Cầm Kỳ Official xin giới thiệu chùm truyện của tác giả Đoàn Đức Châu.

Gồm các truyện sau:

– Mẹ của những người lính

– Bến đò xưa

– Cây dừa nước

– Cô bé câm

– Rau muống đầm

Tác giả Đoàn Đức Châu

Sinh ngày 5 tháng 8 năm 1951, thuộc thế hệ lính sinh viên năm 1972.                                                       Tuy không phải là người viết văn chuyên nghiệp, nhưng truyện của tác giả Đoàn Đức Châu kể về trải nghiệm của một người lính, hết chiến tranh ra quân đã làm nhiều nghề, trải qua nhiều lĩnh vực của cuộc sống nên sát thực tế. Nội dung truyện nặng tình người, tình đồng đội, bạn bè, đồng nghiệp. Đó là cuộc sống thực tế của anh và của những người thân bạn bè yêu mến…                                                            Hiện tại anh giành nhiều thời gian để thực hiện mong ước thời trẻ của mình: viết truyện. Anh đã viết khá nhiều, và cũng chưa công bố khá nhiều.

Tác giả Đoàn Đức Châu tâm sự:

Chúng tôi là lứa lính sinh viên 1972. Sau 51 năm từ ngày nhập ngũ, có biết bao câu chuyện không thể kể hết những bi thương nhưng hào hùng của người thân bạn bè đã trải qua cuộc chiến tranh.

Thời gian có thể lấy đi của chúng tôi tuổi xuân, có thể lấy đi dáng vẻ hiên ngang của anh lính sinh viên trẻ ngày nào nhưng nó không thể lấy đi khỏi tâm hồn chúng tôi những tháng năm đẹp đẽ, đáng nhớ về một thời hoa lửa, không thể lấy đi lòng kiêu hãnh và tình yêu tổ quốc cháy bỏng của những người lính sinh viên năm nào cầm súng bước vào cuộc chiến giành độc lập cho dân tộc.

RAU MUỐNG ĐẦM

Đoàn Đức Châu

Đầu những năm 60 toàn bộ dân cư ở phố tôi được chuyển sang khu tái định cư mới để nhường đất cho việc xây dựng một nhà máy đóng tàu biển. Khu định cư này ở ngoại ô ven thành phố nên có quá nhiều thứ khác lạ, hấp dẫn đối với lũ trẻ từ phố về.

Người dân trong khu hầu hết là công nhân của các nhà máy, xí nghiệp quanh đây. Họ sống chân chất, hòa đồng. Bọn trẻ con cũng vậy. Chỉ sau một tháng chúng tôi đã chơi thân với nhau.

Mỗi gia đình chuyển về đây được phân một hoặc hai căn nhà một tầng, cấp bốn. Những căn nhà lợp ngói giống nhau, quét vôi vàng, xếp theo từng dãy thẳng tắp. Cứ năm dãy nhà tạo thành một ô vuông được bao quanh bằng con đường rải đá khá rộng.

Khu dân cư của chúng tôi như nằm trên một bán đảo. Ba mặt là sông. Muốn vào trong phố phải đi qua hai cây cầu lớn. Mặt còn lại giáp với tuyến đường tàu hỏa đi Hà Nội. Ngày ngày hàng chục chuyến tàu rầm rập chạy ngang qua đây.

Lần đầu tiên trong đời tôi thấy tàu hỏa. Cái đầu tàu hùng hổ lao tới một cách dữ tợn. Đang chạy nó đột nhiên vừa phì phì hơi nước vừa hú một hồi còi dài, choáng tai. Theo sau nó là một dãy toa dài như đuôi con rắn. Mặt đất dưới chân rung chuyển khiến chúng tôi đứng im tại chỗ mà người vẫn chao đảo. Nhưng khi đoàn tàu đã chạy qua không gian chợt trở nên yên tĩnh, trống vắng lạ thường. Nó làm chúng tôi có cảm giác vừa đánh mất một vật gì đó.

