“Chúng ta phải tin ở các nhà sử học trong việc miêu tả sự kiện, và các nhà sử học phải tin vào sự hiểu biết của chúng ta về trái tim con người” (S. Salygin).

Đi sâu khảo sát các sáng tác về đề tài lịch sử có thể nhận thấy những bước chuyển tiếp, giao thoa và phát triển đáng chú ý. Trước hết là số tác phẩm thường được duy danh qua các phụ đề như “truyện danh nhân”, “danh nhân lịch sử”, “truyện ký lịch sử”, “gương sáng ngàn năm”, “vì sao đất nước”… Những tác phẩm này thường lấy chính danh nhân làm đối tượng phản ánh, lấy tiểu sử và sự nghiệp làm cốt truyện và theo sát tính chính xác của các biến cố, sự kiện lịch sử, không tô vẽ, hư cấu quá xa thực tế. Tác giả của những thiên truyện này chủ yếu là các nhà khảo cứu văn hóa – lịch sử, nhà giáo am tường danh nhân (chẳng hạn, Bùi Văn Nguyên, Vũ Ngọc Khánh, Nguyễn Lộc, Quỳnh Cư viết về Liễu Hạnh, Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ; và các tập truyện Vườn kỳ trong phủ chúa, Quan Tổng trấn Bắc thành của nhiều tác giả…). Phần chủ yếu nằm ở trung tâm dòng chảy đề tài lịch sử in đậm vai trò chủ thể sáng tạo là các tác phẩm được định vị qua hệ thống các thể loại như tiểu thuyết, truyện ngắn (chẳng hạn, Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Xuân Khánh, Hoàng Quốc Hải, Ngô Văn Phú, Hoài Anh, Nguyễn Quang Thân…), kịch lịch sử (chẳng hạn, Nguyễn Đình Thi, Lê Duy Hạnh và liên hệ với Hội diễn Chèo toàn quốc năm 2009 tổ chức tại thành phố Hạ Long có 12/19 vở hướng về các đề tài lịch sử, danh nhân, anh hùng địa phương…). Trên thực tế, các sáng tác về đề tài lịch sử trong nước và trên thế giới cũng không hiếm các trường hợp gây nên những cuộc bàn cãi và cảm ứng tiếp nhận khác nhau. (Đơn cử về Thái hậu Dương Vân Nga (thế kỷ X) được coi là “bất chính” hay “nhân văn”, “đại nghĩa”? Nhân vật Janđa trong lịch sử Pháp (thế kỷ XV) được nhìn nhận là “tà đạo”, “quỷ nữ” hay là “thánh nữ”, “anh hùng giải phóng dân tộc”?…). Rõ ràng “số phận lịch sử” của kiểu sáng tác lịch sử này cần được xem xét một cách nghiêm túc trên tất cả các phương diện tâm lý sáng tạo nghệ thuật, biên giới của tưởng tượng, tâm lý tiếp nhận và khả năng phát triển của đề tài – thể tài để giúp ích cho định hướng nhận thức sâu sắc, toàn diện hơn về quá khứ lịch sử và dân tộc(1)

Bàn về đề tài/ chủ đề/ thể tài lịch sử, trước hết có lẽ cần khu biệt kiểu sáng tác mà nhân vật và sự kiện lịch sử dường như chỉ là cái cớ để tác giả tưởng tượng, hư cấu một cốt truyện hoàn toàn khác; thay vì mô tả hiện thực sự thật là một hiện thực nghệ thuật giả định, thay vì nhận thức kinh nghiệm lịch sử là tâm tưởng bổ sung một cách hình dung mới về nhân vật và diện mạo lịch sử. Đây là trường hợp các truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp được gợi tứ từ các nhân vật lịch sử như Nguyễn Trãi, Nguyễn Thị Lộ, Nguyễn Huệ, Nguyễn Du, Nguyễn Ánh, Hồ Xuân Hương, Hoàng Hoa Thám, Tú Xương, Nguyễn Thái Học(2)… đã tạo nên những luồng dư luận khác nhau sôi nổi một thời.

