Chuyên mục TRUYỆN HAY tuần này, Cầm Kỳ Official xin được giới thiệu chùm truyện ngắn của nhà văn Trần Quang Lộc.

Gồm các truyện sau:

– Tường Vi đỏ

Bắt đầu phát công chiếu vào 21h15’ thứ Hai ngày 2.10.2023

– Ranh giới mong manh

Bắt đầu phát công chiếu vào 21h15’ thứ Ba ngày 3.10.2023

– Một thoáng bông hồng đỏ

Bắt đầu phát công chiếu vào 21h15’ thứ Tư ngày 4.10.2023

– Vượt ngục

Bắt đầu phát công chiếu vào 21h15’ thứ Năm ngày 5.10.2023

– Về một thời đã cũ

Bắt đầu phát công chiếu vào 21h15’ thứ Sáu ngày 6.10.2023

Trần Quang Lộc

Thường trú TP Quy Nhơn. Nguyên cán bộ biên tập Tạp chí Văn nghệ Bình Định.

– Hội viên Hội nhà văn Việt Nam

– Hội viên Hội nhà báo Việt Nam

– Hội viên Hội văn học nghệ thuật Bình Định

Đã xuất bản 4 tập truyện ngắn:

1. Trăng 16

2. Một thoáng hoa hồng đỏ

3. Làng ven sông ngày ấy

4. Làng Krona.

Có tác phẩm tham gia trong các báo, tạp chí, tuyển tập:

Báo Văn nghệ Hội nhà văn, Báo Văn nghệ Công an, Tạp chí Văn nghệ Quân đội, Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam, các tuyển tập của Nhà xuất bản Hội nhà văn, tuyển tập Nhà xuất bản Công an nhân dân, tạp chí văn nghệ các địa phương.

Giải thưởng:

03 giải thưởng Đào Tấn – Xuân Diệu

01 Giải thưởng của Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam.

Mời quý vị nghe chùm truyện ngắn của nhà văn Trần Quang Lộc qua sự thể hiện của các giọng đọc: Võ Đào Phương Trâm, Trần Đăng Kim Trang, nhà thơ Trương Công Tưởng và nhà văn Võ Thị Xuân Hà.

RANH GIỚI MONG MANH

Truyện ngắn của Trần Quang Lộc

Lâu lắm, có lẽ gần tám năm hay mười năm gì đó tôi mới gặp lại gã, thằng bạn cùng quê, cùng học chung lớp chung trường thời phổ thông. Gặp tình cờ thôi, trước quán cà phê trên phố huyện vào nửa buổi sáng của một ngày giáp tết. Với ngần ấy năm xa cách, gã không già đi mấy, nhưng tính tình có điềm đạm hơn, chững chạc hơn, lịch lãm hơn.

Gã kéo tôi vào quán giải khát bên cạnh, gọi hai ly cà phê đá với bao thuốc lá con ngựa. Bạn cũ lâu ngày gặp lại quên hết chuyện xưa. Gã hỏi rối rít về chuyện làm ăn, chuyện vợ con, chuyện nhà cửa… Gã cho biết, gã đang làm chủ một hiệu cắt tóc lớn nhất, sang nhất và cũng đắt khách nhất tại trung tâm phố huyện. Thanh Thúy, vợ gã vẫn còn ở dưới quê, vừa trông coi nhà cửa, vừa chăm sóc đứa con đầu lòng và tiếp tục làm nghề thợ may. Cuộc sống vợ chồng gã hiện nay đang rất ổn định. Tôi mừng cho gã đổi đời. Đang vui miệng, tôi hỏi gã:

– Từ bấy đến nay, ông đã in riêng tập thơ nào chưa?

Đang hưng phấn, sôi nổi, gã bỗng xụi lơ sau câu hỏi của tôi. Giọng gã chùng xuống:

– Phù phiếm, ảo tưởng! Một thời nông nổi, bồng bột đã đánh mất niềm tin của bạn bè, làm khổ vợ con, hạnh phúc gia đình suýt nữa tan vỡ. Nghĩ lại, mình ân hận lắm Lộc ạ!

