vết bầm tím mới. Tôi không thể tin lời nói vừa thoát ra khỏi miệng mình, ‘Vâng, em sẽ lấy anh’. Tha lỗi cho tôi… Tôi không thể…”.

Tôi hiểu người phụ nữ ấy. Nhưng, những gì mới nghe kể cũng sẽ thành một hoặc nửa trang trong cuốn sách sắp tới của tôi. Những câu chuyện ở khắp nơi, trong căn hộ giữa đô thành, tại ngôi nhà giữa làng thôn, trên đường phố, trên tàu,… Tôi lắng nghe. Tôi lắng nghe nhiều hơn nữa. Tôi luôn luôn lắng nghe. Tôi “đọc” tiếng nói.

4. “Bản gốc”

Con người vĩ đại hơn chiến tranh. Con người được dẫn dặt bởi thứ gì đó mạnh mẽ hơn lịch sử. Tôi muốn đạt được bề rộng đủ để viết về sự thật và cái chết nói chung chứ không chỉ là sự thật về chiến tranh. Dostoevsky (nhà văn Nga) từng hỏi: có bao nhiêu con người trong một con người và làm thế nào để bảo vệ những con người bên trong ấy? Khi đào sâu vào thế giới vô biên của chiến tranh, mọi hào quang trở nên nhạt dần, chỉ còn một thế giới tàn nhẫn. Tôi hiểu sự cô đơn của những người bước ra từ đó. Họ có những hiểu biết mà người khác không có. Nó là kinh nghiệm mà chỉ những ai cận kề sinh tử chiến trường mới thấu cảm. Khi phụ nữ cố gắng đem “hiểu biết” ấy vào ngôn từ, họ mang theo cả sự đau thương. Đau đến nỗi hóa câm. Họ muốn nói, muốn người khác hiểu nhưng không còn sức thốt ra thành lời.

Phụ nữ luôn ở không gian khác với người nghe. Họ bị bao quanh bởi một kết giới vô hình. Ít nhất cũng có ba người đang tham gia vào cuộc đối thoại này: cô ấy, cô ấy của quá khứ và tôi. Mục tiêu trước hết của tôi là tìm hiểu sự thật những năm tháng chiến tranh. Một sự thật trọn vẹn. Ngay sau chiến tranh, người phụ nữ này từng nói về mình trong cuộc chiến. Bây giờ, khi đã qua nhiều thập kỷ, lời kể có chút đổi thay. Người kể đã lồng cả cuộc đời mình vào ký ức. Làm thế nào họ sống sót qua những năm tháng ấy? Họ đã đọc, nghe, thấy, gặp những gì? Họ độc thoại hay đối thoại với người khác? Người khác ấy là gia đình hay bạn bè? Bạn bè cùng thời hay bạn bè khác thế hệ?

Tài liệu của tôi là một kiểu tài liệu sống. Chúng thay đổi và biến động cùng nhân chứng. Tôi không tìm kiếm sự hy sinh cao cả hay chủ nghĩa anh hùng. Tôi tìm kiếm những điều nhỏ bé, những con người bình thường, gần gũi. Tôi muốn biết về câu chuyện họ nhỏ to tâm sự với nhau. Họ bước vào chiến tranh thế nào. Họ quay về từ cuộc chiến ra sao. Không phải sự nghiệp của một vị tướng, cái tôi quan tâm là cuộc đời những thanh niên bình thường từng đầu quân làm lính.

Lịch sử thông qua chuyện kể của một người thường không hoặc ít được chú ý. Người kể không chỉ là người chứng kiến mà còn là diễn viên và đạo diễn. Đan xen với thực tế lịch sử là thực tế cảm xúc. Tôi hiểu rằng mỗi người đều có một phiên bản riêng. Từ các giao lộ của họ, hình ảnh thời đại hình thành. Tôi không viết về chiến tranh. Tôi viết về những người trong chiến tranh. Tôi không viết về lịch sử chiến tranh. Tôi viết về lịch sử cảm xúc. Một mặt, tôi điều tra thực tế cụ thể của các nhân chứng. Mặt khác, tôi phân tách con người bên ngoài và con người bên trong của họ. Ký ức không phải lịch sử hay văn chương. Nó đơn giản là cuộc sống, đầy hỗn độn và chưa từng được sắp xếp bởi một bàn tay nghệ sĩ. Những viên gạch ký ức ngổn ngang khắp chốn. Những viên gạch chưa xây thành công trình. Chính trong nó, với chất giọng ấm áp của người kể, quá khứ được phản chiếu sống động với cả niềm hân hoan ban đầu lẫn thảm kịch không thể vượt qua. Sự hỗn loạn và niềm đam mê. Tính duy nhất và bất minh. Sự nguyên chất.  Đó là bản gốc.

 

Phạm Thúy Quỳnh đưa bài