Nhà văn trẻ Tạ Ngọc Điệp

 

Ngày buông dần, khoảng trống mênh mông và xa vời, nỗi buồn chẳng còn để vơi. Trang nhìn qua bên cạnh, màn hình từ Ip6 của Diệu vẫn sáng, có lẽ vài lon bia đã làm cho Diệu chưa đủ vơi nỗi buồn. Ánh nắng chiều của Sài Gòn hắt vô ô cửa sổ nhỏ trên gác, nơi có khóm hoa thảo thơm ngát.

Sài Gòn đông đúc quá, người và xe nườm nượp, phụ nữ kín bưng từ đầu đến chân. Sài Gòn quanh năm nắng, lâu lắm mới có một ngày đông se sắt để có thể khoác cái áo len mỏng hay chiếc khăn điệu đà, mỗi năm chỉ có mấy ngày mát mẻ như thế này. Sài Gòn phồn hoa, Sài Gòn dễ kiếm sống, từ anh bánh mì, chị vé số ngủ lay lắt dọc bờ kênh vẫn chọn Sài Gòn dung thân, khách vãng lai len lỏi trong mười triệu người dân, chỉ cần có người ngó quá, liếc mắt trên chiếc vỉ nướng có vẻ “thèm ăn” là người ta có thể bán được hàng. Người Sài Gòn có thể dễ kiếm tiền nên người ta chi tiêu cũng thoáng, giá cả cũng muôn hình vạn trạng, người đó, cũng bát phở đó có thể ăn hai mươi nghìn cũng có thể đội giá lên mười lần nếu được phục vụ chu đáo, có máy lạnh, có sự thoải mái, tiếng nhạc du dương đi kèm. Người giàu dễ sinh lợi nhuận, người nghèo dễ kiếm sống đắp đổi, có lẽ vì thế nên Sài Gòn chịu sức ép rất lớn về dân số. Tỷ lệ sinh tự nhiên không tăng cao (có lẽ người ta ham làm hơn ham ngủ như các thành phố phát triển khác trên thế giới) nhưng tỷ suất tăng cơ học biến động mạnh. Người đi khám bệnh, lao động tự do, di cư tứ xứ, bến đỗ, nhà trọ… làm cho Sài Gòn đã nườm nượp nay càng đông đúc hơn.

Trong số mười triệu người ấy, mấy người giàu, mấy người hạnh phúc, cũng chẳng ai đếm được. có lẽ vì kiếm sống vồn vã nên người ta gặp nhau đó rồi quên nhau ngay. Tình người cũng đong đếm chi li. Ông chủ trọ mới tháng trước gửi con một tuần để lo việc ma chay cho thân phụ ở quê vì không kiếm ra người giữ trẻ bất ngờ, đến tháng nay bỗng dưng đến hạn hợp đồng tiền nhà ổng đòi tăng giá. Họ ngọt nhạt, nhờ vả nhưng quên ngay. Vồn vã đến vô tình.

Trang thuê mặt bằng để mở quán cà phê cóc, nửa bình dân, nửa hiện đại, mỗi tháng trừ chi phí đi còn lãi trên mười triệu, tiễn lãi Trang gửi ngân hàng, mẹ người yêu cũ rủ chơi hụi, bà là cái hụi lớn trên Củ Chi, cả ngày bà chỉ lo mấy chục dây hụi, chỉ là trung gian của một hình thức vay nặng lãi trá hình mà bà nhận nuôi sáu đứa cháu, cho chúng tiền uống sữa hàng tháng. Tiền thường bạc. Người ta xiết nợ nhau. Hỉ, nộ, ái, ố. Lãi cao kèm với rủi ro nhiều nhưng Trang tin, rồi bỏ vào đó tháng gần mười triệu. Chơi hết năm, gần được hốt với lãi suất gần hai mươi triệu thì bà bị bắt, mất cả vốn lẫn lãi. Coi như năm đó làm không công. Tiền ai chẳng tiếc, nhưng thôi, không liên lụy đến danh dự là may rồi, công an cũng điều tra, nhưng oan sai bây giờ cũng nhiều, người ta còn oan, thì người ta còn biết cách làm cho hết oan… Luật pháp do con người đặt ra, nên họ cũng khéo mà lách được luật.