Bàn đến sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp về đề tài lịch sử là một vấn đề khó, phức tạp, không dễ thống nhất và làm thành một thách thức, một “phép thử” cho những quan niệm tư tưởng nghệ thuật và cách lý giải khác nhau. Tuy nhiên, trên thực tế không thể lảng tránh, buông xuôi, bỏ qua hiện tượng Nguyễn Huy Thiệp một khi bàn đến chủ điểm “Sáng tạo văn học, nghệ thuật về đề tài lịch sử”.

Có thể nói hầu hết các các tác phẩm viết về đề tài lịch sử liên quan đến các danh nhân nói trên của Nguyễn Huy Thiệp đều có thể được lược qui về kiểu truyện “giả lịch sử”, “phỏng lịch sử”, “nhại lịch sử”… Dù mức độ đậm nhạt có khác nhau nhưng nhìn chung hiện thực lịch sử chỉ là cái cớ để Nguyễn Huy Thiệp sáng tạo nên những cốt truyện mới, những hoàn cảnh mới và những tính cách nhân vật kiểu mới. Nhà văn dẫn dắt độc giả đến với những số phận, cảnh đời, sự kiện, tình tiết, không gian, thời gian khác lạ, không hề có trong chính sử, tạo nên một hiện thực lịch sử nào khác và khiến bạn đọc phải băn khoăn với những trang hiện thực lịch sử giả tưởng ấy. Điều này khiến độc giả – cụ thể và chuyên nghiệp hơn là giới phê bình – buộc phải bày tỏ thái độ, phân chia chiến tuyến, trình diễn những cách tiếp nhận riêng tùy theo tập quán và quán tính văn hóa của mình. Vào năm 1988, khi Nguyễn Huy Thiệp in hai truyện ngắn Vàng lửaPhẩm tiết trên báo Văn nghệ, ngay sau đó đã xuất hiện nhiều ý kiến phản bác mạnh mẽ. Căn nguyên của sự phản bác này có hai lý do mà tự nhà phê bình cũng đã thừa nhận một cách không tự giác. Thứ nhất, ý kiến cho rằng: “Vàng lửa là một truyện ký danh nhân, lịch sử” (điều này thể hiện là một sai lầm trong nhận thức về bản chất thể loại) và dẫn đến lối mòn tiếp nhận thực dụng, đòi hỏi nhà văn phải trả lời câu hỏi theo lối minh họa, hiển ngôn: “Điều người đọc quan tâm chủ yếu là qua hình tượng, ngôn ngữ nghệ thuật, họ muốn biết nhà văn nói gì, giải quyết vấn đề gì, những cái đó có phản ánh đúng bản chất lịch sử hay không, có đem lại cho họ những xúc động sâu xa không?”; thứ hai, khẳng định cách nhìn, suy nghĩ, tập giảng theo lối mòn, “bắt vít” vào những định đề xưa cũ: “Theo quan niệm của chúng ta từ trước tới nay…” (điều này khiến cho bản thân nhà phê bình không biết “tự cởi trói”, không mở đường tiếp cận được với cái mới và cản trở sự phát triển của tư duy sáng tạo nghệ thuật)(3)… Đặt trong tương quan chung, xem ra người làm phê bình lại chưa theo kịp những định hướng đổi mới của đời sống văn nghệ. Bởi lẽ từ một năm trước đó, trong quá trình khởi động và phát triển đường lối văn nghệ, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã nắm bắt thực tế tình hình văn nghệ đất nước, dành ra hai ngày tham dự hội thảo (ngày 6, 7 tháng 10-1987) và có bài nói chuyện quan trong cuộc gặp gỡ văn nghệ sĩ và các nhà hoạt động văn hóa. Mặc dù đối tượng chủ yếu ở đây là các nhà quản lý và hướng đến hoạt động sáng tác nhưng tinh thần chung hoàn toàn có tác động trực tiếp và sâu sắc đến đội ngũ các nhà nghiên cứu, phê bình văn học: “Các đồng chí có nói nhiều đến sự “cởi trói”. Có như vậy mới phát huy được hết khả năng trong lĩnh vực của các đồng chí. “Cởi trói” như thế nào? “Cởi trói” nói ở đây trước hết tôi nghĩ rằng Đảng phải cởi trói. Cởi trói trong lĩnh vực tổ chức, chính sách, trong các quy chế, chế độ… Nghe các đồng chí phát biểu tôi cũng không ngờ rằng trong lĩnh vực này cũng có nhiều quản lý hành chính bao cấp, tới đây phải sửa và phải xây dựng những văn bản pháp quy nhằm bảo đảm sự phát triển cho ngành các đồng chí. Đảng và Nhà nước phải bắt tay mau lẹ vào công việc này”; đồng thời nhấn mạnh sự thay đổi từ quan niệm, cơ chế, đường lối đến việc phát huy tinh thần tự chủ vốn được coi là bản chất và phẩm chất, bản lĩnh của người hoạt động trên lĩnh vực văn hóa văn nghệ: “Một mặt khác, tôi nghĩ, trong lĩnh vực của các đồng chí, không thể có ai khác hơn là các đồng chí phải tự làm. Hồi sáng, nhân có ý kiến đồng chí nào đó phát biểu, tôi có nói chen vào “Hãy tự cứu lấy mình trước khi trời cứu” là trên ý nghĩa như vậy. Chính các đồng chí cũng đòi hỏi rằng trong lĩnh vực của các đồng chí, không được áp đặt mọi công việc như đặt con tàu chạy trên đường ray, các đồng chí cần được tự do lo liệu cho các công việc của mình. Nếu như trong lĩnh vực kinh tế hiện nay cần phát huy dân chủ cho người sản xuất thì ở lĩnh vực của các đồng chí, các đồng chí cũng phải làm chủ”(4)

