Khi sắc bàng, bằng lăng trên cây bắt đầu đỏ lá thì con người cũng bắt đầu dành nhiều chỗ hơn cho những kí ức về mùa đông. Với người khác có thể là con sông phẳng lặng sau mùa bão lũ hoặc cái lạnh luồn sau lần áo… thì người lính của tiểu đoàn 76 sư 304B năm xưa – những chàng sinh viên Đại học Cơ điện, Đại học Sư phạm, Đại học Y khoa, Đại học Nông nghiệp của những năm đầu thập kỉ bảy mươi, quãng thời gian này là cảm giác bồi hồi: “Người ra đi đầu không ngoảnh lại/ Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy…” của ngày chia tay giảng đường lên đường chiến đấu để rồi sau đó là những tháng năm gian lao, ác liệt, những trận chiến đấu cam go, những cuộc hành quân gian khổ, những đêm nằm rừng muỗi vắt, những lần đối mặt với cái chết…

Kí ức ấy của họ vẫn xanh nguyên, tất cả như mới hôm qua, như vừa diễn ra dù mái đầu họ không ai chưa điểm bạc. Họ vẫn xưng “mày, tao” với nhau như cái ngày nào. “Thằng Thịnh phải không, gớm cái ngày mày cưới đói bỏ mẹ! Lâu lắm mới được bữa mặn đến giờ tao vẫn còn nhớ! Mà quà cưới hồi ấy cho chúng mày mỗi cái mùi!”. “Mày có nhớ cái bữa đầu tiên tập trung không? Buổi trưa ăn ngô khô khốc, chiều nhận quân trang rồi lèn tất cả lên xe chật cứng”. Xen vào đó là những cái đầu gục gặc: Bốn mươi năm… Ừ, thế mà đã bốn mươi năm rồi nhỉ… Không có nước mắt, chỉ có sự ngỡ ngàng, thân tình và thắm thiết. Tôi đem điều đó hỏi ông Nguyễn Trọng Luân – trưởng ban liên lạc của các Cựu binh tiểu đoàn 76 sư 304B năm xưa. Ông cười, giọng hóm hỉnh bảo rằng bởi lần trước tổ chức vào dịp ba lăm năm, gặp nhau, họ đã ôm ròa ngỡ ngàng, đã rưng rưng nên nước trong tròng mắt hết rồi và năm năm qua ngày nào cũng ngỡ ngàng nên lần gặp bốn mươi năm này không còn ôm ròa nhau nữa!

Mới hôm nào ba nhăm năm giờ đã bốn mươi năm… Nhanh thật. Trong câu chuyện của họ, ngoài kí ức hào hùng của những ngày vào sinh ra tử, đôi khi còn vuột thêm những tiếng thở dài khi nhắc đến một người nào đó, lần trước vẫn còn có mặt nhưng giờ đã khuất núi bởi những căn bệnh hiểm nghèo hoặc đang nằm trong bệnh viện không thể tham gia. Sự nghiệt ngã của thời gian là thứ mà chẳng cách gì cản được… Khác với lần gặp gỡ 35 năm, trong chuyến đi ngược trở về kí ức lần này, sau phần giao lưu buổi tối hôm trước, sáng hôm sau họ sẽ trở về thăm các gia đình ở xã Thượng Đình huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên mà ngày trước họ đã ở trong ba tháng huấn luyện tân binh trước khi lên đường đi B.

 

*

Bảy giờ sáng bắt đầu hành quân. Qua thành phố Thái Nguyên, xe rẽ trái vào con đường vắng để về xã Thượng Đình – nơi trước kia tiểu đoàn 76 sư 304B đóng quân huấn luyện. Ngồi cạnh tôi là ông Việt Anh. Tháng 9 năm 1972, khi nhập ngũ, chỉ một năm nữa thôi là ông sẽ tốt nghiệp khoa Toán trường đại học sư phạm Việt Bắc. Vâng. Chỉ một năm học nữa thôi, ước mơ được đứng trên bục giảng sẽ trở thành hiện thực. Tất cả cho tiền tuyến, tất cả vì sự thống nhất non sông, đứng trước sự tồn vong của dân tộc, không có chỗ cho những lựa chọn thuộc về cá nhân, thậm chí là sự lựa chọn lớn nhất của một cuộc đời con người: Sống và chết.