Lại nói về ông chủ nhà. Đang trong giai đoạn mất tiền mà không chia sẻ được với ai thì ổng kêu tăng tiền nhà, đóng quán để sửa sang xong ổng kêu người thuê phải chịu tiền sửa. Nghe mấy người rỉ tai nhau, vì quán Trang ăn nên làm ra nên ổng làm khó để bắt Trang nhượng lại với giá hời, rồi ổng lại sang lại cho người khác với giá cao hơn. Vài chục triệu đơn giản như trở bàn tay. Trang ngẩn ngơ, trong mấy tháng bỗng mất cả trăm triệu bạc. Thức liền mấy đêm, khóc, nhìn lên oán trời. một lúc mang đến nhiều trái ngang trắc trở đổ dồn lên vai một ả đàn bà gầy gò, cao mét sáu nhăm, đến oằn xương sống. Ba mẹ có hỏi thăm Trang cũng đành ậm ừ cho qua, nhưng phải kiến tiền cực nhọc mới biết tiền có giá trị đến đâu. Càng giàu thì càng biết trọng công sức mình bỏ ra. Trang đi Myanma. Thành phố của những người thật thà, lương thiện, nơi mà người ta tôn sùng Phật, sư thầy hơn tất thảy, có vẻ người ta cũng nghèo nhưng không đua chen. Trang quên passport trên chuyến xe, hốt hoảng, vậy mà khi hỏi cơ quan địa phương với vốn tiếng Anh bập bõm vẫn tìm thấy sau 1 ngày nó du hành trên xe cùng bác tài, tiền, sợi dây chuyền có mặt hình bà Phật vẫn còn nằm yên trong ví. Xã hội họ sao mà yên bình đến lạ. Trang về, ký hợp đồng rồi sang lại quán cho ông chủ trọ mặt dày, ông còn thỏa thuận Trang nên để lại mấy bức tranh đã trang trí trong quán, hay bộ tách trà gốm Bát Tràng…. Trang không chịu, ổng đòi trừ hai triệu từ hợp đồng. Trang mỉm cười, “anh nghĩ anh nuốt tất cả trôi sao, cuộc đời anh chỉ nghĩ đến đó thì buồn cho anh quá, anh đã năm mươi tuổi, anh nghĩ đời lừa lọc thì anh có thể mọc thêm một cái miệng, hay dạ dày anh sẽ rộng ra để anh ăn hết của ăn cướp. Tôi lấy mấy thứ đó để cho chị thuê trọ nhà anh, tôi thấy chị ấy bị anh tòm tem mà còn dọa đuổi khỏi nhà khi anh kéo kịp khóa quần lên rồi rồ ga xe đi thẳng, đàn ông như anh sống cho phí ư. Anh nghĩ mụ Duyên vợ anh mà biết chuyện này sẽ để yên cho anh hử, đừng làm cho tôi điên lên, tôi thuê người ta đốt hết, anh nghĩ kẻ thù của anh ít hử, cả dãy Trần Não này họ ưa anh lắm hả, tôi thân gái một mình, đến gầy dựng bị anh ép chứ nghe nói nhà chị hủ tiếu bị anh ép đi đã găm anh lâu lắm. Cùn hay làm liều lắm. Nghe nói anh tòm tem đâu với vợ nó, nó có bằng chứng, giờ nó đang thua bạc đấy. anh liệu cái thân, chồng tiền cho tôi trước Tết”.