Về cơ bản, tôi cho rằng những sáng tác về đề tài lịch sử của Nguyễn Huy Thiệp rất mới nếu so với kiểu sáng tác “truyện ký danh nhân, lịch sử” (1945-1975) nhưng lại là không mới (đúng hơn là sự trở lại, tiếp nối phương thức nghệ thuật thể hiện đề tài lịch sử giai đoạn 1932-1945). Đương nhiên thời Pháp thuộc vẫn có chế độ kiểm duyệt (có sách bị tịch thu hoặc bài báo bị cắt, phải bỏ trắng cả trang) nhưng được thực hiện công khai, có người chịu trách nhiệm và được đảm bảo bằng những qui phạm pháp luật. Một thời không có ai trói ai và cũng không ai nghĩ đến chuyện “cởi trói”, “tự cởi trói” nên nhà văn cứ hồn nhiên cảm nhận, suy tư, chiêm nghiệm, thử nghiệm, tái tạo lịch sử bằng sáng tạo nghệ thuật. Thế cho nên Nguyễn Tử Siêu (1898-1965) viết Đỉnh núi cành mai, Tiếng sấm đêm đông, Đinh Tiên Hoàng, Lê Đại Hành, Trần Nguyên chiến kỷ, Việt Thanh chiến sử; TchyA Đái Đức Tuấn (1908-1969) viết Kho vàng Sầm Sơn; Nguyễn Huy Tưởng (1912-1960) viết Đêm hội Long Trì, Vũ Như Tô, Cột đồng Mã Viện, An Tư công chúa; Trương Tửu (1913-1999) viết Tráng sĩ Bồ Đề, Năm chàng hiệp sĩ, v.v… đều thỏa sức tưởng tượng, tạo lập được nhiều cốt truyện và nhân vật ly kỳ, sinh động, khác biệt rất nhiều so với chính sử.

Tôi xác định những sáng tác về đề tài lịch sử của Nguyễn Huy Thiệp không mới khi đặt trong tương quan với những sáng tạo cùng kiểu thức trong văn học giai đoạn 1932-1945. Chẳng hạn, Nguyễn Huy Thiệp có lối mở đầu và kết thúc “bịa như thật”, nói rằng mình đã được nghe kể, chứng kiến, có nhân chứng, vật chứng… thì TchyA Đái Đức Tuấn trong Kho vàng Sầm Sơn (1940) cũng có Lời nói đầu giăng mắc giữa thực và ảo, giữa tiếng nói người kể chuyện và kỹ xảo của nhà tiểu thuyết:

“Vào khoảng năm 1934, ở bãi Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa, phía Bắc Trung Kỳ, nhà nước có khám phá được một kho vàng chìm đắm dưới đáy bể.

