RỪNG CHƯA YÊN TĨNH

                                Trần Quang Lộc

Tiếng kêu ra rả của con chim chèo bẻo đang đậu trên cành cây óc khỉ phía bên ngoài ô cửa sổ khiến tôi giật mình tỉnh giấc. Mới hơn 4 giờ, rừng núi Cảnh Liên còn đang ngái ngủ. Định trùm chăn nằm ráng, tiếng ông gìa Pơ từ dưới bếp vói lên:

– Sáng rồi. Dậy làm tách trà nóng cho ấm bụng chú em!

Gạt tấm chăn bông sang một bên, tôi ngồi bật dậy mở toang cánh cửa, thong thả bước xuống 9 bậc thang. Trời chưa sáng rõ, gió núi heo may và se se lạnh. Những vạt sương mỏng tang lãng đãng trên những sườn đồi phía trước.

Đứng cạnh chân cầu thang khởi động bài thể dục buổi sáng theo thói quen cho thư giãn gân cốt. Xong bài thể dục, tôi lại máng xối vốc nước rửa mặt.  Nước từ khe suối phía sau lưng nhà được ông già Pơ dẫn về bằng những ống nứa nối tiếp nhau trong veo, mát lạnh khiến cả người sảng khoái sau giấc ngủ đầy mộng mị bởi chất men nồng rượu sim, đặc sản của núi rừng Cảnh Liên do già Pơ chiêu đãi vào buổi chiều hôm trước..

– Vào uống trà đi chú. Trà nguội mất ngon.

Bước lên 9 bậc cầu thang đã thấy già Pơ đang cầm cái “bình đen” loay hoay pha chế trên chiếc bàn vuông đóng tạm bằng gỗ tạp kê dưới tán cây gạo đang trổ bông đỏ ối. Tôi ngồi xếp bằng tròn trên sàn nhà, già Pơ lên giọng:

– Hộp trà ướp sen chú biếu để dành tết. Còn bây giờ, dùng thử loại trà quê, vừa là nước giải khát, vừa trị được các chứng bệnh như thấp khớp, mất ngù, rối loạn tiền đình……

Vừa nói, già vừa đấy tách trà thơm về phía tôi. Nâng tách trà lên chiêu một ngụm. Vị trà hơi nhân nhẩn, nhưng vừa nuốt xong ngụm trà, vị ngon ngót còn đọng lại nơi cổ họng. Tôi gật gù khen. Già Pơ tiếp:

– Trà Cà gai leo đó chú. Dưới phố có bán.

Tôi ngạc nhiên:

– Tưởng gì chứ trà Cà gai leo thi thoảng em có mua về dùng, nhưng không có hương vị như thế này!

 Già Pơ nâng tách trà lên thổi phù phù rồi tợp một hớp, nói:

– Thiên nhiên ban tặng cho con người nhiều thứ quý hiếm lắm. Nhưng rất tiếc, con người không những không biết sử dụng mà còn nhẫn tâm tàn phá. Để có hương vị thơm ngon và trị được bệnh phải đi hái đọt Cà gai leo vào lúc tang tảng sáng. Thời gian này, lá Cà giai leo hấp thụ tinh khí đất trời thành chất dinh dưỡng nuôi các đọt non. Chỉ hái chừng 10 đọt đem về rửa sạch, vò dập cho váo ấm nước đun sôi sẽ có tách trà vừa đậm đà hương vị, vừa phát huy tác dụng chữa trị bệnh.  Già Pơ lấy ấm chêm thêm trà vào tách của tôi, thở dài tiếp – Những năm gần đây, dân miền xuôi kéo lên rừng chặt cành, bới đào cả gốc rễ dây Cà gai leo đem về bầm ra từng khúc phơi khô, vô bì, bỏ mối các chợ. Việc thu hoạch tùy hứng này chỉ cho ra loại sản phẩm không còn giá trị dinh dưỡng, ảnh hưởng không tốt cho sức khỏe!

Mãi lan man về chuyện trà lá mà ráng hồng đã rực rỡ đằng đông, núi rừng bừng lên sức sống. Tiếng chim hót râm ran trên các đọt cây bên cạnh nhà sàn, tiếng gà rừng eo óc gáy muộn tận phía thung xa, tiếng người í ới rủ nhau lên nương, lên rẫy. Hương lan rừng ngan ngát lẫn theo làn gió sớm. Già Pơ lại giục:

– Uống hết tách trà rồi vào rừng cho mát chú em.

