Đầu năm 2007, khi cả nước Ba Lan đang chuẩn bị kỷ niệm lần thứ 75 ngày sinh của Ryszard Kapuscinski, một trong những nhà văn tiêu biểu nhất thế kỷ XX trên quê hương Sô-panh và Ađam Mickiewicz, thì ông đột ngột ra đi sau cơn nhồi máu cơ tim tại một bệnh viện ở Varsava, để lại niềm tiếc thương vô hạn trong lòng hàng triệu độc giả yêu mến ông và trong lòng những người dân bình thường không coi văn học là mối quan tâm hàng đầu trong cuộc sống của mình. Nhà xuất bản Znak trước đó đã có sáng kiến tập hợp các bài viết của mười ba dịch giả nước ngoài từng ít nhiều dịch tác phẩm của Kapuscinski, kể lại những kỷ niệm đẹp của mình về ông trong một cuốn sách được chuẩn bị công phu với hy vọng sẽ là món quà đặc sắc và bất ngờ tặng ông nhân dịp sinh nhật. Nhưng rồi chuyện đó mãi mãi chỉ là ý định tốt đẹp, là bằng chứng về những tấm lòng cao đẹp dành tặng cho một tấm lòng cao đẹp. Ryszard Kapuscinski đã vĩnh viễn ra đi vào đêm ngày 23-1-2007, không chờ đến dịp kỷ niệm sinh nhật lần thứ 75 của mình vào ngày 4-3-2007, để mọi người có cơ hội bày tỏ tình cảm dành cho một nhà văn vĩ đại cũng đồng thời là con người tuyệt vời của đất nước Ba Lan, Tổ quốc của bốn nhà thơ nhà văn đoạt giải Nobel văn học.

Năm nay, năm 2012, cả Ba Lan kỷ niệm lần thứ 80 ngày sinh và lần thứ 5 ngày mất của Ryszard Kapuscinski. Đây là dịp để mọi người từ khoảng cách thời gian nhìn lại, đánh giá lại tầm vĩ đại của một cây bút đặc sắc đã đóng góp cho văn học Ba Lan và văn học thế giới nửa sau thế kỷ XX những tác phẩm gây tiếng vang lớn trong nước và trên khắp năm châu. Nhưng những lời đánh giá của Salman Rushdie, nhà văn người Ấn Độ, tác giả Những vần thơ của quỷ sa-tăng viết về Kapuscinski trong lời nói đầu tác phẩm Thêm một ngày sống của nhà văn Ba Lan xuất bản bằng tiếng Anh ở Luân Đôn vào năm 1987, đến nay vẫn còn nguyên giá trị: “Một Kapuscinski quý hơn 1.000 cây bút tầm thường đầu óc luôn để đâu đâu và chỉ biết thốt ra những tiếng kêu ai oán”.