Khi tài sản nghiệp lớn ấy lên mặt đất người ta thấy có mấy trăm thoi vừa vàng vừa bạc, hình chữ nhật, dài độ gang tay, trên thoi nào cũng có khắc dấu chữ ĐỨC. Lại thấy rất nhiều tiền Cảnh Hưng và các thứ tiền Tàu, từ đời Vạn Lịch (Minh Thần Tôn) cho đến đời Càn Long (Thanh Cao Tôn). Thiên hạ nhao nhao bàn tán về gốc tích kho vàng ấy, nhưng không ai biết rõ về nguồn rễ nó từ đâu. Có kẻ bảo đó là vàng của hai anh em vua Thái Đức nhà Tây Sơn lấy ở các kho trong thành Thăng Long rồi cho tải đi trong khi kéo quân ở Bắc Hà về Nam. Vẫn biết rằng Nguyễn Nhạc lúc ở Thăng Long về, có sai người lấy hết cả kho tàng nhà Lê đem đi, nhưng đoàn quân của Nhạc và Huệ lúc ấy có một vạn hùng binh, có voi ngựa xe pháo, tất họ phải chuyển về bằng đường bộ, bên mình họ, cho chắc chắn, có lẽ nào lại dùng thuyền đi đường bể để đến nỗi bị đắm ở Sầm Sơn?

Xét trong lịch sử, kho vàng bạc kia ắt phải thuộc về đời Lê mạt. Nếu trong thời Lê Quý, sản nghiệp đó không phải của hai anh em Tây Sơn, thì chỉ còn là của Hữu Quân đô đốc Nguyễn Hữu Chỉnh.

…Chỉnh bị Nguyễn Nhạc, theo lời gièm pha của rể là Võ Văn Nhậm, bỏ một mình ở lại Bắc Hà, nên ngày hôm sau sợ quá, cho cả của cải lên thuyền, chạy theo về Nghệ. Chỉnh là người có mưu trí, không bao giờ đem vàng bạc ở bên người, phần sợ thuyền nặng khó đi nhanh, phần sợ bị cướp hại đến mạng. Thế tất Chỉnh phải giao tài sản cho con trông coi hộ, mình thì cưỡi thuyền nhẹ theo Nhạc về cho mau.

Cứ xem như thế, kho vàng kia tất là của Nguyễn Hữu Chỉnh. Dựa vào lời phỏng đoán có nhiều phần đúng sự thật ấy, tôi viết bộ truyện ly kỳ này, một là để tưởng nhớ lại một thời oanh liệt đã qua, hai là để hiến các bạn một thể truyện lịch sử mới.

Câu chuyện này hoàn toàn là một truyện dã sử, nhưng nó có liên lạc mật thiết với chính sử nước nhà. Có lắm đoạn, tôi phải chép gần đúng văn của ông Trần Trọng Kim nhà làm sử cương trực và uyên bác đã soạn ra bộ Việt Nam sử lược.

Những vật liệu tôi góp nhặt để xây đắp câu chuyện “kho vàng” này, nó không đúng hẳn với các việc chép trong chính sử đâu; song le, dù nó đúng hay không đúng, tôi cũng không quản ngại: tôi chỉ muốn dựa vào lịch sử để tạo ra một tiểu thuyết, có phải muốn dùng tiểu thuyết ấy để làm sống một thời lịch sử đâu?

Các bạn đọc truyện này hãy nên lượng cho tôi chỗ đó. Cái cốt truyện hay, giãi bằng một thể văn không tẻ, đó là sở nguyện của tôi. Nếu bạn cho là tôi đã đạt được mục đích ấy, tôi lấy làm sung sướng lắm rồi. Một nhà văn còn đâu dám tự phụ mình cũng là một sử gia uyên bác?”, và có thêm phần lạc khoản: “Ngày mùng hai tháng tư năm Bính Dần – TCHYA” (NHS nhấn mạnh)(5)

Ở đây TchyA cũng xây dựng nhân vật Bắc Bình vương Nguyễn Huệ như một kẻ nhẫn tâm, tiểu khí, tâm địa hẹp hòi, đố kỵ người tài:

…“Đại đội hùng binh vừa tới nơi, vương truyền lịnh kéo thẳng đến hành doanh Võ Văn Nhậm, trói gô Nhậm lại giải ra chợ trảm quyết.

