Dữ dội bạo liệt nhưng cũng rất mềm mại, tinh tế là những dòng văn trong cuốn tiểu thuyết Sơn nữ Tam Trĩ Nguyên. Tiểu thuyết lấy bối cảnh lịch sử trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông để xoáy sâu vào từng mảnh đời số phận, và cái nhìn của chính những người trong cuộc về lịch sử. Giữa ý chí và tình cảm, giữa mệnh nước với tình yêu đôi lứa được thể hiện ra sao? Xoay quanh hai nhân vật chính là Minh Thành và nàng sơn nữ vùng Tam Trĩ Nguyên tên Ầng, nếu Minh Thành là một vị tướng tài, hết lòng vì nước, trí dũng song toàn, thì ta bắt gặp ở nàng Ầng sự thông minh, tinh tế, cốt cách đặc trưng cho những con người miền núi. Một mối tình đẹp nảy sinh từ trong kháng chiến. Mặc dù kết thúc cuốn tiểu thuyết là cuộc chia tay, Vương tử Minh Thành ra đi, còn nàng Ầng quay lại nơi đoàn quân đang tập luyện… thì người đọc vẫn thấy đó không phải là sự chia cắt, mà là cánh cửa sắp mở ra phía tương lai tươi sáng, một cái kết đầy nhân bản. Khi ấy người đàn bà không như hòn đá vọng phu đứng đợi chồng đau đớn nữa mà sẽ là một hình tượng đầy huy hoàng, anh dũng.

“…Pho tượng mới sẽ mang dáng hình người phụ nữ đứng trên đỉnh núi cao nơi biên ải, nhìn về phương bắc, sẵn sàng tuốt gươm ra khỏi vỏ…”

Có thể nói Sơn nữ Tam Trĩ Nguyên là một áng văn đẹp, giàu chất thơ. Đối với những tác phẩm viết về lịch sử, lấy bối cảnh lịch sử như thế cái được nhất của Sơn nữ Tam Trĩ Nguyên là có sự đầu tư lớn về tư liệu, viết về lịch sử nhưng không bóp méo lịch sử, đọc tác phẩm, người đọc thấy có sự sóng sáng đan xen giữa chất sử và chất tình, để rồi đến hết cuốn tiểu thuyết ánh lên phẩm chất, tình cảm, đạo làm người trong đó.

Thông tin sách:

Tên sách: Sơn nữ Tam Trĩ Nguyên

Thể loại: Tiểu thuyết

Tác giả: Trần Ngọc Dương

Khổ sách:  13 x 20,5 cm

Số trang:  218 trang

Trình bày bìa: Nguyễn Anh Vũ

Công ty Truyền thông Hà Thế liên kết với NXB Văn học, 2013

Exit mobile version