Tuy ngoài 70, qua trang phục đi rừng, cơ bắp già Pơ cuồn cuộn và đanh như súc gỗ lim, đi đứng nhanh nhẹn. Cánh trai tơ cũng phải bái phục. Già Pơ đứng lên lấy một cái gùi nhỏ đưa cho tôi:

– Rừng Vân Cảnh hào phóng và sẵn sàng ban tặng.

Bằng động tác thuần thục, già Pơ đưa lưng xỏ hai cánh tay vào 2 quai, cõng cái gùi nặng trịch đứng lên, thuận tay rút con dao quắm trên mái hiên lia về phía trước như một vị tướng, hạ lệnh:

– Xuất phát!

Tôi gặp già Pơ lần đầu tại thành phố Q. Nh.

Hôm đó, dạy xong tiết cuối, trên đường về nhà ngang qua khu chợ Lớn, thấy một ông già mặc đồ lính đã cũ, khoác thêm bên ngoài chiếc áo dân tộc, đầu trần, vai đeo xà cột bạc thuếch đang lầm lũi đi trên đường Trần Quý Cáp. Nổi tình tò mò, tôi cho xe chạy chậm đến cạnh ông già, hỏi:

– Chú về đâu giữa trưa nắng thế này?

Hình như ông già muốn hỏi ai về một điều gì đó, nhưng chưa dám. Gặp tôi, ông nói âm giọng Ba na:

– Chú em chỉ giúp đường vô bến xe liên tỉnh?

– Có nhiều đường, nhưng không phải đường này. Từ đây đến bến xe còn xa lắm. Thấy ông già hiền lành, phúc hậu, động từ tâm, tôi nói: Chú lên xe tôi chở giúp một đoạn.

Không khách sáo, ông già leo lên xe, giọng xúc động:

– May quá. Không gặp chú chắc phải lỡ chuyến xe cuối cùng về thị trấn Vân Cảnh.

Đến bến xe hỏi thăm sếp bến, anh ta bảo, 1 giờ 30 mới có chuyến cuối cùng. Tôi ái ngại nhìn ông già:

– Phải ngồi đợi gần 2 tiếng nữa mới có xe. Ngẫm ngợi một lúc, tiếp – Trưa rồi, mời chú dùng cơm bụi, luôn tiện chờ xe.

Ông già không từ chối. Tôi đưa ông vào quán ăn bình dân đầu đường Hàn Mặc Tử gọi hai dĩa cơm. Ông già ngồi ăn rất tự nhiên. Tôi hỏi:

– Chú xuống thành phố có việc gì vậy?

– Xuống bệnh viện tỉnh thăm người bạn thân hồi còn trong quân đội. Anh ấy đang điều trị bệnh gan. Ông dừng đũa nhìn tôi phân bua – Hồi sáng sớm ra bến xe thị trấn mua vé xuống bến xe liên tỉnh rồi thuê xe ôm vào bệnh viện. Vậy mà khi ra về mất phương hướng đi lạc đường. Định hỏi thăm nhưng ngại lắm. May được gặp chú…

– Sao không bảo con đưa đi?

Ông già hớp ngụm nước, bằng chất giọng lành như củ khoai hạt bắp:

– Chúng nó ra riêng cả rồi. Gái lớn lấy chồng quê hương bác Phạm Văn Đồng, tự ý đổi họ Đinh sang họ Phạm. Mặc dù làm cán bộ phụ nữ huyện, nhưng tôi thề không nhìn mặt. Con trai dạy trường nội trú dân tộc. Hồi trước nó học Đại học QN đấy chú. Bà nhà mất lâu rồi nên giờ thuộc diện gia đình neo đơn.

Cơm nước xong, thấy còn sớm, tôi tranh thủ chở ông già đi dọc đường Xuân Diệu xem cảnh biển.

Lần đầu tiên ra thành phố lớn thấy gì cũng lạ lẫm, ngơ ngác. Ông bảo biển Q Nh rộng ơi là rộng, rộng gấp trăm lần hồ suối Mót. Cái chung cư 60 tầng cạnh Ủy ban cao gần bằng đồi đá Huê. Chỉ tiếc đường phố cây cối lưa thưa, nhà cửa phải đội nắng chang chang.

– Chú thích sống thành phố không?

