Lệ thường, cứ đến cuối năm, các cơ quan báo chí, xuất bản của Trung Quốc lại bình chọn và công bố Bảng xếp hạng 10 cuốn sách có ảnh hưởng mạnh hoặc 10 bộ sách hay trong năm.
Cuối năm 1012, đã có ba cơ quan xuất bản báo chí công bố Bảng xếp hạng 10 cuốn sách hay bán chạy nhất năm 2012 của Báo mạng Làn sóng mới (Tân Lãng); Bảng xếp hạng 10 cuốn sách có ảnh hưởng nhất của Cơ quan xuất bản Trung Quốc; Bảng xếp hạng 10 cuốn sách hay nhất năm 2012 của Quang Minh nhật báo.
Trong 3 bảng xếp hạng này, đều có mặt cuốn sách “Bàn luận về Trung Quốc” (On China) của Henry Kissinger, Nguyên Cố vấn An ninh quốc gia của Tổng thống Mỹ, nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ.
Nguyên bản tiếng Anh của “Bàn luận về Trung Quốc” của H.Kissinger, với gần 600 trang, do nhà xuất bản Chim cánh cụt (Penguin) ấn hành, lên giá sách Hợp Chủng Quốc từ 17-5-2011, đã được đông đảo độc giả Hoa Kỳ đón nhận.
Bản dịch sang Trung văn của Hồ Lợi Bình, do nhà xuất bản Trung Tín (Trung Quốc) ấn hành từ 1-10-2012, được các cơ quan báo chí xuất bản Trung Quốc xếp thứ 6 hoặc thứ 7 trên bảng 10 bộ sách hay, có ảnh hưởng lớn tại Trung Quốc đại lục năm 2012.
Bộ sách này sở dĩ trở thành trung tâm của dư luận trong một thời gian dài tại Trung Quốc là do tài liệu mới mẻ, trích dẫn bình luận sâu sắc, vấn đề thảo luận trọng đại, vượt qua những cuốn sách quốc tế nói về Trung Quốc. Bộ sách “Bàn luận về Trung Quốc” của H.Kissinger được công nhận là một trước tác quan trọng nhất nói về quan hệ Trung – Mỹ.
Với góc nhìn của một người trực tiếp tham dự vào các sự kiện lịch sử, tác giả “Bàn luận về Trung Quốc” đã miêu tả tỷ mỷ phẩm cách đấu tranh dân tộc của mấy thế hệ người lãnh đạo Trung Quốc, từ đó mà truy tìm nguyên nhân dẫn đến sự cường thịnh và khuất nhục sa vào số phận nửa thuộc địa trong lịch sử Trung Quốc, trình bày những am hiếu của tác giả về tinh thần ý chí của dân tộc Trung Hoa. Bộ sách còn đi sâu nghiên cứu phương thức tư duy Trung Quốc biểu hiện trong nho gia, binh pháp Tôn Tử và cờ vây Trung Quốc. Những nội đung này đã thể hiện rõ trình độ hiểu biết sâu sắc của tác giả đối với Trung Quốc, cung cấp những tư liệu quý báu cho mọi người muốn tìm hiểu Trung Quốc thông qua con mắt của một người nước ngoài.
Bộ sách này không đơn thuần viết về lịch sử, mà tác giả đứng trên điểm cao của thời đại, đề xuất những vấn đề trọng đại về quan hệ Trung – Mỹ và hoà bình thế giới từ nay về sau. Một số nhà bình luận lấy tiền lệ lịch sử hai nước Đức Anh đối kháng với nhau trước Đại chiến thế giới lần thứ nhât, mà nhận định rằng đây là điềm báo, triệu chứng của quan hệ Mỹ Trung trong thế kỷ 21. Đứng trước trạng huống này này, tác giả bộ sách đề xuất ý tưởng Trung Mỹ “cùng tiến hoá”, tiến tới một hệ thống chung Thái Bình Dương. Kiến giải này vượt xa những luận thuật của những nhà sử học, những nhà bình luận chính trị thông thường. Những vấn đề đề cập đến trong cuốn sách có quan hệ đến hạnh phúc của nhân dân hai nước Trung Mỹ và toàn cầu, nên đáng được mọi người quan tâm