Mở đầu tập tùy bút Miếng ngon Hà Nội, Vũ Bằng đã trân trọng viết: “Thân mến tặng Quỳ, người nội trợ đã giúp tôi viết xong cuốn sách này; người bạn đã cho tôi thưởng thức miếng ngon đất Bắc; để kỷ niệm những ngày vui sống trên đầm Linh Đường ngào ngạt hương sen”, và khép lại tập sách là những dòng ghi chú: “Bắt đầu viết tại Hà Nội mùa thu 1952, sửa chữa và viết thêm tại Sài Gòn năm 1956, 1958, 1959”. Có nghĩa là, mặc dầu được khai bút từ tổ ấm gia đình, song bao trùm lên Miếng ngon Hà Nội là một nỗi niềm hoài hương dằng dặc thương nhớ: “Vào khoảng năm tàn tháng hết, ở miền Nam nước Việt có những buổi tối đìu hiu lạnh như mùa thu đất Bắc… Những lúc đó, ta không thể không liên tưởng tới những ngày dịu ngọt bên cạnh mẹ già, vợ dại dưới cái mái nhà cũ kĩ rêu phong… Đi trong gió lạnh lùng, tôi nhớ đến những buổi sum họp êm đềm, nhớ đến những bữa cơm thân mật, tôi nhớ đến những miếng ngon gia dụng và đêm đêm tôi đã ghi những nhận xét và cảm xúc đó lên trên mặt giấy”. Là một cây bút nhập thế, năng động và từng trải trong đường đời cũng như trong đường tình, Vũ Bằng sớm khẳng định tên tuổi trong đời sống văn chương và báo chí những thập niên đầu thế kỷ XX. Nhưng có thể nói Miếng ngon Hà Nội mới thực sự đánh dấu bước ngoặt trong đời văn của ông. Tác phẩm được viết bằng một tâm thế và trên một nền tảng hiện thực khác. Những tâm trạng buồn thương của người xa xứ, sự xa cách về không gian, những hơi ấm kỉ niệm, sự thiếu vắng hình bóng người vợ hiền cùng nguồn cảm xúc ân ái nồng nàn của tuổi trẻ… đã chi phối đến cách cảm, cách nghĩ, cách khám phá và thưởng thức các món ngon của Vũ Bằng. Dễ nhận thấy, các miếng ngon Hà Nội hiện ra trong văn Vũ Bằng mang một vẻ đẹp nữ tính và phảng phất hương vị ái tình. Có thể gọi đó là một thứ khoái cảm thẩm mĩ nhân đôi – 2 in 1 – làm nên đặc điểm diễn ngôn, dấu ấn thi pháp nổi bật trong tùy bút Vũ Bằng.


Là một thể văn xuôi giao thoa giữa tự sự và trữ tình, chất thơ của tùy bút biểu thị qua diễn biến nội tâm phong phú của chủ thể, qua năng lực liên tưởng dồi dào và thế giới ngôn từ nghệ thuật giàu hình ảnh, cảm xúc. Trong văn học Việt Nam hiện đại thế kỉ XX, sau Nguyễn Tuân thì Thạch Lam và Vũ Bằng là hai tác giả đã tạo được phong cách riêng và khá thành công với thể tùy bút bởi lối viết tài hoa, mới mẻ. Cả hai ông đều là những nhà “Hà Nội học” có mẫu số chung là tình yêu với mảnh đất kinh kì, là sự lựa chọn “Hà Nội băm sáu phố phường” làm không gian sáng tạo, là niềm khoái thú bất tận trước những “miếng ngon Hà Nội”. Tuy nhiên, giữa hai người có nhiều khác biệt. Thạch Lam thì nhẹ nhàng, tinh tế. Từ màu sắc, hương vị của món ăn, ông thường liên tưởng tới một tác phẩm nghệ thuật, và xa hơn nữa là những giá trị tinh thần hằng cửu. Vũ Bằng lại nồng nàn, mạnh mẽ, “đàn ông tính” đậm đặc hơn. Và có lẽ chính cái “đàn ông tính” này đã chi phối cách viết, “bút pháp” của Vũ Bằng.  Dù mới chỉ ngắm nghía say sưa sắc màu, cách bài trí bắt mắt của các “miếng ngon” hay đã thưởng thức hương vị ngất ngây của chúng, bao giờ Vũ Bằng cũng liên tưởng đến mĩ nhân. Từ sức hấp dẫn của những thực đơn bình dân, ông đã “dựng” được một thế giới người đẹp vừa thanh cao, tinh khiết, vừa khêu gợi, lẳng lơ. Đó chính là sắc hương tình yêu – một “hệ tín hiệu” nổi bật trong nghệ thuật ẩm thực cũng như nghệ thuật tùy bút của Vũ Bằng qua Miếng ngon Hà Nội.