Già Pơ lắc đầu dứt khoát:

– Thôi chú, ở đâu quen đó. Phong cảnh rừng núi yên bình thoáng đãng như ăn sâu vào máu huyết người dân tộc rồi. Đi đâu, ở đâu, làm chức vụ gì, cuối cùng cũng quay về với núi rừng, sống với núi rừng, chết với núi rừng. Xa núi rừng một buổi cứ thấy nhớ!

Định chở ra bến Hàm tử giúp chú thấy tàu chở hàng conterner to cỡ nào, nhưng có điện của sếp bến. Quay lại bến xe. Sếp bến đưa chúng tôi đến chiếc Mercedes Benz 30 chỗ ngồi, bảo:

– Chú lên ngồi cạnh tài xế. Xe sắp chạy rồi đó.

Trước lúc lên xe, già Pơ nắm lấy tay tôi:

– Chú tốt quá! May mà được gặp chú. Nếu không…Giọng ông nghèn nghẹn – Nếu có dịp lên Vân Cảnh mời chú ghé làng Cảnh liên. Làng dễ tìm lắm. Đến thị trấn hỏi thăm ai cũng biết.

– Dạ, nếu có dịp em sẽ lên thăm chú.

Xe bắt đầu chuyển bánh, già Pơ còn quay lại nói lớn:

– Nhớ nghen chú. Lên thị trấn bảo xe thồ chở đến nhà ông Đinh Y Pơ làng Cảnh Liên.

– Vâng! Em hứa!

Tôi hứa lấy lòng chứ dễ gì có dịp.

Vậy mà duyên may dun rủi. Sáng thứ bảy, vợ chồng cậu học trò cũ đi Vân Cảnh thăm người bạn cùng ngành. Xe còn rộng chỗ, cậu ta gọi điện mời tôi cùng đi cho vui. Dọc đường, uống cà phê, ăn sáng nên xe đến thị trấn đã trưa trật. Tôi bảo cậu học trò:

– Em lo công việc của em. Thầy phải đi thăm một người quen làng Cảnh Liên. Lúc nào về nhớ điện trước cho thầy.

Ra bến xe thị trấn bảo anh xe ôm chở về nhà ông Đinh Y Pơ. Anh xe ôm bảo:

– Tưởng ai chứ ông Y Pơ cả thị trấn này ai cũng biết. Thời chiến tranh là lính đặc công. Hết chiến tranh về làm trưởng công an xã rồi về hưu.

Anh xe thồ đã quen đường nên chỉ chạy một lèo đã đến làng Cảnh Liên

Gặp lại tôi, già Pơ mừng lắm, ông nói lắp bắp:

– Tưởng chú hứa suông…Đi đường xa, chú ra suối Lía tắm cho thoải mái.

Tắm xong, tôi ngã lưng trên chiếc võng treo cạnh đầu cầu thang nằm đong đưa, thấy lòng thanh thản và yêu hơn cuộc sống đại ngàn. Mãi ngắm cảnh núi rừng, ngủ quên lúc nào không hay. Khi thức giấc đã hoàng hôn, thấy trên chiếc bàn vuông kê đầu hành lang, già Pơ đã bày sẵn dĩa heo rừng xào lăng, tô cháo lòng to đùng và thẩu rượu màu cánh giáng.

Chiều hôm đó, tôi với già Pơ vừa nhắm rượu sim với đặc sản rừng, vừa nói đủ thứ chuyện: chuyện vây bắt lũ lâm tặc, chuyện săn lợn lòi, chuyện một vài doanh nghiệp đang lăm le lấn chiếm nương rẫy của bà con xây nhà máy công nghiệp…Qua lối dẫn chuyện của già Pơ, chuyện nào cũng hấp dẫn, cũng thú vị.  Đến khi mảnh trăng rừng cuối tháng treo lơ lửng trên cành cây gạo, tôi say quắp cần câu, trông gà hóa cuốc. Già Pơ dìu tôi vào chiếc giường kê gần cửa sổ, kéo chăn phủ kín. Tôi ngủ một giấc thẳng lèo cho đến khi chim chèo bẻo đánh thức phía bên ngoài ô cửa…

Đôi chân trần của già Pơ thoăn thắt bước xuống 9 bậc cầu thang nhanh như chú sóc nâu. Còn tôi, tôi cứ dò dẫm từng bậc một như đứa trẻ mới tập đi. Đến bậc thang cuối cùng, tôi dừng lại, nói với già Pơ:

– Chờ em chút, em quên đóng cửa!

