Nhiều người từng nhắc tới mối quan hệ theo kiểu “đôi bạn cùng tiến” giữa ông bầu – nghệ sĩ trong làng giải trí. Với giới xuất bản, sự tồn tại của các đơn vị làm sách và tác giả cũng là một câu chuyện tương tự.

1. Hiện nay, cơ chế in sách liên kết giữa các NXB “chính thống” và giới làm sách tư nhân đang rất phát triển. Nội dung và hình thức các cuốn sách được giới làm sách tư nhân thực hiện, NXB “duyệt” và cấp giấy phép ấn hành. Nhưng dù làm sách theo cơ chế nào, thì mối quan hệ giữa người viết và “đầu nậu” sách đều không thay đổi.

Thời vừa Đổi mới, nhà văn Bảo Ninh có tiểu thuyết viết về chiến tranh được nhiều người hiện nay biết đến với tên Nỗi buồn chiến tranh. Nhưng vào thời điểm in cuốn sách, Nỗi buồn chiến tranh được hỗ trợ rất nhiều bởi các “đầu nậu” và được xuất bản mang tên là Thân phận tình yêu. Sau khi đoạt giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam năm 1991, Thân phận tình yêu mới trở về đúng tên của tác giả muốn đặt: Nỗi buồn chiến tranh.


Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh “chọn mặt gửi vàng” cho NXB,  cũng như cách bạn đọc trẻ chọn tác phẩm của ông

Nói thế để thấy, giới “đầu nậu” sách (hay các ông bầu, bà đỡ) có “quyền lực” rất lớn trong việc ra đời một tác phẩm. (Tất nhiên, giá trị tác phẩm sống đến bao lâu với thời gian vẫn thuộc về tài năng của tác giả viết ra nó).

Và trong thực tế, mỗi tác giả thành danh thường gắn với một vài đơn vị làm sách nhất định. Với một số nhà văn có thương hiệu, nhiều đơn vị làm sách sợ mất người viết vào tay “đầu nậu” khác. Cũng như, giới viết lách hiện nay có nhiều lựa chọn “đầu nậu” tốt nhất để “chọn mặt gửi vàng”.

2. Và, ít người biết, các nhà văn như Nguyễn Nhật Ánh, Nguyễn Ngọc Tư đều có một “bầu show”, cho các cuốn sách của riêng mình khi ấn hành đến tay người đọc.

Lâu nay, sách của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh thường in ở hai nơi: NXB Trẻ và NXB Kim Đồng. Bộ truyện dài Kính vạn hoa của Nguyễn Nhật Ánh được viết thông qua sự đặt hàng của ông Nguyễn Thắng Vu – nguyên Giám đốc NXB Kim Đồng. Từ sự mát tay của NXB Kim Đồng khi làm bà đỡ bộ truyện này, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh tiếp tục với nhiều đầu sách khác nữa.

Nhưng thành công với NXB Kim Đồng vẫn không làm Nguyễn Nhật Ánh quên đi ân tình với NXB Trẻ, khi đây là nơi in tập truyện đầu tiên của ông Trước vòng chung kết (đến nay vừa tròn 35 năm). Rất nhiều đầu sách của mình, Nguyễn Nhật Ánh chọn “ký gửi” cho hai “bà đỡ” là NXB Kim Đồng và NXB Trẻ. Khi nhà văn được “săn đón”, tức là họ có nhiều sự lựa chọn, có lúc tác phẩm Nguyễn Nhật Ánh đã suýt chút vuột khỏi hai “bà đỡ ruột” này.

Điển hình, tập truyện Đảo mộng mơ của Nguyễn Nhật Ánh suýt chút không có tên NXB Trẻ gắn trên bìa 1. Công ty sách Đông A của họa sĩ Trần Đại Thắng vừa từ Hà Nội vào Sài Gòn tìm “đất lành chim đậu”.

Bằng đầu óc kinh doanh nhanh nhạy, Đông A phát hiện tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh dễ dàng giúp đơn vị này có chỗ đứng trong lòng bạn đọc; dù trước đó đã làm mấy tuyển Văn mới do nhà văn Hồ Anh Thái tuyển chọn.

Khi hay tin Đảo mộng mơ về tay Đông A, NXB Trẻ lập tức thương thuyết với nhà văn Nguyễn Nhật Ánh và họa sĩ Trần Đại Thắng để “đảo” tác phẩm này tiếp tục được “mộng mơ” với logo của NXB Trẻ. Đây là một trong ít tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh có logo cùng lúc NXB Trẻ và “ông bầu” Đông A. Sau thương vụ “suýt hụt” này, các tác phẩm về sau của Nguyễn Nhật Ánh đều chỉ duy nhất do NXB Trẻ ấn hành.

Trường hợp nhà văn Nguyễn Ngọc Tư cũng như vậy. Có thời, sách của nữ văn sĩ quê Cà Mau này được in ở nhiều đơn vị làm sách khác nhau thay vì ở NXB Trẻ; dù cô thành danh từ cuộc thi Văn học tuổi 20 do nơi này tổ chức.

Nhưng xét theo nghĩa thị trường, nơi nào có giá tốt thì sẽ có hàng ngon, nhiều cuốn sách của Nguyễn Ngọc Tư đã rời khỏi NXB Trẻ; để rồi sau này tác giả lại quay trở về chốn xưa vì “tình cũ tin hơn”.

Trong giới làm sách, thương hiệu không hẳn là số đầu sách được in hay được truyền thông nhắc đến nhiều. Hơn thế, thương hiệu của một “ông bầu” sách còn là uy tín với tác giả. Những đơn vị làm sách đàng hoàng thường là rất sòng phẳng với tác giả ở tỷ lệ phần trăm nhuận bút, ở số lượng sách in, ở những lần tái bản. Như đã từng xảy ra trên thực tế, những “đầu nậu” ăn gian số lượng in và nhập nhèm nhuận bút sẽ không thể kéo dài mối quan hệ với nhà văn.

Theo Hoàng Nhân – Thể thao & Văn hóa