Trong câu chuyện của mình, ông vẫn nhớ như in ánh mắt trong trẻo ngời lý tưởng được cống hiến cho quê hương của Nguyễn Tài Năng – người bạn cùng lớp khi ông và các bạn tiễn Nguyễn Tài Năng và một số sinh viên nữa lên đường nhập ngũ đợt tháng 5 năm ấy. Vậy mà… Một người bạn khác – ông Phóng – cùng lên đường và vào chiến trường một lượt với Nguyễn Tài Năng đã kể lại với ông, Nguyễn Tài Năng không chịu được những “đòn đánh lén” của muỗi anophen, của những trận mưa rỉ rích, của thời tiết đỏng đảnh nắng mưa bất chợt rừng Trường Sơn nên bị sốt rét rừng quật ngã.

Không còn cách nào khác, đồ đạc quân tư trang của anh phải để người khác mang. Bản thân anh cũng phải nằm trên cáng để đồng đội khiêng. Đôi mắt thâm quầng vì sốt rét của anh lại càng tối hơn, u uẩn hơn khi thấy vì mình mà những giọt mồ hôi của anh em lã chã hơn, hơi thở dồn dập hơn trên mỗi chặng đường. Ông Việt Anh khẽ thở dài. Hồi sinh viên, anh ấy là người vô cùng khảng khái. Anh thường giúp đỡ mọi người nhưng ít khi chịu nhận sự giúp đỡ của người khác.

Tôi xin được trích một đoạn viết về Nguyễn Tài Năng của ông Phóng dưới hình thức nhật kí của Nguyễn Tài Năng mà ông Việt Anh chia sẻ với tôi. “…Một tuần nay tôi sốt, họ san sẻ với tôi. Họ cũng đã quá mệt mỏi rồi – không mệt sao họ lại lặng im như thế? Đến nơi tập kết, họ lầm lỳ trao đổi với nhau một vài lời rời rạc. Họ ướt rét run cầm cập. Họ lúng túng tìm củi khô để nấu cơm giữa mênh mang là nước, giữa những cơn mưa rừng nối tiếp mưa rừng. Rồi họ quay lại tìm tôi trong tối đen của đại ngàn, giữa bao nhiêu đường mòn ngang tắt… Có tiếng nói của ai đó: Hèn! Phải cố lên chứ, đây mới chỉ là bắt đầu của một trận đánh dài. Hèn! Một sinh viên khoa toán như mày, mà không tìm cho mình một đáp số đúng cho cuộc đời sao? Có tiếng nói của tôi: Đấy là anh khỏe, tôi đã kiệt sức rồi, kiệt sức rồi… Tôi phải nghỉ thôi, tôi có quyền được nghỉ, và tôi lại khóc… cầm quả lựu đạn, năm ngón tay tôi xiết chặt: chỉ cần quyết tâm thôi: 1,2,3 … 5 giây, chỉ cần 5 giây thôi mọi việc sẽ chấm dứt. Xung quanh tôi Nguyễn Nhã, Lê Thành, Triệu Tiến … bọn sinh viên khoa toán vẫn mệt mỏi chìm trong giấc ngủ: thôi chúng mày ở lại, tha lỗi cho tao…”.

