Nhà văn trẻ Anh Khang giao lưu và ký tặng sách cho độc giả |
VH- Các tác giả trẻ hiện đang là lực lượng lớn chiếm lĩnh thị trường sách, bởi họ không chỉ viết mà còn biết giao lưu, quảng bá sách cho mình. Và bên cạnh không ít cây bút văn học mạng ăn xổi, chạy theo xu thế đáp ứng nhu cầu thị trường thì một bộ phận nhà văn trẻ vẫn cần mẫn khẳng định mình bằng dòng văn học chính thống. Nhưng sẽ là vô nghĩa và chẳng biết bao giờ mới có nền văn học phát triển, khi người viết trẻ ngày nay cứ mạnh ai nấy làm.
Thời của nhà văn trẻ lên ngôi
Trước xu thế hội nhập như hiện nay, các nhà văn trẻ đã và đang mang đến cho văn học nước nhà những luồng sinh khí mới với âm hưởng lạ và hiện đại. Một loạt tên tuổi đã tham gia góp mặt vào diện mạo văn học trẻ như Nguyễn Danh Lam, Nguyễn Ngọc Thuần, Trần Nhã Thụy, Phan Hồn Nhiên, Di Li, Nguyễn Đình Tú, Đặng Thiều Quang, Khánh Phương, Nguyễn Ngọc Tư, Phong Điệp, Lưu Sơn Minh, Đỗ Bích Thúy, Bình Nguyên Trang, Lê Thiếu Nhơn, Nguyễn Văn Học, Lữ Thị Mai, Văn Thành Lê, Nguyễn Minh Nhật, Lê Minh Nhựt, Đinh Phương, Chu Thị Minh Huệ, Vũ Thị Huyền Trang, Fan Tuấn Anh, Nguyễn Quang Hưng, Yến Linh, Lê Quang Trạng, Anh Khang… Nhiều tác giả đã có nhiều tác phẩm xuất bản, như Nguyễn Văn Học có một loạt tiểu thuyết: Rơi xuống vực sâu, Khi vết thương nằm xuống, Hỗn danh, Hoa giang hồ; Văn Thành Lê có Biết khi nào mưa thôi rơi, Con gái tuổi Dần, Thừa ra một người; Đinh Phương có Chờ đến lượt, Nhụy khúc; Chu Thị Minh Huệ có Dốc chín khoanh; Diễm Trác có Hồn lau trắng; Nguyễn Quỳnh Trang có tiểu thuyết Nhiều cách sống, Mất ký ức, 1981; Hồ Huy Sơn cóCơm nhà, cơm người, Ngày lạ, Anh Khang có Buồn làm sao buông, Đi đâu cũng nhớ Sài Gòn và em…
Các nhà văn trẻ hôm nay đều rất tự tin và mạnh dạn, đặc biệt họ có thế mạnh về viết truyện ngắn, tiểu thuyết. Chẳng hạn như đọc Ma mèo, Phòng trọ, Lạc chốn thị thành, Ga ký ức… của nhà văn Phong Điệp mới thấy chị rất nghiêm túc trong nghề nghiệp, luôn nỗ lực kiếm tìm con đường văn chương của mình.
Qua những tên tuổi trên có thể hình dung phần nào diện mạo của nền văn học Việt Nam hiện nay cũng như trong tương lai gần. Các cây bút trẻ ở VN hiện nay coi Internet là sân ga đểkhởi hành cho các tác phẩm của mình. Tuy nhiên không phải tác phẩm nào tung lên mạng cũng trở thành tác phẩm văn học, không ít cây viết trẻ giờ đây sáng tác theo kiểu “mì ăn liền”, chiều theo thị hiếu của một bộ phận bạn đọc trẻ thích dòng sách ngôn tình, nhạt nhẽo, mà những người làm phê bình văn học trẻ cho rằng đólà dòng “văn học thời trang”. Vì thế, muốn có những tác phẩm thực sự hay phải thông qua sự “kiểm nghiệm” của độc giả và con số này ở VN cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay như: Trần Thu Trang với Phải lấy người như anh, Cocktail cho tình yêu, 99 tuần buôn chuyện, Keng với Dị bản, Hà Kin với Chuyện tình New York, Cấn Vân Khánh với Người đàn ông có đôi mắt trong, Giao Chi với Tuyết Đen, Đặng Thiều Quang với Chờ tuyết rơi… Phần lớn nội dung của các tác phẩm này đều mang đề tài hiện đại, đẫm hơi thở cuộc sống.
