Ryszard Kapuscinski, người được tôn làm bậc thầy về thể loại phóng sự văn học không chỉ ở Ba Lan mà trong văn học thế giới nói chung. Ông không có vinh dự đứng trong hàng ngũ những nhà văn nhà thơ Ba Lan được trao Nobel Văn học (tuy ông đã mấy lần được đề cử và nằm trong danh sách những nhà văn thế giới cuối cùng để đưa ra Hội đồng giải thưởng của Viện Hàn lâm Khoa học Thụy Điển bỏ phiếu), song suốt mấy thập kỷ qua, ông luôn là nhà văn Ba Lan được nhắc đến nhiều, được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới nhất. Không phải ngẫu nhiên mà tác phẩm của ông được đưa vào sách giáo khoa văn học dạy trong trường trung học ở Mỹ. Sau khi cuốn Hoàng đế, lấy đề tài là cuộc cách mạng Etiopia, xuất bản năm 1978, ông được xếp ngang hàng với những tác giả hàng đầu thế giới ở thể loại báo chí văn học, như Norman Mailer, Truman Capote hay Bruce Charwin. Ban giám khảo của Thư viện công cộng New York đã bình chọn tác phẩm này của Kapuscinski là một trong 150 cuốn sách hay nhất thế kỷ XX. Ngay sau khi ông qua đời ngày 23 tháng 1 nam 2007, một nhà báo Mỹ đã viết rằng với sự ra đi của Kapuscinski, thế giới chúng ta đang sống sẽ bớt thông minh hơn. Nhà chính trị nổi tiếng một thời ở Ba Lan, ông Rokita, cho rằng đọc xong những cuốn sách của Kapuscinski, con người ta trở nên tốt hơn đẹp hơn. Trước đó những lời đánh giá của Salman Rushdie, nhà văn người ấn Độ, tác giả Những vần thơ của quỷ sa-tăng viết về Kapuscinski trong lời nói đầu tác phẩm Thêm một ngày sống của nhà văn Ba Lan xuất bản bằng tiếng Anh ở Luân Đôn vào năm 1987, đến nay vẫn còn nguyên giá trị: “Một Kapuscinski quý hơn 1.000 cây bút tầm thường đầu óc luôn để đâu đâu và chỉ biết thốt ra những tiếng kêu ai oán”.
Tôi có may mắn được học tập và làm việc nhiều năm trên quê hương Chopin và Adam Mickiewicz. Tôi còn có vinh dự lớn lao hơn là được làm quen với Ryszard Kapuscinski và sinh thời ông coi tôi là bạn vong niên. Tôi đã mấy lần được gặp ông, khi thì ở quán cà phê trong khuôn viên Thư viện Đại học Tổng hợp Varsava, khi tại nhà riêng của nhà văn trên phố Prokuratorska 11 giữa thủ đô. Lần nào ông cũng tiếp đón tôi chân tình, cởi mở. Ông tự mình đun nước pha trà, chuyện trò với tôi như với một đồng nghiệp thân thiết. Ông ít nói về mình. Phần lớn thời gian của cuộc gặp ông dành cho việc lắng nghe. Bây giờ tôi mới hiểu, tại sao các nhà văn, các nhà phê bình văn học Ba Lan luôn nhấn mạnh đặc điểm này ở con người nhà văn lớn Ryszard Kapuscinski…
Nhà văn Ryszard Kapuscinski
Ryszard Kapuscinski là nhà văn trong suốt cuộc đời cầm bút của mình hầu như chủ yếu theo đuổi, sáng tạo và nâng lên thành nghệ thuật đỉnh cao một thể loại văn học, đó là phóng sự. Ông nhận thức sâu sắc hơn ai hết sức mạnh và thế mạnh của thể loại văn học này. Trong một thế giới không ngừng biến đổi với tốc độ chóng mặt, thế giới bùng nổ thông tin, thế giới toàn cầu hóa, thế giới trong đó con người luôn phải chạy đua với thời gian nhưng vẫn dành một phần cuộc sống của mình cho niềm say mê văn học nghệ thuật, một số thể loại văn học trước đây không đáp ứng yêu cầu của tầng lớp độc giả mới, những người muốn có ngay những gì nóng hổi nhất đang diễn ra trên trái đất, phóng sự là thể loại phù hợp hơn cả. Nhưng để những gì mình viết ra không mất tính thời sự ngay sau đó, sự đòi hỏi về tính nghệ thuật được đặt ra. Đáp ứng được cả hai tiêu chí đó nhất định phải là thể loại phóng sự văn học với ý nghĩa trọn vẹn của khái niệm này. Ryszard Kapuscinski là người hiểu rất rõ suy nghĩ, thực tế và nhu cầu của độc giả hiện đại. Với thế mạnh của một phóng viên thường trú, với mong muốn hiểu biết thế giới, ông đã có mặt tại rất nhiều nơi trên thế giới, viết rất sắc sảo, tài tình những gì mình chứng kiến để mang lại cho bạn đọc không chỉ tại đất nước Ba Lan quê hương mình, mà thông qua các bản dịch, độc giả trên khắp thế giới được hưởng lợi từ những gì được viết nên bởi ngòi bút đầy ma lực của ông.
