Kỷ niệm 150 năm ngày sinh và 70 năm ngày mất của nhà thơ Tagore vĩ đại
Rabindranath Tagore (6/5/1861 – 7/8/1941) là một nhà thơ Bengal, được trao Giải Nobel Văn học năm 1913, trở thành người châu Á đầu tiên nhận giải thưởng này. Mặc dù thơ chiếm ưu thế trong sự nghiệp của Tagore với hơn 1.000 bài (50 tập thơ) – bắt đầu từ việc năm 14 tuổi ông được đăng bài thơ “Tặng hội đền tín đồ Ấn Độ giáo”, ông cũng để lại nhiều tiểu thuyết (12 bộ dài và vừa), luận văn, hàng trăm truyện ngắn, kí, kịch (42 vở), 2000 tranh vẽ,… Các bài hát của ông được chọn làm quốc ca của cả Ấn Độ và Bangladesh. Nhân kỷ niệm 150 năm sinh và 70 năm ngày mất của đại thi hào Tagore, sáng mai, 9/11/2011, Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam, Trung tâm KHXH & NV Quốc gia và Hội Nhà văn Việt Nam sẽ long trọng tổ chức cuộc Hội thảo quốc tế về nhà thơ Tagore. Hội Nhà văn Việt Nam đã quyết định đặt tượng Tagore tại Bảo tàng Văn học VN để ghi nhận tầm ảnh hưởng sâu rộng của ông tới nền văn học của chúng ta. Để chào mừng sự kiện hữu nghị và nhân văn này, vanvn.net trân trọng giới thiệu bài viết của nhà thơ Lê Thành Nghị, Chủ tịch Hội đồng LLPB Hội Nhà văn Việt Nam…Nửa cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX nhân loại chứng kiến sự sinh ra và mất đi một trong những người con ưu tú nhất, một nghệ sỹ bậc thầy, một nhà nhân đạo cao cả, một triết gia thông thái, một người đấu tranh không mệt mỏi cho sự độc lập của dân tộc, cho cuộc sống hoà bình. Đó là nhà thơ, nhà văn, hoạ sỹ, nhạc sỹ, kịch tác gia lỗi lạc Rabindranath Tagore, người châu Á đầu tiên đoạt giải Nobel văn học, mà tác phẩm của ông đang vượt qua thời gian, đổ bóng xuống thời đại, thức tỉnh lương tri của con người trên khắp trái đất, đồng cảm và an ủi họ trong những góc khuất của những cuộc đời bất hạnh. R.Tagore như người mang quà tặng của thượng đế, thể hiện bằng tình yêu và lòng nhân ái cao cả của mình, dâng hiến nhân loại thống khổ một trái tim mẫn cảm và chan chứa tình yêu con người, một điều mà nghệ sỹ vĩ đại của bất cứ thời đại nào cũng khao khát vươn tới.
Sinh ra tại Bengal, trong một gia đình trí thức lớn, nơi một miền đất giàu truyền thống văn minh cổ Ấn Độ, được hấp thụ văn hoá và minh triết sâu thẳm phương Đông, những vần thơ trữ tình yêu nước của Batư, những bài dân ca ngọt ngào của xứ sở, lại được tiếp nhận từ sớm văn minh rực rỡ phương Tây, qua nền văn học Anh, Pháp, R.Tagore hội đủ những yếu tố của một nhân cách lớn, một nghệ sỹ vĩ đại, đứng ở tầm cao nhất của tri thức nhân loại, vượt xa những quan niệm cực đoan đương thời, bắc một nhịp cầu Đông-Tây, nối liền những chân trời văn hoá… để không có mục đích nào khác là đưa ánh sáng của tinh thần nhân đạo đến với những con người bất hạnh trên thế gian. Suốt cuộc đời mình, R.Tagore đi khắp đó đây trên đất nước ông, đến tận những miền đất xa xôi trên thế giới với mục đích tìm hiểu nỗi thống khổ của nhân dân lao động, tìm hiểu những ước mơ của những người cùng khổ, với một chí hướng tìm cách đưa những người dân Ấn Độ thoát khỏi cuộc sống cơ hàn dưới sự áp bức của thực dân Anh. Rất dễ nhận thấy trong tác phẩm nghệ thuật của ông, văn, thơ, kịch, nhạc, hoạ… lòng nhân ái, niềm tin yêu những con người nghèo khổ, những rung động của tình yêu đôi lứa, tình thương nhi đồng nhỏ tuổi, lòng thiết tha yêu thiên nhiên, xứ sở. R.Tagore hoà hợp với ngôn ngữ và tâm hồn Bengal như hoa sen nở thơm ngát trong ánh bình minh (1).