So với Hà Nội băm sáu phố phường của Thạch Lam thì Miếng ngon Hà Nội của Vũ Bằng có tiết tấu nhanh hơn, gần gũi với đời thường và phóng túng hơn. Hình bóng mĩ nữ hiển thị qua những trang văn của ông cũng mang nhiều gương mặt, kiểu dáng khác nhau. Có thể đó là những phác thảo tạo ấn tượng thanh tân, trẻ trung: “Trên những lá chuối xanh trong màu ngọc thạch, sắc trắng của bánh nổi bật lên, một cách hiền lành; và người ta tưởng tượng đến những người con gái bé nhỏ đứng ở dưới tàu tiêu đẹp một cách kín đáo và lành mạnh… Có khi đương cầm đũa, ta muốn bỏ ngay ra để lấy ngón tay nhón từng chiếc bánh đưa lên cho khẽ chạm lấy môi ta như kiểu một cái hôn yêu trong buổi trao duyên thứ nhất (Bánh cuốn); “Cốm đương mộc mạc, nổi hẳn màu lên và duyên dáng như cô gái dậy thì bỗng tự nhiên đẹp trội lên trong một buổi sáng mùa xuân tươi tốt” (Cốm Vòng); “Miếng cá cứ trắng nõn ra, trông vừa nục nạc mà lại vừa khô ráo, gợi cho ta cảm tưởng như được nhìn thấy một người đẹp vừa tắm nước thang lan đi thơ thẩn trong một huê viên đầy mộng” (Gỏi)… Nhưng tác giả ít khi chịu bằng lòng với những cảm xúc mơ màng, xa xăm đó. Ông ưa những ấn tượng và cảm giác mạnh. Ông để cho “ngôn ngữ cơ thể”, nhan sắc, da thịt rạo rực của phái đẹp cất lên tiếng nói: “Tức một nỗi là cái ngon đó nó thoang thoảng như da thịt của một người đàn bà đẹp vừa gội đầu bằng nước nấu lá mùi” (Bánh cuốn); “Bánh trông mịn mặt, chung quanh mỏng, giữa phồng, trông như da thịt mát rợi của người đàn bà đẹp vừa mới tắm” (Bánh đúc); “Đó là cái ngon của da thịt cô gái quê đẹp mê mệt, đẹp lành mạnh, lâm li” (Bánh xuân cầu); “Những cái bắp căng nhựa sống như da thịt của những cô gái đẹp dậy thì, trắng như thế mà cũng nõn nà như thế” (Ngô rang, khoai lùi); “Tất cả tiết ra một mùi thơm làn lạt như mùi hoa đồng thảo, lại ngồn ngộn như mùi thịt gái tơ” (Thịt cầy); “Bao nhiêu thứ rau thơm mát như da người thiếu nữ đương tơ” (Hẩu lốn)… Cũng từ sức hấp dẫn của miếng ngon – người đẹp, tác giả đã bộc lộ cái nhìn ít nhiều mang sắc thái “nam quyền” và nhiệt tình sống của mình: “Bởi vì ở Bắc Việt, ăn rươi là một công lệ, đến mùa mà không được ăn thì như là một người đàn bà đẹp đã để phí mất tuổi hoa” (Rươi); “Thiếu hai món rau quan yếu đó, thật y như một người đàn bà đẹp mà vô duyên: tẻ lắm” (Rươi)… Và đôi khi vô tình để lộ cả những “giăng gió”, phong tình: “Có khi đang ăn, sực nghĩ rằng mình đang được dùng một của trái mùa, ta sướng rợn lên như được đặc hưởng ân tình với một người đẹp ở một nơi u tịch, không ai hay biết” (Rươi), hoặc giả là một cái nhìn thân mật, suồng sã, phi tuổi tác: “Hàng nào cũng có một cái đòn gánh cong hai đầu; người bán hàng bước thoăn thoắt, hai cái thúng đung đưa, trông thật trẻ và thật… đĩ” (Cốm Vòng). Bởi vì, như đã nói ở trên, Miếng ngon Hà Nội được viết trong những khát khao đôi lứa và nỗi đợi chờ đằng đẵng tới ngày sum họp những năm đầu đất nước cắt chia. Chính vì vậy, bên cạnh việc mô tả các món ăn mang vẻ đẹp “thiên tính nữ” giàu sức gợi tình với những da thịt nõn nà, thơm phức, hồng tươi, căng mọng, lộng lẫy, “não nùng”, rực rỡ, ác liệt…, với những thiếu nữ dậy thì “xanh lên ngọn tóc, nhựa căng vú đào” mà người khác giới dễ bị chinh phục, Vũ Bằng còn có kiểu nhìn các miếng ngon qua lăng kính lứa đôi. Sau khi đã mãn nhãn trước bữa tiệc của sắc màu, Vũ Bằng thường hướng tới mối tương tư