ở Ryszard Kapuscinski có một nét đặc biệt, hầu như không lặp lại ở bất cứ nhà văn thế giới nào. Ông là nhà văn Ba Lan có vị trí số một số hai trong nền văn học hiện đại nước mình mấy thập kỷ gần đây, được đánh giá rất cao trên thế giới, là nhà văn mang lại vinh quang cho văn học Ba Lan trên văn đàn thế giới, song ngoài cuốn sách duy nhất viết về đề tài Ba Lan và một tập thơ mỏng, mấy chục cuốn sách còn lại của ông hoàn toàn viết về đề tài nước ngoài. Nét đặc biệt nữa ở ông là, cũng giống như nữ thi sĩ Ba Lan được trao giải Nobel Văn học năm 1996, Wislawa Szymborska, mỗi cuốn sách của Ryszard Kapuscinski đều được xuất bản với số lượng lớn và tái bản không chỉ một lần, trước khi xuất bản là sự mong đợi của bạn đọc, sau khi ra đời bao giờ cũng tạo nên sự kiện văn học trong nước và quốc tế. Tại Hội nghị Thế giới Những người dịch văn học Ba Lan ở nước ngoài, tổ chức tháng 6 năm 2008 ở cố đô Krakow, số dịch giả ít nhiều dịch tác phẩm của Kapuscinski chiếm tới gần một nửa số đại biểu tham dự hội nghị.
Ryszard Kapuscinski có quan niệm rất đúng đắn về các nền văn hóa trên thế giới. Theo ông, không có văn hóa cao cấp và văn hóa thấp kém, đã là văn hóa dân tộc thì tất cả đều đáng trân trọng như nhau. Mỗi nền văn hóa dân tộc có bản sắc riêng của mình và chính vì thế đóng góp của nó cho văn hóa thế giới càng lớn lao và thiết thực. Khi có mặt ở bất cứ quốc gia nào, dù thời gian dài hay ngắn, ông đều quan tâm tìm hiểu văn hóa nước sở tại để đưa vào tác phẩm của mình những kiến thức phục vụ việc nâng cao hiểu biết của người đọc. Ông khiêm tốn tự nhận mình là người phiên dịch các nền văn hóa thế giới ra tiếng Ba Lan. Các cuốn sách ông viết ra, ngoài các giá trị khác, bao giờ cũng là nguồn tư liệu quý về nền văn hóa của các quốc gia ông chọn làm đề tài tác phẩm.
Nói đến Ryszard Kapuscinski, các nhà phê bình văn học Ba Lan cũng như bạn viết của ông luôn nhấn mạnh phong cách làm việc độc đáo của ông. Phong cách đó có thể gói gọn trong mấy từ: đi nhiều, đọc nhiều và chăm chỉ viết. Cần nhấn mạnh ở đây hai chữ “chăm chỉ”, vì trong cuốn Chân dung người viết phóng sự tác giả kể rằng ông luôn phải đấu tranh quyết liệt với sự lười biếng vốn có ở mỗi con người để ngồi vào bàn viết đúng giờ dự định, ngay cả khi cảm hứng sáng tạo chưa kịp đến. Ông quan niệm rằng lao động nghệ thuật tuy có đặc thù là phụ thuộc khá nhiều vào cảm hứng, song nếu nhà văn không tự gò mình vào kỷ luật viết một cách khắt khe, mà một trong những sự khắt khe đó là ngồi vào bàn đúng giờ quy định, thì sẽ khó hy vọng là những trang viết giá trị ra đời từ ngòi bút của mình. Không ít lần ông ngồi trước tờ giấy trắng hàng tiếng đồng hồ, trán vã mồ hôi mà vẫn chưa viết ra được những từ đầu tiên của một tác phẩm. Ông kể rằng khi bắt tay viết cuốn Hoàng đế, vì không nghĩ ra câu mở đầu, ông bực mình gục đầu xuống nền nhà, chổng mông lên trời một lúc lâu. Bỗng trong đầu lóe lên ý nghĩ về con chó của hoàng đế Etopia, ông vùng dậy viết câu đó lên trang giấy để trên bàn và yên tâm rằng cuốn sách sẽ ra đời.