Hái bông hoa bé nhỏ này đi, rồi cầm lấy đừng trù trừ anh ạ
Em sợ hoa sẽ rũ cánh và rơi vào cát bụi mất thôi.
Nếu trên vòng hoa đã kết không còn chỗ thì cũng nên bằng tay mình, anh ạ,
qua va chạm đớn đau, ban vinh dự cho hoa mà ngắt đi.
Em sợ ngày sẽ hết trước khi em biết và thời gian dâng hiến qua đi.
Tuy sắc chẳng thắm tươi, hương không ngào ngạt, song hãy dùng hoa này
để hiến dâng anh ạ, và hái hoa khi thời gian còn đó anh ơi.
(Lời dâng, Đỗ Khánh Hoan dịch)
___________________
(1) Rừng thơ Tagore, chuyển dẫn từ Cao Huy Đỉnh trong sách Rabindranath Tagore, NXB Văn hoá, H.1961
1
Claudio Magris, một trong những nhà văn, nhà triết học nổi tiếng châu Âu cho rằng Gitanjali (Lời dâng) là một tập bài ca cất lên từ miệng nhà thơ và truyền đến môi của những người hành khất và những kẻ lang thang lẩn khuất trong bóng tối phố phường, đó là những bài ca tình yêu hát lên cho chàng hoặc nàng, đồng thời và đặc biệt, hát lên cho Thượng Đế hiện diện trong mọi vật, mọi khuôn mặt và mọi biểu hiện của sự sống (1)
Thái độ hướng đến những người nghèo hèn trong xã hội, luôn đứng về phía họ, bênh vực họ của một người vốn xuất thân từ đẳng cấp quý tộc như Tagore có thể xem đó là những biểu hiện vượt lên ý thức thời đại mà không phải ai cũng có được. Chính đó là sự hơn người ở R.Tagore, nhưng đó cũng là nét tự nhiên trong tâm hồn cao đẹp của nhà thơ vĩ đại, tự nhiên như hương của hoa, như quà tặng thánh thiện của Thượng Đế để xoa dịu những vết thương đau của kiếp người lầm than. Có thể nhận ra ở đây sự trùng hợp, sự gặp gỡ như cùng hẹn trước, trong tâm hồn của những R.Tagore, Nguyễn Du, L.Tônxtôi, những nghệ sỹ lỗi lạc, tấm lòng nhân đạo như một biểu hiện vừa cao cả vừa giản dị, như con người vốn phải thế, lẽ đời vốn phải thế.
Người dân xứ Bengal vẫn xem R.Tagore là thánh nhân, nhưng R.Tagore là thánh nhân trên trần thế. Ông là thi sỹ của tình yêu, tâm hồn ông ngập tràn tình yêu con người trần thế. Tagore viết nhiều thơ tình yêu, trân trọng tình yêu của những người yêu nhau. Tập Thơ dâng, Người làm vuờn, Tặng phẩm của người yêu, Những con chim bay lạc có rất nhiều bài thơ viết về tình yêu đặc sắc. R.Tagore hồn hậu, say đắm trong tình yêu và mãi mãi như một chàng trai trẻ, luôn luôn khao khát được yêu.
