Pierre Daum viết “Lính thợ Đông Dương ở Pháp (1939 – 1952)” với mong muốn mang tiếng nói công bằng cho những người lính Việt Nam tham gia Thế chiến hai tại Pháp.
Lính thợ Đông Dương ở Pháp (1939 – 1952) – Một trang sử thuộc địa bị lãng quên của tác giả Pierre Daum ra mắt ở Pháp năm 2009. Một buổi hội thảo về cuốn sách sẽ diễn ra lúc 18h ngày 11/11 tại Thư viện Idecaf, TP HCM. Dịch giả Trần Hữu Khánh và Phó Giáo sư Hà Minh Hồng (nguyên Trưởng khoa Lịch sử, Đại học KHXH&NV, Đại học Quốc gia TP HCM) là diễn giả tham gia chương trình.
Tác giả Pierre Daum viết về cuộc đời hai vạn người lính Việt Nam tới Pháp trong giai đoạn 1939 – 1952, qua đó thể hiện một lát cắt lịch sử thuộc địa.
Tháng 9/1939, nước Pháp tuyên chiến với phát xít Đức. Chính phủ Pháp đưa 20.000 thanh niên Việt Nam đến Pháp để phục vụ chiến tranh. Trong đó, khoảng 5% thanh niên đăng ký tình nguyện đi để làm thông ngôn, những người còn lại là nông dân nghèo, bị cưỡng bức từ làng quê, khi đến Pháp được đưa vào làm công nhân trong các nhà máy vũ khí thuộc Bộ Quốc phòng Pháp. Những người lao động này được gọi chung là lính thợ Đông Dương.
Sau khi Pháp thua Đức, năm 1940, chưa đầy một phần năm số lính thợ được trở về quê hương. Những người còn lại bị đưa tới miền Nam nước Pháp, được trưng dụng vào nhiều lĩnh vực sản xuất. Tuy thuộc thành phần dân sự, nhưng những thanh niên đến từ Việt Nam vẫn phải tuân thủ kỷ luật quân đội nghiêm ngặt. Họ sống dưới sự quản lý của các cựu sĩ quan Pháp từng phục vụ lâu năm ở các thuộc địa. Trong hàng rào kẽm gai, họ sinh hoạt với điều kiện thiếu thốn cùng cực, bị bóc lột sức lao động mà không được hưởng lương thỏa đáng.
Năm 1942, khoảng 500 người được gửi đến Camargue để phục hồi nghề trồng lúa gạo. Nhờ có kinh nghiệm tổ tiên, họ đã thành công trong việc cải tạo những mảnh đất nhiễm mặn thành một vùng lúa gạo đặc sản, là niềm tự hào của miền Nam nước Pháp.
Sống trên đất Pháp, những người lính thợ luôn hướng về tổ quốc. Năm 1946, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh tới Pháp, hàng nghìn lính thợ đã mít tinh chào đón lãnh tụ. Chính phủ Pháp đã tổ chức hồi hương cho những người lao động này. Có khoảng hai tới ba nghìn người chọn ở lại Pháp.
Câu chuyện về những người lính thợ đã lùi sâu về ký ức trong 70 năm. Tới năm 2009, tác giả Pierre Daum cho ra mắt cuốn Lính thợ Đông Dương ở Pháp (1932 – 1952) phơi bày câu chuyện những người lính trước công luận. Sách gây tiếng vang, liên tục được tái bản, đánh động lương tri người Pháp. Nhiều địa phương ở Pháp đã tổ chức lễ tôn vinh những cựu lính thợ. Ngày 5/10, một tượng đài được dựng tại Camargue – vùng đặc sản lúa gạo của Pháp – nhằm tưởng nhớ 20.000 người lao động Việt Nam bị cưỡng bức lưu đày ở Pháp.
Tác giả Pierre Daum – người mang câu chuyện ra ánh sáng – từng làm cho tờ Libération ở Áo, cộng tác với nhiều tờ báo lớn ở châu Âu như Le Monde, L’Express, La Libre, La Tribune… Ngoài các công trình về chủ nghĩa thuộc địa Pháp, Pierre Daum còn thực hiện nhiều phóng sự lớn cho tờ Le Monde diplomatique – tạp chí phát hành hàng tháng ở Pháp.
Để thực hiện cuốn sách, Pierre Daum mất 4 năm tìm hiểu tư liệu, gặp các nhân chứng còn sống và viết. Trong cuốn sách có nhắc tới 25 người lính Việt Nam. Pierre Daum bắt đầu thực hiện cuốn sách song song với việc viết báo, nhưng khi bắt đầu được một năm, ông phải xin nghỉ việc để tập trung tối đa cho cuốn sách.
Theo Lam Thu – Vnexpress.net