Hai bên bờ đường tàu mọc đầy những cây hoa dại sặc sỡ. Chúng trông khá đẹp nhưng lại mang cái tên thật vô lý “hoa cứt lợn”. Xen giữa những đám hoa ấy là những cây xấu hổ và bụi “tanh tách”. Bọn con gái rất thích chạm tay vào cây xấu hổ. Những chiếc lá nhỏ xíu giống lá me, lập tức e thẹn, co mình nép dọc theo thân lá. Thấy vậy mấy đứa thay nhau liên tục động vào cái cây. Cuối cùng chắc mệt vì “xấu hổ” nhiều quá những chiếc lá không chịu co vào nữa.

Bọn con trai thì hay hái những quả chín đen của cây “tanh tách”. Chúng nhấm nước bọt vào đuôi quả rồi ném nhau. Cái quả bé tẹo ấy nổ “tách” một tiếng, bắn những hạt nhỏ vào cổ, vào mặt đứa bạn. Cả bọn thích chí cười vang .

Bên kia đường tàu là khu đồng của hợp tác xã nông nghiệp. Những cánh đồng lúa bao la chạy dài theo bờ đê con sông Rế. Ở góc cuối khu đồng có một nghĩa địa nhỏ hoang vắng. Nó được những bụi dứa dại bao quanh. Chúng tôi phát hiện ra ở đấy những con cào cào “khổng lồ”. Chúng to gấp cả chục lần những con chúng tôi thường thấy. Con côn trùng kỳ dị này đậu trên lá cây dứa dại màu xanh nhạt, đầy gai. Cái đầu to tướng của nó luôn lắc lư cặp râu dài cảnh giới. Thân hình rắn chắc được bọc trong lớp vỏ cứng màu xanh sẫm, sần sùi như chiếc áo giáp. Đáng ngại nhất là đôi càng to khỏe, vàng óng, đầy gai nhọn. Thấy chúng tôi nó trừng trừng cặp mắt như đe dọa. Cả bọn lặng người, vừa run vừa hồi hộp nhìn nó. Chỉ những đứa can đảm nhất, chịu đau giỏi mới dám vồ chúng. Những con vật dị dạng này sống quanh khu nghĩa địa nên bọn tôi gọi chúng là “cào cào ma”.

Xen giữa khu đồng lúa mênh mông là những đầm nước nông. Quanh bờ đầm cỏ dại và cây dương sỉ mọc um tùm. Đôi chỗ nổi lên một gò đất với những rặng tre già. Dưới chân bụi tre rậm rạp chúng tôi lại phát hiện ra một loại vật kỳ lạ khác, con chuồn chuồn tre. Con vật này cũng to gấp mấy lần những con bình thường nhưng nó không hung dữ mà đẹp một cách quyến rũ. Thân nó dài, màu xanh cánh chả. Đôi mắt đen bóng như hai viên bi ve lồi ra, đảo liên tục để quan sát. Cặp cánh dài màu nâu lúc nào cũng giang thẳng, sẵn sàng bay lên. Đứa nào trong bọn cũng cố bắt cho được một con để ngắm nghía và mang về khoe với những đứa ở nhà.

Khi đã quen với nơi ở mới chúng tôi rủ nhau đi xa hơn. Một hôm cả bọn đi mấy cây số theo con đường nhựa và thấy cây cột điện cao lớn ở khu Sở dầu. Cây cột được dựng bằng khung thép vững chắc cao tới hơn năm mươi mét. Nó dùng để treo các dây cáp điện cao thế qua sông Cấm. Người ta hàn vào thành cột một chiếc thang sắt. Chúng tôi thách nhau leo lên cây cột điện cao ngất ấy. Nói thì dễ nhưng chỉ có vài đứa gan lì trong nhóm mới đủ can đảm leo lên.

Đứng trên độ cao ngây ngất tôi say sưa ngắm cả vùng đất mới lạ phía dưới. Khu dân cư chúng tôi và xóm thợ nhà máy xi măng nằm lọt thỏm giữa những làng quê ngoại thành um tùm cây lá. Đâu đâu cũng thấy những đầm nước, xứ sở của rau muống đầm. Từ trong bờ những cây rau mạnh mẽ đua nhau vươn ra xa, lấn hết mặt nước. Chúng trùm lên cả những đám cỏ dại mọc quanh đầm. Những bông hoa rau màu tím nhạt, óng ánh dưới ánh nắng mặt trời, nổi bật trên cái nền xanh mênh mang của khu đầm.