Nếu em muốn, tôi sẽ ngừng tiếng hát. Nếu lời tôi ca làm tim em rung động, tôi sẽ thôi không nhìn em nữa đâu. Nếu lời tôi ca bỗng dưng làm tim em sửng sốt trong lúc đang đi tôi sẽ rẽ sang một bên và bước theo ngã khác. Nếu lời tôi ca làm em bối rối trong lúc hái hoa, tôi sẽ tránh không vào vườn em vắng lặng. Nếu lời tôi ca làm nước sông gợn sóng, dại ngây, tôi sẽ thôi không chèo thuyền lại gần bờ phía bên em..
(Tâm tình hiến dâng, Đỗ Khánh Hoan dịch)
hoặc:
Với ngọn đèn đau khổ bừng sáng trong tay
Thì ta có thể nhìn thấy mặt Người
Tình yêu ơi khi Người đến
Vì biết người là tuyệt vời hạnh phúc
(Những con chim bay lạc, Đào Xuân Quý dịch)
Tình yêu trong quan niệm của R.Tagore là hoan lạc trần thế, nhưng không hề dung tục, cũng không hề là thứ tình yêu lãng mạn chỉ tồn tại trong tưởng tượng. Con người duy lý phương Tây với ý thức về cái tôi quyết liệt như một thách thức với thượng đế, quyết xoá bỏ cái thế giới mà Thượng đế đã sắp xếp, tạo dựng. Đến những nấc thang cuối cùng của nó, khi hình thành cao độ ý thức về bản ngã, cái tôi thường hướng đến những buông thả tự nhiên chủ nghĩa. Cái tôi của R.Tagore trong tình yêu là sự hoà hợp của hai tâm hồn, nó như hoa cỏ trên mặt đất, không hề mang sắc thái của lý tưởng hoá, cũng không hề dung tục hoá, nó là hiện thân của tình cảm khoẻ khoắn của những cá nhân tự ý thức về cuộc đời.
2
Tập thơ Người làm vườn viết năm 1914 khi R Tagore 53 tuổi thể hiện tập trung quan niệm của nhà thơ về tình yêu. R.Tagore hết sức chân thành, hết sức giản dị, không hề trang sức, nhưng chính vì thế người ông yêu bao giờ cũng hiện lên chân thực, hiện hữu, không phải là những gì không đạt tới:
Em thế nào thì cứ thế mà đến
Chớ có loay hoay sửa soạn áo quần
Nếu tóc em tết rồi đã bị sổ ra,
Nếu đường ngôi chưa thẳng,
Nếu những dải áo lót của em còn lỏng,
Thì cũng đừng lo ngại, em ơi
Em hãy đến, bước nhanh trên cỏ
Nếu vòng chân em có tụt xuống bởi sương đêm,
Những chuỗi đạc trên chân em lơi lỏng
Nếu những viên ngọc trong dây rơi xuống
Thì cũng đừng lo ngại em ơi
Em hãy đến bước nhanh trên cỏ
(Người làm vườn, Đào Xuân Quý dịch)
_______________________.
(1) Claudio Magris: Tagore và bông hoa không hương sắc Ngân Xuyên dịch
R.Tagore đắm say và thánh thiện trong tình yêu. Có thể thấy ông thật hạnh phúc bên người yêu của mình, và có thể thấy tình yêu của ông thật trong trẻo, thật êm dịu, thật lãng mạn
Mắt tôi say màu khăn em vàng hoa nghệ thắm
tim rộn ràng lời ngợi ca từ vòng hoa nhài em kết tặng
Trò chơi cho đi và giữ lấy, hé mở rồi lại che giấu, khi mỉm cười, lúc thẹn thùng, và đôi lần tranh giành nhau vẩn vơ, ngọt ngào
Tình yêu giữa chúng ta giản dị như bài ca
Không bí ẩn nào ngoài phút giây này, không cố gắng đạt điều bất khả, không bóng tối nấp sau điều quyến rũ, không lần bước đi trong đêm sâu
Tình yêu giữa chúng ta giản dị như bài ca
Không lạc ngoài vùng ngôn từ, vào vùng im lặng vĩnh cửu, không với tay tới hư vô để níu kéo những vô vọng
Cho và nhận của nhau là đủ
Không ép kiệt trái hân hoan vắt thành rượu đau khổ
Tình yêu giữa chúng ta giản dị như bài ca
(Giản dị như bài ca Hàn Thuỷ dịch)
Có hàng trăm con đường dẫn tới tình yêu. Tagore lựa chọn con đường mà người lao động vẫn thường chọn. Đó là lòng chân thành. Nó vô cùng giản dị, nhưng cũng vô cùng thiêng liêng, vô cùng khó khăn với những ai kém bản lĩnh.
