Báo Thể thao văn hóa vừa đăng bài “Người dịch Số đỏ sang tiếng Anh: Vũ Trọng Phụng có tầm quốc tế” của tác giả My Ly. Bài báo cho biết, Peter Zinoman, một học giả nước ngoài, tới đây sẽ gặp gỡ báo chí trong nước để giới thiệu cuốn sách mới của ông, có nhan đề là Vietnamese Colonial Republican: The Political Vision of Vũ Trọng Phụng (tạm dịch: Cộng hòa thuộc địa của người Việt: Viễn kiến chính trị của Vũ Trọng Phụng). Peter Zinoman so sánh Vũ Trọng Phụng với George Orwell, một trong nhà văn nổi tiếng nhất của thế kỉ 20, ông nhận định rằng, “Vũ Trọng Phụng không thua kém Orwell, họ có nhiều điểm tương đồng về viễn kiến thời cuộc và nghệ thuật viết”: cả hai nhà văn này đều chống chủ nghĩa thực dân, chủ nghĩa phát xít qua văn chương, họ thành công ở 2 thể loại phóng sự và tiểu thuyết với chất giọng hài hước, trào phúng. Mặc dù có rất nhiều bài viết, công trình bàn về sự nghiệp của Vũ Trọng Phụng, nhưng theo Zinoman có một điều đáng tiếc là, lâu nay giới phê bình Việt Nam vẫn đánh giá hơi hẹp về Vũ Trọng Phụng các nhà phê bình chủ yếu diễn giải khía cạnh tả chân và đả kích xã hội trong những Số đổ, Giông tố, Làm đĩ, Cạm bẫy người… mà “không nhìn ra viễn kiến chính trị, nghệ thuật ở ông. Nhà văn rất quan tâm đến khoa học và khoa học xã hội, ông tìm hiểu về Freud từ rất sớm”.

Để giúp độc giả hiểu thêm những ý kiến (chia sẻ) nói trên của giáo sư Zinoman, dưới đây, chúng tôi điểm lại một vài ý kiến về Vũ Trọng Phụng, có liên quan xa gần.

Văn nghiệp của Vũ Trọng Phụng là một thùng thuốc nổ, từng gây ra không ít cuộc bút chiến kéo dài. Trước năm 1949, vấn đề tính dục, ảnh hưởng của Freud trong sáng tác của Vũ Trọng Phụng đã được nhiều ý kiến đề cập (Thái Phỉ, Kiều Thanh Quế, Vũ Ngọc Phan…). Từ 1949 trở về sau, bên cạnh vấn đề đó, còn xuất hiện thêm những lăng kính soi ngắm khác, như tính cách mạng, tính giai cấp, tính chiến đấu, hay ý thức hệ tư tưởng trong sáng tác của ông. Nghĩa là, Vũ Trọng Phụng, cũng sớm được giới văn nghệ sĩ cách mạng, giới phê bình văn học Mác xít để ý đến, nhất là cảnh giác trước một số cây bút có thể lợi dụng việc diễn giải, đề cao các sáng tác của Vũ Trọng Phụng để thực hiện “ý đồ chính trị” nào đó.

Tại Hội nghị tranh luận văn nghệ tại Việt Bắc năm 1949, khi thảo luận về vấn đề hiện thực xã hội chủ nghĩa, trả lời câu hỏi nếu chép đúng hiện thực thì đã được gọi là hiện thực xã hội chủ nghĩa chưa, nhà văn Nguyên Hồng đã đưa Số đỏ ra làm trường hợp phân tích tiêu biểu, rồi ông nhấn mạnh quan niệm: “tả đúng không đủ, phải có thái độ cách mạng”; nhà thơ Tố Hữu đồng tình cho rằng, sáng tác của Vũ Trọng Phọng chưa thể hiện thái độ cách mạng, bởi vì những sáng tác ấy chi dừng lại ở chỗ đả phá, chưa dẫn đến đâu cả, chưa vạch ra đường đi, chưa thấy hướng đi lên của cuộc đời, “lối hiện thực xã hội của Vũ Trọng Phụng chưa phải là hiện thực xã hội”, “Vũ Trọng Phụng không phải là nhà văn cách mạng, nhưng cách mạng cám ơn Vũ Trọng Phụng đã vạch rõ cái thực xấu xa thối nát của xã hội lúc ấy” (Văn nghệ số 17-18/1949). Vẫn giữ quan điểm từ năm 1949, khi viết tựa cho tiểu thuyết Giông tố (Nxb. Văn nghệ, H, 1956), Nguyên Hồng lập luận: Vũ Trọng Phụng “không nắm được thực tế cách mạng, sự sống thực tế đấu tranh cách mạng, hiểu biết và nhìn thấy con đường đi của cách mạng. Cuộc cách mạng mà giai cấp công nhân đương lãnh đạo lúc bấy giờ, Vũ Trọng Phụng chưa có một chỗ đứng vững chắc và sáng suốt, dưới ánh sáng khoa học của chủ nghĩa Mác Lênin, mà nhìn, mà sống, mà chiến đấu với ngòi bút của anh”.