Già Pơ khoát tay:

– Dân miền núi chỉ đóng cửa vào ban đêm đề phòng sương lam chướng khí. Ban ngày để cửa toang hoác. Không ai lấy của ai. Mà có gì đâu để lấy ngoài cái bếp với đống củi khô? Kẻ nào có máu gian sẽ bị Yàng phạt, cả đời không dám ngẩng mặt nhìn làng bản.

Tôi theo già Pơ rời bờ rào đá trước nhà sàn, băng qua trảng cỏ còn ướt đẫm sương đêm. Trảng rộng mênh mông kéo dài đến tận bìa rừng. Đột nhiên tôi hỏi:

– Cỏ ở đây đủ màu trông mát mắt lắm già ơi!

Già Pơ cười:

– Cỏ đâu mà cỏ. Bướm đó chú. Hàng năm cứ vào đầu mùa xuân cho đến cuối hạ, không biết bướm từ đâu bay đến từng đàn đậu kín cả mặt trảng.

– Chắc ở đây có thứ gì đó thu hút bướm bay về?

Già Pơ cúi xuống vốc nắm cát ẩm đưa ra trước mặt tôi:

– Cả trảng này toàn là thứ cát mịn. Hình như cái vòi bướm có tác dụng như rễ cây hút chất đất nuôi thân. Ấy là tôi nghe già làng nói vậy, chưa biết đúng sai.

Thấy có bóng người, đàn bướm hàng vạn con đủ màu sắc tung bay di chuyển đến chỗ khác. Lần đầu tiên tôi thấy những đàn bướm đông như thế. Quả thật thiên nhiên có lắm điều kì bí chưa ai giải thích nổi. Tôi đổi tên Trảng cỏ thành Trảng bướm.

Rời trảng bướm, luồn lách qua những bụi cây dại cao lút đầu người là đến rẫy chuối rừng, trên mặt đất nở trắng hoa xuyến chi.

Chuối ở đây khác với giống chuối miền xuôi. Thân chuối thấp, nhỏ, nhưng buồng dài chấm mặt đất. Tôi thử đếm buồng gần nhất có trên 10 nải. Già Pơ bảo, trồng khoai, đậu, bắp phải năng làm cỏ, bón phân. Chuối chỉ tốn công trồng rồi chờ ngày thu hoạch. Thi thỏang dân buôn về mua sỉ mang xuống thị trấn chất lên xe tải phân phối các nơi.

Bước lại buồng chuối đang độ chín vàng định hái một qủa. Già Pơ ngăn lại:

– Dân miền núi có thông lệ từ hàng ngàn năm. Ăn thoải mái không phải trả tiền khi có chủ, nhưng không được lấy không lúc vắng chủ. Già Pơ quay sang tôi:

– Chú em cho tôi xin 10 ngàn.

Tôi hơi ngượng lẫn ngạc nhiên sau câu nói của già Pơ. Móc ví đưa cho già 10 ngàn. Già Pơ cuộn tròn tờ tiền, lấy dây chuối khô buộc vào thân cây, tiện tay rút con dao rừng phạt gọn nải cuối cùng đưa cho tôi:

– Chuối chín cây ngọt lắm. Chú dùng thử.

Quả thật hương vị chuối rừng vừa thơm, vừa ngọt thanh, khác với giống chuối miền xuôi.

Nể phục cách xử sự rất có văn hóa của người dân tộc!

Rời rẫy chuối, tôi theo già Pơ leo qua các bậc đá màu rêu mốc rồi luồn lách qua mấy bụi gai cức cu nhọn hoắc đến đồi sim. Đồi sim hoa nở tím. Sườn đồi thoai thoải nghiêng về phía đông – bắc. Không khí ở đây thoáng đãng, trong lành. Già Pơ bảo:

– Thời trước, rừng sim bạt ngàn. Những năm sau này, người miền xuôi kéo nhau từng đoàn lên đào lấy gốc đem về làm cây kiểng, đồi sim cứ thu hẹp dần. Có lẽ do chất đất nên sim ở đây quả to và ngọt lịm. Già bước lại bụi sim gần nhất hái mấy quả đưa cho tôi

– Lúc chín, quả sim căng mọng và đen thẫm như thế này.

