Người ta tìm thấy ả trong gian buồng thường dùng làm nơi pha chế rượu. Lúc mọi người tìm đến thấy đất đai bị bới tung. Người ta nghi đây là vụ ám sát vì vàng. Trong căn buồng đó không có vàng cũng không có tấm bản đồ kho báu như người ta vẫn nghĩ. Ngoài những loại thảo dược và vài vật dụng thông thường chỉ có hũ rượu ngọc dương quý đã mở nắp. Ả chủ quán chết gục trên chiếc bàn đặt giữa phòng, có một chiếc ly nhỏ vẫn còn mùi rượu. Người ta còn tìm thấy một cuốn gia phả và bức ảnh khổ nhỏ chụp một gia đình đã nhiều năm về trước…

Người ta gọi cái xóm nhỏ gần bãi đào vàng đã bỏ hoang ấy là làng Đa Thê. Vào mùa xuân, đứng từ xa cũng có thể nhận ra làng bằng cây nêu cao chót vót treo đầy bùa xanh, đỏ. Cái tên Đa Thê có từ gần chục năm trở lại đây, nó gắn liền với những con người lang bạt tứ xứ giang hồ co cụm về đây lập thành làng xóm.

Đàn ông xứ này nghèo xơ xác, vậy mà ai cũng năm thê bảy thiếp. Gọi là thê thiếp cho sang chứ thực ra nào có cưới hỏi gì. Từ khi các ông chủ vàng tặc không còn kiếm được gì từ vùng đất bị đào xới nát bét này thì phu vàng, gái điếm, kẻ sa cơ lỡ bước đành líu ríu bám víu lấy nhau. Cái làng ấy vốn chẳng có gì vui, đàn ông thì tiếc nuối dĩ vãng, còn đàn bà mải xót xa nhan sắc. Họ gắn kết trong cái vẻ rời rạc đìu hiu của vùng đất bị bỏ hoang như nấm mồ từng chôn sống tham vọng của con người. Nhưng gần đây làng nhỏ ấy bỗng nhiên bị xáo trộn bởi một ả đàn bà đến bán rượu huyết dê. Không biết vì rượu ngon hay vì người bán rượu đẹp mà đàn ông như vươn vai rũ bỏ cái tổ dĩ vãng để lên men, ồn ã và ao ước viển vông. Còn đàn bà dường như đã thức tỉnh, xé toang cái vẻ ủ rũ thường thấy để căng mắt cảnh giác trước nỗi hoang mang nào đó rất mơ hồ.

Trước đây vùng đất này vốn được coi là mỏ vàng. Mà nói đúng hơn nó chỉ là mỏ vàng ảo chứ chưa ai tận mắt nhìn thấy vàng bao giờ. Cách đây gần hai mươi năm, nơi này là làng Tiên Sơn, dân sống đông đúc lắm. Đất đai tuy cằn cỗi nhưng nhờ những người nông dân chất phác, chăm chỉ lao động nên mùa nào thức ấy. Cuộc sống diễn ra yên bình cho đến khi một gia đình bỗng dưng mất tích giữa đêm khuya. Đó là nhà Bính Kha vốn có tiếng là sống hiền lành, tử tế. Không ai biết họ đi đâu? Và vì sao họ lại ra đi lặng lẽ như một cơn gió đêm như thế?

Minh họa: Lê Tiến Vượng.

 

Nhưng một đồn mười, mỗi người tự thỏa sức thêu dệt câu chuyện gia đình họ trong lúc nông nhàn. Người thì bảo chắc họ mắc phải căn bệnh hiểm nghèo nào đó, không muốn bị dân làng thương hại nên lầm lũi bỏ đi. Người thì nói chắc nịch “Đứa con trai nhà đó đi học dưới phố ăn chơi hút chích nợ nần nhiều lắm. Nên cả nhà phải bỏ quê đi bươn chải mưu sinh dưới Hà Nội để lấy tiền trang trải nợ nần”.