Nhậm vừa lấy làm lạ, vừa kinh sợ, không hiểu vì lẽ gì chú vợ mình lại xử tệ với mình. Y lạy phục xuống thềm, khóc lóc kể lể nỗi oan ức và xin Nguyễn Huệ khoan dung cho. Bắc Bình vương chỉ lắc đầu, cười gằn, không nói gì cả, sai lính đưa ra cho Nhậm một mảnh giấy nhỏ, trên có đề mười hai chữ rõ rệt: “Bất tu đa ngôn; nhữ tài quá ngã, phi sở ngã dụng” (Chớ khá nhiều lời; tài mày hơn tao, tao không dùng được).

Nhậm mượn đọc xong, không còn biết nói thế nào, chỉ kêu trời kêu đất, oán thán phận mình. Nhậm biết rằng Huệ đã truyền lệnh, có xin van cũng vô ích. Tài Huệ nào có kém Nhậm, nhưng Huệ nói thế, chỉ để có cớ giết Nhậm mà thôi. Một người hữu ý, một kẻ vô tình; ai tránh cho khỏi tai vạ mà tha nhân đã lập tâm gieo trên đầu mình một cách quá tự nhiên, vô lý?”(6)

Về sau này, kể cả đến Nguyễn Huy Thiệp, không thấy ai gọi tên suồng sã “Nhậm, Nhậm, Huệ, Huệ…” giọng điệu tiểu thuyết như thế nữa!

Với Nguyễn Huy Tưởng, về đề tài lịch sử, chưa thấy ai đi xa hơn ông trong việc sáng tạo nên cả một thế giới nhân vật, một bức tranh lịch sử mới, một hiện thực lịch sử mới khác rất xa chính sử.

Với Trương Tửu, ông có viết dã sử – giả sử, thường được gọi là “truyện dã sử” hay “tiểu thuyết dã sử”. Trong thực chất, cả hai tiểu thuyết Tráng sĩ Bồ Đề(7) Năm chàng hiệp sĩ(8) (bút danh Mai Viên) đều thuộc loại tiểu thuyết lịch sử, có thời gian, bối cảnh, sự kiện, có mối liên hệ với một vài nhân vật được ghi chép trong chính sử. Tiểu thuyết Tráng sĩ Bồ Đề (2 quyển, 14 chương) nương theo sự kiện Thập đạo tướng quân Lê Hoàn thay thế nhà Đinh vào giai đoạn cuối thế kỷ X. Tuy nhiên, hoạt động của các tráng sĩ Bồ Đề, Bạch Hạc và các cô Minh Tâm, Kim Chi trong đảng Từ Bi đối lập với đảng Thập Đạo nơi kinh thành cho thấy màu sắc hiện đại hóa và dấu ấn ảnh hưởng không khí xã hội đương thời. Tiểu thuyết Năm chàng hiệp sĩ (2 quyển, 14 chương) lại lấy bối cảnh lịch sử xã hội thời Lý Anh Tông (1138-1175), xây dựng nhiều nhân vật đảng viên trung kiên của đảng Quần Anh đan xen những mối tình lãng mạn, những hoạt động do thám, thủ tiêu, lật đổ. Điều này khiến thiên tiểu thuyết gia tăng chất truyện trinh thám, cốt truyện vụ án, đường rừng, đưa lại sự hấp dẫn, ly kỳ, hồi hộp cho người đọc. Nhìn chung, cả hai thiên tiểu thuyết lịch sử này đều được “tiểu thuyết hóa” ở mức độ cao, hư cấu thêm nhiều nhân vật, sự kiện, chi tiết, tình tiết. Đây cũng chính là điều sở đắc của loại tiểu thuyết lịch sử (dã sử) của Trương Tửu trong dòng tiểu thuyết lịch sử nói chung(9)

Đặt một sự so sánh nói trên để thấy rằng các nhà văn trước cách mạng tháng Tám 1945 khi sáng tác về đề tài lịch sử có thiên hướng phát triển tư duy tiểu thuyết chứ không chỉ dừng lại ở mức viết “truyện ký danh nhân, lịch sử”; theo đó họ hướng tới sáng tạo nên những thế giới nhân vật kiểu mới, đưa đến những cách hình dung mới về lịch sử và nhân vật lịch sử. Định hướng quan niệm nghệ thuật kiểu này cũng từng được Nguyễn Huy Thiệp đề cập đến và ký thác qua đoạn văn giả tưởng trong truyện ngắn Phẩm tiết: “Con gái ông Quách Ngọc Minh là Quách Thị Trình hỏi tôi có biết gì về người phụ nữ nằm trong ngôi mộ hay không? Tôi băn khoăn quá. Phải là người mơ mộng và nghiêm khắc mới hiểu rằng biết hoặc không biết, đều chỉ là những ước lệ mơ hồ, có tính lịch sử và hạn chế(10)… Trước lịch sử, nhà văn (kể cả nhà sử học) biết được mấy phần sự thật về một Lê Văn Thịnh, Trần Thủ Độ, Trần Hưng Đạo, Huyền Quang, Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Hoàng Hoa Thám, Lê Hoan?… Nhà văn được phép hình dung bao nhiêu dáng vẻ chân dung về tài năng, nhân cách của họ?