Cho một quả vào miệng nhấm thử. Quả sim ngọt thanh như đường phèn.

Già Pơ bảo:

– Chú chọn hái quả thật chín ủ rượu mới ngon. Tôi tìm dược liệu và thăm mấy cái bẫy cũng gần đây thôi. Có gì cần cứ hú lên một tiếng.

Tôi hỏi:

– Nghe nói người đi rừng thường bị tiếng hú của ma lạc dẫn dắt nên đi mãi mà không ra khỏi cửa rừng?.

Già Pơ cười:

– Dân sơn tràng đồn thổi chứ làm gì có chuyện ma lạc.

Nói xong, già Pơ thoăn thoắt mất hút sau lớp cây rừng xanh thẳm…

– Chú có thuốc lá cho cháu điếu!

Đang bị những quả sim chín cuốn hút, tôi bỗng giật nẩy mình dừng tay, quay lại phía có tiếng người. Trước mặt tôi lúc này là ba chú nhóc người dân tộc. Đứa nào da cũng đen trạy, tóc loe hoe, áo quần nhuếch nhác, nhìn tôi cười xã giao. Tôi bảo:

– Còn bé hút thuốc có hại cho sức khỏe!

Cậu lớn nhất trong bọn nói âm giọng Bana:

– Bọn cháu hút thuốc hồi mới lên 8 tuổi mờ.

Tôi tròn mắt nhìn nó:

– Hút thuốc hồi chưa dứt hơi sữa mẹ?

– Dạ, hồi đó cháu dùng lá thuốc cuộn tròn thành điếu. Hút phê lắm! Sau này, không ai trồng thuốc lá nữa nên chuyển sang thuốc điếu!

Lấy bao thuốc con mèo đang hút dở chia cho mỗi đứa một điếu. Vừa nhận điếu thuốc, bọn chúng vừa nói với nhau điều gì đó bằng tiếng dân tộc. Cậu bé lớn nhất gắn điếu thuốc lên môi, lục túi lôi ra hộp quẹt zippo lia ““tách””một phát, châm lửa đốt, kéo một hơi dài nhả ra 2 luồng khỏi trắng bằng lỗ mũi, mắt lim dim.

Nhìn thằng bé đốt thuốc, tôi buột miệng:

– Bái phục các thánh. Các thánh hút thuốc điệu hơn nghệ sĩ!

Lũ trẻ rời khỏi đồi sim.

Mặt trời đã lên cao. Sợ bị say nắng, tôi đi vào rừng theo lối mòn già Pơ chỉ dẫn lúc nãy. Không khí trong rừng lúc này dịu mát hơn ở đồi sim. Tôi thong thả dẫm lên lớp lá khô đi sâu vào khu rừng nứa thì bắt gặp già Pơ đang hì hục đào gốc cây gì đó. Thấy tôi, già Pơ bảo:

– Sâm đất đấy chú.

Già dùng mũi dao xới thêm lớp đất, hì hục nhổ cây sâm bật gốc lôi theo chùm củ to như ngón chân cái, trắng hếu. Già Pơ chặt thân sâm ra từng khúc dâm lại trên lớp đất tơi xốp. Già bảo:

 – Sâm đất mạnh lắm, rất mau bén rễ. Dành cho những mùa sau

Trong lúc già Pơ đào tiếp mấy gốc sâm bên cạnh, tôi dạo khắp khu rừng nứa may ra bắt gặp một gốc linh sam, gốc mai núi hoặc gốc gì đó đào về làm cây kiểng.

– Già ơi, hình như ở đây cũng có chôm chôm?

Già Pơ ngừng tay nhìn lên cành cây thòng xuống những chùm quả vàng rộm, nói:

– Chôm chôm rừng.

Như một chú sóc nâu, già leo lên cây chôm chôm dùng dao trảy mấy chùm quả trên cành gần nhất thả xuống. Trông bên ngoài giống y chôm chôm Nam bộ. Bóc vỏ thấy ruột màu vàng. Nếm thử, vị chua lè. Định ném bỏ, nhưng kịp giữ lại vài chùm đem về tặng mấy cô giáo thèm chua.