Ngày ấy rau muống chỉ trồng dưới nước nên người ta gọi loại rau này là muống đầm hay muống ao. Rau được trồng sát mép nước. Chúng lớn rất nhanh và vươn ra xa. Trên những khu đầm rộng người ta đắp bùn lên chiếc bè tre, trồng rau muống lên đấy rồi thả trôi ra giữa đầm. Khi hái rau, chiếc bè được kéo vào sát bờ. Vào mùa hè, sau cơn rào, những ngọn rau tim tím, non mơn mởn, đua nhau ngóc đầu vươn lên trên mặt nước. Trông chúng thật thích mắt. Người ta hái phần ngọn non để ăn còn cắt phần rau già về nuôi lợn. Rau ăn được bó thành từng bó khá to, trông rất tươi. Khi luộc lên cọng rau mềm nhưng ăn giòn sần sật. Vì thế dù bữa cơm thường ngày ở gia đình chúng tôi chỉ có tép và mớ rau luộc chấm nước mắm nhưng vẫn thấy ngon.

Bên cạnh khu nhà ở của chúng tôi người ta xây một cái chợ dân sinh. Trong chợ có hẳn mấy dãy bày bán hàng hóa của những người nông dân như rau xanh, gà vịt, tôm cá, cua đồng. Ngày thường người lớn đi làm đến tối mới về nên bọn trẻ con phải tự đi chợ.

Một lần thằng Hùng, bạn cùng lớp, rủ tôi vào làng Đình Hạ phía sau chợ mua rau. Nó bảo mua rau ngay tại đầm ngon hơn và rẻ hơn. Hai đứa đi sâu vào trong làng theo con đường đất giữa những ao, đầm ngập nước. Tôi chưa đến đây nên tò mò, thích thú nhìn những ngôi nhà lúp xúp, tường bằng đất, lợp cói, nằm sau những vườn rau xanh.

Hai đứa dừng lại cạnh một cái đầm khá rộng. Giữa đầm có mấy người đội nón, quấn khăn kín mặt đang hái rau muống. Nghe tiếng thằng Hùng một người vẫy tay, chỉ vào phía bờ bên kia ra hiệu đứng chờ. Khi chiếc bè được kéo vào bờ hai chúng tôi giúp họ khiêng các bao tải rau vào căn nhà gần đấy. Chị quen Hùng cởi khăn che mặt. Tôi bất ngờ vì thấy chị còn trẻ lại rất xinh. Chị chỉ bằng tuổi chị thứ ba của tôi. Bắt gặp cái nhìn chăm chú của tôi, chị hơi đỏ mặt, hỏi thằng Hùng: “Bạn em đấy à. Cậu này trông kháu khỉnh nhỉ!”.

Chị đưa cho chúng tôi mỗi đứa hai bó rau to, rồi nói: “Chị lấy tiền một bó thôi. Còn một bó cho các em. Nhớ thường xuyên đến mua rau ủng hộ chị nhé. Chị tên là Nhạn!”. Tôi cười tươi hơn hớn. Thế là hôm nay có mấy xu cho con lợn đất.

Sau lần ấy tôi thường đến nhà chị Nhạn mua rau. Có hôm chị nhờ tôi giúp bó rau, chuyển đống rau ra chợ. Những lần như thế chị không lấy tiền rau mà còn cho tôi một hào tiền công lao động. Hai chị em nhanh chóng thân nhau.

Chị là con út trong nhà nên không có em. Vì thế chị thích trò chuyện vớí tôi. Nhà nghèo lại neo người, bố mẹ chỉ muốn chị làm ở nhà rồi lấy chồng. Nhưng chị vẫn ước mơ được trở thành diễn viên đoàn chèo thành phố. Chị muốn được biểu diễn trên sân khấu, muốn được mọi người hoan hô, khen ngợi. Tôi không thích hát chèo nên chỉ im lặng ngồi nghe. Chị Nhạn chẳng để ý đến vẻ thờ ơ của tôi. Chị chỉ cần cậu em ngoan ngoãn lắng nghe là được.