và sự hòa hợp nam nữ, coi đó là đỉnh điểm của khẩu vị, là sự hoàn hảo của món ăn: “Anh nào nghiện thịt bò, nhớ phở bò hai hôm ấy như gái nhớ trai, như trai nhớ gái”, “Phở gà có phong vị của một nàng con gái thanh tân – nếu ta so sánh bát phở bò với một chàng trai mà hào khí bốc lên ngùn ngụt” (Phở gà); “Đậu rán với bánh đúc hành mỡ là bóng với hình, là non với nước, là trai với gái, thật hợp giọng, thiếu đi một thứ thì tự nhiên cuộc đời thiếu vẻ đẹp ngay” (Bánh đúc); “Vị ngọt lừ của hồng nâng mùi thơm của cốm lên, kết thành một sự ân ái nhịp nhàng như trai gái xứng đôi… tơ hồng quấn quýt” (Cốm Vòng); “Ăn ý với nhau, như thể âm với dương, trai với gái… Trai sánh với gái, bao giờ cũng nên thơ”, “Người đẹp thường hiếm thấy… Nhưng người đẹp dẫu nghiêng nước nghiêng thành đến bậc nào mà đứng một mình thì cũng hoài mất cái đẹp đi” (Tiết canh, cháo lòng); “Chỉ thiếu có một người, vũ trụ bao la hiu quạnh… huống chi là thiếu thịt cầy thì còn vui sống làm sao” (Thịt cầy); “Cái và nước là hai mâu thuẫn, nhưng tài tình thay, lại hòa hợp với nhau như tiếng chim loan hòa với tiếng kêu chim phượng, như trai hòa với gái, như tình nhân trong một phút yêu thương, diễm ảo hòa trộn linh hồn vào với tình nhân” (Hẩu lốn); “Ăn một bát phở như thế, thú có thể ví như sau một thời gian xa cách, được ngả vào trong tay một người vợ đẹp mà lại đa tình” (Phở bò, món quà cơ bản); “Miếng ngon Hà Nội bao giờ cũng trung thành, êm ái, miếng ngon Hà Nội bao giờ cũng chiếm được lòng ta như một người vợ hiền chiếm được lòng chồng. Có thể rằng có những buổi mây chiều gió sớm, người đàn ông theo tiếng gọi giang hồ cố hữu, lơ là với mối yêu đương trong một thời gian, nhưng phút sa ngã qua đi, quay về với gia đình, người đàn ông chỉ càng thấy mối tình cũ càng thêm quý hóa” (Trước khi ngừng bút); v.v… và v.v… Tất cả tạo nên một tiết tấu nhịp nhàng giữa màu sắc, mùi vị, hương thơm với những giai điệu nhớ thương của tâm hồn, một sự cộng hưởng giữa thực thể vật chất với giá trị tinh thần bền vững.

Cùng với Thương nhớ mười hai thì Miếng ngon Hà Nội là một góc cảm xúc chất chứa tình thương mến vô bờ và nỗi niềm nhung nhớ của một người con xa xứ, xa nhà, một người chồng xa vợ, một người bố xa con, một người anh xa em. Trong khoảng cách vời vợi của không gian và thời gian, tác phẩm là một món quà quý gửi về Hà Nội yêu dấu, là sự kết tinh tình yêu cuộc sống, tình yêu quê hương và đất nước. Đó là một ca-ta-lô ẩm thực sinh động, một dòng hoài niệm miên man những tâm tình lứa đôi và ước mong sum vầy cùng gia đình, người thân. Đằng sau mỗi món ăn gắn với những không gian quen thuộc của Hà Nội những năm 50 thế kỉ XX được miêu tả tỉ mỉ, say sưa, tràn trề cảm hứng là cả một bức tranh với nhiều gam màu đặc trưng cho nghệ thuật ẩm thực Bắc Kì từ nguồn gốc nguyên liệu, kĩ thuật nấu nướng, chế biến, bày biện, trang trí đến nghệ thuật thưởng thức. Và đằng sau những “khoái cảm văn bản” của văn phong tuỳ bút Vũ Bằng, ta nhận thức được những nét đẹp, cốt cách và bản sắc của người Việt trong sự hòa hợp với thiên nhiên, sự lựa chọn và ứng xử trước những biến thiên của lịch sử, xã hội, sự giao lưu hội nhập Đông – Tây cũng như việc giữ gìn, bảo lưu những giá trị truyền thống. Bởi vì, chuyện ăn uống tự nó đã chứa đựng – như cách nói của Vũ Bằng – “cả một nền văn hóa”


Lý Hoài Thu
Nguồn: Vannghequandoi.com.vn