Nguyễn Thị Kim Hòa 

Giữa thu, bạn Hà Nội háo hức đem lên phòng một gói lá sen. “Thử đi! Hương thu Hà Nội đấy!” Mở gói lá, màu Cốm Vòng mướt xanh vẫn không đẹp bằng màu say sưa từ ánh nhìn bạn. Nhấm vị tình yêu Cốm ấy, chợt rưng rức, tôi nhớ Cốm quê mình.

Cốm Hộc!

Không cao quý, sang cả. Không lịch duyệt, nền nã. Trùi trụi một khối thô sần mà đậm ngọt, khó quên như đất như người. Cốm Hộc đấy! Vị Cốm ướp nồng nã nắng, gói bạt ngàn gió của mảnh đất “sa mạc” xứ Phan quê tôi.

Nhớ Cốm xứ Phan là nhớ Tết.

Một cái Tết xa lắc lơ nào đó. Khi bấc như bầy ngựa hoang đã chán lồng vó xới tung bụi cát, xô đổ những tràng bánh tráng phơi trước sân nhà, tôi tíu tít chạy ra xem ngoại phơi nếp làm Cốm. Những hạt nếp già mập lù cậu tôi gặt từ mảnh ruộng nhỏ mé cuối rẫy từ dạo qua hè. Hơn nửa năm trong bao chứa, lấy ra vẫn còn nghe nguyên si hương bùn, hương đất quyện mùi nếp thơm phảng phất. Ngoại tôi gọi chúng là nếp rặt. Tôi nhớ gương mặt ngoại tôi, người phụ nữ quê trong buổi sáng giữa Chạp tràn bấc vuốt tay lên những hạt trắng, tròn căng phảng phất mùi phèn chua ủ trong nia phơi. Gương mặt ngời lên ánh sáng của mê thích, của say sưa. Ánh sáng hệt thứ đã lấp lánh trong mắt cô bạn Hà Nội tôi khi nhìn Cốm làng Vòng.

Chờ đợi nhất những ngày giáp Tết của tôi dạo ấy là được nghe tiếng hát của chảo rang nếp trên bếp lò. Tiếng hát bắt đầu khi vốc nếp đầu tiên được thả qua cái lỗ tròn lồng nắp chảo. “Lụp bà. Lụp bụp”. Chỉ một đoạn nhạc duy nhất được ngân dài. Rộn vang, vui tai hệt như tiếng những hạt nếp trên lò đang bắn pháo bông. Chắc vì rộn tai đấy nên người xứ Phan tôi (và hình như cả dân làm Cốm miền Trung) đều gọi hạt nếp rang là hạt Nổ. Liền sau chuỗi reo của hạt Nổ trên lò là mùi hương. Tôi nghe được hơi khê nồng của những bông nếp phất mình giữa đất hạn. Nghe được cả chát chúa hơi nắng xối lên những ngọn nếp oằn trĩu hạt. Quấn quanh tôi, mùi chắt chiu từ đất, mồ hôi từ người chín dần, nở hoa cùng hạt nếp trên bếp lò. Căng lồng ngực, vươn rộng phổi, tôi ngửi, hít mãi mùi hương tuyệt diệu mà vẫn như chưa thỏa.
Trong giấc mơ những ngày giáp Tết bây giờ, tôi gặp lại tiếng Nổ hát “Lụp bà. Lụp bụp”. Gặp lại cả nụ cười trong veo của cô bé tôi khi chũi bàn tay mình giữa mặt Nổ thơm thơm, ấm sực, nghĩ những ngón tay là những chiếc ghe. Ghe không rẽ nước. Chỉ chạy băng băng xuyên qua những cụm mây Nổ trắng. Ghe chạy chưa được ba vòng quanh mâm đựng Nổ phải ngừng bởi ngoại tôi đã trút hết đợt Nổ vừa ra lò vào lòng rổ, bước ra cửa bếp.