Câu nói được kết bằng tiếng thở dài sâu lắng của gã gợi tôi nhớ về những kỷ niệm buồn vui hồi chúng tôi còn sống dưới quê…

Tôi với gã cùng tuổi, tuổi tý! Tuổi mà ai cũng bảo rồi cuộc đời sẽ lao đao lận đận lắm. “Người ta tuổi ngọ, tuổi thìn. Riêng tôi tuổi tý như thuyền đứt neo”. Ông bà xưa đã có câu ca truyền tụng vậy mà. Biết có đúng không chứ riêng tôi, đã gần nửa đời người rồi mà cuộc sống vẫn ba chìm bảy nổi!

Sinh cùng năm, ở cùng xóm, học cùng lớp nên chúng tôi rất thân với nhau. Giận nhau cứ lôi cả ông bà cụ kỵ ra mà réo, thậm chí còn xông vào vật nhau huỳnh huỵch. Hết giận, sẵn sàng chia sẻ nhau từng viên kẹo lạc, nửa củ khoai lùi, quả khế ngọt, quyển vở cũ, cây bút chì gãy… Thời trẻ thơ hồn nhiên, ai chẳng thế?

Nhà tôi và nhà gã chỉ cách nhau một hàng rào chè vừa thưa vừa thấp, ranh giới tượng trưng. Hồi còn nhỏ và cả sau này nữa, chúng tôi muốn qua lại nhau chỉ cần vạch rào hoặc nhảy phóc một cái là xong. Nếu là chuyện thường ngày chỉ đứng hai bên bờ rào thưa tha hồ tâm sự. Cổng ngõ mỗi nhà chỉ dành cho người khác.

Hết lớp 10, gã bỏ học theo nghề cắt tóc. Sau hai năm ra nghề, về mở cửa hiệu trước sân nhà rồi lấy vợ. Thanh Thúy, vợ gã thon thả, xinh xắn, nói chuyện có duyên, làm nghề thợ may. Bạn bè ai cũng bảo gã lấy vợ sớm nhưng hạnh phúc, vợ chồng đều có nghề nghiệp vững vàng, tương lai sáng sủa. Riêng tôi, tôi vẫn tiếp tục theo hết cấp ba rồi trúng tuyển vào Đại học tổng hợp Văn. Ngày nhận giấy báo nhập trường cũng là ngày mẹ tôi đột ngột qua đời vì bệnh cao huyết áp.

Sau đám tang mẹ, cuộc sống của tôi hết sức khó khăn, giấc mộng trở thành cán bộ nhà nước có đồng lương ổn định cũng tan theo mây khói. Để sống qua ngày chờ cơ hội, tôi xin vào làm nhân viên hợp đồng Ban văn hóa xã.

Tuy cuộc sống mỗi người mỗi kiểu, tất bật trong cuộc mưu sinh, nhưng những lúc rỗi việc, chúng tôi ngồi lại bên nhau, khi thì cùng nhâm nhi tách trà xanh bốc khói, lúc bên dĩa cá rô chiên xù với cút rượu Bầu Đá luận chuyện nhân tình, chuyện thế giới đó đây…

Thấy tôi đi về như cái bóng, lui cui chuyện bếp núc, giặt giũ, thi thoảng vợ chồng gã đứng bên kia bờ rào mời sang dùng cơm. Cũng qua hàng rào chè sau nhà, Thúy nhiệt tình giúp tôi nhiều chuyện lặt vặt: mua hộ lọn rau, làm hộ con cá, bán giùm ổ trứng gà, đơm lại cúc áo vừa bị sổ chỉ… Thúy khuyên tôi nên lấy vợ để có người lo chuyện nhà cửa. Đàn ông con trai đi thì thôi, về nhà cứ lọ mọ chuyện cơm nước, chuyện giặt giũ, chuyện quét dọn… ngán lắm! Thúy hứa sẽ làm mối cho tôi một cô giáo dạy mỹ thuật trẻ đẹp, đoan trang. Nghĩ mình chưa có nghề nghiệp ổn định, cuộc sống anh nhân viên văn hóa xã diện hợp đồng bấp bênh lắm, tôi chưa dám tính đến chuyện vợ con. Và cũng qua cái ranh giới mong manh giữa hai nhà, những hôm rảnh rỗi Thúy thường kể cho tôi nghe kỷ niệm về thời học sinh thơ mộng, chuyện buồn vui trong những năm tháng học nghề may trên phố huyện. Tư chất thông minh, tính cách dịu dàng, nhân hậu của Thúy được bà con chòm xóm, bè bạn mến phục. Riêng tôi, coi Thúy như cô em gái. Mỗi lần đi làm về, qua bờ giậu thưa thấy vắng bóng Thúy, lòng tôi mênh mông khoảng trống! Riêng gã, suốt ngày bận rộn với nghề nghiệp. Cửa hiệu của gã rất đông khách, thu nhập khá lắm.