Nhưng có lẽ bán tín bán nghi hơn cả là lời đồn đại gia đình Bính Kha đào được một kho vàng ngay trong vườn nhà, sợ bị lộ, sợ cướp bóc nên phải đi vội. Cái tin đó được chứng thực bằng một bãi đất được xới tung bên gốc khế um tùm, màu đất còn mới và tanh mùi giun dế. Người ta thi nhau “à” lên một tiếng. À thảo nào đêm ấy thấy có tiếng chó sủa dữ lắm, chúng sủa thành từng đợt.

Im bẵng đi một lúc lâu thì thấy tiếng chó sủa râm ran từ đây đến tít cuối làng, tiếng sủa vừa dứt thì gà cũng gáy sáng. À thảo nào đêm đó tôi bị tỉnh giấc mấy lần vì tiếng bình bịch đâu đó vọng lại, cứ nghĩ nhà ai giã bánh giày ai ngờ lại là tiếng đào đất. À thảo nào nhà ấy mấy hôm nay khang khác, cứ đóng cửa suốt thôi… Nhưng bãi đất ấy liệu có phải do chính tay chủ nhà đào xới? Hay cũng chỉ là một trò đồn thổi không hơn?

Chỉ biết nhiều đêm sau đó trời đất tối om, chó sủa ầm ĩ, bờ rào nhà Bính Kha phía nào cũng tan hoang. Người ta thi nhau đào bới, những bóng người va nhau trong đêm rồi biến mất. Người này đồn người kia đào được vàng, khuôn mặt ai cũng đầy hoài nghi mờ ám. Tiếng đồn vang xa đến mức nhiều tên chủ vàng tặc từ đâu đổ xô đến thăm dò. Chúng thổi lên cơn sốt đất, dân làng hoa mày chóng mặt vì tiền chẳng cần biết đến hậu quả về sau cứ gật đầu bán hết. Những dấu vân tay đỏ lòm điểm chỉ lên giấy trắng mà nhìn vào đó đủ thấy gờn gợn trong lòng. Sau khi bán đất họ đi làm phu vàng hoặc xuống thành phố để đổi đời. Họ bỏ lại sau lưng ngọn lửa tham vọng mà chính họ đã vun rơm nhóm lửa. Mảnh đất bị đào xới suốt nhiều năm trời, không ai tận mắt nhìn thấy vàng nhưng ai cũng chứng kiến những cuộc đổ máu diễn ra như cơm bữa. Dân gốc ở đây lúc này đã bỏ đi biệt xứ. Chỉ còn đám làm thuê cù bất cù bơ tứ xứ đổ về tranh giành nhau miếng cơm manh áo.

*

Ả đàn bà đến đây từ hướng nào và bằng cách nào không ai biết. Một buổi sáng dân làng thức dậy đã thấy ả ngồi ở gốc đa đầu làng. Hành lý ả mang theo rất gọn nhẹ. Ấy vậy mà chưa đầy một tuần sau, một quán lá được dựng lên ngay dưới gốc đa với mấy con dê núi, vài bình rượu lớn. Quán mở không cần mời gọi, chủ quán đỏng đảnh ngồi tỉa móng tay. Bên ngoài bày mấy bộ bàn ghế gỗ, khách đến uống rượu cứ ngồi mà đến tếu táo đùa vui cũng không ai đuổi. Đàn ông làng này ngày nào chả tạt qua đây vài bận. Họ gọi rượu, họ say một mình, họ mời nhau uống. Họ ngả nghiêng trước nhan sắc ả đàn bà. Ả không thèm bận tâm, đôi ba ngày lại thúc giục người làm mang dê đi cắt tiết.

Rượu huyết dê được lấy từ những con dê đực khỏe mạnh, không bị bệnh và đang tuổi lớn. Họ cột chân dê, vặt lông cổ, khử trùng bằng cồn, dùng dao thọc thẳng vào đúng động mạch cổ để huyết dê chảy thẳng vào bình. Đàn ông làng này khoái cái màn chọc tiết dê, những tiếng kêu be be thảng thốt rồi khản đặc kích thích trí óc lũ bợm rượu. Những người thợ lành nghề chuẩn xác từng động tác, không bao giờ lỡ tay thọc vào cổ quản dê.