Chúng tôi ngồi lặng im. Vâng, tôi đã cảm thấy rất rõ cả người ông phồng lên rồi từ từ trở lại bình thường trong một cái nén lại của lần hít vào rất sâu rồi thở ra từ từ. Một chút, ông quay sang tôi bảo bây giờ người ta vẫn còn tranh cãi về cái chết của Nguyễn Tài Năng. Người thì nói thế này, kẻ thì bảo thế kia… Còn tôi, thi thoảng vẫn gặp anh ấy trở về trong giấc mơ của mình. Lặng im và bình thản…


Các đại biểu và cựu chiến sĩ D76F304B/QK Việt Bắc về dự kỷ niệm 40 năm ngày nhập ngũ

Khi xe đến xã, đón đoàn là chủ tịch ủy ban nhân dân xã Thượng Đình. Sau những nghi thức xã giao, chủ tịch ủy ban xã ngỏ ý sẵn sàng cử người đi theo các tổ để dẫn về các thôn trong xã, nơi trước đây họ đóng quân. Thay mặt mọi người, ông Nguyễn Trọng Luân cảm ơn nhã ý đó và xin được để mọi người tự đi. Dù không ai nói ra, nhưng tôi biết trong tâm thức của những người lính tiểu đoàn 76 năm xưa, họ muốn tự mình đi lại con đường kí ức dù giờ đây, thời gian đã phủ lên trí nhớ của họ một màn sương mỏng, làm biến đổi rất nhiều cảnh vật, con người nơi đây.

Ra khỏi ủy ban, sau câu chuyện râm ran với những từ chỉ địa danh như xóm Hòa Bình, Làng Rô… Những tên người như ông Đức, bà Minh, bà Hằng… mọi người bắt đầu tự tách ra thành từng tổ như những ngày đầu huấn luyện để về các gia đình. Tôi đi theo đoàn của trường Đại học Sư phạm Việt Bắc gồm 3 ông: ông Lệ, ông Bảy, ông Việt Anh để về xóm Hòa Bình. Các ông bước khá nhanh trên đoạn đường liên xã như tranh thủ từng giây từng phút.

Khác với khi còn ở trên xe, câu chuyện của họ lúc này trở nên hết sức sôi nổi. Mình nhớ nhà ông Quảng có một bụi mây, ông bà quý bụi mây ấy lắm! – Ông Bảy bắt đầu kí ức của mình – Một lần huấn luyện về gặp ông ở cổng, chào nhưng ông không trả lời mặt thì hầm hầm như đang rất giận dữ. Mình rất lo, đoán có điều gì nghiêm trọng đã xảy ra nhưng không dám hỏi. Đến khi dò trong tiểu đội mới biết là có một cậu làm gãy một ngọn mây của ông. Thế nhưng khi mình dẫn cậu kia đến gặp thì ông lại lành ngay, không trách gì cả! Ồ! Ông bà Quảng tốt với mình lắm! Hồi ấy mình bé lắm chứ đâu có phát phì như bây giờ! – Ông Việt Anh tiếp câu chuyện. Ngày ấy mỗi lần đi huấn luyện về, ông bà Quảng bao giờ cũng để phần cho mình cơm và thức ăn trong chạn, đôi khi còn có cả rượu nữa! Quả thực, ngày ở chiến trường, những khi nằm hầm bị đói, cái phần cơm, thức ăn mà ông bà để trong chạn luôn làm mình tứa nước miếng! Năm 1982 mình có trở lại đây tìm nhà ông bà Quảng nhưng không thể nào hỏi thăm được. Chỉ nhớ trước cổng nhà có một cây hồng…

Câu chuyện dừng lại ở đấy vì trước mặt chúng tôi là ngã ba của xóm. Ông Lệ rẽ sang ngõ bên phải còn tôi theo ông Bảy và ông Việt Anh rẽ vào con ngõ bên trái để hỏi thăm về nhà ông bà Quảng. Bao năm xa cách, vật đổi sao dời khiến các ông hoàn toàn mất phương hướng. Phải sau vài lần hỏi thăm, chúng tôi mới biết ông bà Quảng đã bán nhà cho người khác và chuyển ra ở ngoài bãi sông.