Ryszard Kapuscinski lần đầu tiên có thơ in trên tuần báo Hôm nay và ngày mai khi ông mới 17 tuổi. Trong hơn nửa thế kỷ cầm bút, ông để lại cho đời gần 30 tập sách. Nhưng có một học giả Ba Lan đã đưa ra nhận xét thú vị là số trang sách các nhà phê bình, nghiên cứu trong nước và trên thế giới viết về ông lớn hơn rất nhiều so với số trang sách ông đã viết ra và xuất bản. Như vậy đủ biết ông thu hút sự quan tâm, chú ý đặc biệt của dư luận và có vị trí như thế nào trong nền văn học dân tộc và trong di sản văn học nhân loại. Viết về ông, tác giả các bài viết luôn gặp khó khăn trong việc dùng từ ngữ để gọi tên các chức danh gắn với tên tuổi ông, xác định giá trị thể loại văn học ông sử dụng và thể hiện những gì cần đề cập. Chẳng hạn như trong tấm bằng tiến sĩ danh dự mà Đại học Tổng hợp Wroclaw (Ba Lan) tặng cho Kapuscinski, sau họ tên ông người ta đã phải dùng rất nhiều tính từ, danh từ, cụm từ mới lột tả hết được tầm vĩ đại và những cống hiến lớn lao của ông: Tặng Ryszard Kapuscinski, nhà văn Ba Lan vĩ đại, nhà báo, người viết phóng sự, bậc thầy ngôn từ, nhà khoa học xã hội, nhà triết học vì những tác phẩm miêu tả thế giới với những phức tạp của nó một cách tỉ mỉ, chính xác, vì đã đưa ra bằng chứng về số phận con người, vì thái độ luôn nghiêng về tầm vĩ đại và nghèo khổ của con người, vì tình yêu con người, vì đã dạy cho mọi người biết thế nào là sự cởi mở, lòng vị tha, sự tôn trọng tất cả các nền văn hóa khác, về những dự báo đầy tinh thần cảnh giác và những dự báo về niềm hy vọng và sự nguy hiểm mà nền văn minh hiện tại có thể mang đến, về mối mối quan tâm lo lắng đến giá trị của nghề làm báo, vì những gì đã làm giúp ông trở thành một nhân cách văn học và đạo đức lớn nêu tấm gương sáng cho những người cầm bút và bạn đọc trên khắp năm châu.
Nói đến những cống hiến của Ryszard Kapuscinski cho văn học Ba Lan và văn học thế giới, trước hết phải nói đến đóng góp lớn lao của ông để thể loại phóng sự vốn có lịch sử và truyền thống lâu đời trong văn học thế giới có thêm tên gọi mới là phóng sự văn học với đầy đủ ý nghĩa của từ này. Nhờ đó ông là nhà văn Ba Lan được đánh giá rất cao trên văn đàn thế giới. Nói cách khác, ông là nhà văn đã mang lại danh dự cho văn học nước mình, bên cạnh nữ thi sĩ Wislawa Szymborska, người đoạt giải Nobel Văn học năm 1996. Có được vị trí đó là vì ông đã tạo ra nét đặc sắc của riêng mình, nét đặc sắc gắn với sự sáng tạo và nâng lên đỉnh cao thể loại phóng sự văn học rất phù hợp với thời đại mới trong văn học thế giới. Đó là thời đại của một thế giới không ngừng biến đổi với tốc độ chóng mặt, thời đại bùng nổ thông tin, thời đại nhu cầu cũng như phong cách đọc đã khác trước. Rồi ông trở thành một trong những bậc thầy của thể loại có tên phóng sự văn học này. Nhưng để có được những tác phẩm văn học đi vào lòng độc giả trong nước và thế giới, Ryszard Kapuscinski đã có mặt ở rất nhiều nơi trên khắp năm châu, loại hình lao động nghệ thuật mà ông chấp nhận và kiên trì theo đuổi từ đầu đến cuối không chỉ đòi hỏi tài năng sáng tạo mà cả sự hy sinh cuộc sống cá nhân, hạnh phúc gia đình.
Bí quyết thành công trong sự nghiệp cầm bút của Kapuscinski là kiên trì thực hiện nguyên tắc gói gọn trong mấy từ: đi nhiều, đọc nhiều và chăm chỉ viết. Chỉ riêng chuyện đi của ông đã có thể là đề tài cho một cuốn sách thú vị. Ông đã có mặt tại một trăm quốc gia, chứng kiến tận mắt nhiều cuộc xung đột lớn trên thế giới. Có trường hợp trong vòng một tháng ông đi qua năm nước thì tại bốn quốc gia đang ban bố tình trạng chiến tranh, trên chặng đường 520 km ông bị kiểm tra 24 lần, 4 lần bị khám người rất kỹ và 4 lần bị đe dọa đem đi xử bắn. Ông cũng đã 12 lần có mặt ở những nơi đang diễn ra chiến sự ác liệt, trong đó không ít lần ở ngay mặt trận tiền tiêu, cận kề bom đạn, chết chóc. Có lần ông bị trói vào cột hành hình, chờ đội hành quyết nổ súng. Nhưng rồi một sự may mắn tình cờ (viên chỉ huy đội hành quyết say rượu) đã giúp ông thoát chết.