Sau Hội nghị tranh luận văn nghệ tại Việt Bắc 7 năm, trong bài viết “Giới thiệu tiểu thuyết Vỡ đê” (in trong Vũ Trọng Phụng với chúng ta, Nxb. Minh Đức,H, 1956), nhà nghiên cứu Mác xít Trương Tửu khẳng định chắc chắn rằng, Vũ Trọng Phụng “đã nhìn đúng kẻ thù của dân tộc, kẻ thù của nhân dân bị bóc lột và áp bức, kẻ thù của cách mạng. Kẻ thù đó là dân tư bản Pháp…”. Vũ Trọng Phụng, ở Vỡ đê, ca tụng những người chiến sĩ cộng sản thời mặt trận bình dân, “những người ngang tàng coi nhà tù là một cái trường đào tạo nên những tay chiến sĩ của cái phần nhân loại bị bóc lột để chiến đấu với bọn có ở hai vai của mình những cánh tay lao động của người khác. Chỉ tính riêng về phương diện đề cao chiến sĩ cộng sản, Trương Tửu cho rằng Vũ Trọng Phụng đã “tiến bộ hơn tất cả những nhà văn hiện thực đương thời với ông”, “ông cổ võ và đề cao tinh thần chiến đấu của quần chúng nông dân đã được giác ngộ và tổ chức, ca tụng những chiến sĩ hy sinh cho lý tưởng xã hội chủ nghĩa”. Trong tác phẩm Làm đĩ Vũ Trọng Phụng đã tuyên bố thẳng thắn “…việc tôi làm, tôi hiểu; người khác cứ yên tâm. Khi một nước có giặc, ta phải ra lính, đã đầu quân, ta chỉ có hai đường: một là giết được giặc, hai là bị giặc giết. Khuyên người lính chớ giết giặc, hay đề phòng thế nào cho khỏi chết trận hay sao? Thế thì bắt người lính ấy ngồi nhà!”. Đọc đến đây, cũng Trương Tửu rút ra nhận xét: “Đó là thái độ anh dũng của một người đã quan niệm nghệ thuật viết văn như một vũ khí đấu tranh để tiêu diệt kẻ thù nhất định và quan niệm nhà văn là một chiến sĩ có thể hy sinh trên mặt trận văn hóa phục vụ chính nghĩa. Đó là một quan niệm nghệ thuật chân chính, cách mạng. Với quan niệm khang cường ấy, suốt mười năm sáng tạo văn học (1929-1939), Vũ Trọng Phụng đã lao động quên mình, viết báo, viết kịch, viết phóng sự, viết tiểu thuyết, liên tục, táo bạo, cương quyết, như một chiến sĩ tung hoành nơi tiền tuyến vũ bão tấn công kẻ địch hết đợt này đến đợt khác, không biết mệt mỏi. Giá trị cao quý của con người Vũ Trọng Phụng là ở đó. Giá trị lớn lao của văn nghiệp Vũ Trọng Phụng cũng là ở đó”.