Có lần, bỗng dưng gã xúi tôi làm thơ! Gã còn bảo, người có nhiều tâm trạng như tôi nếu chịu làm thơ thế nào cũng có thơ hay. Cán bộ văn hóa mà không biết làm thơ thì hỏng! Gã khoe, gã đang làm thơ, chủ yếu là để giải tỏa nỗi niềm.

Một hôm, tay cầm tờ báo, gã nhảy phóc qua bờ rào sang sân nhà tôi. Chân chưa kịp chạm đất gã đã hét toáng rằng, gã đã có thơ đăng báo. Đang cặm cụi viết bản tin phản ánh tình hình bà con trong xã nuôi tôm sú xuất khẩu để phát trên đài truyền thanh, tôi vội buông bút chạy ra. Một bài thơ lục bát vỏn vẹn có bốn câu chẻ thành tám dòng, ý tứ chẳng có gì sâu sắc, nhưng cũng tạm gọi là sạch sẽ, được in trên tờ báo cấp tỉnh. Làm được một bài thơ hay không dễ, thơ được đăng báo càng khó hơn! Trên cái làng ven sông heo hút này, người có thơ đăng báo như gã quả thật xưa nay hiếm. Tôi mừng cho gã. Gã cứ ngâm đi ngâm lại bài thơ trong niềm hưng phấn tự hào.

Nào ngờ, bài thơ lục bát 4 câu được đăng báo đã khuấy động cuộc sống vốn bình yên phẳng lặng của vợ chồng gã. Trước kia, ngày nào cũng như ngày nấy, mùa nắng cũng như mùa mưa, cứ đúng 7 giờ là cửa hiệu cắt tóc mở toang sẵn sàng đón khách. Mãi đến 6 giờ chiều mới chịu khép hờ. Đó là ngày thường, những ngày giáp tết có hôm đến tận khuya. Sau ngày có thơ đăng, gã bắt đầu xao nhảng với nghề, thi thoảng đóng cửa hiệu, xốc áo ra đi. Có dạo gã đi đến ba bốn ngày mới vác bộ mặt bơ phờ, hốc hác trở về. Hỏi đi đâu, gã bảo đi giao lưu thơ, đi tìm cảm xúc cho thơ, đi gửi thơ đăng báo… Thỉnh thoảng, gã kéo bạn thơ về nhà tổ chức ăn nhậu, đọc thơ, bình thơ thâu đêm suốt sáng. Gã khoe với tôi, bạn gã toàn là nhà thơ ở tận trên tỉnh, trên huyện. Cuộc nhậu nào gã cũng sang mời tôi, nhưng đều bị tôi từ chối khéo. Tuy học giỏi môn văn, đọc rất nhiều sách, thích văn thơ, nhưng tôi lại mù tịt về lĩnh vực sáng tác. Có đến cũng chỉ ngồi chầu rìa, hóng chuyện.

Gã thay đổi nếp sống, Thúy buồn lắm! Đôi lúc, tôi bắt gặp những tiếng thở dài thao thiết từ phía bên kia bờ rào.

Tội Thúy quá! Đang lúc nghề may ế khách, thiên hạ đổ xô đi mua hàng may sẵn thì gã lại bỏ nghề hái ra tiền lao vào cái nghiệp văn chương mà không biết tự lượng sức mình! Thời nào cũng vậy, nghề cắt tóc thiên hạ có bao giờ thất nghiệp đâu. Với tài cạo mặt ngoáy tai nức tiếng một vùng, bình quân mỗi ngày gã thu vào tệ lắm cũng ba trăm ngàn, gấp nhiều lần lương hợp đồng của một nhân viên văn hóa xã. Đó là chưa nói những ngày giáp tết. Thế mà gã dẹp tiệm chạy theo hư ảo, phù phiếm!