Hết giờ học, có thời gian rỗi là tôi theo chị đi thuyền hái rau đầm. Tôi thích lắc lư cho con thuyền chòng chành. Cảm giác chông chênh, bồng bềnh, kích thích tôi kỳ lạ. Nhiều lúc chị Nhạn phải nhắc tôi ngồi yên.

Sau những cơn mưa rào. Trời hơi se lạnh. Đầm ngập nước. Nó dường như rộng ra rất nhiều. Chiếc bè phồng lên với những ngọn rau muống non mơn mởn làm tôi nghĩ ngay tới bữa trưa ngon lành với món rau luộc chấm nước mắm tỏi.

Một lần hái rau xong chị Nhạn dẫn tôi đi gom lờ, hom bẫy cua đồng. Tôi hớn hở nhìn những chiếc lờ đầy những con cua lổm nhổm bò chồng lên nhau. Thấy vẻ say mê của tôi, chị Nhạn hứa sẽ dẫn tôi đi đặt hom, lờ trong khu đầm bên kia đường tàu.

Từ ngày quen chị Nhạn tôi mới để ý thấy những tốp xã viên hợp tác xã nông nghiệp đi qua khu dân cư chúng tôi. Họ đi làm sớm và đi rất nhanh. Chỉ vào mùa gặt mới thấy họ gánh hoặc chậm rãi đẩy những xe cải tiến chở đầy những bó lúa nặng trĩu trên con đường đá.

Mùa hè đến. Bọn trẻ chúng tôi rủ nhau đi tập bơi. Ở khu đồng bên kia đường tàu có một cái hồ khá rộng. Gọi là hồ chứ đấy chỉ là khu ruộng trũng ngập nước. Khi người ta tháo nước từ sông Rế vào đồng qua cái cống xi măng, mặt nước ở đấy rộng lên đến hơn một héc ta. Cạnh hồ có hai ngôi nhà đất nhỏ của những người canh đồng. Chúng kín đáo núp dướí bóng mấy cây găng già. Vì thế chúng tôi gọi chỗ đồng ngập nước ấy là “hồ cây găng”. Đó là nơi chúng tôi tập bơi.

Cách học bơi của chúng tôi rất thực tế. Đứa lớn đã biết bơi làm “huấn luyện viên”. Nó cho con chuồn chuồn cắn rốn một đứa bé rồi dẫn đứa bé ra đứng trên thành cửa cống. Khi đứa bé còn run run nhìn dòng nước ào ạt chảy vào đồng thì thằng “huấn luyện viên” đẩy nó xuống nước. Bị sặc, theo bản năng, thằng bé con giãy dụa tứ tung cho đến khi dòng nước mạnh đẩy nó tới chỗ nước nông. Lần nào cũng bị sặc và uống mấy ngụm nước. Vậy mà chỉ sau vài lần chúng tôi đã biết bơi. Tất nhiên là bơi giống con chó.

Một tháng sau khi “tốt nghiệp” thằng thủ lĩnh ra lệnh cho cả bọn vượt đê ra bơi trên sông Rế. Bơi trong đầm thì còn cố vươn được tới chỗ nước nông chứ bơi ngoài sông mà đuối thì chỉ có toi. Vậy là chúng tôi thu gom những cây cói của những người nông dân phơi trên mặt đê làm phao. Cứ hai đứa bám vào một bó cói. Bơi ngoài sông thích hơn trong đầm nhiều. Nước ở đấy trong mát lại có dòng chảy đẩy người đi. Lúc đầu chúng tôi chỉ dám bơi ven bờ. Nhưng khi đã quen với sông nước cả bọn đua nhau bơi ra xa.

Tôi rất thích thả mình theo dòng nước, ngửa mặt nhìn lên bầu trời. Ánh nắng chói chang lại làm tôi thấy dễ chịu. Người tôi như được hòa đồng giữa dòng nước mát lạnh dưới lưng và cái nóng hầm hập phía trên. Cứ thế bọn trẻ con chúng tôi đùa rỡn với sông nước cả buổi chiều.