Nhà thơ Hoàng Cầm trong “Nhớ Vũ Trọng Phụng” tâm sự: “tôi đi trên đường kháng chiến gian nan, gặp những con người xây dựng một xã hội mới vô cùng tốt đẹp. Tôi cảm ơn Vũ Trọng Phụng đã giúp tôi biết cái xấu trước để đánh giá cái tốt ngày nay. Không đọc Số đỏ, Giông tố, Vỡ đê và một loạt tác phẩm khác của Vũ Trọng Phụng, không sống với cái xã hội cũ thì việc đánh giá cái chế độ vinh quang của chúng ta ngày nay nhất định là thiếu một phần sâu sắc. Chế độ ta, chế độ của sự công bằng, của con người dũng cảm, xây dựng Tổ quốc và đạo đức cộng sản còn gặp phải nhiều tàn dư xấu xa của chế độ thuộc địa phong kiến, cái bóng rất nhiều nhân vật của Vũ Trọng Phụng đôi khi còn hiện lên, lảng vảng trong chế độ tốt đẹp của ta. Tôi cảm ơn chế độ Vũ Trọng Phụng đã giúp tôi nhìn sâu vào trong những tàn tích đó, cố gắng tiêu diệt nó để xây dụng xã hội mới. Và ngày nay, đọc lại Vũ Trọng Phụng, chúng ta càng cần suy nghĩ về những điều Vũ Trọng Phụng tuy chưa nói ra, nhưng đã kí thác trên giấy, đó là nguyện vọng được sống, được xây dựng một xã hội tốt đẹp của con người” (Vũ Trọng Phụng với chúng ta). Trong bài “Không đề cao Vũ Trọng Phụng, chỉ đánh giá đúng”, Phan Khôi viết: “Có thể nói Vũ Trọng Phụng là một nhà tiểu thuyết hiện thực phê phán có khuynh hướng xã hội chủ nghĩa của đêm trước Cách mạng tháng Tám” (Sđd).

Trong cuốn Đời viết văn của tôi (Nxb. Văn học, H,1971), Nguyễn Công Hoan đúc rút kinh nghiệm: “nghiên cứu về một nhà văn, thời nào tiến bộ, thời nào thụt lùi, phải nghiên cứu cả trình tự sáng tác của người ấy, trong năm ấy, anh ta cộng tác với báo nào, ai là chủ, tính chất người chủ ấy thế nào, và từng thời kỳ, tình hình tư tưởng nào nó thống trị trong xã hội ấy. Vậy thì tại sao mỗi nhà văn lại bấp bênh như vậy? Và mỗi giai đoạn nhỏ, phong trào văn học mang một sắc thái khác nhau? Điều này cũng dễ hiểu lắm. Là bởi vì người viết văn lớp trước, có ai giáo dục cho lập trường chính trị, có ai chỉ bảo cho đường lối sáng tác như bây giờ?Tức là chưa được bàn tay của Đảng vươn tới. Mà chỉ viết vì mình đã trót nhận đồng lương. Cao cả một chút, là để phụng sự nghệ thuật. Cho nên, cũng chẳng lạ gì, khi ta thấy người này người khác đã viết những câu mà bây giờ ta thấy là phản động. Vũ Trọng Phụng đã bị mang tiếng này. Nhưng ta nên rộng lượng với những người khi còn chưa hiểu biết, khi còn chưa có lập trường chính trị. Ngày nay, có thể là Vũ Trọng Phụng phải có bài, nên khi đọc báo Đệ tam và của Đệ tứ quốc tế công kích lẫn nhau, thì anh chẳng yêu ghét ai vì anh mù chính trị – nên thấy bên nào nói mà anh thấy ngứa tai, thì anh đả”.