Anh đã để cuộc đời anh trần trụi dưới mắt em
Anh không giấu em một điều gì
Ấy vì thế mà em không hiểu gì tất cả về anh
(Người làm vườn Đào Xuân Quý dịch)
3
Có gì đó giống với quan niệm của Kalidasa, nhà thơ cổ đại lỗi lạc Ấn Độ, tác giả của thiên tình sử Sơkuntala nổi tiếng sống cách R.Tagore gần mười lăm thế kỷ, ca ngợi tình yêu chân thành trong một xã hội mà chế độ đẳng cấp khắc nghiệt đang ngự trị và chi phối triệt để các giá trị tinh thần. Tình yêu trong quan niệm của R.Tagore vượt qua những giới hạn đẳng cấp, vượt qua những quan niệm của cái tôi tư sản đương thời, nơi tận cùng của ý thức về cái bản ngã, luôn hướng con người đến những dục vọng cá nhân, hoặc hướng đến những phiêu lưu tình ái, được vẽ lên theo trí tưởng tượng. Trái lại, R.Tagore đã từng nếm trải những ngọt ngào, cay đắng của tình yêu, nhưng không vì thế mà ông xa lánh cuộc đời, ông tìm thấy niềm vui lớn lao khi gắn với cuộc đời:
Tôi đã từng khổ đau thất vọng
đã từng biết chết chóc
nhưng tôi rất sung sướng rằng
tôi đã ở trong cõi đời to lớn này
(Những con chim bay lạc Đào Xuân Quý dịch)
R.Tagore thấu hiểu tình yêu chân thật của những người lao động, ông ca ngợi tình yêu của họ với quan niệm cần giải phóng bản chất tự nhiên của con người là tình yêu của họ. Tình yêu với bản chất tự nhiên đó là là hiện thân những ý niệm của Thượng Đế. Cần hướng đến sự hoà hợp với với những ý niệm đó bằng cách gắn bó với đời sống, hoà vào
cuộc sống hồn nhiên của con người. Như vậy R.Tagore nhằm đến bản tính tự nhiên đó là tình thương yêu tự nhiên trong trái tim của con người
Ông viết:
…tôi tin ở tình yêu của con người
đó là lời nói cuối cùng của tôi
(Những con chim bay lạc Đào Xuân Quý dịch)
Tin ở tình yêu con người, lời khẳng định mạnh mẽ đó chính là bản lĩnh và lòng nhân ái thiêng liêng của nhà thơ, là tinh thần nhân đạo bao trùm hầu hết sáng tác của ông. R.Tagore đã quy mọi thứ về một điểm là tình yêu thương con người cũng như kéo những gì là hư vô trở về thực tại. Nếu trên đời này có Chúa thì theo Tagore đó chính là Chúa Đời. Nhà thơ không chấp nhận siêu hình, ngược lại tất cả là hiện hữu. R.Tagore nghiên cứu Kinh Vệ Đà, nghiên cứu Giáo thuyết của đạo Cơ Đốc, thuộc lòng nhiều đoạn kinh Upsanisat là để hướng đến con người, hướng đến nhân loại. Ông viết: tôi có một lòng tin mạnh mẽ vào nhân loại. Lòng tin đó như mặt trời… không bao giờ tắt (1)
Trong hầu hết sáng tác của R.Tagore từ thơ đến truyện ngắn, tiểu thuyết, kịch, tranh vẽ… tác giả dành sự ưu ái đối với những người nghèo khổ. Những kẻ hành khất, vô gia cư, những anh hề, những em bé bất hạnh, những người phụ nữ đáng thương… lớp người đông đảo của Ấn Độ dưới thế lực tàn bạo của thực dân Anh.