Nhưng một lần đang cởi quần áo để xuống nước, tôi nghe có tiếng kêu cứu. Thì ra mấy đứa xuống trước bị đứt dây bó cuộn cói. Hai thằng bé vùng vẫy như những con chó con nhưng không đủ sức chống lại lực cuốn đi của dòng nước. Chúng ngày càng trôi ra xa. Chẳng đứa nào trong bọn tôi đủ khả năng bơi ra kéo chúng vào bờ. Cả bọn cuống quít chạy theo trên bờ, gào thét kêu cứu mặc dù xung quanh chẳng thấy bóng người lớn nào.

Thật may. Từ trong ngôi nhà đất cạnh hồ găng hai bóng người chạy vút ra. Họ lao nhanh xuống nước kéo hai đứa bé lên. Trong khi cả bọn xúm vào an ủi hai thằng đang khóc nhè thì anh nông dân cao lớn đứng bên cạnh to tiếng quát mắng: “Sao các em liều thế. Còn bé mà dám ra bơi ngoài sông. Mà ai cho các em lấy cói làm phao…”. Chúng tôi ngồi im thin thít, cúi đầu nhận lỗi. Khi ngẩng đầu lên tôi buột miệng kêu to: “Chị Nhạn!”. Hóa ra hôm ấy chị đang canh đồng vì lúa đã vào vụ chín rộ.

Không nói không rằng chị kéo tay tôi vào ngôi nhà đất. Vào nhà rồi tôi thấy nét mặt chị vẫn chưa hết căng thẳng. Giọng chị trách móc: “Sao em dại thế. Có ngày chết đuối đấy!”. Nhìn ánh mắt lo lắng của chị, tôi thấy hối hận. Chị vào căn buồng bên lấy ra một chiếc săm ô tô to đùng. Chiếc săm có hai miếng vá nhưng làm phao bơi thì còn rất tốt. Chị dặn: “Lần sau bơi sông chị cho mượn chiếc phao cứu hộ. Đừng dùng cói khô nữa nhé, nguy hiểm lắm!”. Tôi ngoan ngoãn gật đầu. Chị thở phào một hơi rồi đưa cho tôi một cốc thạch găng. Đang khát tôi ăn một mạch hết cốc thạch xanh biếc, mát lịm rồi mới hỏi: “Chị làm đấy à?”. Chị gật đầu, bảo tôi: “Bớt nghịch đi. Nếu rỗi thì sang đây giúp chị làm thạch. Chị sẽ trả công cho!”. Nghe nói được trả tiền tôi gật đầu lia lịa.

Khu dân cư chúng tôi nằm không xa thành phố nhưng vì cách cầu, cách sông nên đời sống văn hóa rất nghèo nàn. Chỉ một vài gia đình có cái đài radio từ thời Pháp thuộc. Vì thế, vào những tối cuối tuần mọi người thường rủ nhau ngồi kín dưới cây cột điện đầu dãy nhà có treo cái loa công cộng, nghe chương trình “Câu chuyện truyền thanh” hay “Văn nghệ chủ nhật”.

Để nâng cao tinh thần cho cư dân, ban lãnh đạo khu thành lập một đội văn nghệ quần chúng. Bố tôi được phân công phụ trách đội văn nghệ. Trong đội chẳng có ai đã từng là diễn viên hay nghệ sĩ. Người diễn là mấy ông bà cư dân nhiệt tình. Tiết mục quanh đi quẩn lại mấy trích đoạn trong truyện “Tam quốc diễn nghĩa”, và các vở “Phạm Công Cúc Hoa “, “ Lưu Bình Dương Lễ”.

Vậy mà sáu tháng mới có một buổi diễn. Sân khấu được dựng chắn ngang con đường đá. Bàn ghế học sinh của trường cấp một trong khu được khuân ra dựng sạp. Phông thì mượn vỏ chăn của các gia đình. Có lần thuê bạt ở chợ. Ban nhạc gồm kèn, trống, nhị của mấy ông chuyên đi phục vụ đám ma. Một vài lần được bổ sung thêm sáo trúc, đàn bầu hay cây đàn acordion của mấy anh chị diễn viên về thăm nhà.