Qua khỏi rẫy lúa khô khốc là rừng xà cừ. Xà cừ mọc tự nhiên, nhiều thế hệ. Già Pơ chỉ một số cây cổ thụ bị đốn ngã đang nằm ngổn ngang bảo, bọn lâm tặc vào cưa trộm chưa kịp tẩu tán đã bị kiểm lâm phát hiện thu giữ, đang chờ xử lý. Thấy tôi vô tư lội trên lớp lá xà cừ phủ kín mặt đất từng lớp, già Pơ cảnh báo, dưới lớp lá ẩm ướt thừơng có rắn, chủ yếu là rắn ráo, rắn lục cỏ… tuy không độc, nhưng đề phòng vẫn hơn. Nghe nói đến rắn, tôi hơi chờn chợn.

Già Pơ đang bức dây lạc tiên trên bụi rù rì, bỗng dừng tay nghe ngóng. Già vội đi đến nơi có tiếng động:

– Già trống tơ!

Gỡ chú gà ra khỏi bẫy đưa tôi, bảo lấy dây buộc chặt hai chân. Trưa nay có thêm món gà rừng nướng.

Lần đầu tận mắt thấy gà rừng. Gà rừng giống gà tre dưới xuôi nhưng hai cái tích và mào màu hồng phấn. Đuôi gà đen tuyền, vồng lên, lông cánh đỏ tía. Chú gà vô tư nghiêng nghiêng đầu nhìn tôi bằng đôi mắt tròn như hai hạt đậụ đen, ra vẻ lạ lẫm.  Thi thoảng còn cất lên tiếng gáy nghe rất khí phách.

Loay hoay vụng về lúc trói buộc, chú gà tuột khỏi tay, vỗ cánh bay một đoạn rồi đậu xuống bụi dương xỉ! Bữa thịt gà rừng nướng tan theo mây khói. Già Pơ vừa cài lại bẫy, vừa nhìn tôi bật cười khơ khớ, bảo tôi trói gà không chặt.

Mặt trời đứng bóng. Già Pơ bảo ráng đi tí nữa sẽ đến dòng suối nghỉ chân. Suối nước trong veo mát lạnh. Ngang qua bụi chuối đỏ, già Pơ chặt mấy tàu đem lại trải trên lớp cỏ nềm.

Già Pơ lôi từ đáy gùi ra con gà luột bọc trong túi nylon, một gói xôi nếp thang, thoạt trông như xôi đậu đen dưới xuôi. Ngạc nhiên, tôi hỏi:

– Già chuẩn bị hồi nào mà chu đáo thế?

– Tuổi già ít ngủ. Ba giờ sáng đã thức dậy chuẩn bị các thứ cho chuyến đi rừng.

 Già Pơ lại bụi cây gần nhất hái mấy chiếc lá đem lại suối rửa sạch, đưa trước mũi tôi, hỏi:

– Chú em biết lá gì không?

– Lá chanh!

– Ăn thịt gà thiếu lá này coi như mất đi một phần hương vị. Vừa nói, già Pơ vừa cuộn tròn những chiếc lá chanh, dùng dao cứa thành sợi mòng, trộn vào lọ muối tiêu chuẩn bị sẵn.

Đang đói được một bữa thịt gà luột chấm muối tiêu ngon tuyệt đỉnh. Lão Pơ còn đưa thêm gói xôi, tôi bảo Không ăn nổi nữa.

Già Pơ thu dọn gần nửa con gà thừa với gói xôi mang đến đặt trên tảng đá. Già bảo, thức ăn thừa nên để lại cho rừng. Già còn bảo tôi tìm chỗ nào đó nghỉ lưng. Chiều tiếp tục.

Ngả lưng trên thảm cỏ mềm, vắt chân chữ ngũ, đầu gối lên hai lòng bàn tay nhìn trời xanh mây trắng qua tán lá rừng, nghe chim hót trên đọt cây chò chỉ phía bên kia con suối. Nằm một lát, tôi ngủ lúc nào không biết. Khi tỉnh dậy trời đã ngã chiều, thấy già Pơ đang đứng bên bờ suối cọ rửa mấy cái củ gì tròn tròn vừa mới đào.