Ngay từ thời trai trẻ, mơ ước cháy bỏng của Ryszard Kapuscinski là bước chân ra khỏi biên giới nước mình, dù chỉ một lần, được đứng trên phần đất làm thành biên giới giữa các quốc gia. Bởi vì khi đó tấm lòng con người sẽ được mở ra, tầm mắt con người mới nhìn xa hơn về phía những chân trời. Ông thấm thía câu nói của ai đó, rằng một người có trí tuệ khi đứng gần biên giới phân định các quốc gia, người đó sẽ nhìn thấy những chân trời rộng lớn hơn và một thế giới bao la hơn. Cơ hội để ông bước chân vào thế giới đó đã đến vào năm ông 24 tuổi và địa điểm mà ông bước chân qua là một cửa khẩu nằm trên biên giới giữa Ba Lan và nước láng giếng Tiệp Khắc. Năm ông tròn tuổi 30, với danh nghĩa phần thưởng cho loạt bài phóng sự xuất sắc viết về khu gang thép Nowa Huta đặt gần cố đô Krakow, ông được cử làm phóng viên thường trú của Thông tấn xã Ba Lan PAP ở nước ngoài. Từ thời điểm đó, thời gian ông sống ở nước ngoài nhiều hơn ông thời gian ông có mặt bên cạnh vợ con ở Ba Lan. Mỗi chuyến đi của ông đều được chuẩn bị với tư thế của người lính ra mặt trận, chấp nhận khó khăn, gian khổ, thậm chí phải lường trước khả năng xấu nhất. Ông trung thành với nguyên tắc áp dụng cho người phóng viên là  phải có mặt ở nơi những sự kiện được phản ánh đòi hỏi tính chính xác và tính thời sự cao.
Ryszard Kapuscinski làm báo sau khi tốt nghiệp khoa sử Đại học Tổng hợp Varsava. Đam mê lớn nhất của ông là khám phá thế giới. Ông đã từng viết: “Về mỗi con đường đang đi, tôi thích nghĩ đó là con đường không có điểm dừng, con đường vòng quanh thế giới. Ý nghĩ đó có xuất phát điểm từ việc nếu khởi đầu từ con sông quê, tôi có thể bơi thuyền tới tất cả các đại dương. Từ cái thị trấn Pinsk bé nhỏ, nơi có những ngôi nhà làm toàn bằng gỗ của tôi, có thể đi vòng quanh thế giới”. Và từ những chuyến đi mà độ dài cộng lại có thể lên tới hàng trăm ngàn kilômét ấy, Kapuscinski đã cho ra đời gần hai chục cuốn sách chứa đựng những giá trị văn học mới mẻ, đặc sắc, không lặp lại ở bất cứ ai và bất cứ nơi đâu, thấm đẫm tư tưởng nhân văn, đầy tính triết lý sâu xa, đem lại cho người đọc sự hiểu biết về những vùng đất mới và những nền văn hóa mới. Tầm lớn lao của Kapuscinski không chỉ được làm nên bởi ngòi bút mà còn bởi cả con người. Cho nên không có gì đáng ngạc nhiên là từ nhiều thập niên trước, những gì ông viết ra đã thực sự là lời dự báo hiện thực cuộc sống, là lời chỉ đường cho những ai đang đi trên những con đường khác nhau. Ông trở thành nhà thông thái, triết gia, người hướng dẫn tinh thần, người thầy, ngươi có uy tín lớn lao không chỉ của người Ba Lan mà của cả những người đang sống rất xa ngoài biên giới Ba Lan. Phải sống ra sao đây? Thế kỷ XXI sẽ là thế kỷ như thế nào? Những câu hỏi loại này không chỉ những người bình thường nêu ra cho ông với hy vọng nhận được câu trả lời làm kim chỉ nam cho cuộc đời mình. Những câu hỏi đó cũng được các giáo sư đang giảng dạy tại những trường đại học danh tiếng trên thế giới và không ít nguyên thủ quốc gia đưa ra và chờ đợi câu trả lời trong những dịp tiếp xúc với ông. Bởi ai cũng biết ông là người có nhiều cơ hội đứng ở biên giới các quốc gia nên ông nhìn thấu những chân trời rộng mở và một thế giới bao la. Người ta tin vào câu trả lời và những dự báo của ông, tiếp nhận chúng như những phương án giải quyết vấn đề tốt nhất, như những nhiệm vụ mình phải hoàn thành. Có người đã phát biểu một cách chân thành: “Nếu nhiều người nghe được những gì Kapuscinski nói thì chúng ta sẽ sống tốt hơn và chúng ta sẽ trở nên thông thái hơn”.