Ngày hôm ấy dân cư cả khu náo động từ chiều. Khi chiếc loa to đùng oang oang thông báo về chương trình văn nghệ buổi tối, nhà nào cũng vội vã ăn cơm sớm rồi mang ghế con ra chiếm chỗ gần sân khấu. Ai cũng vui vì có dịp được ngồi cùng nhau, được nói chuyện với nhau, được cùng nhau hò hét vô tư sau những ngày lao động vất vả.

Trong buổi biểu diễn giữa tháng tám này, khi sân khấu đã mở màn, diễn viên đóng ông Trương Phi vẫn đi làm chưa về. Bố tôi cuống lên tìm người thay thế. May quá chú Hiếu kịp chạy tới. Chú vội vàng thay trang phục rồi ra sân khấu.

Đang đóng giả tiếng ngựa phi thì chú nghe thấy bọn trẻ con kêu to: “Ông Trương Phi này không có râu!”. Thì ra vội quá chú quên đeo bộ râu xồm của ông tướng nổi tiếng. Bọn trẻ phía dưới càng khoái chí khi nhận ra người đóng vai. Chúng hò reo ầm ĩ: “Không phải ông Trương Phi. Đây là bố thằng Khánh!”.

Rất nhanh trí chú Hiếu đảo tiếp một vòng trên sân khấu, miệng ư ử ngân giọng ca tuồng: “Ta đây là Trương Phì, em của Trương Phi. Ta sẽ vào gọi anh ta ra!”. Chú “truy phong” rất nhanh vào sau cánh gà để lại phía sau tiếng cười khoái trá không dứt của khán giả. Để tăng thêm sự phong phú của buổi diễn, hôm ấy bố tôi mời đội chèo thôn Đình Hạ tham gia. Khi khán giả còn đang hả hê sau tiết mục “Kết nghĩa vườn đào” của ba anh em Lưu Bị thì tiếng trống chèo rộn rã vang lên. Giai điệu sôi động, mới lạ làm tiếng ồn ào lắng ngay xuống. Đám đông chăm chú nhìn lên sân khấu.

Một nữ diễn viên xinh đẹp trong bộ trang phục áo lụa dài, yếm đào, khăn vấn kiểu thiếu nữ nông thôn ngày xưa xuất hiện. Cầm chiếc quạt giấy trong tay chị nhẹ nhàng bay lượn như con chim én.

Khán giả lặng đi trong tiếng ca ngọt lịm: “Em xinh là xinh như cây lúa!”. Hết một vòng chị dừng lại giữa sân khấu như để trình diện với mọi người nhưng miệng vẫn hát tiếp: “A lúa a, lúa đẹp lúa xinh í ì i!”. Mọi người xì xào khen cô diễn viên xinh đẹp lại hát hay. Tôi cố kìm giọng, khẽ reo: “Chị Nhạn!”. Đúng chị Nhạn rồi. Chị vẫn mơ được biểu diễn mà. Hôm nay chị đẹp quá, múa hát hay quá. Tôi hào hứng hò hét rất to, hoan hô không ngớt. Tôi chỉ đỏ mặt, “phanh” lại khi mấy người ngồi bên cạnh nhắc: “Sao hăng thế. Im đi để mọi người còn xem chứ!”.

Trong giấc ngủ hôm đấy tôi thấy một chị Nhạn quần áo lụa xúng xính, điệu đà, lượn bay trên sân khấu.

Mấy hôm sau vào nhà chị mua rau trong đầu tôi vẫn vẩn vơ hình bóng cô diễn viên làm chị phải hỏi: “Hôm nay em làm sao thế!”. Tôi buột miệng đáp lại: “Chị đừng làm nghề nông nữa. Chị làm diễn viên đi. Chị hát chèo hay lắm!”. Hiểu ra chị Nhạn khẽ cười, giọng buồn buồn: “Chị cũng mơ được như vậy nhưng bố mẹ chị không cho!”. Tôi bực mình gắt lên: “Chị phải biết tự lo cho mình chứ!”. Chị ngạc nhiên vì chưa bao giờ chị thấy tôi cáu như vậy. Chị xúc động, ngồi im một lát rồi nói: “Chị sẽ suy nghĩ!”. Chị quệt tay, lau đôi mắt ươn ướt bảo tôi: “Em ở lại ăn trưa với chị nhé. Hôm nay chị đãi em món rau muống chấm mắm cáy và canh riêu cua!”. Bữa cơm trưa hôm ấy của hai chị em thật ngon.

