Susan Harris (Mỹ)-Trước năm 2006, các giải thưởng văn chương Pháp không ngó ngàng đến các tác giả Pháp gốc ngoại quốc. Là đất nước có hình dạng tương tự hình lục giác, Pháp gọi văn học chính tông của mình là “Văn học Lục giác”, phân biệt với “Văn học ngoại Pháp”.

Với diện tích thuộc địa lớn thứ hai trên thế giới trong Thế kỷ XIX, XX (chỉ sau Anh), Pháp ngày nay tiếp nhận một lượng lớn các cây viết từ nước ngoài. Họ tạo nên hình thức văn bản Pháp mới, góp phần tái điều chỉnh và mở rộng nền văn học quốc gia.

 

1. Nền văn học nhị phân

Truyền thống văn học Pháp vạch rõ biên giới giữa “Văn học Lục giác” (văn chương Pháp được viết bằng tác giả Pháp) và “Văn học ngoại Pháp” (văn chương Pháp được viết bằng tác giả có gốc gác từ nước ngoài). Không chỉ trong tiếp nhận, sự phân biệt này còn phổ biến trong các giải thưởng. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, làng văn Pháp bắt đầu thay đổi. Năm 2006, bốn trong số sáu giải thưởng uy tín đã được trao cho các nhà văn gốc ngoại. Đặc biệt, với thành công của J.M.G. Le Clézio, nhà văn Pháp gốc Mauritius (quốc gia ở Đông Phi) tại Nobel Văn học năm 2008, hướng chú ý thật sự được chuyển sang mảng văn học vốn bị kỳ thị – Văn học ngoại Pháp.

Năm 2016, Alain Mabanckou, nhà văn Cộng hòa Congo được bầu làm chủ tịch Hội Sáng tạo Nghệ thuật của Collège de France, Paris. Collège de France không phải trường đại học hay cơ sở giáo dục lớn nhưng, nó là nơi tổ chức các khóa học cao cấp về khoa học, văn học và nghệ thuật, đóng vai trò như biểu tượng của giới học giả Pháp. Ngoài vai trò là chủ tịch đầu tiên của hội, Mabanckou còn là nhà văn Châu Phi đầu tiên được ghi danh vào Collège de France, hứa hẹn một cuộc cách mạng mới trong việc tạo lập, duy trì thế cân bằng, phá bỏ định kiến đối với tác giả là người nước ngoài tại Pháp.

Trong diễn văn khai mạc Hội Sáng tạo Nghệ thuật, Mabanckou không quên nhắc lại mối quan hệ không mấy tốt đẹp giữa Pháp và các nước thuộc địa Châu Phi trước đây. Tại buổi phỏng vấn ngay sau đó, ông nhấn mạnh văn chương Pháp phải từ bỏ sự kiêu ngạo, phân biệt, để nhanh chóng bắt kịp xu hướng tiếp cận toàn cầu. “Có phải là rất tuyệt hay không, khi văn học Pháp không còn là ‘Văn học Lục giác’ mà mở rộng thành ‘Văn học Thế giới”, ông nói.

Ngoài “Văn học Lục giác” truyền thống, tiếng nói văn chương Pháp khá đa dạng với các tác giả đến từ thuộc địa cũ cũng như các đất nước khác. Họ chuyển đến Pháp, sống, làm việc, sáng tác bằng tiếng Pháp. Nói cách khác, không chỉ di cư về mặt địa lý, nhiều tác giả còn “di cư” cả về mặt ngôn ngữ. Sự kết hợp giữa cách nhìn của người nước ngoài với Pháp ngữ tạo nên một hình thức văn bản Pháp mới hoàn toàn. Các tác phẩm của họ góp phần tái điều chỉnh và mở rộng nền văn học Pháp.

