Lúc sinh thời, “Người kể chuyện số một thế giới” đã chia sẻ bí quyết giúp ông có những ý tưởng hay, duy trì sức sáng tạo và đặc biệt là cách tạo nên sức hút cho tác phẩm.

– Viết một cuốn sách có thể so sánh với điều gì?

Việc viết cũng giống như một hành trình dài, băng qua những thung lũng, những ngọn núi và rất nhiều nơi khác, bạn cần ghi lại ngay những ấn tượng đầu tiên về những gì bạn nhìn thấy. Khi bạn đi xa hơn nữa, lên tới đỉnh một ngọn đồi chẳng hạn, bạn sẽ nhìn thấy nhiều thứ khác và bạn tiếp tục viết ra những gì mình nhìn thấy. Hết ngày này qua ngày khác, bạn sẽ nhìn thấy nhiều góc độ khác nhau của cảnh vật. Khi leo lên đến đỉnh núi, điểm cao nhất trong hành trình – đó cũng là điểm kết thúc của cuốn sách, bởi khi đó bạn có thể nhìn thấy mọi thứ một cách rõ ràng nhất. Tuy nhiên, đó là một hành trình rất dài và chậm rãi.

– Ý tưởng cho những cuốn sách xuất phát từ đâu?
Ý tưởng luôn xuất phát từ một hạt giống, một mầm mống rất nhỏ bé, nhưng ngay cả những ý tưởng nhỏ bé nhất không phải lúc nào cũng dễ dàng xuất hiện. Có khi bạn phải loanh quanh cả năm mới ra được một ý tưởng. Khi một ý tưởng hay xuất hiện, tôi lập tức phải viết ra ngay để khỏi quên, bởi vì chúng chỉ xuất hiện thoáng qua như một giấc mơ. Tôi phải rất cẩn trọng. Tôi xem xét mọi thứ xung quanh, nhìn kỹ nó, nếm ngửi nó, sau đó suy nghĩ thật kỹ lưỡng xem nếu tôi triển khai ý tưởng đó thì nó sẽ tiến triển như thế nào. Bởi vì một khi bạn bắt đầu viết, bạn sẽ bị cuốn vào guồng quay của một công việc kéo dài trong cả năm trời và đó là một quyết định cực kỳ lớn lao.

– Thói quen làm việc của ông như thế nào?
Thói quen làm việc của tôi rất đơn giản. Điều quan trọng nhất, không bao giờ được làm việc liên tục trong 2 giờ đồng hồ bởi vì bạn không thể duy trì khả năng tập trung cao nhất trong khoảng thời gian quá dài, bởi vậy, bạn cần phải dừng lại nghỉ ngơi. Một vài nhà văn chọn những thời điểm nhất định nào đó để viết, một số lại chọn một vài thời điểm khác. Tôi phù hợp với khoảng thời gian hơi muộn một chút. Tôi bắt đầu làm việc lúc 10 giờ đêm và dừng lại lúc khoảng 12 giờ. Luôn là như thế. Một khi đã bắt đầu, tôi sẽ ngồi đến đúng 12 giờ, ngay cả lúc tôi bí ý tưởng. Bạn phải ngồi như vậy để tìm cách đâm thủng cái màn đen bí bách đó. Nếu không, bạn sẽ hình thành thói quen đầu hàng khi gặp khó khăn, và bạn sẽ chẳng bao giờ hoàn thành được công việc cả.

Nhà văn Roald Dahl.

– Ông duy trì cảm hứng viết như thế nào?
Một trong những điều tối quan trọng của một tác giả khi đang viết là làm thế nào để duy trì được cảm hứng. Tôi không bao giờ ra ngoài, trở về và bắt đầu với một trang giấy trắng tinh, tôi luôn dừng lại ở giữa trang giấy. Phải đối mặt với một trang giấy trắng tinh thật chẳng thú vị chút nào. Tôi đã học được kinh nghiệm của nhà văn vĩ đại người Mỹ Hemingway khi viết một cuốn sách dài là “Khi bạn đang viết sung sức, hãy dừng lại”, có nghĩa là khi mọi thứ đang diễn biến tốt đẹp thì đó cũng là lúc nên kết thúc một chương truyện.

– Ông làm thế nào để giữ được sự yêu mến của độc giả?
Một điều may mắn là tôi biết cười với những điểm gây cười cho lũ trẻ, và có lẽ đó cũng là lý do khiến tôi có được độc giả yêu thích. Tôi không ngồi một chỗ và nói oang oang với độc giả rằng bạn sẽ có những giây phút thật tuyệt vời khi đọc những câu chuyện đó. Các câu chuyện phải thật thú vị, diễn biến thật nhanh chóng, phải có những mục đích tốt đẹp nhưng phải thật vui vẻ ngộ nghĩnh. Tôi nhắc lại, câu chuyện đó phải thật vui vẻ ngộ nghĩnh. Mỗi cuốn sách của tôi đều hài hước ở các mức độ khác nhau. Chắc chắn là Phù thuỷ Phù thuỷ phải khác với Sophie và tên Khổng lồ, khác với James và quả đào khổng lồ hay Danny – nhà vô địch thế giới. Việc gây cười và việc gây khóc cho độc giả có một ranh giới rất mong manh. Tôi cũng không biết diễn tả ra sao, nhưng có một ranh giới rất tinh tế và nhiệm vụ của nhà văn là phải tìm ra nó.

– Làm thế nào để sáng tạo ra được những nhân vật thú vị?

Trong các câu chuyện của mình, bạn nên để các nhân vật hoá thân thành những con vật. Chẳng có gì là thú vị nếu nhân vật trong truyện là một người bình thường, nó sẽ chẳng thể nào cuốn hút được độc giả. Các nhà văn trên thế giới đều phải khiến cho nhân vật có đặc điểm nào đó thật cuốn hút, và điều này càng đúng hơn trong những tác phẩm dành cho thiếu nhi. Tôi có một cách khiến cho nhân vật trở nên cuốn hút với các độc giả nhí, đó là cường điệu hoá, khiến cho nhân vật đó trở nên cực kỳ độc ác, cực kỳ xấu xa hoặc cực kỳ thô lỗ. Nếu nhân vật đó xấu xí, bạn phải khiến nó trở nên cực kỳ xấu xí. Khi đó, tôi nghĩ rằng các nhân vật sẽ thật thú vị và ấn tượng.

– Làm thế nào mà ông có thể khiến cho câu chuyện trở nên rùng rợn nhưng lại không khiến độc giả sợ hãi?

Bạn không bao giờ được mô tả điều rùng rợn đó diễn ra như thế nào, mà bạn chỉ đơn giản nói rằng có một điều rùng rợn đã xảy ra. Khi đứa trẻ bị nghiến nát trong Nhà máy Chocolate của Willy Wonka, bố mẹ của chúng hét lên “Con tôi đã bị đưa đi đâu vậy?”, Wonka trả lời “Ồ, cậu ta đã biến thành kẹo mềm rồi”. Khi đó bạn sẽ cười, bởi vì bạn không hề nhìn thấy việc đó xảy ra như thế nào, bạn không thấy những đứa trẻ la hét hoặc bất cứ điều gì tương tự như vậy.

Phùng Hà dịch

Nguồn: eVan.

Exit mobile version