“Quảng Ninh là vùng đất địa đầu Đông Bắc tổ quốc, là quê hương của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, nơi có vịnh Hạ Long là kì quan thiên nhiên thế giới, có sông Bạch Đằng vĩ đại, ba lần ca khúc khải hoàn trong lịch sử đấu tranh dân tộc. Vùng đất Đông Bắc vừa có núi non, biển đảo, đồng bằng với một không gian văn hoá đa dạng, phong phú, như cố thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nhận xét “là hình ảnh của nước Việt Nam thu nhỏ”. Cuốn sách tập hợp những bài viết về văn hoá truyền thống Quảng Ninh với những chủ đề cụ thể, tiêu biểu như: Tượng phật chùa Quỳnh Lâm – đệ nhất An Nam tứ đại khí, Thành nhà Nguyễn, Bích Động thi xã, Đệ nhị tổ Trúc Lâm Pháp Loa, Tín ngưỡng thành hoàng ở Quảng Ninh…như những lát cắt tìm hiểu cội nguồn văn hoá truyền thống vùng Đông Bắc. Mong rằng cuốn sách sẽ là một nguồn tư liệu tham khảo về vùng đất địa đầu tổ quốc dành cho bạn bè xa gần yêu mến vùng đất Quảng Ninh thân yêu”.
_Uông Triều_
Thông tin về cuốn sách:
Tên sách: Những pho tượng đá ở Yên Tử
Tác giả: Uông Triều
Thể loại: Tiểu luận – khảo cứu
Số trang: 180 trang
Khổ: 12×20 cm
Vẽ bìa: Nguyễn Anh Vũ
Giá bìa: 30 000
Sách do Công ty Truyền thông Hà Thế liên kết với NXB Văn hóa Thông tin, 2011
TƯỢNG PHẬT CHÙA QUỲNH LÂM – ĐỆ NHẤT THIÊN NAM TỨ ĐẠI KHÍ
Quảng Ninh là địa phương có nhiều chùa tháp, nơi đây từng là một trong những trung tâm Phật giáo quan trọng dưới các triều đại phong kiến. Chùa Quỳnh Lâm, huyện Đông Triều là một trong những ngôi chùa nổi tiếng trong vùng. Chùa nổi tiếng vì nhiều lẽ, một trong những nguyên nhân quan trọng là nơi đây có pho tượng Phật Di Lặc khổng lồ, đứng đầu trong Thiên Nam tứ đại khí hay An Nam tứ đại khí tức bốn thứ kim kí bằng đồng, có kích thước và trọng lượng lớn, những tài sản quý giá của nước Đại Việt thời Lý, Trần.
Chùa Quỳnh Lâm được xây dựng thời Lý, năm Long Thụy Thái Bình thứ tư (1057) đời vua Lý Thánh Tông. Trong Thiên Nam tứ đại khí thì tượng Phật Di Lặc chùa Quỳnh Lâm (Đông Triều, Quảng Ninh) đứng hàng đầu, sau đó là tháp Báo Thiên (chùa Sùng Khánh, Hà Nội), chuông Quy Điền (chùa Diên Hựu, tức chùa Một Cột, Hà Nội), vạc Phổ Minh (chùa Phổ Minh, Nam Định). Thực ra, chùa Quỳnh Lâm có hai pho tượng lớn được đúc vào hai thời kì khác nhau. Một pho thời Lý do thiền sư Nguyễn Minh Không cho đúc, và pho thứ hai thời Trần do thiền sư Pháp Loa tạo dựng. Pho tượng được liệt trong Thiên Nam tứ đại khí theo nhiều ý kiến có lẽ là pho được đúc vào thời Lý.