Già Pơ cho tất cả các thứ dược liệu vào gùi rồi thúc tôi lên đường. Qua khỏi khu rừng keo lá tràm, già Pơ bỗng dừng lại nghiêng tai nghe ngóng một lúc, nói:

 -Chắc chắn không phải gà gô, cũng không phải heo rừng. Tiếng rin rít, khục khục y như tiếng nhím, hoặc chuột núi. Bước nhanh về nơi có tiếng động, già Pơ reo:

– Chồn hương chú ơi. Vừa gở chú chồn hương ra khỏi bẫy, già vừa giải thích: Thịt chồn hương có giá trị kinh tế rất cao. Vì vậy, người miền xuôi thường mang chó, lưới, cả súng săn lên đây săn bắt. Hiện nay, chồn hương gần như tiệt giống, Nếu con nào sống sót rút sâu vào trong rú.

Định đào thêm mấy rễ đinh lăng, nhưng nghĩ sao, già ra lệnh:

– Về thôi chú. Còn phải ghé vào đồi sim nữa.

Chúng tôi thu gom tất cả những món quà quý hiếm của thiên nhiên cho vào  hai chiếc gùi.

Tôi định quay về đường cũ, già Pơ ngăn lại, bảo phải đi lối khác. Lúc ngang qua đồi cỏ tranh, già Pơ dừng lại chỉ lên đọt bằng lăng gần đó:

– Kìa, chú nhìn xem. Tổ ong ruồi, nhưng còn non. Mùa sau mới thu hoạch được.

Lúc đi thì dò dẫm, quan sát, tìm kiếm, thu gom. Khi về đi suôn nên rất nhanh. Chưa tàn 2 điếu thuốc đã về lại đồi sim.

Đồi sim về chiều rất đẹp với không khí trong lành, thoáng mát. Đứng giữa đồi sim nhìn về hướng đông thấy núi Ổng, núi Bã sừng sững giữa trời xanh mây trắng. Ngọn suối Hà Dởi như một dải lụa trắng vắt ngang qua ngọn đồi phía tây. Giữa núi rừng hùng vĩ, hoa sim nở tím, tôi sực nhớ mấy câu trong bài thơ Màu tím hoa sim của Hữu Loan:

Chiều hành quân

Qua những đồi hoa sim

Những đồi hoa sim

những đồi hoa sim dài trong chiều không hết

Màu tím hoa sim

tím chiều hoang biền biệt

 Tôi với già Pơ đang ngồi giữa đồi hoa tím, nhấm nháp những quả sim ngọt lịm, ngắm cảnh rừng chiều. Bỗng chuông điện thoại reo. Từ đầu dây bên kia, giọng của cậụ học trò: Chiều nay em phải về lại thành phố để ngày mai gải quyết một số công việc cơ quan. Em đã cho xe ôm vào làng Cảnh liên đón thầy.

Tôi nói với Già Pơ:

– Già ơi, có chuyện gấp, em phải về thành phố ngay chiều hôm nay.

Già Pơ ngạc nhiên nhìn tôi bằng đôi mắt thật buồn:

– Chú không thể ở lại vài bữa được sao?

– Em đi nhờ xe nên không chủ động. Với lại, chiều mai em có tiết dự giờ của một cô giáo trẻ sắp lên bậc lương.

– Tiếc quá!

Vội vã trở lại nhà sàn thu dọn đồ dùng cá nhân cho vào ba lô con cóc. Già Pơ nhét thêm chai mật ong. Già còn bới dưới đáy bao tải lôi ra chú cầy hương cho vào bì đựng gạo loại 10 ký, cột túm miệng, đưa cho tôi:

– Chú mang về dưới đó nấu cà ri.

– Già giữ lại. Mấy thuở bẫy được một chú cầy hương.

Già Pơ khoát tay:

– Của rừng vô tận. Chú em khỏi phải lo. Nhớ lúc nào rảnh rỗi ghé lại Cảnh Liên thăm già với. Giọng già Pơ nghèn nghẹn!

– Hè này em sẽ lên thăm già và cùng già khám phá cho bằng hết núi rừng Cảnh Liên. Đi thăm cổng trời nữa.

Già Pơ vói tay qua nhánh cây gạo lấy giò lan đưa cho tôi:

– Gấp quá không vào được rừng sâu tìm phong lan. Cậu mang về chăm, tết sẽ có hoa. Hoa đại châu không đẹp nhưng lâu tàn và mùi hương dễ chịu lắm.

Tôi cầm lấy giò lan có bộ rễ khỏe bám chặt khúc gỗ mục, buộc vào bên ngoài ba lô.