Ngày rằm, Trang lên chùa, nghĩ mình có ác quá khi đã buông những lời đó với lão chủ nhà cũ, nhưng rồi, hết rồi, nghĩa tình chi vướng lại giữa cõi phồn hoa đầy chát chúa này. Mười giờ đêm, đi ngang qua cầu Sài Gòn, cầu giờ bớt kẹt xe nhưng những mảnh đời vất vưởng kẹt lại đây còn nhiều quá, ngay chân cầu mấy cô gái ăn mặc ngắn hết cỡ còn đứng để hứng “sương đêm” như những cánh vạc mòn mỏi, xuống hết đường dẫn lên cầu những bà chị già hơn, mặc chỉnh tể hơn, còn đứng đợi “khách”, lúc đầu Trang nghĩ họ là những công nhân tan ca về muộn đợi người đón nhưng rồi không phải, chú Tứ bảo vệ hay uống cà phê ở quán cũ của Trang nói rằng “đó là hàng hết date, của bảo vệ, công nhân xa vợ, phụ hồ”…. giải quyết nhanh khi họ ở Sài Gòn kiếm những đồng tiền nhỏ lẻ, gom góp gửi cho vợ ở quê, cho con đi học đại học. Ai cũng có nhu cầu cần “giải quyết” vậy là họ tìm đến nhau, người cần tiền trang trải chi phí, người cần được thỏa mãn trong chốc lát. À, thế là đàn bà cũng được chia thành các kiểu như thế. Cũng có nhà báo nào đó so sánh bồ nhí là cô siêu mẫu A, B, C cặp với đại gia mà không cưới, thế có khác gái bao hạng sang… Ngồi trên taxi, Trang miên man nghĩ về Sài Gòn. Miền đất Trang đã gắn gần mười năm, hôm đầu tiên về Sài Gòn, đó là ngày Trang nhập học, ba mẹ làm nông ở quê gom góp được bảy trăm, mua vé xe  hết hai trăm, còn năm trăm lận trong hai lớp quần khâu lại kim băng rồi Trang vô Sài Gòn. Làm đủ thứ nghề, từ chạy bàn, bưng quả, phục vụ quán bánh xèo để trang trải cho khóa học, tốt nghiệp rồi ở đây luôn. Thu nhập tháng có tháng không, cũng có khi mua cái túi xách mấy triệu bạc nhưng cũng có khi đói meo râu. Cũng có ngày ra vẻ bà chủ ngủ nướng đến tám giờ sáng nhưng cũng có khi cày từ bốn giờ đến tận mười hai giờ khuya mới nhớ chưa có hạt cơm nào tử tế vào bụng.

Trang quay người, hỏi khẽ “chưa ngủ hả mày”. Diệu òa khóc. Chồng của Diệu mới cưới được bốn tháng thì dở chứng cặp bồ, có những đêm nằm cùng nhau trên chiếc giường mét sáu mà tưởng như cách nhau nửa vòng trái đất, khoảng cách nao núng, xa vời… Diệu li hôn rồi chuyển về ở với Trang, hai đứa thuê một căn hộ nhỏ rồi nấu ăn chung với nhau bữa tối. Có hôm chả nói với nhau câu nào. Diệu thích bia, chẳng phải yêu cái vị hăng hắc nồng nồng ấy mà đơn giản nó là chất kích thích để Diệu có thể ngủ, một lon, hai lon, rồi Diệu chai sần với bia, sau mấy tháng thì càng uống càng không ngủ được. Ban ngày vẫn cười cợt với đồng nghiệp ở công ty, vẫn lái con xe cáu cạnh đến chỗ làm với bộ vest được lấy từ tiệm giặt ủi về sáng loáng  nhưng nỗi buồn càng ngày càng lớn, nó lớn dần như số thưởng mà Diệu được tích lũy qua các năm. Diệu khát một cuộc sống yên bình như mấy đứa nhân viên, đi muộn, về sớm vì chồng, ngày nào cũng tất bật về tiền bạc, lương, thưởng nhưng thấy vẻ bận rộn của hạnh phúc khắc rõ trên mặt của chúng. Chúng so đo khi mua mấy cái váy giảm giá trên mạng rồi túm tụm, giải tán khi Diệu bước vào phòng làm việc, rồi đâu vào đấy. Họ thích tiền của Diệu, Diệu cần cái vỏ bọc yên bình của họ. Con người thường muốn những gì mà người ta không có, không với tới.