Có lần đứng bên kia hàng rào sau nhà, Thúy nói với sang bằng giọng không vui:

“Mấy ông nhà văn nhà thơ kỳ cục lắm anh Lộc. Ông thì đầu tóc râu ria bờm xờm, ông đầu trọc lóc như thầy tu, ông thù lũ giống thổ địa, ông teo nhách như que tăm. Em ngán lắm”.

Tôi bào chữa:

“Bên ngoài thấy vậy chớ cái tâm của họ sáng lắm, lịch lãm lắm, trí tuệ lắm. Em đừng đánh giá con người qua hình thức bên ngoài”.

Thúy “ứ” một tiếng, bảo:

“Trong sáng, lịch lãm gì. Hôm trước họ chê thơ nhau rồi la ó ỏm tỏi. Suýt nữa bữa đó nhà em có án mạng. Có lần họ còn lấy em ra làm đề tài sáng tác thơ tình nữa chớ”.

Chết! Nếu thế thì hỏng to. Thằng bạn đang làm ăn ngon lành bỗng dưng bị quỷ ám rồi! Đã không làm ra tiền còn phải bao căn nhiều cuộc nhậu tào lao. Rồi sẽ khốn khổ cả hai. Thúy thi thoảng đến nhà tôi với đôi mắt đỏ hoe hỏi mượn tiền để chi trả cho những cuộc nhậu của gã. Tiền lương hợp đồng của anh nhân viên văn hóa còn chưa đủ ăn lấy đâu đưa cho Thúy?! Có đận, tôi đành phải bán chiếc nhẫn một chỉ vàng y của mẹ để lại giúp Thúy giải quyết khó khăn trước mắt. Tôi khuyên Thúy kiên nhẫn thuyết phục chồng trở lại con đường làm ăn. Cứ kéo dài kiểu sống thi ca thơ phú mà không tự lượng sức mình sẽ khổ mãi! Thúy sụt sùi bảo: Sau khi có bài thơ đăng báo, anh ấy như người mất hồn, nét mặt lúc nào cũng lộ vẻ trầm tư, miệng lẩm nhẩm. Đang ăn bỗng chống đũa trừng trừng mắt nhìn lên kèo nhà! Hỏi đang suy tư gì, bảo đang tìm tứ thơ. Đang hớt tóc cho khách mà đầu óc để tận đâu đâu. Những ngày vắng khách, nếu không lấy tiền nhà ra đi thì cũng kéo bạn thơ về ăn nhậu. Thúy ôm mặt khóc rưng rức: Em nhục lắm! Em hết chịu nổi rồi. Thấy hoàn cảnh bi đát của Thúy tôi cũng chạnh lòng, nhưng không biết lấy lời nào an ủi, sẻ chia!! Riêng gã, gã không còn coi tôi ra gì kể từ ngày có thơ đăng báo. Mọi lời khuyên chân tình của tôi chẳng còn ý nghĩa đối với gã. Rất buồn! Thế là mất toi thằng bạn có một thời xem nhau như anh em ruột.

Mối quan hệ giữa tôi với gã lỏng lẻo dần từ dạo thằng bạn phía bên kia sông sắp cưới vợ. Cái thằng cũng lạ, làng xã hiếm chi người lại chọn tôi đóng vai rể phụ? Từ chối mãi không được, cuối cùng đành phải nhận lời. Không nhận giúp bạn thì thôi, đã nhận phải chuẩn bị ngoại hình tươm tất một chút. Trước hôm sắm vai rể phụ, tôi sang gã nhờ tỉa sơ mái tóc. Nhằm lúc gã đang lụi hụi làm thơ. Ái ngại lắm, nhưng đã lỡ đến rồi. Là khách hàng thường xuyên của gã từ ngày khai trương cửa hiệu chứ xa lạ gì. Theo thói quen, mỗi lần ngồi vào ghế cắt tóc, tôi thường tranh thủ lấy tờ báo ra đọc, thậm chí ngủ quên, mặc cho anh thợ trổ tài dao kéo. Trên trang báo hôm đó có nhiều tin phản ánh tình hình quan chức tham nhũng lộng hành cuốn hút lấy tôi. Một lúc lâu sau, gã cởi tấm khăn choàng ra giũ phành phạch, miệng bảo xong rồi. Tôi hạ tờ báo xuống nhìn vào tấm gương trước mặt…