Này đây, Đại Việt sử ký toàn thư ghi về Lê Văn Thịnh:

– Bính Tý, [Hội Phong] năm thứ 5 [1096], (Tống Thiệu Thánh năm thứ 3). Mùa xuân, tháng 3, Lê Văn Thịnh mưu làm phản, tha tội chết, an trí ở Thao Giang. Bấy giờ vua ra hồ Dâm Đàm, ngự trên thuyền nhỏ xem đánh cá. Chợt có mây mù nổi lên, trong đám mù nghe có tiếng thuyền bơi đến, tiếng mái chèo rào rào, vua lấy giáo ném. Chốc lát mây mù tan, thấy trong thuyền có con hổ, mọi người sợ tái mặt, nói: “Việc nguy rồi!”. Người đánh cá là Mạc Thận quăng lưới trùm lên con hổ, thì ra là Thái sư Lê Văn Thịnh. Vua nghĩ Thịnh là đại thần có công giúp đỡ, không nỡ giết, đày lên trại đầu Thao Giang. Thưởng cho Mục Thận quan chức và tiền của, lại cho đất ở Tây Hồ làm thực ấp. Trước đấy Văn Thịnh có gia nô người nước Đại Lý có phép thuật kỳ lạ, cho nên mượn thuật ấy toan làm chuyện thí nghịch”(11)

Này đây, Đại Việt sử ký toàn thư ghi về Trần Thủ Độ:

– Bính Tuất, [Kiến Trung] năm thứ 2 [ 1266], (Tống Bảo Khánh năm thứ 2)… Mùa thu, tháng 8, ngày mồng 10, Trần Thủ Độ giết Lý Huệ Tông ở chùa Chân Giáo.

Trước đó, Thượng hoàng nhà Lý có lần ra chơi chợ Đông, dân chúng tranh nhau chạy đến xem, có người thương khóc. Thủ Độ sợ lòng người nhớ vua cũ, sinh biến loạn, cho dời đến ở chùa Chân Giáo; bề ngoài giả vờ là để phụng sự, nhưng bên trong thực ra là để dễ bề giữ chặt.

Có lần Thủ Độ qua trước cửa chùa, thấy Huệ Tông ngồi xổm nhổ cỏ, Thủ Độ nói: “Nhổ cỏ thì phải nhổ cả rễ sâu”.

Huệ Tông đứng dậy, phủi tay nói: “Điều ngươi nói, ta hiểu rồi”.

Đến nay, sai người bày biện hương hoa đến bảo [Huệ Tông]: “Thượng phụ sai thần đến mời”…

Thượng hoàng nhà Lý nói: “Ta tụng kinh xong sẽ tự tử”.

Nói rồi vào buồng ngủ khấn rằng: “Thiên hạ nhà ta đã vào tay ngươi, ngươi lại còn giết ta, ngày nay ta chết, đến khi thác con cháu ngươi cũng sẽ bị như thế”. Bèn thắt cổ tự tử ở vườn sau chùa.

Thủ Độ ra lệnh cho các quan đến khóc, khoét tường thành phía nam cửa (người bấy giờ gọi là “cửa khoét”), đưa linh cữu ra phường Yên Hoa để thiêu, chứa xương vào tháp chùa Bảo Quang, tôn miếu hiệu là Huệ Tông. Giáng hoàng hậu của Huệ Tông làm Thiên Cực công chúa, gả cho Trần Thủ Độ, cho châu lạng làm ấp thang mộc…

– Nhâm Thìn, [Kiến Trung] năm thứ 8 [1232], (Từ tháng 7 về sau là Thiên Ứng Chính Bình năm thứ 1, Tống Thiệu Định năm thứ 5)…

Tháng 8, gió lớn, dân gian phát dịch lệ, nhiều người chết.