2. Nhà văn Pháp gốc thuộc địa cũ

Nhiều nhà văn Pháp là cư dân đến từ các thuộc địa cũ, lớn lên song ngữ (tiếng mẹ đẻ và tiếng Pháp). Là con gái của một người bị cáo buộc là Algeria Hồi giáo bản địa, từng phụ trợ cho quân đội Pháp trong Chiến tranh Algeria (1954-1962), Zahia Rahmani (Pháp–Algeria) mang đủ thiệt thòi. Gia đình nữ nhà văn bị chối bỏ hai lần, cả bởi quê hương Algeria lẫn Pháp. Sau chiến tranh, vì mang danh kẻ phản bội đất nước, nhà Rahmani bị đuổi khỏi quốc gia. Họ buộc phải lưu vong tới Pháp. Tại Pháp, họ không tránh khỏi sự kinh thị, phân biệt đối xử tàn nhẫn. Hồi giáo(Muslim), tiểu thuyết bán tự truyện của Rahmani là quan điểm kép cùng nỗi đau nhân đôi, thể hiện sự ai oán, thống khổ của thiếu nữ buộc phải từ bỏ tiếng mẹ đẻ, học theo tiếng của “kẻ chiếm đóng”. Phải mất 10 năm, Rahmani mới đủ dũng khí quay lại với phương ngữ, nhìn lại ký ức, lý giải bí ẩn đeo đẳng suốt quá khứ nhẫn nhục, câm lặng.

Khác với Rahmani bị Algeria hiểu lầm là thân Pháp, Beata Umubyeyi Mairesse (Rwanda) là nạn nhân của Nạn diệt chủng Rwanda (quốc gia ở Đông Phi). Cô may mắn thoát khỏi cuộc chiến đẫm máu giữa hai sắc tộc Hutu và Tutsi tại quê nhà, trốn sang Pháp. Ban đầu, Mairesse sáng tác bằng tiếng Anh, chủ yếu viết truyện ngắn. Tình mẹ(Motherhood), một tác phẩm trong sưu tập truyện ngắn đầu tay Ejo (Ejo) của Mairesse là câu chuyện về góa bụa của một phụ nữ người Tutsi, có chồng là người Hutu. Dân làng đồn chị đầu độc, giết chết chồng. Đứa con trai 15 tuổi quay lưng với mẹ. Anh con trai này, vì sự lừa phỉnh của chú ruột, người không ngừng khuấy đảo sự oán hận của cháu trai với chị dâu, khi đến tuổi trưởng thành đã đầu quân vào lực lượng dân quân Hutu cực đoan. “Ejo” trong ngôn ngữ bản xứ của Mairesse vừa có nghĩa là “ngày hôm qua” vừa mang nghĩa “ngày mai”. Nó là lựa chọn từ vô cùng “đắt”, không chỉ thích hợp để diễn tả nỗi lo lắng khôn tả của người mẹ mà còn cho thấy ảnh hưởng sâu sắc của chiến tranh, xâm nhập vào cả quá khứ, hiện tại lẫn tương lai.

Không như Rahmani hay Mairesse cùng đường bị đẩy đến Pháp, Rachid O (Morocco- quốc gia ở Bắc Phi) tự nguyện đến đất nước hình lục giác. Sô cô la nóng (Hot Chocolate) là câu chuyện về một thanh niên Morocco, vì bị cuốn hút bởi hình ảnh cậu bé người Pháp tên Noé mà bà vú miêu tả, quyết định tới Pháp để thu hẹp khoảng cách giữa mình và thần tượng. Rachid O đề cập khá nhiều đến chủ đề đồng tính và Hồi giáo. Sô cô la nóng vừa là sự bối rối của nhân vật thiếu niên người Morocco trước tình cảm đồng giới dành cho Noé, người cậu chưa từng gặp, vừa là nỗi khát khao được trải nghiệm nước Pháp. Nó báo hiệu xu hướng tình dục khi nhân vật chính lớn lên cũng như hành trình cuối cùng của anh.