Cuộc sống

của khu dân cư chúng tôi đang yên ổn thì không quân Mỹ đánh lấn ra miền Bắc. Sau ngày 5 tháng 8 năm 1964, gia đình nào cũng hối hả đào hố cá nhân, hào giao thông tránh bom. Tiếng loa đài suốt ngày nhắc nhở, hướng dẫn cách ẩn nấp khi máy bay địch xuất hiện. Chốc chốc còi báo động trên nóc Nhà hát Lớn thành phố, rồi tiếp theo từ nhà máy Xi măng lại rú lên, nghe lạnh người. Không khí chiến tranh như bóng ma lởn vởn trong tâm trí mọi người. Những chấm trắng nhỏ xíu của máy bay Mỹ bắt đầu xuất hiện tít cao trên bầu trời Hải Phòng. Lần đầu tiên trong đời tôi nghe thấy tiếng pháo cao xạ nổ inh tai, nhức óc. Nét mặt ai cũng trầm hẳn đi, buồn bã, lo lắng. Mọi người đau đớn hiểu rằng những tháng ngày bình yên đã hết. Gia đình nào cũng lục tục đưa con cái về vùng quê sơ tán.

Trước ngày bố đưa mấy anh em tôi về quê, tôi đến nhà chị Nhạn tạm biệt. Mới hơn bốn giờ chiều mà trời đã tối. Trong nhà chị ngọn đèn dầu cháy leo lét trên chiếc bàn giữa nhà. Hai chị em ngồi lặng im trong nỗi buồn nặng trĩu. Bất chợt chị Nhạn òa khóc, giọng chị thổn thức: “Sao ông trời ác độc như vậy. Đang yên đang lành thì tan tác hết cả. Anh ấy nhập ngũ rồi. Em cũng đi xa thì chị biết nói chuyện với ai, tâm sự với ai. Sao chúng nó ác thế!”.

Nhìn chị nức nở tôi bối rối, không biết phải làm gì. Cuối cùng tôi cố nói mấy câu an ủi chị: “Học xong em sẽ về đây ngay. Chị em mình lại gặp nhau mà!”. Chị khẽ cười, giọng chua chát: “Cứ đánh nhau mãi thế này thì biết bao giờ mới hết. Không khéo rồi đến các em cũng phải đi bộ đội mất thôi!”.

Tôi giật mình vì chưa bao giờ nghĩ đến chuyện này nhưng bỗng thấy mình lớn hẳn lên, chững chạc như anh bộ đội. Tôi ôm hai vai chị nói: “Chị đừng buồn. Chiến tranh nhất định sẽ phải chấm dứt. Chị em mình sẽ gặp nhau!”.

Khi ra khỏi ngõ nhà chị Nhạn tôi buồn bã nhìn về phía bầu trời bên kia đường tàu. Mây chiều đỏ rực như một đám cháy lớn. Ngọn lửa chiến tranh cũng đang bùng cháy. Nó lan dần, lan dần, thiêu đốt cuộc sống bình yên của khu dân cư chúng tôi, thiêu đốt cả tuổi thơ êm đềm của lũ trẻ con chúng tôi.

Chị Nhạn nói đúng. Chiến tranh đã kéo dài. Nó lôi kéo tiếp lứa thanh niên chúng tôi vào những trận chiến khốc liệt. Nhiều người đã không trở về.

Cuối năm 1972 một tin đau đớn đã bay tới đơn vị tên lửa phòng không của tôi. Máy bay B52 của Mỹ rải thảm, xóa sổ cả vùng dân cư quanh nhà máy xi măng Hải Phòng. Từ đấy trong đầu tôi luôn day dứt câu hỏi: “Bạn bè tôi ai còn, ai mất. Chị Nhạn có sao không. Chị đang ở đâu?”.

Chiến tranh chấm dứt. Tôi được đơn vị cho về thăm nhà. Gia đình tôi đã chuyển sang phố. Tranh thủ thời gian tôi chạy qua khu xi măng tìm những người bạn thuở nhỏ. Tôi không gặp được ai quen. Trên nền khu dân cư cũ xuất hiện những căn nhà mới xây vội vã, lộn xộn. Những người bị mất nhà cửa trong chiến tranh đang dồn về đây.