Ryszard Kapuscinski là con người thông minh, sắc sảo, song ông luôn đặt sự chăm chỉ lên hàng đầu trong số các yếu tố làm nên thành công của một nhà văn. Ông viết chậm vì ông cầu toàn trong cách dùng từ ngữ. Có nhà phê bình nhận xét rằng mỗi câu trong tác phẩm của Kapuscinski gần như là một câu cách ngôn. Ông cố gắng viết hàng ngày và với ông, ngày nào viết được một nửa trang, thậm chí một phần tư trang giấy, ngày đó được coi là một ngày làm việc thành công. Ông đã từng tâm sự với sinh viên khoa Báo chí Đại học Tổng hợp Varsava trong một lần được mời giảng bài: “Tôi bỏ ra rất nhiều thời gian để có được một đoạn văn. Muốn viết được một câu của mình, cần phải đọc hàng ngàn câu của người khác. Trước khi bắt tay vào viết cuốn Heban (về đề tài châu Phi), tôi có trong nhà cả thảy 260 văn bản, tài liệu liên quan đến lục địa này”.
Là nhà văn chuyên viết phóng sự, ông coi trọng những chuyến đi. Nhưng đi là để tận mắt chứng kiến sự việc, để chiêm nghiệm những điều mình nghĩ, để tiếp xúc với mọi người. Ông có biệt tài bắt chuyện và gợi chuyện với những người chưa quen, những người ông gặp lần đầu. Ông rất ghét kiểu “cưỡi ngựa xem hoa”, nên khi muốn tìm hiểu vấn đề gì đó, ông tìm đến ngọn ngành và đưa ra những nhận xét sắc sảo, đầy tính thuyết phục. Là phóng viên, sau thành chuyên gia viết phóng sự, song ông không sử dụng triệt để hình thức ghi chép hay ghi âm. Ông cố gắng nhớ trong đầu để khi viết ông hình dung lại mọi chuyện đã diễn ra. Ông cho rằng phụ thuộc quá nhiều vào những dòng ghi chép sẽ làm mất đi tính sáng tạo của nhà văn. Không ghi chép tỉ mỉ, nhà văn sau đó có cơ hội lục lại trong trí nhớ của mình những gì liên quan đến đề tài và sẽ viết vói một cảm hứng mới, tự nhiên hơn.
Sau những lần gặp gỡ với Ryszard Kapuscinski, đặc biệt sau lần đến thăm ông tại nhà riêng, tôi cứ nghĩ mãi về một nét đặc biệt làm nên tầm vĩ đại của con người ông. Đó là văn hóa đọc và thái độ trân trọng lao động sáng tạo của người khác. Lần nào hẹn gặp ông, tôi cũng đến điểm hẹn sớm hơn, một phần vì náo nức, phần vì sợ đến muộn sẽ thất lễ với một nhà văn lớn. Ông đến đúng giờ, trên tay ôm một chồng sách mới mua. Ông dành những câu mở đầu trong cuộc gặp gỡ để nói về những cuốn sách đó. Tôi nghiệm ra một điều rằng sự vĩ đại ở ông nằm trong tính khiêm nhường. Ông là nhà văn số một của Ba Lan trong nhiều thập niên, vậy mà ông không quên đọc sách của người khác, chấp nhận mình ở vị trí bạn đọc, thậm chí vị trí học trò.
Ngày 14 tháng 1 năm 2010, theo quyết định của Hội đồng Thành phố Varsava, Giải thưởng văn học mang tên Ryszard Kapuscinski đã được công bố và kể từ đó đến nay đã thu hút sự quan tâm của các nhà văn trong và ngoài nước. Đây là sự tôn vinh những tác phẩm có giá trị nhất được các tác giả sử dụng thể loại phóng sự văn học và đề cập đến những vấn đề quan trọng của thế giới hiện đại, cung cấp cho người đọc kiến thức sâu rộng về các nền văn hóa khác nhau trên thế giới.
Vậy là đã 6 năm kể từ ngày Ryszard Kapuscinski đi xa. Nhưng trong phòng làm việc của ông đêm đêm vẫn có một hay hai ngọn đèn thắp sáng. Những người hàng xóm đề nghị bà quả phụ Alicja Kapuscinska làm như vậy. Họ muốn có cảm giác rằng đêm đêm nhà văn, nhà báo, nhà thơ Kapuscinski vẫn ngồi làm việc. Không ai muốn chấp nhận cái thực tế là ông đã đi xa. Thế mới biết ông không chỉ là một nhà văn lớn. Ông còn là một nhân cách lớn. Và cái vế thứ hai này là yếu tố không kém phần quan trọng làm nên sự vĩ đại ở ông.
_______
(*) Tác giả hiện đang sống và làm việc tại Ba Lan.
(Nguồn: Văn nghệ số 10/2013)