Cả hai ông bà cùng hai anh con trai đều đã mất. Ông Quảng – con trai đầu (ông bà Quảng là gọi theo tên con trai đầu) đã hy sinh trong chiến trường còn anh con trai thứ hai thì mất vì bệnh ung thư. Khi nghe được những thông tin ấy, ông Việt Anh đứng im ánh mắt xa xăm như bị phủ bởi đám mây nặng trĩu… Sau phút lặng đi ấy, ông chỉ nói một câu: Mình đi. Tôi đã hiểu lầm câu “mình đi” ấy của ông ám chỉ quay trở lại nơi xe đang đỗ. Nhưng không phải. Ông không có ý định dừng lại cuộc đi kí ức của mình…

Theo chỉ dẫn, chúng tôi dừng lại trước ngôi nhà ngói có tường bao cùng cánh cổng sắt im ỉm đóng kín được khóa bởi một chiếc khóa dây ở phía ngoài. Vậy là chủ nhà đi vắng. Thật may, từ ngôi nhà đối diện có một chị chạy ra. Sau khi nghe được lí do, chị bảo chúng tôi chờ một lát, chị sẽ giúp gọi chủ nhà về.

Cuối cùng thì chúng tôi cũng bước qua cánh cổng vào trong sân. Chẳng còn lại chút gì của ngày xưa cả! Đã mấy lần ông Việt Anh thảng thốt bật lên câu ấy trong khi liên tục ngó nghiêng, liên tục đi đi lại lại trước sân hết quay phải lại trái rồi trước rồi sau. Phải, ông đang tìm lại xem còn chút gì của nơi đã khắc dấu trong lòng mình…

Nền nhà cũ ngày xưa giờ chỉ là những luống đất xỉn màu nắng mưa với mấy cây cải già bật gốc… Hàng rào mây quanh nhà quanh năm xanh tốt ngày xưa, giờ là bức tường bao lạnh lẽo phủ rêu xanh với những mảnh sành sắc nhọn cắm phía trên… Bốn mươi năm. Cái gia đình ấm áp đầy tình yêu thương in đậm trong tim đã cùng ông đi suốt những tháng năm chiến trận giờ chẳng còn lại chút gì… Biết thời gian luôn nghiệt ngã, không chiều lòng bất cứ một ai dù anh có nặng lòng đến mấy, nhưng sao vẫn thấy nhoi nhói trong lòng…

Tôi cố nén tiếng thở dài khi nhìn vào nét rưng rưng u uẩn trong đôi mắt ông – Đôi mắt của người đã từng vào sinh ra tử giờ đây đã ở tuổi lục tuần. Vâng, ngay cả cái ý định muốn thắp một nén hương cho vong hồn người đã khuất mà ông nói với tôi khi biết tin ông bà Quảng đã mất cũng chẳng thể nào thực hiện được… Tôi nắm lấy tay ông, định an ủi một câu rằng linh hồn ông bà sẽ vẫn ở quanh đây để chứng kiến ông trở về thăm họ sau bốn mươi năm xa cách nhưng rồi lại thôi. Trong ông, sự ấm áp của ngôi nhà này chắc chắn sẽ không bao giờ mất, dù giờ đây vật đã đổi, sao đã rời…


*

Trên đường trở về, ngược với sự sôi nổi khi đi, không khí trong xe trầm hẳn xuống. Tôi nhìn ra ngoài cửa kính. Những cánh đồng lúa hai bên đường sắp vào vụ gặt vàng sậm bông trĩu nặng suy tư được điểm xuyết bằng những lặng lẽ chao nghiêng của chim ngói, chim sẻ. Chỉ có tiếng xe ì ì chạy. Có lẽ, những kí ức về cái miền quê nghèo khó này giống như một viên than hồng ủ trong tro bếp được cời ra bùng lên thành ngọn lửa rừng rực giờ đã lắng lại, âm ỉ trong lòng họ.