Thất vọng, tôi lang thang sang bên kia đường tàu. Khu vực này cũng thay đổi. Người ta trồng chuối trên những cánh đồng trước kia và gọi nó bằng cái tên mới “khu trại chuối”. Không còn cái hồ nước nơi chúng tôi đã tập bơi. Không còn những cây găng già. Không còn mấy nếp nhà tranh bên bờ đê sông Rế. Bờ sông vắng vẻ, cỏ mọc um tùm. Tôi chỉ thấy một lối mòn xuống bến đò. Con đò nhỏ thấp thoáng nép dưới bóng cây bần xanh mướt. Thở dài, tôi định quay về thì giật mình nghe vẳng tới từ phía con đò giọng ca chèo trong trẻo: “Em xinh là xinh như cây lúa. Là lúa đẹp, lúa xinh í ì i ”.

Chân tôi bị dẫn dụ xuống đò. Tôi bối rối khi cô lái đò cất tiếng chào. Ấp úng tôi bảo: “Cô cho tôi sang bên kia rồi quay lại ngay nhé!”. Cô lái đò trẻ ngạc nhiên, bật cười vì đề nghị khác lạ của tôi. Khi vào trong đò tôi bảo cô mở lại đoạn chèo trong chiếc băng casset. Thấy ánh mắt ngờ vực của cô, tôi vội giải thích là có người chị họ trước chiến tranh sống ở khu này, hát chèo rất hay. Cô gái nheo mắt hỏi lại tôi: “Chị Nhạn phải không?”.

Tôi sững người vì bất ngờ. Cô lái đò tủm tỉm cười, hóm hỉnh bảo tôi: “Chị họ em đấy. Chị ấy hát chèo hay nổi tiếng. Mà sao em không biết mình cũng có một ông anh họ đẹp trai như thế này nhỉ?”. Mặt đỏ bừng tôi phải kể qua cho cô chuyện của mình. Nghe xong cô bảo: “Chị Nhạn và gia đình đã chuyển về ở gần bến đò Vạn Kiếp rồi. Chị ấy vẫn khỏe. Anh ghi địa chỉ đi. Lúc nào rỗi ghé qua thăm chị ấy!”. Tôi thở phào nhẹ nhõm. Thật may là ông trời không nỡ lấy đi hết mọi niềm vui của tôi.

Tạm biệt cô lái đò, tạm biệt bờ sông xưa, tôi quay trở về, hớn hở như một cậu bé. Vừa đi trên đê, tôi vừa khe khẽ hát: “Em xinh là xinh như cây lúa!”. Lúc cao hứng tôi ca tiếp như đang biểu diễn: “Được mùa chớ phụ ngô khoai. Đến khi thất bát lấy ai bạn cùng!”. Sự hưng phấn chỉ dừng lại khi tôi suýt xô vào một người đi ngược chiều. Thấy vẻ bực bội của ông ta, tôi vội xin lỗi nhưng miệng vẫn lẩm nhẩm hát theo chị diễn viên xinh đẹp đang hiện lên trong đầu.

Bây giờ người ta không còn trồng rau muống đầm. Không còn luộc những mớ rau muống cọng to, màu tím nhạt, ăn rất mềm và giòn. Cũng không còn món rau muống chẻ ăn với riêu cua. Nhưng kỷ niệm về những đầm nước phủ đầy cây rau muống, về khu dân cư nghèo ấm áp tình người, về người chị thân yêu vẫn lắng đọng trong tôi. Tôi phải tìm bằng được những người mà mình đã yêu thương từ những ngày xa xôi ấy.

Ý nghĩ này làm tôi ấm lòng. Tôi mỉm cười nhìn xuống dòng nước trong xanh mà như thấy bọn trẻ con chúng tôi ngày nào hò hét, vui đùa, bơi lặn giữa trưa hè trên con sông yên bình của tuổi thơ. Tôi tin rằng, mãi mãi không điều gì có thể xóa đi ký ức về những năm tháng thân thương ấy trong tâm hồn tôi.

Exit mobile version