Người thợ cầm nắm đũa khuấy đều tay trong một khoảng thời gian nhất định để các sợi huyết trong bình bám vào đầu đũa. Sau đó mới pha chế với các loại thảo dược khác. Rượu pha xong có màu đỏ tươi, uống rượu ngay sẽ không tanh.

Đàn ông truyền tai nhau rằng rượu huyết dê bổ thận, tráng dương, lưu thông khí huyết. Riêng việc pha chế thì ả chủ quán lo, không một ai được phép nhúng tay vào. Cách ả pha rượu khiến người ta nghĩ đến một thứ nghi lễ vừa thiêng liêng vừa có phần ma mị. Một chậu nước trong được chuẩn bị sẵn để ả rửa tay. Sau đó ả lui vào gian phòng nhỏ, đóng kín cửa không ai được bén mảng lại gần. Ả thoát y, mặc một chiếc váy mỏng tang, cả căn phòng thơm mùi hoa thanh khiết. Ả bắt đầu công việc của mình bằng việc mở từng ngăn tủ nhỏ trên kệ thuốc. Mỗi một ngăn chứa một loại thảo dược quý ả mua của bà con dân tộc. Ả pha huyết dương tửu với đại hồi, quế chi, xuyên khung, vỏ cam. Có khi pha với đương quy, mật ong cho đàn bà tợn tạo uống vào bổ máu.

Riêng thận dê, ngọc hành ả bóp đều với rượu gừng tươi rồi ngâm với rượu thuốc: Hà thủ ô, huyết giác, tiểu hồi, trần bì, ba kích, dâm dương hoắc. Tỷ lệ ngâm thế nào chỉ có mình ả biết. Loại rượu ngọc dương này không được uống ngay như rượu huyết, để nhìn thòm thèm vậy thôi chứ ít nhất một năm mới nên chìa cốc ra rót rượu. Người ta đồn ngoài những loại thảo dược ấy chắc chắn ả còn có bí quyết gì đó thì rượu mới mạnh, mới điên đảo hồn người đến vậy. Thì bí quyết nằm trong chính cơ thể ả chứ đâu, không vậy sao ả phải thoát y khi pha rượu? Ai nói với ông là ả thoát y?

Thì người ta đồn vậy ấy thôi. Đàn bà trong làng xì xào “chắc chắn ả ta bỏ bùa mê thuốc lú”. Không vậy thì sao đàn ông chẳng chịu làm ăn gì, lúc nào cũng chỉ thích la cà ở đó? Ờ phải, đàn ông xứ này như bị bắt mất hồn. Mà đâu phải nguyên đàn ông, đàn bà cũng nghiện rượu của ả đấy thôi. Ả đâu có vừa, loại đàn bà bí ẩn như nọc rắn.

Ở đây chỉ bán rượu không bán mồi nhậu. Dê sau khi lấy huyết và dùng thận, ngọc hành ngâm rượu thì thịt sẽ chế biến mang đãi khách miễn phí, còn xương thì để nấu cao. Thịt dê có công năng mạnh dương đạo, bổ tinh huyết, ấm trung tiêu, an tâm thần. Còn cao dê thì quý khỏi nói, chả thế mà các cụ có câu: “Quy linh xác – dương linh cốt”. Ả này thế mà ghê, thứ gì cũng tường tận hết. Mà thực ra nếu nhìn kĩ thì ả còn trẻ lắm. Chỉ khoảng ba mươi tuổi. Nhưng trông ả sắc sảo quá, lại thêm mắt môi lòe loẹt nên người ta cứ ngỡ ả đã xấp xỉ cái tuổi bốn mươi. Đàn ông khoái ả nhưng dè chừng. Đàn bà ghét ả nhưng sợ hãi. Có bao nhiêu vùng đất để đến, tại sao ả lại chọn nơi này?

Mỗi lần nghe ai đó hỏi vậy ả chỉ cười. Mà cái điệu cười bí hiểm của ả đủ ám ảnh lòng người dữ lắm. Người ta bảo nhau:

– Chắc chắn ả đã đánh hơi thấy mùi vàng ở xứ này.