Trời ơi! Miệng tôi đắng nghét, không nói nên lời! Tôi bỏ tờ báo xuống mặt bàn, đứng lên, hai tay vò đầu, hết nhìn mình trong gương lại xoay sang nhìn gã! Mái tóc xanh mướt bồng bềnh rất ấn tượng của tôi giờ trở thành tóc đầu đinh để lộ nguyên xi vết sẹo trắng hếu to bằng hai ngón tay nằm ngay phía bên trên mép tai phải! Vết thẹo do nghịch leo trèo hồi còn nhỏ. Thấy tình cảnh của tôi, Thúy dở khóc dở cười. Còn gã cứ luống cuống xuýt xoa bảo đang phát triển tứ thơ nên lỡ tay. Gã còn bảo, tóc mầy ra nhanh, tháng sau vẫn như cũ.

Tội nghiệp thằng bạn nghèo cưới vợ! Đã tốn tiền thuê cho bộ đồ vét lại còn mất thêm một khoản cho bộ tóc giả!

Khi đời sống vật chất đã được nâng cao, việc thưởng thức những giá trị tinh thần trở thành nhu cầu cấp thiết. Vài năm đổ lại đây, công chúng đến với thơ ngày càng đông đảo. Lực lượng sáng tác cũng gia tăng đáng kể. Một vài cây bút trẻ tài năng bỗng xuất hiện gây xôn xao dư luận trên thi đàn dân tộc. Họ rất khiêm tốn trong ứng xử, thông minh sắc sảo trong sáng tạo, có bút pháp mới, có ý tưởng mới góp phần làm nên diện mạo mới cho dòng thơ hiện đại nước nhà. Bên cạnh những tín hiệu đáng mừng đó cũng có số ít người dùng thơ như thứ trò chơi danh vọng, như thứ màu sắc để tô vẽ cho cuộc sống giàu có. Họ rất dễ dãi trong sáng tác. Có người còn lợi dụng trường phái này, trường phái kia để chặt chẻ câu thơ ra thành từng khúc, hoặc chọn dùng từ bí hiểm đưa vào thơ, cố tạo nên sự rối rắm khó hiểu trong thơ nhằm đánh đố người đọc. Rồi những tập thơ chưa thành tác phẩm đó xuất hiện mọi nơi, mọi chốn đến nỗi những bậc trưởng lão trong làng thơ phải dậm chân kêu trời…

Một hôm, tôi đang chập chờn trong giấc ngủ trưa, bỗng giật thót mình tỉnh hẳn bởi tiếng thét xé lòng của Thúy từ phía bên kia bờ giậu thưa đưa sang. Tôi ngồi bật dậy, xỏ dép chưa kịp ra khỏi phòng đã thấy Thúy vượt rào chạy sang. Đâu phải lần đầu tiên Thúy bị chồng hành hung thô bạo!? Thúy từng hứng chịu những trận đòn nghiệt ngã của gã mà không dám kêu ca, không hề than thở. Những lúc vắng gã, qua bờ rào thưa, tình cờ bắt gặp khuôn mặt Thúy thâm tím. Đợi tôi hỏi Thúy mới òa lên khóc. Tôi chỉ biết khuyên Thủy nên nhẫn nhịn, rồi thế nào cũng có ngày gã tỉnh ngộ. Khuyên là khuyên vậy chứ tôi biết Thúy là người hiền hậu, đảm đang, chịu thương, chịu khó. Gã tốt phước mới gặp được người vợ như thế.