Xe bắt đầu chạy qua thành phố Thái Nguyên. Một chiếc tàu hàng cũ kĩ bám đầy dầu nhớt khục khặc chạy cùng đoàn xe. Cái vẻ cũ kĩ và sự vắng vẻ của thành phố trong ngày nghỉ càng gây thêm sự chú ý của mọi người đối với con tàu. Trong tôi chợt dội lên hình ảnh một con tàu khác. Nó cũng cũ kĩ, cũng cần mẫn khục khặc khục khặc trên đường ray. Đó là con tàu của 39 năm về trước trong câu chuyện mà ông Nguyễn Trọng Luân kể cho tôi nghe tối hôm qua…

Con tàu ấy đưa những người lính sinh viên của tiểu đoàn 76 năm xưa vào Nam chiến đấu. Ông bảo, đêm hôm ấy trăng suông. Nhiều sương lắm. Sương và trăng trộn vào nhau tạo nên một thứ màu mờ đục phủ lên nóc con tàu cũ kĩ, phủ lên màu tím của sim trên đồi, chảy lênh loang trên mái tóc đen rồi xuôi xuống những thân hình thiếu nữ của các cô bạn gái ở các trường đại học quanh Thái Nguyên ra tiễn bạn ở ga Lương Sơn càng khiến cho lòng người thao thiết trong giây phút chia tay, với một lời hẹn mang đầy tính ước lệ của ngày chiến thắng trở về…

Khi tất cả được lệnh lên tàu, họ ùa ra hai bên đường đá… Hầu như tất cả các ông đều nhào ra cửa kính nhìn theo bóng họ mờ dần trong trăng, trong sương khi con tàu khục khặc chuyển bánh… Nhiều năm sau, hình ảnh các cô gái chạy theo đoàn tàu lấp loáng mờ trong sương, trăng đã trở đi trở lại rất nhiều trong ông. Chẳng thế mà mấy chục năm sau khi quay lại, hình ảnh ấy hiện về vẫn nguyên vẹn như năm nao. Và ông đã từng viết: “mấy chục năm sau quay lại ga Lương Sơn / con tàu cũ bến ga cũ im lìm mà kỉ niệm thì dậy lên nôn nao nức nở…”.

Sau cái đêm lên tàu ở ga Lương Sơn ấy, con tàu đưa họ tới Hà Nội thì dừng lại. Họ hành quân bộ qua thành phố giữa đống đổ nát và khói bom vẫn còn nghi ngút rồi tiếp tục lên tàu vào Thanh Hóa, Quảng Bình sang Lào, Cam Pu Chia sau đó đi thuyền độc mộc qua sông Pô Cô và dừng ở chân núi Chư Pông để bắt đầu một chặng mới với những hy sinh mất mát khi đối mặt trực tiếp với kẻ thù…

*

Buổi sáng trước khi đi, tôi đã được ông Luân cho xem bản tổng kết thành tích của tiểu đoàn 76 năm xưa: Hai người được phong Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, hầu như ai cũng có danh hiệu dũng sĩ diệt Mĩ và nhiều loại huân huy chương trong chiến đấu. Có thể gần bốn mươi năm trước, lòng quả cảm của họ là nỗi khiếp đảm kinh hoàng của kẻ thù, nhưng giữa đời thường hôm nay, họ thật bình dị. Trên đường từ Hà Nội lên tới thành phố Thái Nguyên, khi gần tới nhà khách Quân Khu I, ông Luân bỗng reo lên: “Tay Thiện kìa!”. Tôi ngoái ra cửa kính nhìn về phía sau thì thấy một người khá nhỏ bé mặc chiếc áo khoác bên ngoài bộ đại lễ đi xe máy chở một can rượu to.

Qua câu chuyện của mọi người tôi mới biết đó là ông Trần Xuân Thiện – Một trong hai người của tiểu đoàn 76 năm xưa được phong Anh hùng. Sau này gặp ông ở nhà khách, quả thực tôi hơi bất ngờ trước con người hiền khô với nụ cười lúc nào cũng thường trực trên môi lại là người bắn cháy ba chiếc xe tăng địch trong trận đánh Ban Mê. Tôi cũng được nghe chuyên về ông Lệ. Ông Lệ là cựu sinh viên trường sư phạm Tây Bắc, từng hai lần cắm cờ cửa mở: một ở trận Thuần Mẫn – Cẩm Ga trước khi ta đánh vào Ban Mê, hai là ở trận Đồng Dù.

