Sadie Jones sinh năm 1967 tại London. Sau khi tốt nghiệp trung học, cô đến Paris, Pháp. Trở về London, Jones trở thành một nhà biên kịch trước khi bắt tay vào viết văn. Cuốn tiểu thuyết đầu tay của Sadie Jones – The Outcast – đoạt giải thưởng Costa 2008. Tiếp đó, cuốn sách thứ hai, Small Wars, lọt vào sơ khảo giải Orange. Nữ nhà văn hiện sống cùng chồng và các con tại London. Dưới đây là cuộc trò chuyện nhỏ giữa chị và trang FT.
– Thế nào là một độc giả lý tưởng đối với chị?
– Tôi không biết. Tôi cố gắng không tạo nên một hình mẫu độc giả trong khi viết. Tôi thích bày ra một cái bàn đẹp, nhưng không muốn đặc biệt chú ý đến những người ngồi quanh cái bàn đó.
– Hiện tại, chị đang đọc cuốn gì?
– Khá nhiều và lộn xộn: Death Comes to Pemberley của PD James; Derby Day của DJ Taylor, Perfect Lives của Polly Samson; Cakes and Ale của W Somerset Maugham, A Favourite of the Gods của Sybille Bedford; She Came to Stay của Simone de Beauvoir…
– Cuốn sách nào làm thay đổi đời chị?
– The Grapes of Wrath (Chùm nho nổi giận) của John Steinbeck. Đó là cuốn sách khiến bạn cảm thấy nhận thức của mình lớn lên bất ngờ.
– Thói quen viết lách của chị như thế nào?
– Tôi ngồi vào bàn lúc 8h30 sáng, sau khi đã đưa lũ trẻ đến trường, và làm việc đến tận 1h chiều. Lúc bọn trẻ nghỉ học, tôi cũng thường phải nghỉ viết theo chúng. Nhưng thỉnh thoảng, chúng cũng tự chơi được.
Nhà văn Sadie Jones.
– Chị viết tốt nhất ở nơi nào?
– Tôi không để ý đến điều này. Có lẽ từ bây giớ tôi sẽ chú ý. Tôi cũng thích viết ở quán cà phê. Bỏ qua ồn ào là một cách luyện tập để có được sự tập trung tốt nhất.
– Chị thường ăn gì trong khi viết?
– Tôi không ăn trong quá trình viết. Nếu tôi tiến đến gần cái tủ lạnh, tôi sẽ gặp rắc rối.
– Những nhà văn nào có ảnh hưởng đến chị?
– Nếu tôi nghĩ đến những nhà văn tôi thích hoặc tôi bị ảnh hưởng, tôi sẽ không viết được gì cả. Nên tôi giả vờ như mình không bị ảnh hưởng bởi bất cứ ai hết.
– Nếu bị kẹt trong thang máy, chị muốn ở cùng ai?
– Không phải bất cứ ai trong số những nhân vật tôi coi là anh hùng. Có lẽ tốt nhất là một anh thợ cơ khí có học qua một khóa thôi miên.
– Điều gì có thể khiến chị sợ hãi?
– Tôi sợ nhiều thứ lắm: người thân gặp điều không may, động vật bị giết hại; cảnh quan bị tàn phá, tai nạn giao thông, những con dơi, tình trạng trầm cảm, tôi không viết được…
– Điều gì sẽ khiến chị phải tỉnh giấc lúc nửa đêm?
– Tôi chợt nhớ ra mình cần phải nói hoặc không nên nói cái gì đó.
– Lời khuyên hữu ích nhất mà chị nhận được từ cha mẹ?
– Đừng ngồi chờ cảm hứng, hãy làm việc đi.
– Trở thành nhà văn có ý nghĩa thế nào với chị?
– Thợ cứu hỏa là những người dập lửa cứu người. Kiến trúc sư là những người thiết kế nhà cửa. Nên tôi nghĩ nhà văn đơn giản là người kể những câu chuyện cho người khác.
Thanh Huyền dịch
Nguồn: eVan.