Hồi hộp chạy theo ngoại, tôi dúi mắt vào chiếc rổ bỗng rùng mình hai ba lượt. Tung cao, hạ thấp, lắc ngang hông. Rổ như bắt đầu một bài thể dục nhịp nhàng. Ngoại tôi gọi bài thể dục tên: xảo Nổ. Những vỏ trấu còn bám dính vào hạt Nổ nhờ rổ xảo (sẩy) bong ra, tuột khỏi rổ qua những nan tre đan khéo. Bấc tràn qua cửa bếp kéo luôn những mảnh trấu ấy bay vèo. Lượn vòng trên không gian, trước mắt tôi, là những chùm cánh bay đẹp hệt cánh bướm. Nhưng để tạo ra được viên Cốm Hộc xứ Phan đến đây chỉ mới nửa chặng đường. Thành bại chặng cuối lại phải cậy vào một kẻ khác: Nước đường. Phải là loại đường tán miếng be bé cỡ hai ngón tay màu vàng sẫm hệt một tảng mật. Đem đường ấy thắng trên bếp than cùng gừng giã nhuyễn thêm vài ba lát thơm mỏng sẽ cho ra một loại nước vàng sệt, đổ lên Nổ dinh dính như keo. Chờ nước đường nguội, tôi và đám em hay thiu thiu ngủ quên luôn bên mâm Nổ đã được nhặt sạch bóng trấu.

 

Minh họa: Ngô Xuân Khôi

Giấc ngủ trẻ nhỏ nhiều lúc ấm ức tiếc vì không nghe được tiếng cái thau trộn Nổ vặn mình cà rộp, tiếng dòng đường vàng mật nhỏ tong tóc lên mặt Nổ trắng tinh. Tỉnh giấc, đã thấy Nổ thay áo. Anh nào anh nấy bảnh tọe khoe bộ áo mới vàng hườm, óng ánh hệt áo giáp. Để đền bù cho bọn nhỏ mê ngủ chúng tôi lúc ấy là tiếng chày dộng Cốm rộn ràng.

Dộng Cốm.

Tôi thích cách gọi dân dã gợi âm vang này của người xứ Phan tôi khi nói về quá trình đóng Cốm. Mỗi lần nghe “dộng Cốm” cất lên, lại như nghe bên tai vang vọng tiếng chày đóng lên cán gỗ nắp ép Cốm đồm độp, đồm độp. Hãy nhìn viên Cốm Hộc. Nhìn khối vuông vức, ngó góc cạnh, khó gần mà vẫn đẹp dịu đến lạ trên tấm lá chuối lót của ngoại tôi. Bạn sẽ hiểu sao người xứ Phan thiết tha một tình yêu với Cốm. Hệt da đất, da người miền nắng gió, màu Cốm cứ sắc lại, ram ráp vàng. Sắc vàng ngó vụng thô. Nhưng đó là cái thô duyên. Nét duyên dễ đắm lòng người mà không hay. Hãy thử cắn một góc Cốm. Bạn chắc sẽ ngỡ ngàng vì chạm vào răng, tan trong vòm miệng là một khối mềm ngọt, dịu dàng không tin nổi. Ấy chính lúc bạn đã chạm được trái tim Cốm. Anh chàng thích dùng vẻ quê mùa, gân guốc để thử thách những mắt nhìn ngày càng ưa chải chuốt, lắm ngại nghi.

Dù cuộc sống giờ đủ đầy hơn, bao thức quà, bao bánh trái ngọt thơm đấy. Nhưng chưa mùi vị nào dậy lên được thổn thức, rưng rức trong tôi như Cốm. Và giữa thu Hà Nội, tôi đã biết sao chỉ nhấm vài ba hạt Cốm Vòng lại khiến tôi rưng rưng nhớ Cốm quê mình. Là vì cơn nhớ ấy, nhớ Cốm, luôn đeo đẳng theo tôi từ lâu lắm. Tôi nhớ Cốm ngay từ khi còn là cô bé con ngồi giữa rẫy ngoại vừa canh bầy cừu gặm cỏ vừa nhai Cốm. Nhớ Cốm từ dạo trong cặp táp đi học sau Tết của đứa gái con nhà nghèo, không mứt bí, nho riêm như tụi bạn mà chỉ nằng nặng một viên Cốm Hộc. Rồi nhớ Cốm cả những ngày Tết thành phố, có kẻ xa nhà vừa gặm Cốm vừa trào nước mắt nhớ quê.

Bấc vừa khẩy cửa nhắc: Lại một cái Tết nữa sắp về.

Tết quê năm nay, chắc mẹ tôi vẫn đơm lên khay cúng ông bà những viên Cốm Hộc…

N.T.K.H

Văn nghệ Quân đội

Phạm Thúy Quỳnh đưa bài