Trong trận Đồng Dù, sau khi lực lượng đi trước đã mở được 21 hàng rào của địch thì chúng dùng pháo M48 nống ra kết hợp cùng súng bắn tỉa gắn kính ngắm hồng ngoại chặn ta lại. Trước tình thế đó, các ông chỉ còn cách là ép sát người xuống đất để lết vào tới chiến hào sát cửa mở. Việc cắm cờ lúc này hết sức quan trọng bởi nếu cắm được, đó sẽ là điểm đánh dấu để pháo ta xác định tọa độ bắn vào tạo cơ hội cho bộ binh xông lên đánh chiếm cứ điểm. Lợi dụng pháo địch chuyển làn, ông rút cờ trong người ra và bật dậy cắm lên cửa mở… Trận ấy ta tiêu diệt hoàn toàn cứ điểm bắt sống rất nhiều tù binh. Thế nhưng sau khi giải phóng trở về người lính dũng cảm ấy lại không cắm được cờ lên cửa mở là cô gái đã chờ đợi ông sau những năm tháng chiến tranh. Khi trả lời câu hỏi tại sao lại thế của tôi, ông cười, chẳng tại sao cả, chẳng tại ai cả, tại… số!

Vâng, tất cả các ông, những người với vẻ mặt hiền khô và độ lượng kia, đều có những chiến công rất anh hùng đáng được tôn vinh, nếu không ở đây, không ngồi “hóng chuyện” của các ông chắc tôi sẽ chẳng thể nào hình dung nổi. Ông Khuất Duy Hoan, nguyên Phó tư lệnh Quân đoàn 3 đã từng nhiều lần vác B40 “săn” xe tăng trong chống Mĩ, trong chiến tranh biên giới Tây Nam đánh Pôn Pốt giúp nước bạn Căm pu chia khỏi họa diệt chủng, trong một lần bị địch vây, ông đã gọi pháo ta bắn thẳng vào sở chỉ huy tiểu đoàn…

Rồi ông Thân Như Ngôn, ngay trận đầu tiên đã được phong dũng sĩ diệt Mĩ, ông kể trận ấy sau khi diệt địch trong một ngôi nhà bằng B40 ông đã xông vào bắt sống 5 tên tù binh giải về phía sau giao cho đại đội mà không cần phải dùng bất cứ một chiếc dây trói nào.

Rồi ông Nguyễn Mạnh Tiêu – người tiểu đội trưởng tiểu đội “khua sương đá mìn” (khua sương đá mìn là cách đùa hóm hỉnh dành cho tiểu đội trinh sát của ông). Kéo ống quần lên ông cười bảo vẫn còn mấy mảnh mìn đang nằm trong đó. Mấy mảnh mìn ấy “rủ nhau vào thăm” ống chân ông trong lần đi trinh sát một đồn địch ở ngã ba Củng Sơn để đánh vào thị xã Tuy Hòa. Ông bảo lần ấy, linh tính làm sao ông lại gọi thêm một người nữa đi cùng tổ ba người của mình.

Bữa ấy, sương giăng mịt mùng ở ngã ba Củng Sơn. Tổ trinh sát bốn người lặng lẽ cắt phương vị trườn đi trong cái giá lạnh đang ngấm vào da thịt để trinh sát một chốt địch chuẩn bị cho trận đánh hôm sau. Khi còn cách chốt địch khoảng 70m thì đạp phải mìn. Một chiến sĩ trong tổ bị mảnh phạt mất một miếng mông, máu chảy xối xả còn ông thì bị thương ở chân, đúng động mạch nên máu phun thành vòi, người còn lại cũng bị mảnh văng vào người. Số bông băng mang theo, ông đưa hết cho đồng đội còn mình thì xé gấu áo để tự garô vết thương dưới chân cho khỏi mất máu đồng thời cử người lính mà ông gọi đi cùng quay lại báo cho đơn vị cử người đến giúp. Rất may, bọn địch trong chốt đang hoang mang nên không dám đánh ra mà chỉ bắn như vãi đạn. Nếu như hôm đó địch đánh ra, tổ trinh sát sẽ chiến đấu đến viên đạn cuối cùng rồi tự sát bằng lựu đạn…