Tương tự, tiểu thuyết và kịch của Aziz Chouaki (Algérie) là chuyến du hành của một thanh niên Algérie (quốc gia ở Bắc Phi) tới Paris. Thủ đô Pháp trong mắt Chouaki rạng rỡ, sang trọng tới mức khiến anh cảm thấy tự ti vì nguồn gốc Algérie của mình. Tuy nhiên, Chouaki không phải mất nhiều thời gian để thấy “nửa tối” của thành phố hoa lệ. Sự nghiệp văn học của Chouaki được ví như một hành trình. Anh du lịch liên tục, chịu ảnh hưởng sâu sắc từ François Rabelais (nhà văn Pháp), Jorge Luis Borges (nhà văn Argentina) và Miles Davis (nhạc sĩ Mỹ).

3. Nhà văn Pháp gốc nước ngoài

Trong khi hầu hết các nhà văn Pháp gốc thuộc địa cũ đều ít nhiều được trang bị về kiến thức văn hóa Pháp, các tác giả nhập cư từ nước ngoài khác phải tự tìm hiểu, điều hướng khi đến nơi. Tự truyện của Négar Djavadi (Iran) khám phá con đường tìm đến sự chấp nhận của Paris thông qua vốn liếng tiếng Anh nghèo nàn. Nhờ ban nhạc Sex Pistols (Anh), Djavadi tìm được sự hài hòa giữa trang phục, ngôn ngữ và thế giới quan. Cô ôm lấy âm nhạc cùng nền văn hóa của nó, tin rằng “âm nhạc tố cáo thói đạo đức giả, phá hủy quy tắc, lý giải cho chúng ta biết thế giới vận động như thế nào”.

Tiểu thuyết đầu tay, Giữ từ Phương Đông (Désorientale), của Djavadi là câu chuyện về một gia đình người Iran (quốc gia ở Trung Đông) với ba thế hệ đều sống lưu vong tại Pháp. Trên con đường tìm kiếm chỗ đứng trong xã hội của nhân vật chính, niềm khao khát khẳng định bản sắc cuội nguồn được đặt ra. Bối cảnh của Giữ từ Phương Đông luôn song song giữa Tehran (thủ đô Iran) những năm 1970 và Pháp hiện tại. Chạy trốn khỏi Iran từ năm 11 tuổi, Djavadi không nhớ bao nhiêu về quê nhà. Dẫu vậy, bà vẫn hy vọng tác phẩm của mình sẽ khơi gợi trong lòng người đọc nỗi nhớ đất nước, tổ tông. “Mọi người hỏi tôi về Iran hiện nay, tôi không thể trả lời. Tôi chưa từng quay lại. Tôi chỉ hy vọng đất nước mà tôi phác họa trong những trang văn sẽ phần nào giúp tôi hiểu biết chút ít về cố quốc”.

Sinh ra tại Ấn Độ, Shumona Sinha chuyển đến Pháp và làm việc cho một tổ chức từ thiện cung cấp dịch vụ thông dịch cho người tị nạn. Từ kinh nghiệm cá nhân, cô cho biết làm cầu nối giữa ngôn ngữ và văn hóa không phải chuyện dễ dàng. Tiểu thuyết của Sinha nhận khá nhiều giải thưởng và được công bố rộng rãi, cả trong tiếng Đức lẫn tiếng Italia. Cô cũng viết khá nhiều thơ, xuất bản bằng tiếng Pháp và tiếng Bengal (Ấn Độ).

Tất nhiên, một vài tác giả và tác phẩm được đề cập ở trên mới chỉ là bề nổi, đại diện cho một phần sự phong phú và đặc sắc của mảng “Văn chương ngoại Pháp” trong nền văn học đa dạng của quốc gia này. Khi sự tách biệt về địa lý, truyền thống bị rút đi, các góc độ mới của hình lục giác sẽ dần được hình thành, hứa hẹn một sự tái cấu trúc mới, viết lên tân giai thoại về văn học Pháp đương đại.

 

Vũ Thị Huế lược dịch theoWordswithoutborders.org

Susan Harris (Mỹ)

Vanvn.net

Phạm Thuý Quỳnh đưa bài

Exit mobile version