Tác quyền tác phẩm của 189 nhà văn được bán cho một thư viện sách điện tử với giá chỉ 50 triệu đồng (thời gian khai thác một năm) đặt ra nhiều tranh luận.
Một kho sách trực tuyến với các tác phẩm được đăng tải để đọc miễn phí lẫn có phí – Ảnh chụp màn hình
Câu chuyện ban bản quyền Hội Nhà văn VN (VLCC) bán cho thư viện sách và tạp chí điện tử Waka tác quyền tác phẩm của 189 nhà văn trong vòng 1 năm với giá 50 triệu đồng đặt ra nhiều câu hỏi về việc thỏa thuận bản quyền giữa các nhà văn với VLCC.
Gần đây nhất, nhà văn Nguyễn Văn Thọ lên tiếng vì không hề hay biết khi tiểu thuyết Quyên của mình được đăng tải cho độc giả đọc miễn phí trên Waka. Tuổi Trẻ ghi nhận ý kiến của các nhà văn xung quanh sự việc này.
* Nhà văn Nguyễn Văn Thọ:
Waka không sai nhưng VLCC sai
Tôi cũng là người ở phương Tây nhiều năm nên hiểu việc bán sách giấy và bán sách trên mạng là hai lĩnh vực khác nhau. Khi Waka mua trọn gói bản quyền tác phẩm của 189 nhà văn thì về lý họ có quyền được bán tác phẩm đó cho độc giả với giá 0 đồng.
Tôi phản đối Waka bán tác phẩm của chúng tôi với giá đó. Việc này không những không mang lại quyền lợi thiết thực về mặt kinh tế cho các nhà văn VN mà còn làm tổn thương các nhà văn VN.
Về lý, Waka không sai nhưng VLCC sai. Khi VLCC bán bản quyền một tác phẩm, tôi không biết tác phẩm ấy được bán ở đâu. Các nhà văn chúng tôi cũng chủ quan và có khuyết điểm trong việc này khi không đọc văn bản ủy quyền cho VLCC một cách kỹ càng.
Vì không biết VLCC bán bản quyền cho những đơn vị nào nên lúc đầu tôi đã tưởng lầm là Waka lấy không tác phẩm của mình để sử dụng.
Hơn nữa, tính về lợi ích kinh tế thì 50 triệu chia cho 189 tác phẩm sẽ không có hiệu quả kinh tế. Mỗi năm chúng tôi chỉ được có mấy trăm nghìn. Vì những lý do trên, tôi sẽ rút không ủy quyền cho VLCC bảo hộ tác phẩm của tôi nữa.
Tiểu thuyết Quyên đọc miễn phí trên mạng – Ảnh chụp màn hình. |
* Nhà thơ Đỗ Hàn (phó giám đốc VLCC):
Ủy quyền hay không là quyền của các nhà văn
Trong văn bản ủy quyền của các nhà văn cho VLCC có ba nội dung mà các nhà văn trao cho VLCC là ủy thác quyền lưu giữ, quyền khai thác và bảo vệ quyền tác giả. Như vậy VLCC ký bán bản quyền với đối tác là Công ty Vega (đơn vị chủ quản của Waka) là việc làm hợp pháp.
Hơn nữa, trước khi ký bán bản quyền cho Công ty Vega thì chúng tôi có hỏi các nhà văn là đã bán độc quyền tác phẩm cho nơi nào chưa. Vì chưa có bán độc quyền nên VLCC mới ký với Waka để khai thác trên môi trường số. Điều này là hoàn toàn hợp lý.
Waka chọn 189 tác phẩm của 189 nhà văn để thử nghiệm trên môi trường số và trả tiền bản quyền 50 triệu đồng trong thời gian khai thác một năm.
Cuối năm chúng tôi đối soát để trả nhuận bút cho các tác giả theo đúng hợp đồng là tác giả nhận 80% và 20% cho VLCC.
Tuy nhiên, nhà văn Nguyễn Văn Thọ góp hai ý tôi cho là chính xác: đáng lẽ trước khi bán bản quyền cho Waka thì VLCC cần thông báo đến các tác giả để họ khỏi bất ngờ. Việc này VLCC sẽ rút kinh nghiệm. Việc thứ hai là khi nhà văn Nguyễn Văn Thọ phát hiện Waka cho độc giả đọc sách với giá 0 đồng thì khi đó chúng tôi mới biết chứ trong hợp đồng không có đoạn nói về điều này.
Anh Thọ nói như vậy làm cho tâm lý các nhà văn không được thoải mái vì cho rằng tác phẩm của mình rẻ mạt quá. Tôi đã liên hệ với đối tác và yêu cầu họ bỏ việc cho độc giả đọc miễn phí đi.
Về quyết định hủy ủy quyền cho VLCC của nhà văn Nguyễn Văn Thọ, tôi nói rõ đó hoàn toàn là quyền của các nhà văn, VLCC sẽ không ngăn cản việc này, bởi nhà văn ủy quyền cho VLCC dựa trên tinh thần tự nguyện.
|
Các nhà văn Nguyễn Quang Thiều, Trần Nhã Thụy và nhà thơ Phan Hoàng trong một chương trình giao lưu tác phẩm – Ảnh tư liệu |
* Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều (phó chủ tịch Hội Nhà văn VN):
Quyền lợi của nhà văn không mất đi đâu cả
Nhiều năm qua VLCC làm việc để lấy được bản quyền từ NXB Giáo Dục, Đài Tiếng nói VN… Phải nói rằng họ đã làm với nỗ lực và có hiệu quả. Một loạt nhà văn trong đó có tôi, dù là lấy được một vài đồng nhuận bút thì cũng có cảm giác được bảo vệ.
“Các nhà văn khi ủy quyền cho cơ quan mang tính pháp lý thì các nhà văn không phải băn khoăn nữa vì cơ quan đó hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyền lợi của người ủy quyền” – Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều |
Trong phần ủy quyền cho VLCC, với cá nhân tôi, tôi ủy quyền cho trung tâm toàn quyền bảo vệ cho tôi tác phẩm và được thay mặt tôi ký kết với bên thứ ba để tác phẩm đó được truyền bá, được xuất bản hay được tái sử dụng và đảm bảo quyền lợi cho nhà văn.
Nên khi làm việc đó họ không phải bàn lại với tôi nữa, trừ những hợp đồng lớn hay những sự việc cần thiết thì trung tâm tác quyền mới cần hỏi ý kiến tôi. Có thể nhà văn Nguyễn Văn Thọ chưa xem kỹ điều này.
Khi VLCC cho phép bên thứ ba sử dụng tác phẩm thì quyền lợi của nhà văn không mất đi đâu cả, vì nó dựa trên cơ sở pháp luật.
Về việc Waka để giá tác phẩm 0 đồng cho độc giả đọc miễn phí, tôi cho rằng có những công ty trả tiền cho tác giả để mua tác phẩm nhưng sau đó họ có thể bán lại hoặc cho người đọc đọc miễn phí… thì đó là quyền của họ.
Khi Waka mua bản quyền trọn vẹn một năm 189 tác phẩm thì họ có quyền sử dụng những tác phẩm đã mua trong các cách thức của họ.
Mục đích cao nhất của nhà văn là bằng con đường nào đó để tác phẩm của họ đến được với đông đảo độc giả nhất. Còn công ty mua lại bản quyền tác phẩm đó, họ có quyền sử dụng theo cách của họ, dựa trên luật pháp.
Theo V.V.Tuân – Tuổi trẻ