Lý do khiến mọi người khâm phục, kính trọng Kapuscinski có lẽ vì ông có biệt tài cúi mình sát xuống số phận của những con người cụ thể, ông được thiên phú khả năng nhận ra chi tiết cốt lõi trong bức tranh toàn cảnh miêu tả những sự vật và hiện tượng bao quanh chúng ta, bức tranh không lúc nào ở trong trạng thái tĩnh. Kapuscinski là nhà văn mà tác phẩm viết ra với sức lay động tổng hợp có thể vượt qua mọi rào cản, vượt qua biên giới nước mình để đến với bạn đọc năm châu. Ông được thừa nhận rộng rãi ở Ba Lan, trở thành nhà văn lớn của thế kỷ XX trên quê hương mình mặc dù tác phẩm của ông không phải là tiểu thuyết hay truyện ngắn và những vấn đề nóng bỏng mà ông đề cập không lấy bối cảnh hay sự kiện xảy ra ở Ba Lan làm đề tài. Đóng góp vào thành công to lớn của Kapuscinski với tư cách một người cầm bút còn có hai yếu tố quan trọng khác là nghệ thuật sử dụng ngôn từ và óc quan sát tinh tế, độ sắc sảo trong việc nhận định, đánh giá sự việc.
Từ lâu ở Ba Lan nhiều nhà phê bình văn học cũng như đông đảo đồng nghiệp đã coi Kapuscinski là bậc thầy về sử dụng ngôn từ. Có được danh hiệu này, ngoài tài năng bẩm sinh, còn có lý do quan trọng khác là ông luôn ý thức rõ ràng về vai trò của tiếng mẹ đẻ trong công việc của người cầm bút. Nhưng đồng thời với cái đó, ông cũng nhận ra tầm quan trọng của ngoại ngữ và việc phát huy thế mạnh của công nghệ hiện đại nhằm phục vụ hiệu quả nhất loại hình lao động của người phóng viên thường trú. Vì vậy ông học ngoại ngữ mọi lúc, mọi nơi và học theo cách của riêng mình. Kết quả là ông nắm vững và sử dụng thành thạo 5 ngoại ngữ (Anh, Nga, Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha).
Tác phong làm việc nghiêm túc, tỉ mỉ, kiên trì của Kapuscinski cũng là đề tài các bài viết, các cuộc thảo luận về bí quyết thành công của ông. Trong những dịp tiếp xúc với các nhà báo trẻ, ông nhắc đi nhắc lại nguyên tắc làm việc bất di bất dịch mà ông không bao giờ được phép quên: “Để có được một trang văn bản của mình, phải đọc ít nhất 100 trang của những người khác viết về cùng một đề tài”. Khi được hỏi: “Cần phải viết như thế nào?”, ông trả lời không do dự: “Trước hết phải đọc nhiều”. Đối với Kapuscinski, nhu cầu đọc thực sự là một phần cuộc sống của ông. Bằng chứng là ông có đến sáu tủ sách riêng, một đặt tại nhà riêng ở Varsava, năm cái khác nằm rải rác trên khắp thế giới: Lagos, Mehico, Dacar, Mỹ, Okxford. Việc duy trì và bổ sung sách báo, tài liệu cho các tủ sách ở nước ngoài đôi khi vượt quá khả năng tài chính của ông, nhưng bù lại, khi đến những nơi này, ông có niềm vui được đọc những gì ông cần đọc.
