Các đợt truy quét tội phạm tham nhũng và lừa đảo những năm gần đây tại Romania đã tạo ra đợt “bùng nổ” văn chương đột xuất khi những người tù đã xuất bản hàng trăm cuốn sách thể loại phi hư cấu với đủ loại đề tài khác nhau từ bóng đá, bất động sản, tôn giáo cho tới đá quý…
Theo Washington Post, đó quả là một kỳ công nếu người ta biết rằng những người tù này không được tiếp cận sách hay Internet và thường không có bàn viết trong buồng giam giữ họ.
Việc giới điều tra phát hiện trường hợp một cuốn sách dày 212 trang đã được viết chỉ trong vòng bảy tiếng đồng hồ càng làm dấy thêm những ngờ vực về việc những “công trình chất xám đáng ngờ” này hoặc là sản phẩm của những người được tù nhân thuê viết, hoặc chỉ là những tác phẩm đạo văn, không hơn.
Sách tăng đột biến
Theo luật pháp Romania, tù nhân có thể được ân xá, giảm bớt thời gian bị giam giữ tới 30 ngày với mỗi “tác phẩm khoa học” họ xuất bản. Tất nhiên điều này phụ thuộc vào quyết định của quan tòa về việc cuốn sách họ viết ra có đáng được coi là “tác phẩm khoa học” hay không. Tù nhân trả tiền cho nhà xuất bản in sách, mặc dù những cuốn sách này sẽ không được phát hành tại các hiệu sách.
Bà Ioana Marina Popovici lật giở cuốn sách bà đã viết và xuất bản trong thời gian ở tù – Ảnh: AP.
Luật này bắt nguồn từ giai đoạn Romania đi theo chế độ XHCN và đối tượng hướng tới của luật là những người trí thức bị bỏ tù vốn không thích hợp với các công việc lao động chân tay nặng nhọc. Với những người lao động chân tay, nếu giỏi nghề cũng có thể giảm án thông qua khả năng làm việc của họ.
Cho tới những năm gần đây cũng chỉ có một số lượng sách nhất định dạng này được xuất bản, tuy nhiên năm 2014 số sách tăng lên 90 và tới năm 2015 ghi nhận mức tăng đột biến là 340 cuốn.
Các công tố viên đang tiến hành điều tra xem liệu có phải những người đang thụ án vốn giàu có và nhiều quan hệ đang trả tiền cho các giáo sư đại học (đây là những người được yêu cầu phê chuẩn nội dung cuốn sách) hoặc trả tiền cho những người khác viết sách cho họ.
Cáo trạng của công tố viên dẫn ra trường hợp cuốn sách 212 trang của một tù nhân không nêu tên đã hoàn thành trong vỏn vẹn bảy tiếng đồng hồ. Hay như một cuốn sách khác dày 180 trang đã được viết chỉ trong 12 tiếng.
Bà Laura Stefan, chuyên gia phân tích của Viện Nghiên cứu Expert Forum, đơn vị hoạt động với sứ mệnh cổ vũ sự minh bạch và điều hành hiệu quả, cho rằng “những tác phẩm khoa học” được ra đời từ các nhà tù của Romania rõ ràng có quan hệ nhiều tới sự giàu có và ảnh hưởng của những người tù nhiều hơn là tài năng viết lách của họ.
Trao đổi với hãng tin AP, bà nói: “Những gì chúng ta đang thấy… là kết quả của những người thuộc tầng lớp cao cấp rốt cuộc bị sa chân vào cảnh tù tội. Những con người quyền lực này cũng là những người rất giàu và họ thừa khả năng để có một cố vấn cao cấp, đó là những luật sư, những người này sẽ hướng dẫn họ cách lợi dụng kẽ hở luật pháp như thế nào”.
Các cáo buộc đạo văn chống lại các bộ trưởng và những nhân vật “tai to mặt lớn” là “chuyện thường ngày” ở Romania, mặc dù hiếm có vụ việc nào được điều tra tới nơi tới chốn. Năm 2012, một hội đồng đại học đã phát hiện cựu Thủ tướng Victor Ponta đã đạo văn trong luận án tiến sỹ năm 2003 của ông này.