Có lẽ hôm đó bị gã hành hung bạo liệt quá nên Thúy mới đánh liều vượt qua ranh giới mong manh chạy sang tôi lánh nạn. Tôi chỉ biết đứng lặng xót xa nhìn Thúy với khuôn mặt sưng húp, nhạt nhòa nước mắt. Lấy hộp dầu cao hổ đưa cho Thúy, tôi bảo: “Em tạm lánh về với bà cụ ít hôm. Đợi nó tỉnh rồi hãy về. Mỗi lần say sưa là về đánh đập, em chịu sao cho nổi!?”. Thúy đưa ống tay áo lên gạt nước mắt: “Em chịu hết nổi rồi anh. Gần một năm nay, nếu không nhờ mẹ em chi viện chắc chết đói. Vậy mà sáng nay, anh ấy còn bảo em đưa một triệu để góp tiền in thơ”. Thúy khóc nức: “Nợ anh chưa trả nổi, lấy đâu ra…”. Thúy chưa nói hết câu, từ phía bên kia bờ rào, gã nhảy vọt sang, hùng hổ chỉ vào mặt tôi, cạn tàu ráo máng: “A! Mầy là thằng giả nhân giả nghĩa. Bấy lâu nay mầy dụ dỗ quyến rũ vợ tao lại còn bòn rút tiền của. Hãy đợi đấy! Rồi tao sẽ tính sổ với mầy”.  Xoay sang phía Thúy, gã tròn mắt: “Còn con kia, có về không thì bảo. Hay muốn ở hẳn bên này? Được, nếu thế thì tao đốt nhà”. Hết sức bất ngờ sau câu nói của thằng bạn có một thời thân thiết như anh em một nhà. Chắc nó đang bị quỷ ám thật rồi!? Tôi đứng lặng thảng thốt! Tưởng gã dọa, nào ngờ gã rút hộp quẹt ga bật lửa dí vào mái tranh nhà tôi! Rất may, bà con hàng xóm nhanh tay ngăn kịp. Lúc này, người có mặt chia thành hai nhóm: nhóm lên án gã hồ đồ, ghen bóng ghen gió rồi vu oan cho bạn; nhóm bảo tôi bất lương, đi quyến rũ vợ người. Mặc kệ, hơi đâu để tâm đến những lời đàm tiếu từ miệng người đời!? Đột nhiên tôi bảo Thúy: “Đến nước nầy tôi phải ra đi, đi càng sớm càng tốt”. Quay vào nhà thắp nén nhang lên bàn thờ mẹ, tôi vói lấy chiếc túi du lịch nhét vài bộ đồ rồi lặng lẽ ra đi. Là nhân viên ngành văn hóa, tôi thường có những chuyến đi đột ngột như thế này. Nhưng lần này không hẹn ngày về. Ngang qua gã, tôi dừng lại nhìn thẳng vào mặt gã, gằn từng tiếng: “Mầy bất nhân, bất nghĩa, dẫm đạp lên danh dự bạn bè, khắc nghiệt với vợ con. Nếu không tu tỉnh sớm thì đời mày sẽ móc bùn mà ăn”. Ra khỏi cổng làng, tôi gọi xe thồ phóng ngay lên bến xe đò liên tỉnh. Sau lưng có tiếng người giục nhau đưa Thúy đi cấp cứu…

Không bị níu kéo, không sợ ràng buộc, một thân một mình đi đâu chẳng được. Lên thành phố, tôi làm đủ mọi nghề kiếm sống: đạp xe thồ, khuân vác, phụ hồ, kèm trẻ tư gia… Tối, nằm gát tay lên trán thở dài. Tội Thúy quá! dịu dàng, nhân hậu lại gặp phải thằng chồng chẳng ra gì. Con đường phía trước của tôi lại mịt mù quá, xa xăm quá. Càng nghĩ càng thêm ngao ngán!

Đang lặn ngụp trong cuộc mưu sinh trên xứ người, bỗng gặp thằng bạn hồi cùng học cấp ba. Nó đang làm phóng viên cho một tờ báo lớn trong thành phố Hồ Chí Minh. Thấy hoàn cảnh bi đát của tôi, nó bảo vào sống với nó học làm báo kiếm sống. Tôi rất ái ngại. Thời buổi bây giờ làm việc gì cũng phải qua đại học. Cái bằng tốt nghiệp tú tài phổ thông loại khá có giúp được gì cho tôi trong lúc nầy?! Bạn tôi động viên, nghề làm báo cứ viết cho hay, viết cho giỏi, thu hút được nhiều người đọc là nhất. Nếu có chí thì vừa học, vừa làm rồi cũng nên sự nghiệp. Đang bế tắc, con đường phía trước bỗng dưng hé mở.