Tôi có may mắn lớn được Kapuscinski lúc sinh thời coi là bạn vong niên. Ông đã mấy lần mời tôi đến nhà riêng đàm đạo chuyện văn chương, chuyện đời. Những dịp như vậy bao giờ ông cũng tiếp tôi tại căn phòng rộng, bàn tiếp khách đặt khiêm tốn ở một góc nhỏ, còn phần lớn diện tích được dành cho mấy chiếc bàn to kê nối tiếp nhau, xung quanh tường chật cứng toàn sách là sách. Tôi có cảm giác tủ sách riêng của ông không thua kém gì thư viện khoa của một trường đại học. Nghe nói năm 1998, trước khi đặt bút viết những dòng đầu tiên của cuốn sách về châu Phi nhan đề Heban, ông đã vừa mua vừa mượn về nhà 260 cuốn sách viết về lục địa này để đọc tham khảo. Ông cũng đã từng kể trong cuốn Chân dung người viết phóng sự rằng ông cố gắng tạo cho mình thói quen viết đều đặn mỗi ngày, dù có ngày chỉ viết được một phần tư hay nửa trang văn bản.
Thói quen viết ngắn gọn, súc tích, ít lời nhiều ý của ông có lẽ hình thành từ thời ông làm phóng viên thường trú Thông tấn xã Ba Lan PAP ở nước ngoài, trong hoàn cảnh tài chính eo hẹp, ông chỉ được quyền chi 40 đô la để gửi một bài viết về nước. Vì mỗi từ gửi đi phải mất nửa đô la nên bất kể bài viết nói về một sự kiện nhỏ hay miêu tả cả một cuộc đảo chính quân sự, dung lượng của nó không được phép vượt quá 80 từ.
Như đã có dịp đề cập, thể loại văn học mà Ryszard Kapuscinski trung thành từ khi bắt đầu sự nghiệp cầm bút tới khi ông đột ngột ra đi là phóng sự văn học. Ông lấy các nước Thế giới thứ ba làm đề tài cho tác phẩm văn học của mình. Ông ít viết về đất nước quê hương, song độc giả Ba Lan coi các tác phẩm của ông là món ăn tinh thần không thể thiếu. Ông cung cấp cho họ vốn kiến thức sâu rộng, quý giá về những gì xảy ra bên ngoài biên giới nước mình. Từ rất sớm, ông đã có quan niệm đúng đắn, đáng suy ngẫm về các nền văn hóa khác ngoài văn hóa Ba Lan, văn hóa châu Âu. Quan điểm nhất quán, được đánh giá rất cao của ông là trên thế giới không tồn tại những nền văn hóa cao cấp và những nền văn hóa thấp kém. Không có hai nền văn hóa giống hệt nhau, nhưng sự khác biệt giữa các nền văn hóa phải được trân trọng. Kapuscinski luôn nhấn mạnh rằng thế kỷ XXI là thế kỷ đa văn hóa và tính đa văn hóa của nó không chỉ bao trùm toàn cầu mà diễn ra ngay trong nội bộ một nền văn hóa của một quốc gia cụ thể. Vì vậy chúng ta đứng trước nhu cầu tạo ra định nghĩa mới về dân tộc với tư cách một cộng đồng đa văn hóa, đa sắc tộc. Nguyên tắc cơ bản của dân chủ hóa là bảo đảm cho tất cả mọi công dân sống trên lãnh thổ một quốc gia quyền gìn giữ tiếng nói riêng, nền văn hóa riêng và quyền được coi mình là thành viên của một dân tộc. Ông cũng hy vọng rằng tại châu Âu, sức mạnh của lối tư duy châu Âu là năng lực tự phê bình. Trong truyền thống châu Âu, bất cứ cuộc khủng hoảng lớn nào cũng đều là lý do để người ta suy nghĩ sâu xa, tìm ra sai lầm, rút ra bài học bổ ích. Đây cũng là dịp để người châu Âu suy ngẫm, đặt lại một số vấn đề mang tính toàn cầu. Bởi vì quá trình toàn cầu hóa và tạo ra các xã hội phù hợp với thời đại toàn cầu hóa là quá trình không thể đảo ngược. Cho nên các quốc gia hiện nay chỉ có hai sự lựa chọn: hoặc bắt đầu ghét nhau, chống lại nhau, phê phán nhau, nhìn người khác như kẻ thù của nền văn hóa nước mình hoặc bắt đầu cố gắng tìm hiểu nhau để hiểu biết nhau hơn. Không hiểu nhau là dẫn đến chiến tranh. Người ta đã tổng kết được rằng 99 phần trăm các cuộc xung đột trên thế giới có nguồn gốc từ việc hai bên tham chiến không có sự hiểu biết cần thiết về nhau.