Trần Thủ Độ giết hết tôn thất nhà Lý.

Khi ấy, Thủ Độ chuyên chính lâu ngày, đã giết Huệ Tông, tôn thất nhà Lý đều bùi ngùi thất vọng.

Mùa đông năm ấy, nhân người họ Lý làm lễ tế các vua Lý ở Thái Đường, Hoa Lâm, Thủ Độ ngầm đào hố sâu, làm nhà lên trên, đợi khi mọi người uống rượu say, giật máy chôn sống hết.

(Xét thời Trần Anh Tông còn có người họ Lý làm tướng, hơn nữa [Phan] Phu Tiên không ghi lại, việc này chưa chắc đã có thực, hãy tạm chép vào đây)(12)

Này đây, Đại Việt sử ký toàn thư ghi về Trần Quốc Tuấn:

– Tân Hợi, [Thiên Ứng Chính Bình] năm thứ 20 [1251], (Từ tháng 2 về sau là Nguyên Phong năm thứ 1, Tống Thuần Hựu năm thứ 11, Nguyên Hiến Tông Mông Kha năm thứ 1)…

Gả trưởng công chúa Thiên Thành cho Trung Thành Vương (không rõ tên). Con trai Yên Sinh Vương là Quốc Tuấn cướp lấy. Công chúa về với Quốc Tuấn.

Ngày 15 tháng ấy, vua mở hội lớn 7 ngày đêm, bày các tranh về lễ kết tóc và nhiều trò chơi cho người trong triều ngoài nội đến xem, ý muốn cho công chúa Thiên Thành làm lễ kết tóc với Trung Thành Vương.

Trước đó, vua cho công chúa Thiên Thành đến ở trong dinh Nhân Đạo Vương (Nhân Đạo Vương là cha Trung Thành Vương). Quốc Tuấn muốn lấy công chúa Thiên Thành, nhưng không làm thế nào được, mới nhân ban đêm lẻn vào chỗ ở của công chúa thông dâm với nàng.

Công chúa Thụy Bà (chị ruột của Thái Tông, cô của Quốc Tuấn, nuôi Quốc Tuấn làm con) liền đến gõ cửa điện cáo cấp. Người coi cửa vội vào tâu. Vua hỏi có việc gì, Thụy Bà trả lời: “Không ngờ Quốc Tuấn ngông cuồng càn rỡ, đang đêm lẻn vào chỗ Thiên Thành, Nhân Đạo đã bắt giữ hắn rồi, e sẽ bị hại, xin bệ hạ rủ lòng thương, sai người đến cứu”.

Vua vội sai nội nhân đến dinh Nhân Đạo Vương. Đến nơi, thấy yên lặng, bèn vào chỗ Thiên Thành, thì thấy Quốc Tuấn đã ở đấy. Nhân Đạo bấy giờ mới biết chuyện.

Hôm sau, Thụy Bà dâng 10 mâm vàng sống, tâu rằng: “Vì vội vàng nên không sắm được đủ lễ vật”.

Vua bắt đắc dĩ phải gả công chúa Thiên Thành cho Quốc Tuấn, lấy 2000 khoảnh ruộng ở phủ Ứng Thiên để hoàn lại sính vật cho Trung Thành Vương”(13), v.v…

*

Từ thực tế những tác phẩm viết về đề tài lịch sử của Nguyễn Huy Thiệp đặt trong tương quan điểm nhìn lý luận, bản chất lịch sử và bài học kinh nghiệm sáng tác, xin nhấn mạnh thêm ba nội dung sau.

Thứ nhất, cần phải có niềm tin vào người sáng tác và người đọc tác phẩm viết về đề tài lịch sử. Khó mà qui kết những tài năng văn chương và cả giới bạn đọc lại nhầm lẫn và mưu mô đi “lật đổ thần tượng” của dân tộc mình làm gì. Chỉ có sự thiện chí ấy mới giúp những người cùng chung đội ngũ không nâng quan điểm, không qui chụp nhau và có thể cùng nhau bàn luận, ngõ hầu tìm đến những cách lý giải thỏa đáng.