Em bé ơi!
Ta đã quên mất lòng say mê
đối với những cành cây
và cả những viên bùn viên đất
ta tìm kiếm những đồ chơi rất đắt
________________
(1) Theo Cao Huy Đỉnh, sách đã dẫn
4
nhặt tha khối bạc, khối vàng
..Ta đã tiêu phí cả thời gian và sức khoẻ
vào những vật ta sẽ không chiếm được bao giờ
(Trăng non, Đào Xuân Quý dịch)
Những người phụ nữ bất hạnh trong sáng tác của R.Tagore cũng hiện lên đầy thương cảm. Mahamaya tội nghiệp bị đưa lên giàn lửa chỉ vì nghe theo tiếng gọi của trái tim mình yêu một chàng trai không cùng đẳng cấp (truyện ngắn Giàn hoả thiêu). Cô gái Khirôda bị người yêu lừa gạt (Quan thanh tra), chàng Gora mồ côi đau khổ khi nhận ra mình không phải là người gốc Ấn (tiểu thuyết Gora)… Những con người bất hạnh này mỗi người một kiểu, nhưng hết sức thương tâm. Ngòi bút của R.Tagore vạch trần bản chất vô nhân đạo chủ nghĩa thực dân Anh giày xéo lên đất nước, nhân dân ông, kêu gọi lòng căm thù và ý thức giải phóng những người nghèo khổ, giải phóng dân tộc một cách mạnh mẽ.
Tại sao R.Tagore lại thường trăn trở về nỗi thống khổ của con người như vậy? Tại sao trái tim Tagore lại thường mang nặng tình thương yêu con người như vậy? Phải chăng ngoài phẩm chất nhân đạo bẩm sinh, ông còn chứng kiến biết bao những bất công chà đạp nhân phẩm con người trên đất nước ông cũng như những miền đất mà ông đã đặt chân đến, và vì vậy thơ văn của R.Tagore xuất phát từ trái tim nhân ái của ông, không chỉ để bênh vực con người mà còn thúc giục họ đứng lên làm người.
Chẳng ai sống trên đời kiếp kiếp
Chẳng cái gì vĩnh viễn không phai
Này, người anh em, hãy nhớ kỹ điều đó và vui lên mà sống
Đời ta sống đâu phải gánh nặng duy nhất từ xưa để lại
Đường ta đi đâu phải cuộc hành trình đơn độc dài vô tận, vô cùng
Một thi nhân chẳng phải viết bài ca trường cửu
Hoa nở rồi tàn, nhưng ai đó đã cài hoa lên áo
Cũng chẳng cần khóc thương hoa mãi mãi
Này, người anh em, hãy nhớ kỹ điều đó và vui lên mà sống…
Đời ta hăm hở ước vọng thiết tha
vì thời gian sẽ điểm giờ vĩnh biệt
Này, người anh em, hãy nhớ kỹ điều đó và vui lêm mà sống
(Tâm tình hiến dâng Đỗ Khánh Hoan dịch)
R.Tagore là một tài năng nhiều mặt, được vinh danh là hiện tượng nghìn năm có một trong lịch sử văn hoá Ấn Độ. Bắt đầu sáng tác từ năm lên 8 tuổi, ông để lại 52 tập thơ, 42 vở kịch,12 tiểu thuyết, hàng trăm truyện ngắn, hàng ngàn ca khúc, hàng ngàn bức hoạ, và nhiều bài viết về văn hoá, triết học… Tagore vượt xa quan niệm đương thời về văn hoá Đông – Tây. Trong khi có người phân biệt Đông là Đông Tây là Tây (1), thì với tư cách là nhà văn hoá hiểu biết sâu sắc và trân trọng các giá trị văn hoá nhân loại R.Tagore chủ trương một nền văn hoá dân tộc Ấn Độ trên cơ sở tiếp thu tinh hoa văn hoá
__________________
(1) Rudyard Kipling 1865-1936, nhà văn Anh
5
phương Tây, cho dù không bao giờ ông thoả hiệp với chủ nghĩa thực dân.Toàn bộ sự nghiệp của R.Tagore minh chứng sự thấm nhuần cái thâm thuý sâu sắc, cái trầm ngâm bình lặng của tư tưởng Ấn Độ kết hợp với chất tri tuệ của văn hoá phương Tây, qua thực tiễn sáng tạo của một nghệ sỹ luôn tìm đến các giá trị của văn hoá nhân loại. Ông cho rằng cần vươn tới thế giới lớn lao của loài người không phải bằng cách tự xoá mình đi, mà bằng cách mở rộng bản sắc của chính mình (1). Tư tưởng ấy đang đồng hành với chúng ta hôm nay, trong một thế giới phẳng, mà văn hoá nhân loại đang có những tiếp biến trong sự giữ gìn bản sắc của từng giá trị. R.Tagore là người đi trước thời gian.
