Năm hổ kể chuyện TÌNH XỨ HỔ
(Sách do Công ty Truyền thông Hà Thế và Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin liên kết xuất bản năm 2010
Sách dày 186 trang, khổ 12×20. Giá bìa: 30.000đ).
“Hai con hổ con giựt đứt tung dây buộc nó lao đến bên hổ vằn mẹ.
Nó lần tìm vú mẹ hổ vằn. Bầu vú ngày nào tròn căng đầy tràn giờ đã tong teo. Dòng sữa cạn khô.
Hai con hổ con liếm liếm dòng máu đang tuôn trào trên người hổ vằn mẹ. Máu hổ vằn mẹ nhuộm đỏ thẫm ướt hổ con.
Khà Lềnh, Vi Tươi không còn rơi được nước mắt.
Không còn nói được thành lời.
Họ quỳ xuống trước xác chết của hổ vằn mẹ mà một chân vẫn đang sập bẫy”.
Với “Tình xứ hổ”, nhà văn Ngô Quang Hưng đã dựng lên một bức tranh rừng thiêng nước độc, trùng điệp hoang dã, beo hùm vượn hú. Ở đó có một bản nhỏ, nhưng trớ trêu thay thân phận con người phải gắn bó với số phận của loài mãnh thú. Nhưng chính sự cộng sinh hoang dã ấy đã làm nên những bản tình ca nơi tận cùng núi thẳm.
Vốn là một nhà giáo của bản cao, những chiêm nghiệm của cuộc sống núi rừng đã giúp Ngô Quang Hưng cho ra đời những tác phẩm nổi tiếng như “Núi cô đơn”, “Suối ngàn lau chảy mãi”(được chuyển thể thành phim), “Dòng lũ cuốn”… Và “Tình xứ hổ” cũng không là một ngoại lệ về đề tài đó.
Câu chuyện với lối kể của người miền núi. Giọng điệu đều đều, những câu văn ngắn nhưng liền mạch, có vần có điệu.
“Diều không tha, quạ không mổ, cú không rỉa, kỳ đà không moi cái thân xác trong rừng của họ mới lạ chứ”. Những từ ngữ miêu tả đầy góc cạnh, chính xác và có phần hơi “lạ” nhưng cũng không làm cho người đọc cảm thấy khó hiểu. Càng đọc lại càng muốn khám phá…
“Tình xứ hổ” – tựa truyện gây cho người đọc sự tò mò. Tại sao giữa chốn rừng thiêng kia lại “nổi” lên chữ “tình”? Phải chăng đấy là tình cảm giữa con người với con người, giữa con người với con vật và giữa loài vật với nhau.
Bản Vồ, cánh rừng Com Cóp, thung lũng Nhe Nanh… những địa danh gắn liền với tên gọi của loài mãnh thú. Núi rừng độc địa, thú dữ hung tợn… tất cả hiện lên trong một bức tranh lạnh lẽo, ám khí đến ghê người. Có lẽ chính vì thế mà con người nơi xứ bản nhỏ nhoi này đã hòa mình vào nhau để sống, để chống chọi lại mọi tai ương. Tính cộng đồng được thể hiện trong cuốn truyện rất rõ nét. Hình ảnh người dân bản Vồ đi tìm bố mẹ của Khà Kếnh, Khà Chếch; Tục lệ nuôi trẻ mồ côi là một ví dụ…
Ngay giữa chốn rừng thiêng núi độc, tưởng chừng như loài mãnh thú và con người là hai thế lực đối lập nhau, kẻ thù của nhau. Nhưng không, sự cộng sinh giữa hoang dã, tình cảm tự nhiên và ý thức sinh tồn đã khiến cho người đọc xúc động. Trong giây phút kề cận cái chết, 2 vơ chồng Khà Lềnh và Vi Tươi đã được hổ vằn cứu thoát. Hổ đưa thức ăn về cho hai vợ chồng, hổ đánh thức bản năng sống của họ. Hổ cõng Vi Tươi trên lưng tìm đường về bản Vồ.
“Bản tình ca lưng hổ thật giang hồ, nghiệt ngã”.
Cũng như loài người, hổ cũng có gia đình, có hổ mẹ hổ con… Một con hổ bị sa bẫy thì khác nào người bản Vồ tiễn một người về cõi chết.
Câu chuyện khiến người đọc cùng hồi hộp lo cho số phận của ba mẹ con hổ vằn, thầm cầu mong chúng bình yên nơi rừng thẳm, khi mà hổ vằn lại là ân nhân cứu mạng cho cả 2 vợ chồng Khà Lềnh, Vi Tươi. Nhưng sự ác độc của những kẻ săn lùng hổ đã chấm dứt mối ân tình. Hổ vằn mẹ ngã xuống dưới những phát đạn của chính con trai họ, nhưng nó vẫn cố lết lên phía trước, nơi có 2 hổ con mới được tháo dây trói đang nhào tới với hổ mẹ. Hai hổ con tìm về bầu vú tong teo đã lâu ngày chúng không được bú, ngơ ngác liếm những giọt máu trên người mẹ nó…
Cuốn truyện đã mở ra cho người đọc một thông điệp: “Ở bản mới ấy người ta không cho rằng loài hổ là kẻ thù của họ”. Và mọi việc làm trên đời này đều có quả báo. Rằng kẻ nào gây ác kẻ đó sẽ gặp ác…
– Hoàng Mai Phương –