Chiều, trên đường đi làm về, đầu ngõ xôn xao, cô gái vẫn đi làm về khuya của khu trọ bên cạnh nhà Trang sống, người ta bận rộn đến mức tối mắt để không thấy người bên cạnh mình làm gì. Cô ấy lả đi, bước đi xiêu vẹo rồi ngã phía bên phải cái xe rác. Ông Sáu la lên, Diệu vừa lái xe về đến ngõ, gọi Trang, hai người cùng chở cô ấy đến viện, lục giỏ xách thấy còn được hai mươi bốn ngàn và mười ba chiếc bao cao su đủ màu sắc trong túi xách, một cây son rẻ tiền, một hộp nước hoa bị hổng cả vòi bơm, chỉ còn vài giọt cuối cùng, chai đã sờn không rõ nhãn hiệu (mà có khi chẳng có nhãn mác gì). Không giấy tờ tùy thân, không địa chỉ liên lạc. Hai người bế thốc cô ấy vào phòng khám tư nhân Medic gần đó, hai cô y tá đón với vẻ không mặn mà lắm. Kêu Trang vào khai tên tuổi, Trang chịu, chỉ chờ cô ấy tỉnh lại, chúng tôi chỉ là ở gần nhà. “ở gần nhà sao không rõ tên” cô y tá trẻ hỏi “tôi đi làm về, thấy xỉu thì mang đi, chả nhẽ để người ta chết mà không cứu”. “ai mà cô cũng cứu thế chắc không làm nổi, cô này kiệt sức, vào đây ba bốn lần rồi, Bùi Thị Sáng – Bến Tre, làm việc quá kiệt sức, mấy lần đều không có đủ tiền trả tiền truyền nước”. “cô làm đi, tôi thanh toán tiền những lần trước đây cho”, “cô đi xe ô tô chắc đủ rộng rãi”. Ừ, cô làm thuê thôi sao yêu sách thế. “Với bọn gái ấy làm gì có danh dự, cô không nên cứu, tôi cảnh báo cô”, “cô gái ấy hẳn có giá trị hơn cô khi cô ta không nói câu này”.

Một giọng nói thều thào, hai dòng nước mắt chảy dài từ hốc mắt từ cô gái tội nghiệp. Diệu đi mua cháo, Trang tận tay bón từng thìa rồi để lại năm trăm ngàn sau khi thanh toán hết tiền viện phí cắt cổ của phòng khám tư.

“Chị là người đầu tiên tốt với em ở thành phố này, em không chỗ để về chị ạ”.

Diệu nhìn Trang, Trang nhìn Diệu, rồi nói với cô gái “nhà tôi không nương cô được, nhưng nếu cô cần chỗ làm tạm tôi có thể đến địa chỉ này làm, tôi tin cô làm được, nhiều người còn khổ hơn cô nhưng người ta thanh bạch, tử tế, dám khai ra tên thật khi gặp nạn. Tôi biết cô tên Bé”. Cô gái cúi mặt. Hai tháng sau cô ấy mua cân táo Mỹ đến cám ơn Diệu với Trang, cô ấy sang quận Bảy làm phục vụ ở quán cà phê nhạc Trịnh, mỗi tháng bao ăn lương hai triệu, bàn tay mòn và trắng bợt vì rửa ly bị chất tẩy rửa lâu ngày ngấm vào nhưng sắc mặt hồng hào, đôi mắt lúng liếng có duyên, gò má ửng hồng. Vẫn bịt khẩu trang khi về xóm trọ nhưng dáng đi nhanh nhẹn, tự tin.