– Cũng có khi ả dùng rượu huyết dê mê hoặc hết đàn ông để một ngày nào đó sẽ làm nô lệ cho tham vọng chiếm đoạt kho báu của ả cũng nên. Loại đàn bà nguy hiểm thì cái gì cũng dám làm.

– Nói vậy thì… vàng đang ở đâu đó rất gần chúng ta thôi.

Một lần nữa con người nơi đây lại điên cuồng vì vàng. Nhưng họ âm ỉ giấu trong cái vỏ bọc bình thản, thờ ơ. Đàn ông ngày càng siêng đến quán rượu. Bề ngoài tỏ ra chẳng thiết gì ngoài tiên tửu nhưng đôi mắt nào cũng dò la ngầm chứa mưu mô. Ả mặc kệ, thản nhiên ngồi dũa móng tay. Đôi lúc người ta thấy ả ngồi ngó mông lung trời đất, tuyệt nhiên không nói một câu nào. Mắt kẻ đậm, lông mi giả đen sì đã che đi đôi mắt buồn vời vợi. Đêm đến ả hay đi lang thang một mình. Thả búi tóc, rửa sạch phấn son, đầu đội khăn voan trắng, dải khăn dài phủ kín gót chân, lập lòa trong đêm như hồn trinh nữ.

Người ta sợ không dám lại gần ả lúc về đêm nên không ai nhìn thấy vẻ đẹp u buồn của ả. Khuôn mặt ả khi trút bỏ lớp son phấn đẹp như đức mẹ đồng trinh. Ả tìm gì giữa chốn mặt người hồn quỷ? Những khuôn mặt được dát vàng lấp lóa. Thứ ánh sáng ma mị của lòng tham và ảo vọng.

Đàn bà xứ này bảo nhau:

-Ả đó cứ đêm đến là đi ngửi mùi đất xem chỗ nào chôn giấu vàng. Ả ta đúng là con phù thủy.

-Ả đi đến đâu mang theo khí lạnh đến đó. Nửa đêm cứ lúc nào tỉnh giấc quờ chăn, nhìn qua cửa sổ y như rằng có bóng trắng lướt qua. Nhiều khi dải khăn voan của ả còn mắc lại hàng rào.

Trẻ con đi qua góp thêm chuyện:

– Đêm qua cháu nhìn thấy những ngón tay ả ta biến thành vòi bạch tuộc luồn sâu vào lòng đất.

Đàn ông đi qua không ai nói lời nào. Nhưng bằng ấy cái đầu đều đóng chặt một suy nghĩ “trong căn buồng của ả bán rượu huyết dê, chắc chắn có cất giấu một tấm bản đồ kho báu”. Cái quán rượu và mấy tay người làm chẳng qua chỉ là tấm vải thưa che mắt thiên hạ mà thôi. Đàn ông làng này thực ra cũng đâu có bị ả bỏ bùa như các mụ đàn bà vẫn nghĩ. Có một thứ còn đáng sợ hơn bùa ngải đã thống trị trí óc và con tim họ. Mặc kệ, ả vẫn thản nhiên tồn tại giữa xứ này. Mỗi lần có khách ghé quán uống rượu, đôi lông mày của ả khẽ rướn lên. Nhìn như không nhìn. Ả đang tìm gì trên khuôn mặt những người đàn ông ấy? Bình rượu ngọc dương ngon nhất ả có chủ đích dành riêng mời một người đặc biệt. Đàn ông xứ này lần nào đến cũng gạ gẫm uống nhưng bằng một cái khoát tay dứt khoát, ả từ chối thẳng thừng. Bình rượu ngon tròn một năm tuổi được ả mang chôn dưới đất. Chôn trong chính gian buồng hằng ngày ả điểm phấn tô son.