Thường gặp trong sáng tác của ông những trăn trở, những khát vọng giải thoát tâm hồn người dân Ấn Độ khỏi những mê lầm của tôn giáo, của thất học, của những hủ tục dã man, của nạn phân biệt giàu nghèo. Ông viết về những khát vọng này với một tình thương yêu không bao giờ cạn. Văn thơ của R.Tagore mê đắm như lời kinh kệ, đi vào lòng người như những lời tâm tình nồng ấm.Bất cứ khi nào gặp những tâm hồn rộng mở đón nhận học thuyết cao siêu của mình, ông đến truyền dạy với kẻ mang tin lành đến từ ngôi nhà báu vật ở phía Đông mà từ lâu người ta tiên đoán là có thật, bằng một ngôn ngữ mà mọi người đều hiểu… Ông đặt trước chúng ta một nền văn hoá mà trong những khu rừng rộng lớn, hoà bình và thiêng liêng của Ấn Độ đã đạt đến sự hoàn thiện của nó, một nền văn hoá chủ yếu tìm kiếm sự bình an trong tâm hồn, trong sự hoà điệu ngày càng viên mãn với sự sống của chính tự nhiên. (2)
Rabindranath Tagore là một tài năng khác thường mà một bài viết nhỏ không thể nói được đầy đủ. Chỉ riêng những lời ca về tình yêu, lời ca về tình thương yêu con người
ở nơi trái tim ông cũng cho thấy phần nào lòng nhân ái thiêng liêng bất hủ của một thi nhân vỹ đại. Nhân loại từng biết ơn Tagore và sẽ còn nhớ tới ông, chừng nào trên trái đất của chúng ta vẫn còn những tai hoạ đối với con người.
Bạn đọc, bạn là ai
Người trăm năm về sau đang đọc thơ tôi
Tôi chẳng thể gửi đến bạn
Bông hoa duy nhất trong sắc xuân đầy
Ánh vàng độc nhất từ lớp mây đằng kia
Xin mở toang cửa
nhìn bốn phương trời
và thu nhặt
Ngay trong vườn nhà mình hoa nở rộ
những kỷ niệm ngát hương
Của bông hoa trăm năm về trước đã tàn phai
———–
(1) R.Tagore – A vision of India’s histoty 1923 (dẫn theo Đào Xuân Quý)
(2) Lời tuyên dương của Viện Hàn lâm Thuỵ Điển do Hrald Hjame, Chủ tịch UB giải Nobel trình bày. Bản dịch của Trung tâm Culture Globe
6
Tim dạt dào nguồn vui
Có thể bạn cảm thấy hân hoan
niềm hân hoan
Sinh thú ca vang một sớm mùa xuân
gửi qua trăm năm tiếng nói yêu đời
(Tâm tình hiến dâng Đỗ Khánh Hoan dịch)
Hà Nội tháng 10-2011
Lê Thành Nghị
Theo: Vanvn.net