Diệu có tình yêu mới, đi làm về muộn hơn. Mỗi đêm Trang không còn nghe mùi bia hay tiếng khóc thút thít. Đàn bà hơn ba mươi tuổi da trắng nõn, như mấy chị bạn của chị Hai của Trang ở quê là đã có hai, ba đứa con bồng bế. Diệu hát khe khẽ, mua những bộ váy đắt tiền và ngắm mình trong gương. Nghe đâu hai người gặp nhau trong chuyến đi từ thiện. Đàn bà hạnh phúc mang vẻ đẹp của sự mãn nguyện.

Trưa nay Trang qua nhà bà Hiếu ăn cơm, nhà có hai mẹ con, gốc Sài Gòn, từ ngày li hôn bà Hiếu ở vậy nuôi con, hai mẹ con đầy cực nhọc buồn tủi, rồi khu đất ở quận Hai được đưa vào quy hoạch, bà được đền bù ba tỷ mấy, bà gửi ngân hàng một ít, còn lại ki cóp đầu tư vào bất động sản, giờ có trong tay tầm năm tỷ, bà Hiếu có ăn đến già cũng không hết, chỉ lo mỗi cô con gái ba mươi tuổi hơn mà vẫn chưa chịu có chồng. Bà đi siêu thị, mua mấy bộ đồ sơ sinh gửi cho mấy đứa cháu họ ở quê, nhận góp để nuôi thêm một đứa trẻ ở trung tâm bảo trợ Tam Bình với hai bà hàng xóm khác mà vẫn không vơi được nỗi buồn cô quạnh. Con gái bà làm luật sư đi từ sáng đến tối, lâu lâu còn đi công tác tỉnh. Bà ớn cảnh một mình, nghe nói Trang bị ông chủ kia ép quá cũng lên tiếng bênh vực, rồi kêu luôn Trang về ở cùng để tiết kiệm tiền nhà. Trang cũng ngại, không thân thích, họ hàng, ở biết thế nào. Nhưng bà nói bà không thiếu tiền, chỉ thiếu người tỉ tê tâm sự, sắp tới bà còn tham dự vào hội từ thiện Từ Tâm, thi thoảng còn đi lên Tây Nguyên trao quà, là dầu ăn, nước mắm, bánh kẹo cho người dân trên đó để họ ăn Tết. Nghe nói nhà Trang cũng ở Tây Nguyên, hay tiện bà ghé rồi xin ba má Trang để Trang về làm con nuôi cho vui, biết đâu về già có người dưỡng già. Trang cười. Ba mẹ Trang cũng giục Trang về trển lập nghiệp mà Trang ngại quá. Sài Gòn xô bồ nhưng quen rồi. Trên đó yên bình lắm. Chín giờ tối là đường vắng hoe. Buôn bán cũng khó khăn mà Trang chỉ thích buôn bán, cái nghiệp nó vận vào thân mất rồi. Bà Hiếu cười. Làm gì cũng kiếm tiền, nhưng nhớ là buôn phải từ tâm, làm gì cũng nghĩ đến nhân quả nghe con. Hết tiền về má ăn ké cũng được, ăn xong rửa bát nghe có tiếng người là má vui rồi. Hai người nhìn nhau cười mà rưng rưng nước mắt.

Trang đang kiếm mặt bằng để mở quán mới, bằng kinh nghiệm của lần trước Trang sẽ thận trọng hơn. Sài Gòn cho Trang kinh nghiệm để trưởng thành, để làm ăn và cố để không bị lừa. Đứng lên để vấp ngã. Sài Gòn vẫn có những mảnh đời vất vưởng, Sài Gòn dạy cho Trang về cám dỗ, về lòng tốt, về những điều vụn vặt và những người đàn bà len lỏi ở đâu đó giữa phố phường Sài Gòn dạy cho Trang về tình yêu, về những điều đáng trân trọng.

 

Theo NVTPHCM

Exit mobile version