*

Xứ này được một ngày nhốn nháo bởi có người lạ mặt. Thường thì rất ít người lạ mặt ghé đến vùng đất bạc bẽo này kể từ khi các ông chủ vàng tặc bỏ đi. Mà người dân Tiên Sơn khi xưa hồi hương thì càng chẳng phải. Con người hoang phế hay vùng đất hoang phế đều vô dụng và hẩm hiu như nhau. Sau ả bán rượu huyết dê giờ đến thằng cha bán khăn, bán chiếu. Mà đúng hơn là gã đến mở một cửa hàng tạp hóa.

Ban đầu hàng hóa còn lèo tèo sau thì hắn lấy hàng về dần nên nom cũng ra dáng một ông chủ nhỏ. Từ xà phòng, đường, gạo đến cây kim, sợi chỉ quán đều có. Đàn bà thích ra mua gương lược, tiện thể ướm thử mấy chuỗi vòng ngọc trai giả, mua vài mét vải may áo ngủ, lọ nước thơm hương hoa hồng về để đầu giường. Trẻ con khoái bánh gạo, mấy loại đồ chơi có vé cào trúng thưởng. Đàn ông không thích gì trong cái quán nhỏ đó.

Gã chủ quán râu ria xồm xoàm lúc nào cũng lầm lì, đấy là chưa kể mùi hương hoa hồng của các mụ vợ làm họ phát điên. Các bà ấy mê hương hoa thì ít mà mê thằng chủ quán nhiều hơn. Vì đàn ông xứ này có mỗi gã chủ quán tạp hóa là chỉn chu làm ăn không la cà quán rượu huyết dê của ả đàn bà bí ẩn. Nhưng một lúc nào đó chột dạ họ lại nghĩ, hay là gã đàn ông ấy đến đây cũng chỉ vì ngửi thấy mùi vàng?

Một buổi sáng thức dậy, bọn trẻ trông thấy cây đa đầu làng bỗng nhiên chết khô. Chúng hét lên thất thanh, cả làng như chết đứng. Cây đa giống như linh khí của làng Tiên Sơn còn sót lại. Rất nhiều tên vàng tặc đã định lật tung gốc đa lên tìm vàng nhưng cuối cùng đều không dám. Người ta coi cây đa vẫn án ngữ đầu làng chính là để xua đuổi ma quỷ và trấn yểm vùng này. Khi dân làng Tiên Sơn sinh sống nơi đây, cây đa xanh một màu bình yên. Rồi cuộc chiến vàng máu diễn ra, từng gân lá đa biến thành màu đỏ tía chạy dọc ngang. Nhìn từ xa người ta tưởng cây cũng biết chảy máu trước nỗi mất mát của quê hương.

Nhiều năm trôi qua, màu đỏ ấy không phai, nó nhức nhối lòng người tha phương mỗi lần có dịp ghé qua. Rồi gốc đa trở thành quán rượu huyết dê, người ta cột những con dê đang chờ giết mổ. Đêm đêm tiếng dê kêu thống thiết, bóng đa lặng câm đứng giữa trời. Gốc đa vấy đỏ tiết dê, lẫn cả mùi rượu, mùi cồn, mùi nôn mửa của những gã đàn ông say xỉn. Những đêm trăng ả chủ quán hay đội khăn voan trắng đứng dưới gốc đa, người ta không biết tiếng ả hay tiếng cây đang khóc. Bây giờ thì cây chết, trên ngọn cây vướng chiếc khăn voan. Là người để tang cho cây hay là cây đang đội tang người? Người ta hỏi nhau thế khi phát hiện ả chủ quán rượu huyết dê cũng đã chết trong chính đêm hôm đó.

Người ta tìm thấy ả trong gian buồng thường dùng làm nơi pha chế rượu. Lúc mọi người tìm đến thấy đất đai bị bới tung. Người ta nghi đây là vụ ám sát vì vàng. Trong căn buồng đó không có vàng cũng không có tấm bản đồ kho báu như người ta vẫn nghĩ. Ngoài những loại thảo dược và vài vật dụng thông thường chỉ có hũ rượu ngọc dương quý đã mở nắp. Ả chủ quán chết gục trên chiếc bàn đặt giữa phòng, có một chiếc ly nhỏ vẫn còn mùi rượu. Người ta còn tìm thấy một cuốn gia phả và bức ảnh khổ nhỏ chụp một gia đình đã nhiều năm về trước.