Thứ hai, cần đặt những sáng tác về đề tài lịch sử của Nguyễn Huy Thiệp và nhiều tác giả đương đại khác trong dòng chảy kinh nghiệm và lịch sử sáng tạo văn học – nghệ thuật về đề tài lịch sử, chí ít là những thành tựu trong nền văn học hiện đại, nền văn học Quốc ngữ từ đầu thế kỷ XX đến nay.

Thứ ba, trước những vấn còn đương tranh luận, cần có những cuộc trao đổi thật sự dân chủ, bình đẳng, không bao biện, bao cấp chân lý. Trong một tầm nhìn xa, cần tổ chức nhiều những cuộc hội thảo, tọa đàm, thuyết trình, khảo sát chuyên sâu những sáng tác về đề tài lịch sử ở từng thời đại, từng giai đoạn, từng thể loại, từng tác giả và từng tác phẩm cụ thể. Một cơ chế tổ chức và quản lý văn nghệ tiến bộ (trong đó gồm cả những sáng tạo văn học, nghệ thuật về đề tài lịch sử) bao giờ cũng cần dựa trên nền tảng tri thức, mở đường cho sáng tạo và phát triển.

PGS. TS. Nguyễn Hữu Sơn

Nguồn: Toquoc

_______________


(1) Xin xem Nguyễn Hữu Sơn: Sáng tác về đề tài lịch sử, trong sách Điểm tựa phê bình văn học. Nxb. Lao động, H., 2000, tr.42-49.

(2) Nguyễn Huy Thiệp: Tướng về hưu. NXB Trẻ – Tuần báo Văn nghệ (Hội Nhà văn Việt Nam), Tp Hồ Chí Minh, 1988, 228 trang.

– Xem thêm Tuyển tập truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp (Anh Trúc tuyển chọn). NXB Phụ nữ, H., 2001, 388 trang.

(3) Tạ Ngọc Liễn: – Về truyện ngắn Vàng lửa của Nguyễn Huy Thiệp Văn nghệ, số 26, ra ngày 26-6-1988), in lại trong sách Đi tìm Nguyễn Huy Thiệp (Phạm Xuân Nguyên sưu tầm, biên soạn). Nxb. Văn hoá – Thông tin, H., 2001, tr.169-178.

Về mối quan hệ giữa sử và văn. Nhân dân, số 12464, ra ngày 28-8-1988), in lại trong sách Đi tìm Nguyễn Huy Thiệp. Sđd, tr.165-171.

(4) Bài nói chuyện của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh trong cuộc gặp gỡ văn nghệ sĩ và các nhà hoạt động văn hóa (7 tháng 10 năm 1987). Tạp chí Văn học, số 1-1988, tr.11-16.

(5) TchyA: Kho vàng Sầm Sơn. Tái bản. Nxb. Nam Cường, Sài Gòn, 1953, tr.V-VII.

(6) TchyA: Kho vàng Sầm Sơn. Tái bản. Sđd, tr.135-136.

(7) Mai Viên: Tráng sĩ Bồ Đề. Nxb. Hàn Thuyên, H., 1942. In lại trong Trương Tửu – Tuyển tập văn xuôi (Nguyễn Hữu Sơn sưu tầm, biên soạn). Nxb. Lao động, H., 2009, tr.597-751.

(8) Mai Viên: Năm chàng hiệp sĩ. Nxb. Hàn Thuyên, H., 1942. In lại trong Trương Tửu – Tuyển tập văn xuôi. Sđd, tr.753-885.

(9) Nguyễn Hữu Sơn: Văn xuôi Trương Tửu trước cách mạng tháng Tám 1945, trong sách Trương Tửu – Tuyển tập văn xuôi. Sđd, tr.5-21.

(10) Nguyễn Huy Thiêp: Phẩm tiết, trong sách Tuyển tập truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp. Sđd, tr.242.

(11) Tham khảo Đại Việt sử ký toàn thư, Tập I (Ngô Đức Thọ dịch, chú). Nxb KHXH, H., 1998, tr.283.

(12) Tham khảo Đại Việt sử ký toàn thư, Tập II (Ngô Đức Thọ dịch, chú). Nxb KHXH, H., 1998, tr.8, 14.

(13) Tham khảo Đại Việt sử ký toàn thư, Tập II. Sđd, Nxb KHXH, H., 1998, tr.23.