Năm 1999, khi dựng lại “Lịch sử vấn đề Vũ Trọng Phụng”, nhà nghiên cứu Nguyễn Hoành Khung cho biết: sau 1954, do yêu cầu của công tác biên soạn sách giáo khoa, sách lịch sử văn học, tái bản tác phẩm có giá trị trước Cách mạng, Vũ Trọng Phụng được tôn vinh xếp hạng vị trí văn học sử rất vẻ vang, nhưng đến “khi nhóm Nhân văn – Giai phẩm ra sức đề cao Vũ Trọng Phụng thì vấn đề chuyển sang một hướng khác và sẽ đi rất xa. Người ta cho rằng trong sự đề cao của nhóm Nhân văn Giai phẩm có “cái dã tâm dùng văn học đả kích vào Đảng, vào chế độ”, nhất là khi thấy trong tập sách Vũ Trọng Phụng với chúng ta[1], những người tham gia nhóm, chỉ có những lời đề cao Vũ Trọng Phụng mà hầu như không nói đến những hạn chế hiển nhiên trong sáng tác của nhà văn, có chăng thì cũng coi đó là ‘khuyết điểm tất yếu của một nhà văn trong xã hội cũ, kể cả các tác giả cổ điển thiên tài’. Thực ra, không phải mọi bài trong tập sách đều có ‘dã tâm chống chế độ’ mà trong đó, có những nhận định nghiêm chỉnh, thể hiện thái độ trân trọng thành thật với nhà văn. Nhưng ở một số bài, ý đồ chính trị của người viết là điều dễ thấy… Khi cuộc đấu tranh chống nhóm Nhân văn Giai phẩm diễn ra thì vấn đề Vũ Trọng Phụng cũng được đặt lại. Người ta cho rằng, vừa qua ‘đã đề cao Vũ Trọng Phụng quá đáng’, và ‘trường hợp Vũ Trọng Phụng là một trường hợp khá tiêu biểu cho những lệch lạc trong vấn đề tiếp thu vốn cũ’- ý nói tiếp thu không có phê phán. Có người cho rằng nhóm Nhân văn Giai phẩm đề cao Vũ Trọng Phụng bởi vì Vũ Trọng Phụng cùng một ‘giai cấp tính’ với họ, ‘là của bọn họ’. Vấn đề càng hết sức phức tạp khi có một số bài báo của Vũ Trọng Phụng mới được phát hiện cho biết nhà văn có những ý kiến chính trị bị coi là ‘phản động’, vì có những lời lẽ dường như đề cao Trốt-kít, xúc phạm Lênin, Xtalin, xúc phạm Đảng cộng sản. Do thiếu quan điểm lịch sử đúng đắn để tìm hiểu thấu đáo thực chất vấn đề, người ta đã vội vã nghĩ rằng Vũ Trọng Phụng có vấn đề chính trị nghiêm trọng!” (Văn học Việt Nam 1930 – 1945, Nxb. Giáo dục, H, 1999).

Bản thân nhà văn Vũ Trọng Phụng, trong cuộc bút chiến với nhóm Ngày nay, để bảo vệ lối viết tả chân của mình, cũng từng nhắc đến, với hàm ý so sánh, những tìm tòi về chất liệu tự sự của mình với mối quan tâm của nhà văn cách mạng Maxim Gorky, bên cạnh những Hugo, Dostoivxki, Zola, Marlraux… Nhà thơ Lưu Trọng Lưu, và sau này là Nguyễn Đình Thi, khi bàn về Vũ Trọng Phụng, cũng ví ông với bậc thầy của chủ nghĩa hiện thực phê phán, Balzac: “Vũ Trọng Phụng, đối với thời đại của Vũ Trọng Phụng cũng giống như Balzac đối với thời đại của Balzac. Hai văn tài tuy có cách biệt nhưng ở đây người ta cũng thấy một cái giọng chua chát, bực dọc ấy” (Lưu Trọng Lư), “Vũ Trọng Phụng cũng như Balzac, chép đúng được thực tại nên có giá trị cách mạng” (Nguyễn Đình Thi).

GS. Lê Đình Kỵ nhận định, sau Cách mạng, việc khen chê Vũ Trọng Phụng có lúc xuất phát từ những lý do ngoài văn học, chê Vũ Trọng Phụng là nhằm bảo vệ đường lối văn nghệ của Đảng, bảo vệ chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa, chống lại việc đề cao chủ nghĩa hiện thực phê phán, dù là của Vũ Trọng Phụng hay của Sêkhốp… (Tạp chí Văn học số 6/1992).

Việc đào sâu khai thác, diễn giải sáng tác của Vũ Trọng Phụng ở góc độ chính trị hay – dở, đúng – sai, hợp lý – chưa hợp lý, hoặc tiếp cận khác trước… như thế nào, ở đây chúng tôi không bàn đến, mà chỉ xin cung cấp lại một số tư liệu – ý kiến có liên quan trên đây, như một gợi nhắc thiện chí đối với những bạn đọc quan tâm, rằng, đã có thời chúng ta thường lấy tiêu chuẩn của văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa để đánh giá văn học hiện thực phê phán, văn học lãng mạn, dùng quan điểm chính trị để định vị và xét giá trị văn nghiệp của Vũ Trọng Phụng.


Hải Anh

Nguồn: Toquoc