Nhà văn Nguyễn Văn Học tâm sự, anh sáng tác vì thấy cần phải sáng tạo như một nhu cầu tự thân, không a dua chạy theo dòng văn học mạng, ngôn tình, đam mỹ để câu khách. “Mỗi người có một quan niệm sáng tác khác nhau. Có người lựa chọn chiều lòng độc giả. Có người hướng tới cái hay, cái mỹ và cả chất nhân văn cũng như tầm tư tưởng. Và tôi cố gắng học tập, rèn luyện để viết được những tác phẩm mà mình ưng ý”, nhà văn trẻ Nguyễn Văn Học chia sẻ.
… nhưng đừng “mạnh ai nấy đi”
Khi phong trào sáng tác mạng phát triển thì nhiều người viết trẻ lại muốn đi tìm cái mới, cố gắng vượt qua những cái lỗi thời, mòn cũnhưng không phải ai cũng đã tìm được câu trả lời thoả đáng. Bởi xã hội hiện nay có quá nhiều sự lựa chọn, nhiều đến nỗi vì thiếu vốn sống nên không ít các nhà văn trẻ bị hoang mang, mất phương hướng và từ đó dẫn đến việc không định hình được khuynh hướng sáng tác của mình. Sự bối rối tìm một hướng đi cho mình là vấn đềchung đang ảnh hưởng lớn đến sáng tác của các nhà văn trẻ hiện nay.
Giờ đây, nhiều cây bút trẻ sáng tác văn học thị trường trở nên rất ăn khách. Thậm chí số lượng phát hành lớn, thu được lợi nhuận mà nhiều nhà văn hàn lâm phải mơ ước. Từ đây một vấn đề đặt ra đó là, với “gu” đọc dễ dãi, nhiều cây bút trẻ đang chạy theo xu thế “mốt thời trang” khiến cho những cây bút dòng chính thống thấy nản lòng. Vì thế, đã có không ít nhà văn trẻ lặng lẽ rời khỏi văn đàn đi mở doanh nghiệp, làm trang trại, người đi làm báo… nhường chỗ cho các cây bút trẻ lạ hoắc tung hoành, với những cái bút danh vừa hời hợt vừa buồn cười. Những tác phẩm nhạt nhẽo kiểu tình tay ba, tay tư, hay những tản văn mô tả các cuộc tình sướt mướt trong đêm mưa gió, có hình ảnh những cô tiểu thư mít ướt thích nuôi chó nuôi mèo. Rồi cả sự xuất hiện của dòng tản văn giống với những bài viết tư vấn tình cảm trên mặt báo, phụ họa cho những sinh hoạt của đời sống tình yêu, tình dục. Lại có những tập truyện được thu thập từ những trang blog cá nhân, những chuyện chia sẻ trên facebook và được kết cấu lại. Rất nhiều nhà sách tư nhân với những biên tập viên, kỹ thuật viên thông thạo mạng xã hội, săn tìm bản thảo, đã kết nối với những cây bút thích nổi tiếng và họ hợp với nhau. Nhu cầu trang trí mình bằng một vài cuốn sách có thể xảy ra ở bất cứ ai. Đã có những cô gái lên facebook thể hiện niềm vui sướng đến không thể cưỡng lại, rằng mình chỉ viết đơn giản, bằng chính chuyện vụn vặt của mình trong hai năm yêu và bị tình phụ, chẳng ngờ một ngày nó lại có thể biến thành sách.
Nhà văn Phong Điệp cho rằng, công việc sáng tác văn chương không giống như dàn hàng ngang mà chạy mà là chạy nước rút. Có người sẽ bền bỉ chạy về đích nhưng cũng có không ít người không đủ sức bỏ cuộc giữa chừng. Không những thế, giờ đây việc chăm sóc, phát hiện các cây bút không được tốt như ngày xưa. Trong khi, văn chương là con đường chông gai và nghiệt ngã. Chỉ ai có đủ sự dấn thân, tài năng cũng như niềm đam mê mới đủ sức đi hết con đường.
Hoàng Anh – Văn hóa