Nhà sư có công xây dựng Quỳnh Lâm đầu tiên là thiền sư Minh Không. Sư Minh Không người làng Đàm Xá, phủ Tràng An (Nam Định), tên thật là Nguyễn Chí Thành, sau theo học thầy Từ Đạo Hạnh, được thầy khen là người có chí nên truyền ấn quyết và đổi tên là Minh Không. Sư Minh Không cùng với sư Không Lộ là hai ông tổ nghề đúc đồng Việt Nam. Theo các tài liệu còn lại thì pho tượng Phật Di Lặc ở chùa Quỳnh Lâm thời Lý cao 6 trượng (một trượng xấp xỉ 3,3m, tức là pho tượng cao khoảng 20m). Một phép so sánh để thấy sự to lớn của pho tượng. Các tượng đồng cổ ở Việt Nam được coi là lớn nhất hiện nay: Tượng thánh Trấn Vũ đền Quán Thánh, Hà Nội đúc năm 1667 cao 3,7m nặng 4 tấn; tượng phật A Di Đà chùa Ngũ Xá, Hà Nội đúc năm 1949 – 1952 cao 3,95m, nặng hơn 10 tấn; tượng A Di Đà lớn nhất còn lại ở Quảng Ninh ở chùa Nhuệ Hổ, Đông Triều cao 1,45m, đúc thời Lê. Chỉ có điều không còn cứ liệu để ước định tượng nặng bao nhiêu. Pho tượng lớn đến nỗi người ta phải xây dựng một tòa điện cao 7 trượng (khoảng 23,5m) để đặt tượng. Chính vì chiều cao, độ lớn của tượng và điện chứa tượng nên tục truyền rằng đứng ở phía nam huyện Đông Triều, cách chùa Quỳnh Lâm ước chừng 10 dặm, vẫn còn thấy nóc điện che sát đầu pho tượng. Trong dân gian còn lưu truyền câu ca:
Nức tiếng Quỳnh Lâm cõi xứ Đông
Ai qua đứng lại mà trông
Tháp cao chín đợt màu mây ám
Chùa rộng trăm gian gác ngựa hồng
Trước điện thông reo cùng trúc hóa
Trong am khánh đá với chuông đồng
Vua tu Phật hóa vui vui nhỉ.
Chắc hẳn trong câu ca này hàm ý đến tòa điện đặt pho tượng khổng lồ trên. Sau đó không rõ tượng mất khi nào, có thể tượng bị mất cùng với ba thứ kim khí lớn khác khi quân Minh xâm lược nước ta. Ý kiến khác cho rằng tượng bị mất từ khi quân Nguyên Mông sang xâm chiếm nước ta, bởi vì sau đó sư Pháp Loa cho đúc một pho tượng lớn tương tự.
Pho tượng Phật lớn thứ hai của Quỳnh Lâm cũng là tượng Di Lặc được thiền sư Pháp Loa – ông tổ thứ hai của Thiền phái Trúc Lâm cho đúc. Tượng được đúc xong từ năm 1327 nhưng lớn đến nỗi năm 1328 nhân dịp vua Trần Minh Tông đến thăm chùa, sư Pháp Loa đã tâu xin cho cấm quân kéo tượng từ nền điện lên bảo tọa để dát vàng. Văn Huệ Vương Trần Quang Triều, chủ soái của Bích Động thi xã và người chị ruột, công chúa Thượng Trân, vợ vua Trần Anh Tông đã cúng tế vào chùa 900 lượng vàng để đúc tượng. Tượng bị mất vào thế kỷ XV khi quân Minh sang xâm chiếm nước ta, chúng đã phá tượng để đúc súng đạn. Truyền thuyết dân gian nói rằng bọn giặc mang tới 24 bễ đến định thổi đồng đúc đạn nhưng thổi không được, còn bia chùa thì ghi tượng trầm trầm tại hạ (chìm dần xuống đất).
Hai pho tượng đồng lớn thời Lý, Trần không những chứng tỏ trình độ đúc đồng đạt đến đỉnh cao mà còn nói lên những hoài bão to lớn của cha ông trong việc xây dựng những công trình vĩ đại, càng khẳng định thêm danh tiếng cho Quỳnh Lâm, một thời được mệnh danh là Thiên Nam đệ nhất danh lam cổ tích.
(Trích trong “Những pho tượng đá ở Yên Tử”)