Tranh cãi về luật
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Romania, Raluca Pruna kêu gọi cần phải ban hành lệnh khẩn cấp loại bỏ điều luật liên quan đến việc viết sách của tù nhân.
Bà Pruna nói: “Tôi nhận thấy chỉ trong một thời gian ngắn đã tăng đáng kể lượng sách xuất bản. Rõ ràng điều luật này chưa được áp dụng một cách nghiêm khắc”.
Bà Pruna cho rằng cần phải có luật mới, trong đó xếp hoạt động viết sách ngang bằng với các hoạt động khác như vẽ trang và sân khấu, theo đó sẽ phải xem xét kỹ lưỡng trước khi công bố tác phẩm.
Cựu thủ tướng Adrian Nastase là người đã xuất bản nhiều sách trước khi ông phải vào tù vì tội tham nhũng, ông cũng đã viết hai cuốn sách trong tù.
Tuy nhiên họa sỹ đồ họa Marina Popovici, một trong những người cùng chịu án tù vào năm 2012 với ông Nastase vì tội rửa tiền và lạm dụng của công, lại ca ngợi điều luật, cho rằng nó tạo điều kiện để những người tù có trình độ học vấn cao có thể làm một việc gì đó có ích.
Bà Marina Popovici nói: “Là một người năng động, tôi muốn làm việc gì đó để không lãng phí thời gian của mình”. Bà đã viết cuốn “Những loại đá màu quý giá”. Bà cho biết trong thời gian ở tù, bà đã được phép sử dụng máy tính trong điều kiện bị giám sát và khẳng định đã tự mình viết sách. Được trả tự do năm 2015, bà tuyên bố đã bị tòa kết án sai và đang làm đơn kháng cáo lên Tòa án nhân quyền châu Âu.
Nhà báo kiêm cựu Thượng nghị sỹ Sorin Rosca Stanescu đã ngồi tù 9 tháng trong tổng số án 2 năm rưỡi tù giam tòa tuyên cho ông vì tội lạm dụng thông tin mật và thành lập một băng nhóm tội phạm có tổ chức. Ông Stanescu đã viết ba cuốn sách về nền báo chí Romania, về đời sống chính trị Romania và hiện đang giảng dạy các lớp học nói về tình trạng tham nhũng đang thao túng và làm rối loạn nền báo chí Romania. Ông Stanescu cũng một mực khẳng định ông là người đã viết những cuốn sách đã xuất bản của mình. Tuy nhiên với những điều kiện khó khăn thực tiễn của người tù như việc họ phải nhờ bạn bè và gia đình phô tô những cuốn sách tham khảo và không có bàn viết trong khám, cộng thêm nữa hầu hết những người thụ án đều lần đầu tiên cầm bút, không có gì ngạc nhiên khi người ta ngờ rằng một số người tù đã thuê người khác viết sách cho họ.
Ông chủ câu lạc bộ bóng đá Steaua, Gigi Becali, gần đây thừa nhận đã không hề viết cuốn nào trong số bốn cuốn sách đã in với tên tác giả là ông, những cuốn sách viết từ đề tài núi Athos cho tới tình yêu thương xót và cứu rỗi. Vị cựu nghị sĩ Nghị viện châu Âu này từng bị kết án 3 năm rưỡi tù giam hồi tháng 5-2013 vì thỏa thuận trao đổi đất, bắt cóc và dàn xếp tỉ số trận đấu. Nghị sỹ Gabriela Anghel, người đang theo học lớp học về tham nhũng trong truyền thông của ông Stanescu cho rằng điều luật ân xá liên quan tới viết sách là sai.
Bà Anghel nói: “Sẽ là không đúng khi giảm án tù cho ai đó vì căn cứ trên một cuốn sách có thể không phải do họ viết. Họ nên viết sách, nhưng không nên giảm án cho họ vì chuyện đó”.
Theo Đỗ Dương – Văn nghệ công an