“Có một phố vừa đi qua phố” – tập di cảo của cố tác giả Đinh Vũ Hoàng Nguyên – là một trong bốn tác phẩm văn học đoạt giải “Văn học Nghệ thuật Thủ đô 2014”.

“Văn học Nghệ thuật Thủ đô” là giải thưởng của Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội, trao hai năm một lần. Hội Liên hiệp gồm các hội chuyên ngành như Hội Nhà văn, Hội Mỹ thuật, Hội Sân khấu… Giải thưởng 2014 vừa được công bố hôm 12/12. Năm nay, có 28 giải thưởng trao cho các tác phẩm của 9 lĩnh vực nghệ thuật khác nhau. Trong đó có bốn tác phẩm văn học.

Sách “Có một phố vừa đi qua phố” của Đinh Vũ Hoàng Nguyên.

Có một phố vừa đi qua phố là tập văn thơ của Đinh Vũ Hoàng Nguyên – một họa sĩ, blogger nổi tiếng. Anh qua đời vào tháng 3/2012. Kỷ niệm một năm ngày mất của Đinh Vũ Hoàng Nguyên, bạn bè muốn lưu giữ những gì còn lại của một con người ra đi quá sớm. Họ tập hợp các bài viết của anh lại thành một tập văn thơ có tên Có một phố vừa đi qua phố. Sách dày 240 trang do Nhã Nam và NXB Hội Nhà văn phát hành.

Cuốn sách có những truyện ngắn, bài thơ hoàn chỉnh, có cả những đoạn viết ngắn và những status anh viết trên mạng. Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên – một trong 10 thành viên chấm giải thưởng “Văn học Nghệ thuật Thủ đô 2014” nhận xét: “Đinh Vũ Hoàng Nguyên viết trên mạng là chính. Nhưng những gì đăng trên mạng của anh thu hút rất nhiều độc giả. Cuốn sách Có một phố vừa đi qua phố rất đáng đọc, bởi nó vừa có tính văn chương, có chất sống, gợi cho người ta vui buồn, cảm xúc với tác giả. Cuốn sách cho thấy một gương mặt tương đối đặc biệt trong giới viết lách hiện nay: Một người không định làm văn chương, nhưng đã đạt đến giá trị văn chương”.

Bên cạnh Có một phố vừa đi qua phố, Giải thưởng Văn cũng trao cho ba tác phẩm văn học khác gồm: Cửa hiệu giặt là, Mùi chữThời tốc độ và tâm lý sáng tạo. Cửa hiệu giặt là là tiểu thuyết của Đỗ Bích Thúy. Nữ tác giả được mệnh danh là “nhà văn của cao nguyên đá” nổi tiếng với những sáng tác với đề tài vùng cao đã mang tới một tác phẩm ấn tượng về Hà Nội. Đây là cuốn tiểu thuyết dung lượng nhỏ nhưng chứa đựng cả một Hà Nội đương thời. Một Hà Nội xen lẫn giữa những nét cổ kính và đương đại, một Hà Nội đông đúc, chật hẹp nhưng vẫn giữ trong nó những góc phố nhỏ yên bình.

Mùi chữ là tập phê bình văn học của tác giả Hoài Nam. Tập sách thể hiện sự nhanh nhạy, phát hiện các vấn đề nóng của văn học đương đại Việt Nam. Mùi chữ tiêu biểu cho phong cách phê bình văn chương trên báo, đồng thời cho thấy diện mạo của một nhà báo chân chính: sắc sảo, có trách nhiệm và luôn hướng tới tính thực tiễn. Trong khi đó, Thời tốc độ và tâm lý sáng tạo là tập phê bình của Phạm Khải. Qua 50 bài viết, tác giả đặt ra vấn đề: Dù cuộc sống có gấp gáp thế nào chăng nữa, khi đã đi vào văn học, thì cả người đọc lẫn người viết vẫn cần dành những giây phút cần thiết.

 

Theo Lam Thu – Vnexpress.net

Exit mobile version