MAI NAM THẮNG – Nhân dịp kỷ niệm 100 năm Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại (7/11/1917  – 7/11/2017). Chiều 3/11/2017, tại Hà Nội, Nhà xuất bản Thông tin & Truyền thông phối hợp với Hội Hữu nghị Việt – NgaHội Hữu nghị Nga – Việt tổ chức lễ ra mắt “Tuyển thơ Chiến tranh vệ quốc 1941-1945: Đợi anh về”; do PGS-TS, nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng và nhà thơ Nguyễn Văn Minh chọn dịch ra tiếng Việt.

Tập thơ bao gồm 180 bài thơ của 24 nhà thơ tiêu biểu của nền thơ Chiến tranh Vệ quốc, như: Ximonov, Onga Bergolls, Tvardovxki, Anna Akhmatova, Evtusenko… Đặc biệt trong đó, bài thơ Đợi anh về của nhà thơ Konxtantin Ximonov đã được nhà thơ Tố Hữu dịch sang tiếng Việt ngay từ năm 1947, đã có một ảnh hưởng và ý nghĩa đặc biệt đối với cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân Việt Nam.

Trong Lời tựa cho “Tuyển thơ Chiến tranh vệ quốc 1941-1945: Đợi anh về”, TS. Trương Minh Tuấn, Uỷ viên Ban Chấp hành TƯ Đảng, Bộ trưởng Bộ TT&TT thông nhấn mạnh: “Đây là lần đầu tiên thơ ca chiến tranh Nga được giới thiệu một cách hệ thống và chọn lọc, giúp cho bạn đọc Việt Nam có một cái nhìn tổng thể về một mảng văn học đặc trưng và nổi tiếng, góp phần tôn vinh nền văn học Nga. Tuyển tập thơ “Đợi anh về” sẽ là một nhịp cầu văn hoá, góp phần củng cố tình hữu nghị hai nước Việt Nam – Liên bang Nga; là nén tâm nhang biểu thị lòng thành kính tưởng nhớ của bạn đọc Việt Nam tới những người con của nhân dân Nga đã ngã xuống cho sự nghiệp giải phóng Liên Xô và nhân loại trong cuộc chiến tranh chống phát xít”.

Phát biểu tại buổi lễ ra mắt tác phẩm, PGS-TS, nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng nhận xét: Những bài thơ trong tập thơ này đã thể hiện một cách chân thực về cuộc chiến tranh đẫm máu. Qua đó, tính cách Nga được bộc lộ một cách rõ ràng và sâu sắc nhất. Đó là sự tàn khốc, bi thương, nhưng hào hùng và lạc quan tin tưởng, như nhà mỹ học Borev đã nói: “Đó là những tiếng khóc đau thương về sự hy sinh và mất mát, nhưng đồng thời cũng là tiếng ca vinh quang về sự bất tử”. Những độc giả yêu thơ ca Nga sẽ nhận ra nhiều bài thơ trong tập thơ này đã được phổ nhạc thành các bài hát yêu thích không chỉ ở Nga và còn ở Việt Nam. Hy vọng tập thơ sẽ mang lại cho nhân dân Việt Nam một sự hiểu biết  đồng cảm và tự hào với cuộc chiến tranh giữ nước của nhân dân Liên Xô và nền văn học Xô Viết. Đồng thời, tuyển thơ Đợi anh về sẽ góp phần như là một chiếc cầu nối giữa văn học Nga và Văn học Việt Nam, góp phần củng cố tình hữu nghị bền chặt giữa hai nước Việt Nam và Liên bang Nga.

Nguồn: http://vanvn.net/thoi-su-van-hoc-nghe-thuat/ra-mat-tuyen-tho-chien-tranh-ve-quoc-1941-1945doi-anh-ve

Lê Thị Hồng Nhung đăng bài

Exit mobile version