“Có công mài sắt ắt ngày nên kim”, “Có chí thì nên”. Ông bà xưa dạy thế quả thật không sai. Sau năm năm miệt mài vừa học vừa làm, nhất là được thằng bạn tốt giúp đỡ, cưu mang, tôi đã trở thành nhà báo thực thụ. Không những là cây bút phóng sự nổi tiếng, tôi còn có bằng đỏ cử nhân báo chí, nói được tiếng Anh, sử dụng computer thành thạo, được tổng biên tập tin tưởng cử đi viết bài tại các điểm nóng trên cả nước.

Qua nghề làm báo, tôi cũng trải qua nhiều cuộc tình, tương lai nhiều hứa hẹn. Nhưng không hiểu tại sao tôi không quên được người con gái mộc mạc, giản dị, nhân hậu đã một thời cùng tôi san sẻ những vui buồn qua giậu rào thưa. Nhiều lúc tôi muốn bay về thăm quê, thăm Thúy, nhưng cái nghiệp báo chí cứ ràng buộc từng ngày, khó dứt ra được….

Chuyến công tác miền Trung lần nầy, tôi quyết định sẽ về thăm làng cũ. Đang lang thang trên phố huyện quê nhà tìm mua bộ pin cho chiếc máy ảnh thì bất ngờ gặp gã…

Gã nâng ly cà phê lên nhắp một ngụm, nói bằng giọng của người biết lỗi:

– Mình ân hận lắm Lộc à. Người ta đến với thơ để trái tim nhân hậu hơn, tâm hồn trong sáng hơn và yêu hơn cuộc sống, được một bài thơ hay góp phần hướng con người đến chân – thiện – mỹ. Còn tôi, tôi đến với thơ để thõa mãn ý nghĩ thấp hèn. Từ ngày ông bỏ quê ra đi, tôi sống trong trăn trở, dằn vặt.

Gã kéo hơi thuốc dài nhả khói, quay sang tôi, trầm giọng – Hãy vì tình bạn ngày xưa ông đừng để bụng làm gì chuyện cũ. Con người ai không trải qua một thời nông nổi?!

Tôi khoát tay:

– Thôi, đừng nhắc lại chuyện cũ. Ông đã hiểu ra là tốt.

Gã bỗng sôi nổi đề nghị:

– Thế nào ông cũng phải ở lại ăn tết với vợ chồng mình. Nếu không vì tôi thì vì Thúy vậy. Thanh Thúy nhắc đến ông luôn. Ngôi nhà của ông Thúy thường qua lại trông nom tử tế. Mọi thứ vẫn như xưa. Bây giờ ông cứ về trước. Sắp xếp công việc xong tôi sẽ đóng cửa tiệm về ngay chiều hôm nay. Đã lâu lắm rồi anh em mình chưa có dịp cùng đón giao thừa!

Tôi đứng lên chia tay gã rồi vẫy xe thồ trở về nơi mà cách đây gần mười năm tôi đã ra đi.

Trả tiền thuê xe xong, tôi dừng lại đầu cầu phía bên này dòng sông quê nhìn về làng cũ, làng ven sông mang nhiều kỷ niệm buồn vui thời thơ trẻ. Vẫn mái tranh xưa thấp thoáng dưới hàng dừa xanh, vẫn giàn hoa tím sau nhà rực rỡ, vẫn râm ran tiếng gà trưa âm điệu gợi buồn. Không biết giậu rào chè vừa thưa vừa thấp vẫn còn hay đã bị thay thế bằng dây kẽm gai sắc nhọn?! Tôi tin chắc ranh giới mong manh ngày cũ vẫn còn tồn tại bởi Thúy là người sống vì kỷ niệm. Giờ này chắc Thúy đang ngồi trước chiếc máy khâu, cũng có thể nàng đang thay tôi dọn dẹp căn nhà xưa để đón thêm một mùa xuân trống vắng?

Bỗng dưng lại đổi ý, tôi vẫy xe thồ đến bảo chở gấp lên bến xe đò liên tỉnh. Ngồi trên yên xe ngoảnh nhìn về làng cũ, lòng tôi nao nao một nỗi buồn./.