Rời nhà sàn. Anh xe thồ đang đứng đợi sẵn dưới chân dốc. Ngồi trên yên xe, tôi quay người nhìn lại, già Pơ đang đứng đầu cầu thang vẫy tay chào từ biệt. Tôi nói lớn:

– Em sẽ trở lại thăm già!

Ngôi nhà sàn đầu dốc, núp dưới tán cây gạo rực đỏ cứ xa dần, xa dần rồi khuất hẳn sau lớp sương chiều lãng đãng….

Gần ba năm sau, cũng vào dịp tháng tư, mùa hoa gạo nở, tôi trở lại làng Cảnh Liên.

Hôm đó, tôi theo thầy N X Nh, nhà nghiên cứu sưu tầm Văn nghệ dân gian nổi tiếng cả nước lên thị trấn Vân Cảnh công tác. Suốt buổi sáng, thầy trò vào các làng chung quanh thị trấn phát tiền từ thiện cho những hộ nghèo, gửi quà biếu già làng trưởng bản. Buổi chiều, thầy dự cuộc hội thảo gì đó do UBND huyện tổ chức. Là dân “ngoại đạo” tôi xin phép thầy về làng Cảnh Liên có việc riêng, hẹn sáng hôm sau trở lại thị trấn để thầy trò cùng về lại thành phố.

Thuê xe ôm vượt mấy cây số đường rừng đến nơi tôi phải đến. Chiếc xe cà tàng như chú ngựa non nhảy cà tưng trên lối mòn ven sườn đồi đá dăm lởm chởm. Tôi bám chặt người bác tài và luôn miệng nhắc nhở:

– Chạy chậm lại bác. Bên thì vách núi dựng đứng, bên vực sâu hun hút. Lạc tay lái một tẹo là toi mạng!

Bác tài nói giọng chắc nụi:

– Chú mày cứ yên tâm. Tao làm nghề xe ôm gần 40 năm, có hơn mười năm kinh nghiệm chạy đường .…

Nói chưa hết câu, chiếc xe bất chợt nhảy chồm về phía trước rồi đổ nhào xuống mặt đường…Qua cơn hoảng vía, tôi lồm cồm ngồi dậy kiểm tra khắp người. Lạy Chúa, chỉ trầy xướt nhẹ ở khủy tay. Tôi gắt:

– Đã bảo bác rồi mà…!

Bác xe ôm lại đỡ tôi đứng lên, hỏi có sao không rồi đổ thừa tôi lắm chuyện khiến bác phân tâm lạc tay lái vấp phải hòn đá cuội chết tiệt!

Bác xe ôm giục tôi lên xe tiếp tục cuộc hành trinh. Tôi dặn:

– Cẩn thận bác ơi!

Xe chạy đến đầu con dốc cạnh cây gạo đang nở hoa đỏ rực thì dừng lại. Tôi móc ví trả tiền, đeo ba lô đi thẳng lên nhà già Pơ.

Nhà già Pơ cửa đóng, cỏ dại mọc um tùm chân cầu thang. Hoa gạo rơi phủ kín những líp rau héo úa trước nhà sàn. Tôi cất tiếng gọi:

– Già Pơ! già Pơ ơi!

Vừa đi quanh nhà sàn vừa gọi nhưng không nghe già lên tiếng. Tôi nghĩ, chắc là già Pơ đi rừng chưa về. Lại máng xối định vốc nước rửa mặt cho tươi tỉnh, nhưng máng khô khốc, ống dẫn nước từ suối về mất mấy đoạn…Linh cảm có điều gì đó không lành đã xảy ra với già Pơ!?

Tôi bắt loa tay gọi vang cả núi rừng:

– Già Pơ ơi! Già Pơ…ơ…ơ…

Một người dân đi rẫy về, vội lên tiếng:

– Già Pơ còn đâu nữa mà gọi. Già bị bọn lâm tặc đánh chết gần giáp năm rồi!

Nghe tin dữ, tôi đứng lặng! Mặt đất như quay cuồng…

Ngôi nhà sàn vẫn còn đấy, hoa gạo vẫn đỏ ối giữa tháng 4, sương chiều lãng đãng trên những sườn đồi, chim rừng vẫn hót râm ran, hương phong lan ngan ngát. Rừng núi Cảnh Liên đang trôi dần về phía hoàng hôn. Còn già Pơ, ông lão người Bana hiền lành, chất phát, vui tính biền biệt phương trời?!

                                                                        Canh Liên, mùa hoa gạo

                                                                                                   TQL