Có ai đó thốt lên: “Hóa ra là cô con gái út của gia đình Bính Kha. Cô ta trở lại đây để làm gì?”. Dân đào vàng trôi dạt đến đây không ai là không được nghe kể về một gia đình đã biến mất không dấu vết trong bóng đêm gần hai mươi năm về trước. Trong cuốn gia phả vừa được tìm thấy có một trang được ghi bằng máu, nhưng chỉ vỏn vẹn có mấy từ: “Tháng chạp năm Kỷ Mão bỏ làng đi trong đêm”.

Sau ngày cây đa và ả đàn bà chết thì quán tạp hóa bỗng nhiên bốc cháy đùng đùng. Dân làng tưới bao nhiêu nước cũng không dập nổi. Khi ngọn lửa tàn mọi thứ đều biến thành tro bụi. Người ta không biết chủ quán đã bỏ đi hay là chết dụi trong đống lửa. Không ai nói câu gì. Họ mường tượng ra một điều khủng khiếp nào đó đang chờ họ phía trước. Thực ra chẳng có điều khủng khiếp nào đến từ thế giới ngoài kia. Tất cả những đám cháy đều do con người châm lửa. Ả bán rượu tự tử bằng rượu quý do chính tay mình ủ. Trong một đêm, khuôn mặt đàn ông mà ả tìm kiếm suốt bao năm xuất hiện. Dù người đàn ông ấy đã già đi nhiều, râu ria xồm xoàm và giọng nói cũng khác xưa. Nhưng ả vẫn nhận ra người cũ nhờ ánh mắt đớn hèn của gã.

Gã đi theo ả trong đêm trăng. Gã thèm thuồng ả như mười sáu năm về trước. Chén rượu quý nhẽ ra là phần của gã. Nhưng cuối cùng ả chỉ có thể trả thù tên đốn mạt từng cướp đi sự trinh trắng và quãng đời tuổi trẻ của ả bằng việc nốc cạn chén rượu và chết trước mặt gã bằng khuôn mặt không son phấn. Ả kết thúc cuộc đời đau đớn cả tâm hồn lẫn thể xác của mình. Suốt mười sáu năm qua, đêm nào ả cũng lên cơn đau quằn quại, cơn đau mà gã đã gây ra cho ả. Ả chỉ biết đi dưới bóng đêm và ánh trăng buốt lạnh để xoa dịu lòng mình.

Gã đàn ông bán tạp hóa, mười sáu năm trước lén lút bỏ đi trong đêm người ta cúi rạp mặt xuống đất tìm vàng. Mười sáu năm sau gã gục mặt vào lửa mong xóa được nỗi ám ảnh của ánh nhìn xuyên thấu tâm can. Lửa cũng một màu vàng nhuốm máu. Cháy phừng phừng…

Chum rượu quý không ai dám chạm môi. Họ mang chôn cạnh mộ ả. Mộ ả chôn ngay dưới gốc đa được dân làng bứng gốc. Mùa xuân cỏ mọc xanh rờn hai mô đất. Chỗ chôn chum rượu hoa chen nhau nở dưới nắng xuân ấm áp. Người ta hỏi nhau đó có phải các loại hoa thảo dược quý hiếm có trong bình rượu ngọc dương hay không? Ai mà biết được. Chỉ có điều thỉnh thoảng người ta vẫn nhìn thấy dải khăn voan trắng thắt nghẹn giữa không trung. Người ta cũng thôi giấc ảo mộng về vàng. Có ai đó nói rằng xứ này vàng thì chưa thấy bao giờ nhưng từng ngụm rượu ngậm trong miệng cũng đã thấy tanh mùi máu. Chỉ cỏ là vẫn xanh rỉ xanh rì.

Tết này người ta lại hò nhau dựng cây nêu để xua đuổi tà ma ác quỷ…

Theo An ninh Thủ đô