Trong câu chuyện tôi nghe được hôm ấy, không phải chỉ có những trận đánh mà còn rất nhiều những kỉ niệm đầy lãng mạn giữa chiến trường khói lửa. Ở cái tuổi gần sáu mươi, ánh mắt của bác sĩ Đỗ Minh vẫn lấp lánh chất nghệ sĩ của một tay ghi ta cự phách. Ngày ấy, vào chiến trường ngoài ba lô và súng ống trên vai anh sinh viên trường y Đỗ Minh còn có thêm một cây ghi ta gỗ. Những cuộc hành quân vất vả, những giây phút thảnh thơi giữa hai trận đánh, chiếc đàn ghi ta luôn chia sẻ cùng Đỗ Minh và đồng đội những gian lao, những nỗi nhớ quê nhà, cho họ thêm niềm tin về một ngày mai chiến thắng.

Trong một trận bom, chiếc đàn ghi ta của anh đã bị vùi kín không vết tích. Lấy đâu ra đàn bây giờ? Chỉ có cách duy nhất đó là tự mình làm lấy. Vậy là tranh thủ những lúc nghỉ ngơi, anh lính Đỗ Minh cặm cụi gọt gọt đẽo đẽo từ những thùng đạn để làm mặt trước còn mặt sau thì chế ra từ những mảnh đuy-ra máy bay. Thùng và cần đàn xong rồi nhưng dây đàn thì làm sao đây? Hai dây trần thì dễ nhưng bốn dây bọc mới quả thực mất công mất sức. Mò mẫn kiếm được các sợi dây đồng nhỏ, anh dùng nó quấn xung quanh các dây thép to nhỏ khác nhau để làm bốn dây bọc.

Cuối cùng cây đàn “tự chế” cũng ra đời, âm của nó chả kém là mấy so với cây đàn cũ! Vâng. Bom đạn dù ác liệt đến mấy cũng không thể nào đốt được sự lãng mạn ấy của họ. Sau khi chiếm xong cứ điểm Thuần Mẫn (một quận của tỉnh Phú Bổn trước năm 1975) Nguyễn Văn Lệ – người hai lần cắm cờ cửa mở – vô tình tìm thấy một thư viện sách tại đây. Tiếc sách ông đào hố chôn xuống đó rồi tranh thủ lúc rỗi lại mò ra đó mê mải trên những trang sách tư liệu, tiểu thuyết. Cho đến bây giờ ông vẫn còn thấy tiếc những cuốn sách quý mà không cách gì mang theo được… Rồi những câu thơ đau đáu của Nguyễn Trọng Luân. Vào chiến trường, người lính học trò nhìn cuộc đời dù có khác vẫn là học trò cầm súng/ Đêm trăng ở Tây nguyên khác chi với mùa trăng cũ/ Mò dưới suối đêm nay tìm trăng/ Mây trắng bơi đêm thành dòng sữa/ Giữa rừng khuya người chiến sĩ/ Nhìn trăng bơi…

Cuộc gặp gỡ kết thúc bằng một kế hoạch đi xuyên Việt trở lại chiến trường nơi các ông đã từng chiến đấu. Chia tay các ông, tôi cứ vẩn vơ một điều đó là, với ai màu thời gian có thể dễ phai, nhưng những năm tháng tuổi trẻ một thời chiến trận đầy bi tráng của những người lính, sẽ mãi xanh, sẽ chẳng bao giờ phai nhạt trong lòng họ.

Nguồn: vannghequandoi.com.vn