Đối với những người sáng tạo và hâm mộ văn chương thì có những sự kiện đi qua lặng lẽ nhưng có câu chuyện đến lại cứ neo vào tâm trí buộc phải suy nghĩ để rồi vận vào cái nghiệp của mình.


Một góc Trường Sa lớn. Ảnh: Nguyễn Công Nguyên

Câu chuyện gần đây nhất khiến giới văn học phải suy nghĩ là cuốn sách Tôi kể em nghe chuyện Trường Sa của tác giả Nguyễn Xuân Thủy (in tại NXB Kim Đồng) đạt giải vàng tại Lễ trao giải thưởng sách Việt Nam lần thứ 8 năm 2012 do Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức ngày 23-12 nhằm tôn vinh những tác phẩm hay. Xin được vài nét giới thiệu cuốn sách này.

Đây là tác phẩm viết về quần đảo Trường Sa dành cho đối tượng đọc là các em nhỏ, tác giả đóng vai trò người kể chuyện – một hướng dẫn viên du lịch. Sách được cấu trúc 6 phần: Ra đảo, Mùa biển lặng, Mùa biển động, Kỳ thú biển trời Trường Sa, Thám hiểm đáy biển Trường Sa, Những người giữ đảo. Những câu chuyện nhỏ chắp nối nhau theo một trật tự tuyến tính đơn giản đưa bạn đọc đến với một thế giới lạ: Thiên nhiên, biển trời, con người Trường Sa – mảnh đất yêu thương thiêng liêng trong mỗi trái tim người dân Việt. Tác giả tái hiện sinh động những gì có trong thực tế, như gió muối, mưa, nắng, cầu vồng, vòi rồng…; những con vật chỉ có ở Trường Sa như cá bay, cá cóc, cá heo, những loài động vật biển, những chú ốc biển… Bạn đọc thích thú được hiểu thế nào là đảo nổi, đảo chìm, nhà giàn… được biết các chú bộ đội thường ngày công tác, sinh hoạt ra sao… Đây là cuốn sách theo chủ đề khoa học – giáo dục, do đó không thể hư cấu. Vậy nó có phải là tác phẩm văn học? Dĩ nhiên ta không sa vào bàn cãi thế nào là một tác phẩm văn học. Nhưng thừa nhận đây là một cuốn sách hay, bổ ích, cần thiết.

Điều quan trọng nhất đối với mỗi người cầm bút là vốn sống. Văn chương muôn thuở vẫn là cuộc đời. Cụ Nguyễn Du xưa đã từng sống, từng lăn lộn trong “những điều trông thấy mà đau đớn lòng” để rồi mới có thiên Truyện Kiều được viết ra như “có máu rỏ ở đầu ngọn bút”. Người viết có hiểu sâu sắc về cuộc đời thì con chữ mới có hồn, mới thật, cái viết ra mới tự nhiên như chính cuộc sống. Nam Cao nói “sống đã rồi hãy viết” là muốn nói tới ý này. Tập sách của Nguyễn Xuân Thủy được viết như không hề có ý định làm văn. Nhưng tại sao nó vẫn được chọn là sách hay? Cũng dễ trả lời. Nó thật, tác giả chỉ muốn trình bày cái thật về một cuộc sống quen thuộc của mình. Thì ra, không cứ gì quan hệ ngoài cuộc đời, trong văn chương sự thật và chân thành bao giờ cũng đáng quý!.

Viết văn là viết ra những điều mình biết, mình thấy, mình chiêm nghiệm. Được vậy thì trong văn mới thật và mới có tấm lòng. Đầu những năm 30 của thế kỷ trước bạn đọc phải xếp hàng để mua báo đọc vì trong báo có mục “…xã hội ba đào ký” do nhà văn Nguyễn Công Hoan phụ trách, mục này viết về cảnh ba đào nổi nênh ở xã hội bấy giờ. Thì ra, hãy cứ quan sát, cứ chiêm nghiệm để viết sâu, viết kỹ về chính cuộc sống này thì sẽ có tác phẩm, dù có thể chưa để đời nhưng vẫn là tác phẩm được bạn đọc tìm đến. Vấn đề đặt ra là nên hiểu thế nào là vốn sống của nhà văn. Vũ Trọng Phụng có Làm đĩ, Kỹ nghệ lấy tây, Lục xì… viết rất hay về cảnh nghiện, về gái điếm… nhưng thực tế ông lại có cuộc sống hết sức nghèo và đứng đắn. Như vậy vốn sống xét đến cùng lại là khả năng quan sát, sự tích lũy học hỏi và tất nhiên cả sự tưởng tượng của nhà văn. Nguyễn Tuân chưa hề đến Cà Mau mà lại viết rất hay về Cà Mau nằm ở trường hợp này.

Khi chưa đủ độ từng trải để chiêm nghiệm (như các nhà văn lớn), thì qua trường hợp Nguyễn Xuân Thủy, ta thấy rõ một điều: Phải có thực tế. Nguyễn Xuân Thủy may mắn có hai năm làm lính ở Trường Sa, được sống, được hít thở, được suy nghĩ của một con người Trường Sa. Do vậy cuộc sống ở nơi đảo xa này đi vào văn anh như một sự tự nhiên. Không có hai năm ấy, chắc chắn anh không thể có Biển xanh màu láTôi kể em nghe chuyện Trường Sa. Chỉ có là người của Trường Sa anh mới có thể viết được Ra đảo là hành trình từ đất liền, phải làm quen với bến cảng, tàu, neo, giấc ngủ trên tàu, bữa ăn trên tàu, và… say sóng, đến đảo là “say đất”. Chỉ có là người Trường Sa tác giả mới nói kỹ được đến từng chi tiết Mùa biển lặng khác với Mùa biển động như thế nào. Và những hình ảnh sóng và cát, cây bàng quả vuông, những chú ỉn, những anh bạn gâu gâu, những chú bồ câu nữa… trong mùa biển lặng thật nên thơ. Và có cả những trang văn đậm cái mặn mòi của hiện thực với gió táp như xát muối và những cây rau, ngọn rau mỏng manh trước bão tố…

Dĩ nhiên, vốn sống chưa thể làm nên tác phẩm, phải còn tâm huyết và tài năng nữa. Nhưng vốn sống phải là cái gốc. Tâm huyết là tình yêu, là niềm thôi thúc được chia sẻ, được giãi bày, được đón nhận và đồng cảm… Còn tài năng? Dĩ nhiên là phải có. Nhà văn trước hết là một kiến trúc sư tài năng thiết kế mô hình cấu trúc tác phẩm để chứa đựng cả một thế giới mới: Thế giới nghệ thuật. Nhà văn là một kỹ sư, là một thợ xây tài năng để gắn kết những chi tiết thành một chỉnh thể…

Còn một điểm quan trọng không kém quan trọng là thời điểm tác phẩm ra đời. Người xưa ví văn như người đẹp là cũng có ý nói người đẹp nên xuất hiện ở đâu, khi nào thì mọi người mới thấy là đẹp. Một tác phẩm văn chương cũng vậy, được viết hay lại ra đời vào đúng thời điểm, mang đến cho thời đại một cảm quan mới, một cách nhìn mới, một tư duy mới thì dễ được bạn đọc đón nhận.

Nguồn: Báo Quân Đội Nhân Dân

Exit mobile version