Một trong những biểu hiện của thái độ tôn trọng các nền văn hóa khác ở Kapuscinski là khi đến bất cứ đâu, vấn đề ông quan tâm đầu tiên là tìm hiểu nền văn hóa của người đối thoại. Ông không phỏng vấn mà trò chuyện. Ông không ghi âm, ghi vào sổ tay các nội dung các cuộc nói chuyện. Ông chuyện trò tự nhiên, cởi mở với mọi người và khi về nhà cố gắng tái hiện những gì diễn ra trong cuộc tiếp xúc. Tất cả các cuộc gặp gỡ của ông với mọi người, dù họ là người dân bình thường hay các vị đứng đầu nhà nước, đều diễn ra bình đẳng, thân tình. Với tác phong và cách tiếp cận như thế, Kapuscinski đã nhận được những gì ông mong muốn, bởi vì những người đối thoại nói với ông những điều họ nghĩ trong đầu, bày tỏ những gì thực sự là nguyện vọng cháy bỏng.
Trong toàn bộ sự nghiệp cầm bút của mình, Ryszard Kapuscinski xuất bản gần 30 đầu sách, nhận trên 20 giải thưởng trong nước và nước ngoài, được trao bằng Tiến sĩ danh dự của một số trường đại học Ba Lan. Nhưng khi nhắc đến ông, người ta nghĩ đến một trong những nhà báo lớn nhất, chân chính nhất, có ảnh hưởng sâu rộng nhất trên thế giới thế kỷ XX. Ông coi nghề báo là sứ mệnh cao cả, cho nên nhà báo phải có ý thức rõ ràng về sứ mệnh đó và một khi đã là sứ mệnh thì thành quả đạt được không chỉ là vấn đề mang tính cá nhân. Một nhà báo chân chính luôn coi nghề nghiệp của mình là cách sống, là một phần của bản sắc riêng, cho nên đương nhiên phải đồng nhất mình với nghề nghiệp. Nhà báo phải làm việc với sự đam mê lớn và đặt đạo đức nghề nghiệp lên vị trí hàng đầu.
Mặc dù đã có mặt tại một trăm quốc gia trên thế giới, Ryszard Kapuscinski chưa một lần đặt chân đến Việt Nam. Trong một lần trò chuyện với tôi, ông lấy làm tiếc về điều này. Ông nói: “Trước đây chúng ta làm mọi cái theo sự phân công. Tôi không có may mắn được cử đi làm việc ở Việt Nam”. Và ông nói thêm: “Tuy vậy tình cảm của tôi đối với Việt Nam rất sâu đậm. Tôi theo dõi với mối quan tâm sâu sắc tình hình Việt Nam. Sau này, khi ở Varsava có cộng đồng người Việt đông đảo, các nhà hàng, quán ăn Việt Nam mở ra, tôi hay đến một nhà hàng của người Việt dùng bữa”.
Đáp lại tình cảm yêu mến đó của ông, tại Việt Nam thời gian gần đây, một số tác phẩm của Kapuscinski đã được dịch và giới thiệu. Hai cuốn sách nổi tiếng của ông là Du hành cùng HerodotusHeban đã được Nguyễn Thái Linh dịch ra tiếng Việt, góp phần để số lượng bản dịch các tác phẩm của Kapuscinski ở nước ngoài lên con số 120. Trích đoạn các tác phẩm như: “Hoàng đế”, “Lapidarium”, “Chân dung người viết phóng sự”, một số bài tiểu luận của nhà văn cũng đã được in trong “Văn học Nước ngoài” số đặc biệt năm 2008 và trên các tạp chí tiếng Việt khác. Kapusscinski càng ngày càng trở nên gần gũi với bạn đọc Việt Nam hơn.
Trong một cuộc gặp gỡ độc giả thân thiết của chồng mình, bà quả phụ Alicja Kapuscinska kể rằng ông Kapuscinski trước mỗi chuyến đi nước ngoài, bất kể đi mấy ngày hay đi mấy năm liền, luôn mang theo chùm chìa khóa nhà. Ông bảo phải làm như vậy để khi về là có chìa khóa mở vào nhà ngay. Giữa tháng 1 năm 2007, trước khi vào nằm viện, ông cũng không quên đem theo chùm chìa khóa. Tiếc rằng lần này, sau mấy ngày nằm viện, ông vĩnh viễn không trở lại ngôi nhà thân yêu của mình trên phố Prokuratorska nằm giữa thủ đô Varsava nữa. Từ bệnh viện ông đến thẳng nơi an nghỉ cuối cùng, đến khu vực dành riêng cho những người có công lớn đối với sự nghiệp văn học của dân tộc Ba Lan.
Mấy tháng sau khi ông qua đời, những người hàng xóm của bà quả phụ Alicja Kapuscinska mới chịu chấp nhận một thực tế là ông đã vĩnh viễn ra đi. Nhưng họ đề nghị bà đêm đêm bật điện trong phòng làm việc của ông để ít nhất họ vẫn có cảm giác ông chưa đi xa, ông vẫn sống bình thường giữa những người hàng xóm thân thiết của mình.
Ryszard Kapuscinski đi xa đã tròn 5 năm, song những gì ông dày công sáng tạo ra vẫn còn mãi. Hàng năm ở Ba Lan, bà quả phụ Alicja Kapuscinski vẫn đích thân trao các xuất học bổng mang tên chồng bà cho những nhà báo trẻ tài năng và trao giải Kapuscinski cho những cuốn sách xuất sắc thuộc thể loại phóng sự văn học từ khắp nơi trên thế giới gửi về Ba Lan dự thi.

Nguyễn Chí Thuật

Thư của bà quả phụ Alicja Kapuscinska
gửi nhà văn Nguyễn Chí Thuật

Kính thưa Giáo sư,
Tôi rất vui mừng trước sáng kiến của Giáo sư nhân kỷ niệm 80 năm sinh người chồng quá cố của tôi. Tôi hoàn toàn ủng hộ sáng kiến đăng trong số tháng 3 Tạp chí Nhà văn bản dịch bài viết của chồng tôi nhan đề Cuộc gặp gỡ với Người khác – thách thức lớn trong thế kỷ XXI, rút từ tập Người khác. Đặc biệt hơn là cùng với bản dịch đó còn có bài viết của Giáo sư về con người và tác phẩm Ryszard Kapuscinski.
Tôi chân thành cảm ơn Giáo sư về những lời chúc tốt đẹp nhân dịp Giáng sinh và năm mới.
Chúc Giáo sư có một kỳ nghỉ vui vẻ tại Hà Nội và cũng nhân dịp này tôi nhiệt liệt chúc mừng Giáo sư về giải thưởng vừa được trao cho tập thơ viết bằng tiếng Ba Lan của Giáo sư.
Varsava ngày 20-12-2011
Alicja Kapuscinska

Nguồn: TCNV 03-2012.

Exit mobile version